Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

Làm sao thực hiện giấc mơ 'cường quốc hoa'?

Việt Nam có đầy đủ lợi thế để trở thành một “cường quốc hoa” trên thế giới. Nhưng đáng buồn, ngành sản xuất và xuất khẩu hoa vẫn đang thiếu cơ chế để bứt phá.
Hoa lan tại Hội chợ hoa Tết Hà Nội.Hoa lan tại Hội chợ hoa Tết Hà Nội.
Tiềm năng
Khi mới bắt tay vào sản xuất lan hồ điệp, một loại lan rất được thị trường ưa chuộng hiện nay, gia đình chị Đỗ Thị Mơ (xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) gặp rất nhiều khó khăn. Đầu tiên là vấn đề đất đai, giống, vốn, thị trường… nhìn đâu cũng thấy vướng. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, những chậu lan đã bắt đầu mang lại cho chị niềm tin mới. “Đầu tiên chúng tôi đầu tư khoảng hơn 1 tỷ đồng để xây dựng một khu vực trồng, chăm sóc lan với diện tích hơn 1 nghìn mét vuông. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 5 năm, gia đình tôi đã có thu nhập kha khá từ vườn lan này. Trong dịp Tết nguyên đán này chúng tôi dự kiến cung cấp khoảng 2 vạn chậu lan cho thị trường Bắc Ninh, Hà Nội và một số tỉnh khác như Hải Dương, Bắc Giang. Ước tính doanh thu mỗi năm từ hoa lan đạt khoảng 300-400 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ và 2 lao động thường xuyên”, chị Mơ cho biết.
Tại thôn Mãn Xã Tây, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, mô hình trồng hoa ly của anh Nguyễn Hữu Trường đang được coi là mô hình trồng hoa ly có diện tích lớn nhất tỉnh Bắc Ninh. Anh Trường cho biết, anh đã sang tận Trung Quốc để tham quan, học tập kinh nghiệm và mời 2 chuyên gia về tư vấn. Đồng thời anh đầu tư hơn 2,6 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới, mua củ giống… Song thị trường hiện nay khá rộng mở với mức tiêu thụ khoảng 200 cây/ngày, từ vườn hoa ly đã cho anh thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.
Đối với ông Nguyễn Văn Điền (thôn Yên Phúc, xã Ninh Phúc, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), trước đây chỉ trồng các loại hoa truyền thống như cúc, dơn, đồng tiền… Tuy nhiên năm 2011, ông đã mạnh dạn trồng thử nghiệm hơn 5.000 củ ly giống Sorbonne, hoa thu đúng vào dịp Tết với giá bán buôn là khoảng 35-40 nghìn đồng/cây, lợi nhuận riêng vụ đó gia đình ông đạt khoảng 70 triệu đồng. Năm nay, ông cũng đã quyết định mở rộng diện tích để trồng 11 vạn củ ly để phục vụ Tết Bính Thân.
Siêu lợi nhuận
Theo đánh giá của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), kết quả điều tra nhu cầu thị trường hoa, cây cảnh Việt Nam cho thấy, giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng khoảng trên 11%. Mức độ tiêu dùng hoa cây cảnh trung bình của người dân đô thị năm 2000 mới chỉ là 25 nghìn đồng/người/năm thì đến năm 2014 là hơn 130 nghìn đồng/năm. Đối với người dân nông thôn, mức tiêu dùng tương ứng chỉ bằng 20% so với đô thị, mức tăng bình quân về cầu là khoảng 15%. Cùng đó, diện tích hoa, cây cảnh trong cả nước cũng được mở rộng và hiện có khoảng hơn 34 nghìn hécta đất nông nghiệp đang được dùng trồng hoa và cây cảnh. Thu nhập bình quân từ trồng hoa, cây cảnh cũng đang là một chỉ tiêu mơ ước của ngành nông nghiệp với khoảng 285 triệu đồng/ha, so với canh tác toàn ngành trồng trọt thì đã gấp khoảng 3,5 lần và không hiếm những mô hình cho thu nhập đến hàng tỷ đồng/ha/năm.
GS. TS Nguyễn Quang Thạch, Viện sinh học Nông nghiệp (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng: Ngành hoa là ngành siêu lợi nhuận, nếu như hiệu quả của các cây nông nghiệp, công nghiệp có thể tính trên hécta, còn riêng với hoa nông dân có thể tính hiệu quả trên từng mét vuông. Đơn cử như cây hoa đồng tiền tại Tây Tựu (Hà Nội), mỗi mét vuông có thể trồng 8 cây, thu được khoảng 12 cành/năm, thu lãi khoảng 200 đồng/cành thì mỗi năm cũng đạt khoảng 240 triệu đồng/ha. Hầu hết các vùng, hộ sau khi chuyển đổi nông nghiệp theo hướng trồng hoa đều trở thành những vùng kinh tế phát triển. Ví dụ như tại Lâm Đồng hiện đang có khoảng 10 nghìn ha có thu nhập từ 200 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/năm đều tập trung ở vùng sản xuất hoa Đà Lạt. Tại xã trồng hoa Xuân Quan (tỉnh Hưng Yên), trong 3 năm trở lại đây không có người sản xuất kinh doanh nào bị thua lỗ, tổng thu nhập từ sản xuất hoa của Xuân Quan trong vụ hoa Tết 2015 ước đạt trên 100 tỷ đồng, nhiều hộ gia đình trồng hoa có mức thu nhập khoảng 1,5 đến 2 tỷ đồng/năm.
Sao chưa thành “cường quốc hoa”?
Đây là câu hỏi được đưa ra tại Diễn đàn “Liên kết nghiên cứu, sản xuất hoa, cây cảnh theo chuỗi giá trị” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Hà Nội. Rõ ràng, Việt Nam đang có đủ các điều kiện để trở thành một cường quốc hoa: thị trường, đất trồng và điều kiện sinh thái phù hợp, cơ sở vật chất và công nghệ tiên tiến. Đặc biệt, theo GS Nguyễn Quốc Vọng, nguyên Giám đốc Trung tâm phát triển quốc tế, Học viện Nông nghiệp thì Mộc Châu và Lâm Đồng là những “nhà kính khổng lồ” trời cho. Việt Nam cũng có diện tích trồng hoa khá lớn, tương đương với Tây Ban Nha, quốc gia đứng thứ 5 châu Âu về lĩnh vực này, tuy nhiên giá trị xuất khẩu các mặt hàng hoa hầu như không đáng kể. Hiện nay, Đà Lạt được coi là xứ sở hoa của Việt Nam nhưng cũng chỉ có khoảng 20% đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Mổ xẻ vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam chưa phát triển ổn định và bền vững ngành hàng hoa theo cách tiếp cận chuỗi giá trị, chưa sản xuất theo yêu cầu thị trường. Nhà nước chưa coi hoa là sản phẩm chủ lực, chưa có các chính sách quan tâm đầu tư thỏa đáng cho ngành trồng hoa, thiếu vốn đầu tư hạ tầng, chính sách thuế chưa hấp dẫn người trồng hoa, thiếu công nghệ sản xuất tiên tiến… Giải quyết được những vấn đề này, giấc mơ đưa nước ta trở thành một “cường quốc hoa” sẽ không còn xa!





Đẩy mạnh cho vay cá nhân, coi chừng nợ xấu

Dư nợ tín dụng tiêu dùng cũng tăng cao trong những năm gần đây, và theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nợ xấu lĩnh vực này cũng cao. Đáng chú ý là ở các công ty tài chính đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nợ xấu chiếm tỷ lệ đáng kể.

Đẩy mạnh cho vay cá nhân, coi chừng nợ xấu

Theo NHNN, dư nợ cho vay tiêu dùng hiện chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng cả nước. Trong khi đó, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ có khoảng 20% dân số Việt Nam (khoảng gần 20 triệu người) có tài khoản ngân hàng. Như vậy, có thể thấy, dư địa để phát triển mảng tài chính tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM, việc phát triển tín dụng tiêu dùng là hiệu quả về mặt xã hội, quy định trả góp hàng tháng sẽ giảm gánh nặng trả nợ cho người tiêu dùng. Chính vì vậy, chương trình đang được đánh giá tốt trong giai đoạn hiện nay, kích thích tiêu dùng, đặc biệt là giúp đối tượng thu nhập trung bình và thấp có điều kiện tiếp cận.
Số liệu đưa ra từ ông Minh, cuối năm 2010, ở TP. HCM, cho vay tiêu dùng, kể cả cho vay mua nhà chiếm 2,3% tổng dư nợ (khoảng 16.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến cuối năm 2015, cho vay tiêu dùng tăng lên 90.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,8% tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM.
Trong đó, các công ty tài chính chiếm thị phần đáng kể, trên dưới 20% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng. Nợ xấu cả hệ thống tín dụng ở TP. HCM vẫn đảm bảo tốt, dưới 2% tính đến cuối năm 2015, nhưng nợ xấu của công ty tài chính còn hơi cao.
Cụ thể, nếu không tính 3 ngân hàng 0 đồng (OceanBank, CB, GBank), nợ xấu cả hệ thống tín dụng ở TP. HCM ở mức 2,02%. Tính riêng khối công ty tài chính thì nợ xấu chiếm khoảng 2,4 - 2,5%.
Cũng theo ông Minh, rủi ro trong cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính sẽ cao hơn các tổ chức tín dụng khác, bởi đối tượng khách hàng thường nhỏ, nhiều khi bị các tổ chức tín dụng khác chê. Bởi vậy, thời gian qua, NHNN đã kiên trì phối hợp quản lý để kiểm tra, kiểm soát nợ xấu của khối công ty này.
Thực tế cho thấy, tín dụng tiêu dùng phát triển khá mạnh tại Việt Nam trong những năm qua khi nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao. Đáng chú ý là khi thị trường bùng nổ các sản phẩm công nghệ hiện đại. Các nhà sản xuất - kinh doanh cũng nhanh chóng liên kết với công ty tài chính để đẩy mạnh cho vay mua sản phẩm, tăng doanh thu. Nhiều chương trình cho vay mua hàng lãi suất 0% của các công ty tài chính đã ra đời.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định, tiềm năng để phát triển tín dụng tiêu dùng còn lớn. Việt Nam với quy mô dân số 93 triệu người, cơ cấu dân số trẻ, mức sống ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu vay và trang trải chi phí cho gia đình, vay tiền du học... Nhờ đó, các công ty tài chính phát triển mạnh, với sự tham gia của nhiều công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, TS. Hiếu cũng đưa ra thắc mắc, các công ty tài chính không thể huy động vốn từ dân cư mà chỉ có thể vay mượn từ tập đoàn mẹ hoặc ngân hàng để cho vay lại người tiêu dùng thì việc cho vay ra lãi suất 0% liệu có phải chiêu trò để thu hút người tiêu dùng hay không? Bởi trên thực tế, lãi suất cho vay của các công ty tài chính thường áp dụng mức khá cao 40%/năm, thậm chí còn cao hơn để hạn chế rủi ro nợ xấu.
Rủi ro nợ xấu của loại hình tín dụng tiêu dùng được các công ty tài chính triển khai là điều khó tránh khi không cần tài sản thế chấp, thời gian giải ngân khá nhanh gọn, chỉ trong vòng 15 - 20 phút. Như vậy, nếu không quản trị được rủi ro và quản lý được khách hàng thì nợ xấu tăng là điều khó tránh.
Hiện quy định về tỷ lệ rủi ro đối với các công ty tài chính có phần cao hơn ngân hàng, song theo nhận định từ các chuyên gia tiền tệ, nếu các tổ chức tài chính không thận trọng trong cho vay, nợ xấu gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến hệ thống.
Một chuyên gia tài chính đánh giá, việc trích lập dự phòng rủi ro của các công ty tài chính cũng không rõ ràng như ngân hàng, đồng thời các công ty tài chính cũng không thể bán nợ xấu cho VAMC. Vì vậy, nếu không có sự quản trị và kiểm soát rủi ro nợ xấu thì hậu quả sẽ khó lường.
Cũng theo vị chuyên gia trên, không chỉ với công ty tài chính, mà ngay cả ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà, tiêu dùng trong thời gian tới cũng phải kiểm soát chặt các khoản vay để tránh nguy cơ nợ xấu tái tăng cao.



20 năm nữa Việt Nam ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?

Dù đã có những thành tựu kinh tế ngoạn mục, nhưng Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa so với các nước có trình độ phát triển cao hơn. Mặt khác, các quốc gia vốn đi sau Việt Nam như Lào, Campuchia… lại đang có những bước tiến mạnh mẽ. Vậy 20 năm nữa, Việt Nam có đủ sức vươn lên nấc thang kinh tế cao hơn?
Mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục tụt giảm từ cuối những năm 90 đến nay. (Ảnh: L.BẰNG)
Thực tế thua kém
Ngày 22-1-2016, tại Đại hội Đảng XII, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XI đã có một bài tham luận gây tiếng vang về vấn đề "Đẩy mạnh cải cách thể chế, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”.
Trong bài tham luận này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã thẳng thắn chỉ ra tình trạng tụt hậu của đất nước so với những quốc gia khác có cùng xuất phát điểm như Việt Nam. “Có lẽ ít ai biết rằng đầu thế kỷ 19, năm 1820, Việt Nam đã có vị thế đáng nể trong khu vực về dân số và cả quy mô kinh tế, lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại, gấp hơn 1,5 lần Thái Lan, thu nhập bình quân đầu người khi đó xấp xỉ bình quân đầu người thế giới. Còn hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của ta chỉ bằng chưa đến 1/5 mức trung bình của thế giới, bằng 1/3 Thái Lan” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu ra những con số rất đáng phải suy ngẫm.
Dù lưu ý rằng “mọi so sánh đều là khập khiễng”, nhưng Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng chỉ ra thực tế: Chúng ta cũng đã có 40 năm sống trong hòa bình, độc lập, 30 năm Đổi mới. Đây là quãng thời gian dài tương đương để các quốc gia (và vùng lãnh thổ) lân cận như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) đưa nước mình từ nông nghiệp, nghèo nàn, lạc hậu trở thành quốc gia phát triển.
Những phát biểu của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thực ra không mới. Hiện trạng thua kém của đất nước so với nhiều quốc gia khác có cùng vạch xuất phát với Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu, phân tích kinh tế trong và ngoài nước chỉ ra ở rất nhiều hội thảo, hội nghị, tọa đàm.
GS.TSKH Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng: Khi Việt Nam tăng trưởng ở quy mô rất thấp thì thế giới tuy có tốc độ chậm hơn, nhưng quy mô lớn hơn, nên khoảng cách vẫn doãng ra. Năm 1990, khoảng cách về GDP bình quân đầu người tính bằng USD của Việt Nam so với thế giới là 4.000 USD thì năm 2014 khoảng cách tăng gấp đôi là 8.000 USD, dù GDP bình quân của Việt Nam đã tăng lên 2.000 USD, vì GDP bình quân của thế giới đã vượt 10.000 USD. Điều đó cũng có nghĩa là “sức mạnh kinh tế” của quốc gia không được cải thiện dù dân số đã tăng nhanh gần 2 lần. Đó là chưa kể đến các khía cạnh tụt hậu về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, khoa học công nghệ, thể chế… còn khó khăn không nhỏ khi thế giới ngày càng hội nhập sâu, nguồn cân đối tài chính lại có hạn.
Mấu chốt nằm ở năng suất lao động
Thực tế, sau 30 năm Đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Theo các chuyên gia, thành tựu đạt được là do chúng ta đã chú ý đổi mới thể chế. Việc thừa nhận và vận hành nền kinh tế hàng hóa, rồi chuyển sang các nguyên tắc thị trường (quy luật giá trị, quan hệ cung cầu, cạnh tranh,…) là một bước tiến theo xu hướng chung của thời đại.  Tuân thủ các nguyên tắc thị trường dẫn đến sự định nghĩa lại các chủ thể trong nền kinh tế, trong xã hội, xác định lại các quan hệ giữa các chủ thể và từ đó có những cải cách cần thiết về thiết chế nhà nước đã tạo ra động lực, giải phóng các nguồn lực bị kìm hãm như đất đai, vốn và nguồn lao động, tạo ra sự tăng trưởng đáng kể của nền kinh tế và có những thay đổi nhất định về chính trị, văn hóa, xã hội.
Giai đoạn hiện nay, Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, tạo ra lực đẩy mới cho sự phát triển kinh tế. Do đó, đòi hỏi một thể chế phù hợp với tình hình mới là đòi hỏi tất yếu của thời đại. “Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Ta chấp nhận hội nhập tức là chấp nhận cạnh tranh. Nâng cao năng lực cạnh tranh là đòi hỏi sống còn” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.
Vậy đến năm 2035, tức sau 2 thập niên kể từ bây giờ và 50 năm sau Đổi mới, Việt Nam sẽ nằm ở đâu trên bản đồ kinh tế thế giới?
Theo nghiên cứu của TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP/đầu người với mức 6% trong giai đoạn 2015-2020 (tương đương với mức bình quân giai đoạn 2000-2011) và sau đó đạt bình quân 8% cho thời gian còn lại. Kết quả chỉ ra rằng, đến 2035, mức độ thịnh vượng trung bình của người Việt Nam vẫn còn thua xa Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, chỉ bằng gần một nửa của Nhật Bản và 1/3 so với Singapore vào thời điểm năm 2011. Coi những giả định về tăng trưởng GDP/đầu người như trên là hợp lý, tính từ năm 2015, Việt Nam phải mất lần lượt 10, 12 và 17 năm nữa để vượt qua mức Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia đã đạt được ở năm 2011.
“Nói cách khác, sau 30 năm Đổi mới, dù nhìn ở khía cạnh nào thì Việt Nam vẫn đang cách rất xa so với các nước đi trước. Nếu trong 2 thập kỷ tới, Việt Nam không có những yếu tố đột phá vượt trội thì cục diện này sẽ chẳng có gì thay đổi” – TS Trần Đình Thiên cảnh báo.
Nghiên cứu của ông Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy: 20 năm qua kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 5,7%/năm, cao thứ hai thế giới. Nếu Việt Nam muốn bắt kịp những nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan thì cần duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 9%/năm trong 20 năm tới. Nếu chỉ tăng trưởng trung bình 5-6%/năm, Việt Nam sẽ nằm trong bẫy thu nhập trung bình.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng: Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao, ổn định và liên tục trong 20 năm tới, với mức tăng thu nhập bình quân đầu người 7%/năm - tương đương tăng trưởng GDP 8%/năm, để đến năm 2035 đạt thu nhập bình quân đầu người 15.000-18.000 USD. Để đạt mục tiêu này, con đường duy nhất là phải tăng năng suất lao động. Bởi thực tế, mức tăng năng suất lao động của Việt Nam đã liên tục tụt giảm từ cuối những năm 90 đến nay khiến hiện tại ở mức rất thấp so với các quốc gia trong khu vực. Đặc biệt, năng suất lao động ngay trong khu vực tư nhân cũng liên tục tụt giảm, ở mức rất thấp.



"Cơn lốc" hàng Thái Lan

Các nhà đầu tư đến từ Thái Lan đang có hàng loạt bước tiến mạnh mẽ, bài bản để xâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam.
Đó là các Hội chợ hàng tiêu dùng Thái Lan hàng năm đều đặn được tổ chức, thu hút rất đông người tiêu dùng; Chuỗi hàng tiện dụng chuyên hàng Thái với các thương hiệu quen thuộc đã ăn sâu vào thói quen tiêu dùng của người Việt Nam với chất lượng ổn định, cao cấp hơn hàng Trung Quốc, giá cả hợp lý... và giờ là các hoạt động "thâu tóm" các thương hiệu bán lẻ ăn sâu vào thói quen mua sắm của người Việt.
Thông tin trên nhiều tờ báo cho biết, mới đây, Tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú giàu thứ hai Thái Lan - Charoen Sirivadhanabhakdi - tuyên bố muốn mua lại thương hiệu Big C. Tập đoàn này cũng vừa công bố chi gần 880 triệu USD mua lại hệ thống 19 cửa hàng bán buôn và các danh mục đầu tư bất động sản liên quan thuộc Metro Cash & Carry Việt Nam.
Nếu  mọi việc “xuôi chèo mát mái” thì nhà đầu tư lớn đến từ Thái Lan này sẽ nắm trong tay hai hệ thống bán lẻ lớn bậc nhất và có lịch sử nhiều năm kinh doanh tại Việt Nam.
Trước đó, Power Buy - đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan Chirathivat - đã mua 49% cổ phần của Công ty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) - đơn vị sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim. Doanh nghiệp này chính là chủ của chuỗi siêu thị Robins tại Việt Nam với mục tiêu phân phối hàng Thái tại Hà Nội và TP HCM. 
Sự "đổ bộ" nhanh, mạnh của các nhà đầu tư Thái Lan trong lĩnh vực bán lẻ này rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hàng Việt.
Với lợi thế về địa lý cùng những chính sách cởi mở về thuế quan của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), hàng hóa có chất lượng tốt, lại có trong tay những thương hiệu bán lẻ rất lớn và có lịch sử lâu năm tại Việt Nam, có hệ thống phân phối trải dài khắp đất nước, rõ ràng hàng Thái có nhiều, rất nhiều lợi thế tại Việt Nam.
Ai cũng hiểu, trong kinh doanh, ai nắm được hệ thống phân phối, người ấy thắng. Nếu có trong tay hệ thống bán lẻ lớn như vậy xu thế hàng Việt sẽ bị đẩy lùi, vắng bóng trên các các kệ hàng trong các siêu thị để nhường chỗ cho hàng Thái là điều không thể tránh khỏi.
Thay vì vận động "Người Việt dùng hàng Việt", thiết nghĩ không chỉ doanh nghiệp, mà các nhà quản lý còn cần phải tính đến các giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn để hàng Việt có thể cạnh tranh được đối thủ mạnh Thái Lan này.



Những "mánh" mua đồ giảm giá dịp cuối năm bạn cần biết

1. Lên kế hoạch mua những món đồ cần thiết
Trước khi "lao mình" vào những cửa hàng quần áo sale off, bạn hãy lên danh sách những món đồ mình đang thiếu và thật sự cần thiết. Nếu ngân sách eo hẹp, hãy đánh số thứ tự ưu tiên và cân nhắc lại một lần nữa. Sau đó, chỉ đi mua những thứ có trong danh sách.
2. Mua đồ thông minh
Những "mánh" mua đồ giảm giá dịp cuối năm bạn cần biết
Khi đứng trước một món đồ, bạn hãy nghĩ, món đồ này mình có thể mặc vào dịp nào? Sử dụng được lâu dài hay không? Bạn cũng không nên mua những món đồ theo mốt, chỉ diện được một mùa vì rất có thể năm sau, bạn sẽ phải "xếp xó" vì không còn hợp thời nữa.
3. Đi mua cùng bạn bè
Nếu đi một mình, bạn sẽ dễ bị phân vân và "tặc lưỡi" mua một món đồ không thực sự cần thiết chỉ bởi lời "dụ dỗ" của các nhân viên bán hàng. Vậy nên, hãy lôi một cô bạn thân có gu thẩm mỹ đi cùng, họ sẽ  cho bạn, ngoài ra, họ cũng sẽ ngăn cản bạn không mua những thứ vô bổ hoặc trả giá dùm bạn.
4. Khảo giá
Những "mánh" mua đồ giảm giá dịp cuối năm bạn cần biết
Để tránh tình trạng bị "hớ", hãy đi tham khảo thị trường trước khi mua đồ. Rất nhiều cửa hàng đẩy giá lên cao trước khi sale off, vậy nên bạn hãy khảo giá tại 2-3 nơi để có được mức giá tốt nhất. Bạn cũng nên chú ý cả các chương trình khuyến mãi, quà tặng và hậu mãi kèm theo, có thể giá cả ngang nhau nhưng nơi này chế độ hậu mãi sẽ tốt hơn nơi kia.



Năm 2016 nguồn cung văn phòng tại TP HCM sẽ tăng

Theo thông tin Savills Việt Nam vừa báo cáo, năm 2015 sẽ có 6 dự án được tung ra thị trường khiến nguồn cung văn phòng sẽ tăng khoảng 4%.

Cụ thể theo số liệu của Savills Việt Nam đã đưa ra, quý IV năm 2015 chỉ số hoạt động văn phòng tại TPHCM tăng 1 điểm theo quý nhưng đã tăng 6 điểm theo năm. Điều này đã đánh giá được mức tăng trưởng khá cao so với năm 2014.
Số liệu được đưa ra chi tiết, trong quý IV năm 2015 mặc dù tổng lượng văn phòng có giảm 5% theo quý nhưng nếu so với năm 2014 đã tăng 264%. Tổng lượng văn phòng đã đạt 60 nghìn m2.
Năm 2016 TPHCM sẽ có thêm 6 dự án 71.000m2 sẽ được tung ra thị trường (Ảnh minh họa).
Năm 2016 TPHCM sẽ có thêm 6 dự án 71.000m2 sẽ được tung ra thị trường (Ảnh minh họa).
Lượng tiêu thụ trong khoảng thời gian này chủ yếu tập chung vào hạng B và hạng C, hạng A có lượng tiêu thụ giảm.
Thị trường văn phòng đã và đang cải thiện dần theo năm nên công suất thuê đã đạt mức cao nhất trong vòng 5 năm qua, đạt 94%, tăng 4 điểm phần trăm và giá thuê tăng 3%.
Khu vực trung tâm tăng 1 điểm theo quý và 5 điểm theo năm, nhờ công suất thuê tăng 3 điểm phần trăm và giá thuê tăng 2% so với năm trước.
Chỉ số khu ngoài trung tâm tăng 3 điểm theo quý và 7 điểm theo năm, chủ yếu do mức tăng 3 điểm phần trăm theo quý và theo năm của giá thuê trung bình.
Theo thống kê số liệu này cho thấy, thị trường văn phòng cho thuê đang có sự phục hồi. Hứa hẹn năm 2016 sẽ có sự tăng trưởng cao hơn nữa.



Doanh nghiệp Việt chỉ tận dụng được 30% lợi ích từ các FTA

Quan trọng hơn, đa phần các doanh nghiệp FDI chuyên xuất khẩu lại là khu vực được hưởng lợi ích nhiều nhất từ các FTA.

Doanh nghiệp Việt chỉ tận dụng được 30% lợi ích từ các FTA
Phát biểu tại hội thảo “Hiệp định TPP – Những điều doanh nghiệp cần biết” do Trung tâm WTO tổ chức sáng 29/1 tại Hà Nội, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có TPP, sẽ tác động mạnh mẽ tới toàn bộ thể chế kinh tế cũng như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Còn theo Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, qua thực tiễn triển khai nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết giữa Việt Nam với các quốc gia và các liên minh kinh tế quốc tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tận dụng được 30% lợi ích mang lại từ việc thực thi các cam kết quốc tế.
“Quan trọng hơn, đa phần các doanh nghiệp FDI chuyên xuất khẩu lại là khu vực được hưởng lợi ích nhiều nhất từ các FTA” – bà Lan nhận định.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, tạo điều kiện để các doanh nghiệp nội địa phát huy lợi thế, đồng thời tăng tỷ lệ hưởng lợi từ các FTA, thì chính từng doanh nghiệp cần tăng cường sự chủ động và tích cực nắm vững kiến thức, thông tin về nguyên tắc mở cửa thị trường đối với hàng hóa, chính sách cạnh tranh và các quy định về minh bạch, chống tham nhũng hay giải quyết tranh chấp.
Các doanh nghiệp cần hiểu và thực thi tốt các cam kết về chất lượng dịch vụ và đầu tư, về xuất xứ đối với hàng hóa, về sở hữu trí tuệ, về lao động và môi trường, các quy định về mua sắm công và doanh nghiệp Nhà nước, cũng như các biện pháp về phòng vệ thương mại.
Với tư cách là một thành viên trong đoàn đàm phán TPP của Việt Nam, bà Nguyễn Quỳnh Nga - Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định bước đi để nhanh chóng gia nhập thị trường. Tất nhiên, ban đầu doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều thách thức và không thể tránh khỏi những va chạm.
Song với những nỗ lực giảm chi phí trong sản xuất, giảm chi phí do được đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thích nghi với diễn biến và tình hình của hội nhập. Sự chủ động sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Cũng tại hội thảo, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, để thay đổi tình thế và giúp tăng tỷ lệ doanh nghiệp nội địa hưởng lợi nhiều hơn từ hội nhập kinh tế, doanh nghiệp cần luôn nhìn vào lợi thế so sánh của chính mình, thay vì “phát hoảng” trước lợi thế tuyệt đối của đối thủ.
“Bất kỳ ai, ở đâu và lúc nào, sự tự tin và khả năng phát huy lợi thế cá nhân, lợi thế so sánh chính là bước chuẩn để doanh nghiệp vươn lên và giành vị thế trên sân chơi hội nhập, cũng như sẵn sàng cạnh tranh" – ông Thành nhấn mạnh.



Giá thuê mặt bằng phía Nam Sài Gòn bằng một nửa khu trung tâm


Văn phòng, mặt bằng thương mại tại quận 7 có giá thuê rẻ hơn quận 1 đang tạo động lực thúc đẩy các tập đoàn, nhà bán lẻ mở rộng sự hiện diện về khu Nam Sài Gòn, theo CBRE Việt Nam.

 Báo cáo mới nhất của đơn vị này cho biết, các thương hiệu hàng đầu đang có xu hướng chuyển địa điểm văn phòng từ trung tâm thành phố về khu vực quận 7. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến cuộc dịch chuyển của các thương hiệu về phía Nam thành phố.

Thứ nhất, giá thuê rẻ. Tại quận 1, 3 (khu trung tâm) giá thuê văn phòng khoảng 30-35 USD một m2 mỗi tháng, chưa bao gồm phí và thuế giá trị gia tăng, thì ở ngay đô thị Phú Mỹ Hưng giá thuê chỉ từ 12-14 USD.

Tương tự, giá mặt bằng bán lẻ tại khu trung tâm hành chính thành phố dao động trong khoảng 70-100 USD mỗi m2 một tháng chưa bao gồm phí và thuế, trong khi quận 7 chỉ ở mức 45 USD.

 Thứ hai, môi trường làm việc tốt, hạ tầng khá đồng bộ, kết nối về các hướng: Đông, Tây và khu trung tâm cũng như kết nối liên vùng thông suốt.

Thứ ba, cộng đồng dân cư trung lưu tại khu Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, hình thành một trung tâm mới sôi động không thua kém các khu mua sắm truyền thống trước đó.

Đơn vị này dự báo, với những lợi thế đang có, văn phòng và mặt bằng bán lẻ tại khu Nam TP HCM đủ sức lôi kéo các thương hiệu lớn dịch chuyển về đây trong thời gian tới. Ngoài ra, thị trường nhà ở bán tại quận 7 cũng có tỷ lệ bán thành công rất cao, đạt 90-95% đang thu hút cư dân sinh sống ngày càng nhiều, là nguồn cầu đầy tiềm năng cho các hoạt động mua sắm, thương mại.

CBRE nhận định, khu trung tâm tất nhiên không thể thay thế, nhưng các khu vực ngoài trung tâm, đặc biệt là khu Nam đang có lợi thế cạnh tranh lớn, đặc biệt về giá và môi trường sống ở phân khúc: văn phòng, mặt bằng bán lẻ và cả nhà ở trong tương lai.





Hàng loạt đại gia bán lẻ thế giới muốn mua lại Big C Việt Nam

Sau Berli Jucker và Central Group của Thái Lan, giờ đây, cuộc đua sở hữu Big C Việt Nam có thêm sự góp mặt của Lotte và Dairy Farm.

Hàng loạt đại gia bán lẻ thế giới muốn mua lại Big C Việt Nam

Nguồn tin của Reuters cho hay, vừa có thêm Tập đoàn Dairy Farm (Singapore) và Lotte Shopping (Hàn Quốc) tham gia cuộc đua sở hữu hệ thống Big C tại Thái Lan và Việt Nam của tập đoàn bán lẻ Casino (Pháp). Trước đó, hai đại gia bán lẻ Thái Lan khác là Berli Jucker và Central Group cũng lên tiếng muốn mua lại khối tài sản nói trên.
Cuộc đấu giá là cơ hội hiếm có để các tập đoàn tham gia rót vốn vào hai thị trường bán lẻ có lợi nhuận thuộc hàng cao nhất Đông Nam Á, các nhà phân tích nói. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo nguy cơ "vung tay quá trán", nhất là với hệ thống tại Thái Lan, bởi nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Tuy vậy, thị trường bán lẻ Thái Lan vẫn đang có trị giá khá cao là khoảng 93 tỷ USD, theo nghiên cứu của Euromonitor.
Central Group, nhà bán lẻ lớn nhất Thái Lan, hiện đã sở hữu 25% Big C Thái Lan và muốn mua thêm 58,6% cổ phần. Tính theo thị giá hiện tại, dự kiến, ông chủ Tos Chirathivat của Central sẽ phải bỏ ra 3,1 tỷ USD để sở hữu thêm số cổ phần nói trên. Ngoài ra, Central cũng dự chi từ 800 triệu USD đến 1 tỷ USD để sở hữu toàn bộ hệ thống Big C Việt Nam.
"Nhà bán lẻ nào tham gia đấu giá sẽ phải trả cao hơn mức giá Central đưa ra hoặc không được gì cả", nguồn tin thân cận của Reuters nói. Nguồn tin khác cũng cho biết, Casino sẽ chỉ bán cả hai hệ thống cho một đối tác duy nhất.
2 nhà đầu tư tiềm năng mới xuất hiện cũng có tiềm lực tài chính khá dồi dào: Dairy Farm đang là tập đoàn bán lẻ lớn thứ nhì tại Singapore và Hongkong, và hiện sở hữu hàng loạt thương hiệu như Wellcome, Cold Storage, Giant, Hero, 7-Eleven, Mannings, Guardian, IKEA và Maxim's. Tổng doanh thu năm 2014 của tập đoàn lên tới 13 tỷ USD.
Trong khi đó, Lotte Shopping là chuỗi trung tâm mua sắm tổng hợp (department store) lớn nhất Hàn Quốc, với doanh số 23,2 tỷ USD và lợi nhuận 509 triệu USD trong năm 2014.
Ngoài ra, một nhà bán lẻ khác đến từ Nhật Bản là Aeon đang cân nhắc đề nghị tham gia cuộc đua này. Tuy nhiên, nguồn tin cho biết Aeon chưa có thêm động thái tích cực nào.
Cả Dairy Farm, Lotte, Aeon và Casino đều từ chối bình luận về những thông tin trên, Reuters cho biết. Giá cổ phiếu Big C Thái Lan đã tăng vọt 17% kể từ khi Casino công bố bán lại hệ thống này vào ngày 15/1. Theo dự kiến, bất kỳ ai muốn qua mặt Central Group để mua lại hệ thống của Casino ở Thái Lan đều phải trả ít nhất 270 baht cho một cổ phiếu, cao hơn 14% so với giá vào lúc chốt phiên 28/1.



Khóc giữa sân ga vì vé tàu không hợp lệ, lỗi tại ai?

Không lên được tàu vì thông tin trên vé không trùng với giấy tờ tùy thân, nhiều hành khách bật khóc. Dù chấp nhận bỏ tiền để mua lại ghế của chính tấm vé đó nhưng họ vẫn không được nhà ga giải quyết.
Khóc giữa sân ga vì vé tàu không hợp lệ, lỗi tại ai?
Nữ hành khách bật khóc giữa sân ga Sài Gòn do trễ hẹn về quê vì vé tàu không hợp lệ - Ảnh: Đức Phú
Một hành khách buồn bã cho biết: “Trước đó, vé tàu của tôi do người thân mua để về quê. Nhưng người này đổi ý nên chuyển lại cho gia đình tôi. Nay thông tin không khớp nên không được lên tàu. Tôi đã thử đổi lại vé nhưng không được vì vé chỉ được đổi trước giờ tàu chạy 24 tiếng”.
Ghế trống vẫn không cho khách lên tàu
Trao đổi với TTO, ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Sài Gòn cho biết: “Trường hợp hành khách có vé tàu không hợp lệ nếu chấp nhận bỏ thêm tiền mua đúng tấm vé ngay trước giờ tàu khởi hành để không phải mất cơ hội về quê thì cũng không thể giải quyết.
Vé đã bán cho hành khách thì không thể bán cho hành khách khác. Lỡ xảy ra trùng thông tin thì rất rắc rối”.
Bạn Thúy Vân (Q.9, TP.HCM) chia sẻ: “Tuy hơi khắc nghiệt nhưng như vậy cũng đúng. Chúng ta cần quyết tâm chống nạn cò vé chợ đen, chỉ có cách này mới làm được rốt ráo”.
Tuy nhiên, theo anh Hùng Dũng (Phú Yên), vé đã mua, đã trả tiền sòng phẳng thì ai có vé người đó có quyền lên tàu. Không phải phương tiện cần quản lý an ninh cao như máy bay mà phải xét thông tin cá nhân.
Chị Quế Tiên phản biện: “Cách giải thích của ông Văn không thuyết phục. Nếu đã là vé thật của ga thì làm gì tồn tại 2 cái cùng lúc mà dẫn đến trùng thông tin hay không? Nếu trùng là lỗi của nhà ga, sao hành khách phải chịu?”.
Bạn Tiến Hoàng cho biết: “Ở nước ngoài, người dân chỉ cần mua vé và đi, đâu cần phải giấy tờ gì. Năm nào chuyện vé tàu cũng rắc rối. Không cho khách lên thì trên tàu sẽ trống một vị trí. Vị trí đó sẽ xử lí thế nào?”.
Bà Thu Hồng (Q.11, TP.HCM) cho rằng việc quản lý bán vé chợ đen là việc của công an và ngành đường sắt thì sao lại bắt dân phải chịu những qui định chỉ có lợi cho mình như vậy?
Cứng nhắc?
Khóc giữa sân ga vì vé tàu không hợp lệ, lỗi tại ai?
Hành khách ngồi ở sân ga do vé tàu không đúng qui định - Ảnh Đức Phú
Anh Tuấn Nghĩa (Nha Trang, Khánh Hòa) bức xúc: “Nếu đã xác nhận là vé thật, sao ga tàu không linh động xử lý cho người dân. Đa phần người đi tàu đều là dân lao động. Có khi dành dụm vài năm mới về quê ăn tết một lần. Một cặp vợ chồng, một đứa con mua vé tàu khứ hồi khoảng 6 triệu là cả một tài sản”.
Luật sư Bùi Quang Nghiêm - Phó chủ nhiệm đoàn luật sư TP.HCM cho rằng nếu thông tin trên vé không đúng với giấy tờ tùy thân thì nhà ga vẫn có thể điều chỉnh cho hành khách (có thể thu thêm phí cho công tác này) chứ không thể không cho họ lên tàu được.
Trường hợp người thân mua vé và tặng lại thì nhà ga cần xem họ có thông báo trước cho quầy vé hay không. Quan trọng hơn, nhà ga phải xem lại nghĩa vụ thông tin của mình, tức là người bán. Có đúng là những quy định đó đã đến được với người mua hay chưa?.
Ông Nghiêm nhấn mạnh: “Ngành đường sắt có rất nhiều cách để giải quyết cơ mà. Chẳng lẽ lại bỏ ghế trống, nhất là trong dịp cao điểm như hiện nay”.
Theo ông Nghiêm, nhà ga vẫn có thể liên hệ với người đã mua vé (vì lúc đăng ký mua họ có để lại số điện thoại) để xác nhận thông tin xem có đúng là họ đã chuyển vé cho hành khách đang cần lên tàu không.
Ngoài ra, đơn vị quản lý cũng có thể đặt ra một khung giờ giới hạn để đến thời điểm đó, những trường hợp vé không hợp lệ được giải quyết nếu không có ai đến tranh chấp.
“Người được giải quyết phải cam kết không có tranh chấp với người có tên trên vé và giả sử có tranh chấp sau đó thì họ vẫn đang ngồi trên tàu, tức là vẫn nằm trong tầm kiểm soát và quản lý của nhân viên”, ông Nghiêm cho hay.
Hạn chế cò vé bằng cách khác
Đó là khẳng định của luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM.
Ông Hậu cho rằng việc nhà ga từ chối hành khách khi họ đã có vé với số ghế, số toa và thời gian tàu chạy phù hợp nhưng không được lên tàu là vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Hạn chế quyền công dân phải theo quy định của pháp luật. Người dân đã bỏ tiền mua vé do chính ngành đường sắt phát ra thì tại sao lại không được lên tàu?
Vé tàu cũng như một loại hàng hóa, khi ai đó mua vé đồng nghĩa với việc họ đã giữ chỗ đó. Khi họ không đi được thì hoàn toàn có quyền nhượng vé cho người khác.
Ông Hậu nhấn mạnh: “Việc hạn chế tình trạng cò vé, chợ đen là rất cần thiết nhưng không phải giải quyết bằng cách làm này. Điều này chỉ làm cho việc mua bán vé tàu của người dân thêm rườm rà. Ngành đường sắt tương tự như loại hình kinh doanh, càng đơn giản thì người dân càng ủng hộ”.



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons