Thứ Bảy, 31 tháng 10, 2015

Lương chưa tăng, đại biểu đề nghị kéo giãn lộ trình tăng giá điện, xăng

Cho rằng với bối cảnh ngân sách khó khăn, hoãn tăng lương là thiệt thòi cho hàng triệu công chức, viên chức, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị, trong khi công chức, viên chức phải chia sẻ với Chính phủ thì việc điều hành các mặt hàng như điện, xăng…theo lộ trình thị trường cũng phải được kéo giãn.Về kế hoạch tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10, ý kiến của các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương.

Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3/2016.
Trước đó, hồi tháng 4/2015, Chính phủ mới chỉ thực hiện tăng lương đối với một số đối tượng ưu tiên có hệ số lương 2,34 trở xuống kể từ 1/1/2015. Mức lương tăng lên hàng tháng tương ứng với 8% hệ số lương theo ngạch, bậc, chức vụ, chức danh nhân với mức lương cơ sở là 1,15 triệu đồng/tháng.
Báo cáo Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện không có nguồn để tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức trong khu vực Nhà nước năm tới.
Việc 4 năm liên hoãn tăng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số 2,34 trở lên ảnh hưởng tới hàng triệu người.
Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (ảnh: Bích Diệp)
Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình (ảnh: Bích Diệp)
Trao đổi với phóng viên Dân Trí bên lề phiên họp Quốc hội chiều 30/10, ông Nguyễn Ngọc Phương (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) cho rằng, hoãn tăng lương sẽ thiệt thòi cho người lao động, cho công chức nhà nước.
Tuy nhiên theo ông Phương, trong bối cảnh nguồn thu ngân sách chưa có thì công chức cũng phải chia sẻ với nhà nước chứ không thể “đòi hỏi” thêm được.
“Theo tôi nghĩ, so với những thời kỳ trong chiến tranh thì đồng lương hiện nay còn sướng hơn rất nhiều lần! Chính vì thế, Nhà nước chưa tăng lương thì cũng chưa tới mức mà đẩy cán bộ công chức, người lao động vào những tình thế quá khó khăn, quá vất vả. Theo tôi thấy, cuộc sống thường ngày của cán bộ công chức vẫn đủ sống và chưa quá khó khăn”, vị đại biểu này cho hay.
Ông Phương cũng góp ý thêm rằng, “với bối cảnh chưa tăng lương được như hiện nay thì trong điều hành giá cả xăng dầu, điện nước theo thị trường cần phải kéo giãn, theo một lộ trình nhất định để đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân viên chức”.
Tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội mới đây, các đại biểu Quốc hội cũng đã tỏ rõ sự nôn nóng với sự chậm trễ của tiến độ tăng lương này.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Minh (TPHCM), lương không tăng tuy nhiên nhiều loại hàng hóa được điều hành theo cơ chế thị trường, nhiều khoản phí khác sẽ được chuyển sang cơ chế giá.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, hiện lương tối thiểu đã cao gấp 2 lần lương cơ sở từ 3 năm qua (1,15 triệu đồng/tháng). Do đó, nếu Chính phủ chưa quyết tăng thì phải có giải trình với Quốc hội.
Còn theo góp ý của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM), “muốn tăng lương phải cải tổ bộ máy, tinh giản biên chế”. Vị đại biểu này cũng cho rằng, với bộ máy như hiện nay thì “không có người dân nào nuôi nổi”.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2015, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách Trung ương lại hụt thu khoảng 31.000 tỷ đồng, nguyên nhân chính là do giá dầu giảm và do việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.



Gia nhập TPP: Nông nghiệp Việt giảm áp lực phụ thuộc thị trường truyền thống

 “Nếu Việt Nam gia nhập TPP, ngành nông nghiệp sẽ có rất nhiều thuận lợi để phát triển toàn diện. Đồng thời, chúng ta cũng được hưởng nhiều lợi thế khi hợp tác với những ngành nông nghiệp hàng đầu thế giới”, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Ngày 28/10, tại TPHCM đã diễn ra Hội Thảo “Tác động của TPP đối với nông nghiệp và lao động Việt Nam”. Đây được xem là cơ hội để các nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà chính sách có cái nhìn tổng thể hơn về cơ hội và thách thức của nông nghiệp và lao động trước thềm Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi gia nhập TPP
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho rằng nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều thuận lợi khi gia nhập TPP
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, khi TPP có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu được giảm thuế về 0%, hoặc còn duy trì ở mức thấp và có lộ trình giảm. Do đó, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh rất lớn so với các quốc gia xuất khẩu những mặt hàng nông sản cùng loại, nhưng lại không phải là thành viên của TPP, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như: thủy sản, đồ gỗ, cao su, điều, tiêu…
Đây sẽ là cơ hội tốt để Vệt Nam mở rộng thị trường nông nghiệp đến các quốc gia tiềm năng như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Singapore. Những thị trường này sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giảm áp lực phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống nhưng không ổn định. Bên cạnh đó, trong thị trường rộng lớn TPP, Việt Nam còn có thể điều chỉnh linh hoạt, tốt hơn cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu, hạn chế tình trạng được mùa mất giá”.
Ông Hà Công Tuấn nhìn nhận, khi gia nhập TPP Việt Nam cũng sẽ gặp nhiều thách thức vì nền nông nghiệp chủ yếu là sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình, xuất khẩu nông sản thô. Việc tham gia TPP không chỉ mang đến cơ hội giảm thuế quan cho riêng Việt Nam mà tất cả các đối tác. Điều này sẽ dẫn đến luồng hàng nhập khẩu nông sản hàng hóa từ các nước TPP vào nước ta sẽ tăng cao, tạo áp lực lớn cho sản xuất trong nước. Mặt khác, việc áp dụng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc trong TPP sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu nông sản Việt Nam”.
Không chỉ khó khăn về việc cạnh tranh sản phẩm, nguồn lao động hiện nay của Việt Nam cũng gặp phải những rào cản to lớn khi gia nhập TPP. Hầu hết trình độ nguồn nhân lực hiện nay của nước ta còn kém, khả năng đáp ứng chuẩn mực về lao động theo Tổ chức Lao động quốc tế chưa cao. Do đó, để gia nhập TPP thì lao động Việt Nam cũng cần phải được cải thiện. Trình độ, kỹ năng người lao động cũng sẽ được cải thiện tốt hơn trong môi trường cạnh tranh.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế - Luật TPHCM, Việt Nam cần chủ động hơn trong việc đẩy mạnh chất lượng nguồn lao động để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất khi TPP có tác động thúc đẩy xuất khẩu.
Ngoài ra, cũng cần bám sát các tiêu chuẩn, quy định về Lao động trong TPP để có những điều chỉnh cần thiết, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Cần sớm công bố rộng rãi những kiến thức cơ bản và các quy định của TPP cho người dân cũng như doanh nghiệp trong nước, nhất là tuyên truyền sâu, rộng những thách thức, thuận lợi, lộ trình giảm thuế, mở cửa của thị trường. Đặc biệt tập trung cao độ thực hiện chương trình tái cơ cấu nâng cao hiệu quả nông nghiệp, nâng năng lực cạnh tranh, phát triển chuỗi cung ứng nông sản.


Giá xăng có cơ hội giảm 500 - 600 đồng/lít

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối chia sẻ, trong lần điều chỉnh tới đây, ước tính giá xăng có khả năng giảm 500 - 600 đồng/lít, dầu giảm khoảng 300 - 400 đồng/lít.


(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).
Sáng nay 31/10, chia sẻ với phóng viên Dân trí, lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong nước cho hay, trong lần điều chỉnh giá xăng dầu tới đây (dự kiến vào ngày 3/11), giá xăng dầu dự kiến sẽ tiếp tục giảm nhẹ.
“Tính chung trong chu kỳ vừa qua, giá xăng dầu nhập khẩu giảm so với trước đó, trong đó có khoảng 7 ngày giá nhập giảm và 4 ngày giá tăng. Đến chiều hôm qua (30/10), ước tính giá xăng có khả năng giảm 500 - 600 đồng/lít, dầu giảm khoảng 300 - 400 đồng/lít”, lãnh đạo một doanh nghiệp phía Nam nói.
Vào lần điều chỉnh gần nhất vào ngày 19/10, giá xăng giảm khoảng 136 đồng/lít, xuống còn 18.003 đồng/lít trong khi giá dầu tăng từ 222 - 445 đồng/lít.
Mặc dù điều chỉnh giá xăng dầu được đánh giá là khá “khớp” với xu hướng giá nhập trên thế giới, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, giá xăng dầu khó giảm sâu do phải gánh nhiều thuế phí và chi phí, vốn chiếm quá nửa so với giá gốc nhập về.
Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm do Trung tâm Thương mại và Công nghiệp (VITIC) mới công bố cho thấy, giá xăng nhập khẩu, tính đến tháng 9/2015 đã giảm 40,29% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 38,78% so với 9 tháng năm 2014. Trong đó, giá xăng RON 92 nhập khẩu từ Singapore ở mức 495 USD/tấn, giảm 86 USD/tấn so với tháng trước và giảm tới 396 USD/tấn so với tháng 9/2014. RON 95 ở mức 598 USD/tấn, giảm tới 460 USD/tấn so với tháng 9/2014.
Trong khi đó, cùng thời điểm này, giá bán lẻ xăng trong nước đối với mặt hàng xăng RON 92 và RON 95 chỉ giảm tương ứng hơn 23%.
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, việc giá xăng dầu trong nước tăng hoặc giảm nhỏ giọt trong khi giá xăng dầu thế giới giảm mạnh đã "bất hợp lý một cách bình thường” với điều hành giá xăng dầu trong nước hiện nay.
Theo vị chuyên gia này, các doanh nghiệp xăng dầu đang lãi lớn và tích cực đẩy mạnh bán hàng qua đại lý. Doanh nghiệp bán được nhiều hàng, thu về nhiều tiền nên Quỹ bình ổn giá xăng dầu ở nhiều doanh nghiệp đã tăng lên, điển hình như Quỹ bình ổn của Petrolimex giữa hai lần điều hành giá xăng dầu (3/10 và 19/10) tăng tới 110 tỷ đồng (đạt 1.940 tỷ đồng).
Trao đổi về vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh nói ngắn gọn: “Giá xăng thế giới giảm không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường Việt Nam mà phải qua các biện pháp hành chính. Đó là điều chúng ta cần xem xét”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, dù khá khớp với xu hướng chung rồi nhưng mức giá lên xuống của giá xăng dầu vẫn không tương xứng với thế giới. 
“Nước mình, giá xăng dầu không hoàn toàn theo giá thế giới bởi ngân sách phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xăng dầu nên khi giá thế giới xuống mà các khoản thu tăng thì giá vẫn tăng thôi”, ông Phong nói.


Chính thức điều chỉnh cách tính thuế: Xe nhập lại có cơ hội tăng giá?

hưa kịp chờ thuế nhập khẩu giảm về 0% theo lộ trình các hiệp định thương mại tự do, xe ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ lại có “cơ hội” tăng giá nhờ đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt?



(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).
Chính thức thay đổi cách tính thuế
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, trong đó có quy định mới về giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo đó, Nghị định hướng dẫn chi tiết cách xác định giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt trong trường hợp cơ sở nhập khẩu, cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ bán hàng cho các cơ sở kinh doanh thương mại.
Cụ thể, đối với cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá vốn xe nhập khẩu bao gồm: Giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu.
Đối với cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Trường hợp giá bán của cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu và giá cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 24 chỗ thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá do cơ quan thuế ấn định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.
Liên quan tới chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô, cụ thể là cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đã vấp phải nhiều ý kiến tranh luận trái chiều kể từ khi dự thảo này được công bố hồi giữa năm nay. 
Theo Nghị định vừa được Chính phủ ký ban hành, giá tính thuế đối với xe nhập xác định trên giá bán ra của nhà nhập khẩu trong khi hiện nay đang tính dựa trên giá nhập khẩu (CIF) và thuế nhập khẩu.
Lo ngại giá xe nhập sẽ tăng?
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Mai từng lý giải, quy định mới này được đưa ra trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thuế nhập khẩu ô tô sẽ hạ dần và xuống 0% vào năm 2018 đối với ASEAN sẽ đảm bảo công bằng giữa nhà nhập khẩu , nhà sản xuất trong nước.
“Với các cam kết thuế tới đây, rõ ràng giá tính thuế đối với doanh nghiệp sản xuất là giá bán của nhà sản xuất, trong khi nhà nhập khẩu chỉ là giá nhập tới cửa khẩu chưa công bằng. Do đó, căn cứ vào luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất giá tính thuế là giá bán ra của nhà nhập khẩu bao gồm cả chi phí bán hàng”, bà Mai nói.
Thứ trưởng cũng khẳng định, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm các nước cho thấy: Một số nước đang áp dụng giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá buôn; một số áp giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cuối cùng, qua nhiều khâu thương mại; có một số ít các nước áp giá nhập khẩu trên giá CIF và thuế nhập khẩu.
“Hiện nay, một nước láng giềng của Việt Nam như Thái Lan cũng đang áp giá tính thuế là giá CIF nhưng cũng đang chuyển dần, dự kiến sẽ áp trên giá bán lẻ”, bà Mai nói.
Trước đó, các lãnh đạo từ Bộ Tài chính nhiều lần khẳng định, phương pháp giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới nhằm bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Đối với lo ngại phương án giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt mới sẽ khiến giá ô tô nhập khẩu đội lên 5 - 10%, thậm chí là 15 - 20% khiến giấc mơ ô tô giá rẻ ngày càng xa vời, một lãnh đạo Bộ Tài chính từng khẳng định: "Giá tăng nhiều hay ít, tất cả mới chỉ là phỏng đoán. Giá tăng hay không tăng phụ thuộc vào cơ chế thị trường, có lúc nhập về không bán được thì giá có hạ không hay bán bằng giá cũng chả bán được?”.
Theo vị này, nếu ô tô trong nước chất lượng tăng thêm thì rõ ràng là tự nhiên cạnh tranh trong nước tăng lên, giá giảm và người dân được lợi từ đó. "Không phải có kết cấu thuế một tí vào đấy thì giá tăng, có lúc không có thuế, giá vẫn tăng vù vù mà có khi có thuế giá vẫn có thể giảm”, ông nói.


Lãi suất huy động tăng cấp, lo giá vốn cao dịp cuối năm

Khảo sát thị trường ngân hàng chiều 30/10 cho thấy, một mặt bằng lãi suất huy động mới đang hình thành, với sự tham gia của nhiều ngân hàng và biên độ tăng lãi suất cũng mạnh hơn. Điều này dấy lên lo ngại lãi suất cho vay sẽ “té nước theo mưa”, khi người dân và doanh nghiệp cần vốn làm ăn dịp cuối năm.

Lãi suất huy động tăng cấp
Từ ngày 28/10, Ngân hàng Bản Việt (Viet Capital Bank) tiếp tục điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi với mức cộng thêm 0,2%/năm.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi thông thường, lĩnh lãi cuối kỳ, loại tiền VND được điều chỉnh tăng ở các kỳ hạn 3 tháng, 4 tháng và 5 tháng, với lãi suất mới là 5,4% (lãi suất cũ là 5,2%). Bên cạnh đó, sản phẩm tiền gửi kỳ hạn ngày, kỳ hạn 91 ngày cũng tăng lãi suất lên mức 5,4%/năm.
Đây là lần tăng lãi suất thứ hai trong vòng chưa đầy một tuần qua của ngân hàng này. Trước đó, ngày 21/10, Viet Capital Bank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn 7 tháng, 8 tháng, 9 tháng, 10 tháng và 11 tháng với mức tăng 0,2%/năm ở mỗi kỳ hạn.
Khảo sát thị trường sáng nay 30/10 cho thấy, không riêng ngân hàng trên, nhiều ngân hàng khác cũng tăng lãi suất. Theo biểu lãi suất mới cập nhật của DongA Bank, kể từ 28/10, lãi suất huy động 1 - 2 tháng của ngân hàng áp dụng ở mức 5%/năm, tăng tới 0,4%năm so với trước; 3 - 5 tháng ở mức 5,2%/năm, tức tăng 0,5% so với mức điều chỉnh trước đó; lãi suất các kỳ hạn 6 - 8 tháng có mức 6%/năm; riêng kỳ hạn 12 tháng áp dụng mức 7%/năm.
Đây là lần thứ hai, DongA Bank điều chỉnh tăng lãi suất huy động, kể từ sau khi bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt ngày 14/8. Trước đó, vào cuối tháng 9, ngân hàng này cũng điều chỉnh với mức tăng 0,4%/năm.


Thị trường ngân hàng đang hình thành một cuộc đua tăng lãi suất huy động mới (ảnh minh hoạ).
Thị trường ngân hàng đang hình thành một cuộc đua tăng lãi suất huy động mới (ảnh minh hoạ).

Hay như tại Ngân hàng Phương Đông, các kỳ hạn dài cũng được ngân hàng điều chỉnh tăng thêm 0,2%. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 12, 18 và 21 tháng đã tăng từ 6,6%/năm lên 6,8 %/năm, kỳ hạn 24 tháng lãi suất tăng 0,2 %/năm, từ 6,7 %/năm lên 6,9 %/năm.
Một số ngân hàng như: Sacombank, Techcombank, LienVietPostBank… cũng đã nâng lãi suất tiền gửi thêm từ 0,2 - 0,4%/năm. Không chỉ điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, kỳ hạn dài trên 12 tháng cũng được nhiều ngân hàng nhỏ áp dụng ở mức 7,3 - 7,4 %/năm, cao hơn các ngân hàng lớn khoảng 1%/năm.
Cùng với việc điều chỉnh tăng lãi suất huy động, nhiều ngân hàng còn rầm rộ tung ra thị trường nhiều chương trình khuyến mãi bằng cách tặng quà, tặng lãi suất, rút thăm trúng thưởng…
Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết, một số ngân hàng chủ động điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào để kích thích người dân gửi tiền, trong bối cảnh vốn đầu ra cho nền kinh tế sẽ tăng cao vào dịp cuối năm.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank, nguyên nhân của việc các ngân hàng nâng lãi suất huy động là do tăng trưởng tín dụng ấm lên, cùng với đó, tỷ giá trong quý III đã có sự biến động mạnh đã gây áp lực lên lãi suất.
Lãi suất cho vay khó giảm
Lãi suất huy động được các ngân hàng điều chỉnh tăng là tín hiệu mừng đối với người dân có dòng tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, nó lại là nỗi no của người đi vay vốn, của các doanh nghiệp cần tiền để sản xuất, kinh doanh dịp cuối năm.
Trong một bản đánh giá về việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động, Công ty Chứng khoán TPHCM (HSC) cho biết, lãi suất cho vay sẽ không giảm thêm nhiều hơn nữa khi lãi suất huy động tại một số ngân hàng vẫn tăng.
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước cung cấp cho thấy, lãi suất cho vay bằng VND tiếp tục ổn định. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Trong tháng 7, lãi suất cho vay bình quân giảm 0,15% xuống còn 9,55% so với 9,7% trong tháng 7. Mức lãi suất này cũng đã giảm 0,49% tính từ đầu năm đến nay, giảm từ mức 10,04% được công bố vào cuối tháng 12/2014). Và đây là mức lãi suất cho vay thấp nhất trong chu kì hiện nay.
Trong bối cảnh đó, TS.Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm thêm 2% lãi suất kể từ năm tới. "Hiện nay, mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp lớn nhất là vấn đề lãi suất, có thể giảm lãi suất xuống được không?", TS. Trần Du Lịch kiến nghị.
“Với lạm phát dưới 2% mà phải vay trung dài dạn 9 - 10% thì liệu có thể giảm khoảng 2%, xuống 7% được không? Lãi suất này tùy thuộc tình hình thực tế, vào sự cạnh tranh giữa ngân sách với thị trường. Năm 2016 sẽ phát hành 60.000 tỷ trái phiếu còn lại trong gói 170.000 tỷ thì liệu có thể giảm lượng phát hành để giảm nợ công?”, TS.Trần Du Lịch đặt câu hỏi.


 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons