Giá hồ tiêu liên tục tăng và giữ ở mức cao trong hơn 2 năm qua đưa cây tiêu lên vị trí “đầu bảng” trong ưu tiên phát triển của người nông dân. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh diện tích cây hồ tiêu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh và nguy cơ mất giá của sản phẩm này.
“Không cây gì hơn cây tiêu”
Gia đình ông Hà Cảnh Phán, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc đã quyết định chặt bỏ vườn chôm chôm để chuyển sang trồng tiêu
Sau nhiều năm gắn bó với cây chôm chôm, tháng 7 vừa qua, ông Hà Cảnh Phán, (ngụ ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) quyết định chặt bỏ hơn vườn chôm chôm của gia đình để chuyển sang trồng tiêu. Theo ông Phán, thu nhập từ chôm chôm cũng khá ổn định, tuy nhiên ở thời điểm này, nếu nói về hiệu quả kinh tế thì khó có cây trồng nào sánh được với cây tiêu.
Cách đó không xa, gia đình ông Nguyễn Chánh cũng đang bận rộn với gần chục người nhà đào hố để trồng cây nọc phục vụ cho việc trồng mới cây tiêu. Hiện tại, gia đình ông Chánh đã có gần 2 ha tiêu cho thu hoạch ổn định. Thời gian gần đây, do giá tiêu luôn ở mức cao nên gia đình ông quyết định trồng mới thêm tiêu trên diện tích đất vườn còn dư.
Không những vậy, trên điện tích tiêu đã cho thu hoạch ổn định, ông Chánh cũng tận dụng đào thêm hố trồng nọc tiêu để tận dụng diện tích trống. “Từ năm 2012 đến nay, giá tiêu liên tục tăng, hiện giá tiêu khoảng 200.000 đồng/kg, với mức giá này thì xét về thu nhập thì cây tiêu cho giá trị cao nhất nên gia đình quyết định tận dụng toàn bộ diện tích để trồng mới” , ông Chánh chia sẻ.
Các địa phương trọng điểm có thế mạnh về cây tiêu của tỉnh Đồng Nai như huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ thời gian qua diện tích hồ tiêu liên tục tăng nhanh do người dân đổ xô trồng.
Gia đình ông Nguyễn Chánh, ấp Thọ Lộc, xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc tận dụng lối đi giữ vườn tiêu đã cho thu hoạch để trồng thêm tiêu mới
Tại huyện Xuân Lộc, theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện, chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, diện tích hồ tiêu trên địa bàn huyện đã tăng hơn 300 ha đưa diện tích hồ tiêu của toàn huyện thời điểm hiện tại đạt hơn 2.800 ha.
“Theo quy hoạch phát triển cây hồ tiêu của huyện, đến năm 2020, Xuân Lộc sẽ phát triển khoảng 3.200 ha diện tích hồ tiêu, tuy nhiên do thời gian qua giá hồ tiêu liên tục tăng nên người dân tăng nhanh diện tích hồ tiêu. Hiện diện tích tiêu trồng mới của huyện đã đạt hơn 87% diện tích theo quy hoạch đến năm 2020”, bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc cho biết.
Trong khi đó, tại huyện Cẩm Mỹ, chỉ trong 2 năm từ 2013 đến nay, diện tích hồ tiêu của huyện cũng đã tăng hơn 800 ha, đạt con số hơn 4.500 ha hồ tiêu.
“Đánh cược” với cây tiêu
Hiện giá thu mua tiêu khô trên địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 200.000 đồng/kg, như vậy, với năng suất trung bình 1ha tiêu hiện cho thu khoảng 6 tấn tiêu khô. Mỗi vụ thu hoạch tiêu người nông dân có thu nhập khoảng 1,2 tỷ đồng/ha, trừ đi các chi phí, lợi nhuận mang lại từ cây hồ tiêu đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha.
Cây hồ tiêu đã làm thay đổi cuộc sống của người dân, nhiều hộ từ đói nghèo đã vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt cây hồ tiêu như hiện nay cũng làm gây ra không ít lo ngại về sự phát triển thiếu bền vững của cây hồ tiêu. Đặc biệt, cây hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi sự đầu tư lớn và đòi hỏi chế độ trồng và chăm sóc.
Cây hồ tiêu là cây trồng đòi hỏi sự đầu tư lớn và đòi hỏi chế độ trồng và chăm sóc
Ngoài ra, thời gian cho thu hoạch cũng khá dài, mất khoảng 3 năm trồng thì cây hồ tiêu mới cho thu hoạch. Hiện theo tính toán của người dân, mỗi ha tiêu trồng mới chỉ riêng cho phí mua cây nọc, giống cũng đã mất gần 30 triệu đồng, cộng với đó là chi phí về nhân công, phân bón. Ngoài ra, mỗi năm chi phí chăm sóc cho 1 ha tiêu cũng mất gần 100 triệu đồng. Trong khi đó, có một thực tế là hiện nay, nguồn cung cấp giống chủ yếu là do người dân tự cung, tự cấp hoặc mua lại của người quen thông qua kinh nghiệm của bản thân. Chính điều này khiến nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất dễ xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Xuân Lộc cho biết, diện tích hồ tiêu tăng vừa qua trên địa bàn huyện vẫn tập trung ở các vũng quy hoạch phát triển hồ tiêu của huyện theo cơ cấu chuyển đổi cây trồng của huyện. Tuy nhiên, do diện tích tăng quá nhanh nên phòng nông nghiệp huyện cũng đã khuyến cáo bà con nông dân thận trọng khi mở rộng diện tích. Đặc biệt, chỉ thực hiện chuyển đổi trên những vùng đất phù hợp với cây tiêu và chú ý khâu lựa chọn giống đảm bảo chất lượng.
“Để cây tiêu phát triển bền vững huyện Xuân Lộc cũng khuyến khích nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiêu sạch và an toàn nhằm mục đích phát triển bền vững và nâng cao giá trị”, bà Hiệp chia sẻ.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét