Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Hơn 13.000 doanh nghiệp thành lập theo luật mới

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 30/8. Theo vị này, trong 50 ngày đầu tiên kể từ khi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực (1/7/2015), cả nước đã có thêm hơn 13.000 đơn vị đăng ký thành lập mới, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái.
Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng thừa nhận thời gian đầu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp phải chờ làm thủ tục vì các phòng đăng ký kinh doanh quá tải, khối lượng công việc gấp 3-4 lần trước đó, song đến nay đã được khắc phục. Qua điều tra của Bộ, doanh nghiệp hiện chỉ mất khoảng 2,6 ngày để đăng ký thành công, chưa đến 3 ngày theo quy định.
"Doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh có thể do kinh tế phục hồi, môi trường vĩ mô ổn định, thủ tục tham gia thị trường minh bạch, ổn định hơn", ông nhận định.
Liên quan đến Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ trưởng Vinh thông tin văn bản này sẽ được ban hành vào tháng 9. Theo ông, Nghị định hướng dẫn ban hành chậm bởi nhiều lý do, trong đó việc lọc ra những ngành nghề bị cấm, kinh doanh có điều kiện đã là công cuộc rà soát khổng lồ.
"Nếu có những ngành nghề bỏ lọt, cho kinh doanh thoải mái sẽ gây hậu quả khôn lường cho xã hội. Bộ đã phải làm với 16 bộ ngành liên quan, quá trình làm việc rất căng thẳng. Cách đây 3 tháng, Nghị định đã được trình lên", lãnh đạo ngành Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Hai Luật mới có hiệu lực thi hành từ 1/7/2015. Tuy nhiên, việc chưa có Nghị định hướng dẫn đã gây ra không ít vướng mắc cho hoạt động đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hướng dẫn tạm thời. Ngay trong thủ tục nới tỷ lệ sở hữu (room) cho nhà đầu tư nước ngoài, dù đã được "bật đèn xanh" với Nghị định 60 và Thông tư hướng dẫn 123, song nhà đầu tư chưa thể chắc chắn những doanh nghiệp nào được nới room bởi thiếu văn bản chi tiết liên quan đến ngành nghề có điều kiện, hạn chế nhà đầu tư nước ngoài.
Về vấn đề con dấu, Bộ trưởng Vinh cho biết tuy Luật quy định doanh nghiệp được tự quyết, song việc bỏ con dấu phải có lộ trình vì hiện nay vẫn có những văn bản yêu cầu con dấu để chứng thực, thêm vào đó doanh nghiệp, khách hàng cũng cần có thời gian làm quen với việc không có con dấu trong giao dịch.

Kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn “phát triển dồn ép”

WB đánh giá, trong khi Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển nhanh chóng, đất nước sẽ đối mặt với những thách thức và nút thắt để phát triển bền vững, đòi hỏi cấp thiết phải có những cải cách tổng thể về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh.


kinh-te-1440892070794
Vấn đề Việt Nam hiện đang đối mặt không phải là lựa chọn “đúng” doanh nghiệp hay ngành cho 20 năm tới, mà là sắp đặt đúng vị trí cấu trúc, thể chế và hạ tầng để tạo nên một nền kinh tế tư nhân mạnh mẽ.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang trải qua một làn sóng công nghiệp hóa và thay đổi về cấu trúc chưa từng có, đất nước đang bước vào giai đoạn “phát triển dồn ép”, tạo ra những thách thức mới cho các nhà hoạch định chính sách.
"Thanh niên đang rời các vùng quê đến các khu đô thị, rời bỏ nông nghiệp để đến với công nghiệp và dịch vụ. Trong khi Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển nhanh chóng, đất nước sẽ đối mặt với những thách thức và nút thắt để phát triển bền vững, đòi hỏi cấp thiết phải có những cải cách tổng thể về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh, cũng như trong các biện pháp chính sách cụ thể cho ngành công nghiệp", WB đánh giá.
Theo WB, mặc dù có xuất phát điểm thấp, ngành công nghệ hiện đang bùng nổ, một phần là nhờ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáng kể từ các công ty công nghệ. FDI được coi là chất xúc tác cho tăng trưởng và phát triển với những hiệu ứng lan tỏa có thể xảy ra với kinh tế địa phương, đặc biệt là với những nước có tích lũy vốn thấp.
Tuy nhiên, phần lớn vốn FDI vào Việt Nam có xu hướng vận hành một cách khép kín, tạo ra rất ít hy vọng về chuyển giao công nghệ hoặc hiệu ứng lan tỏa xuôi dòng tới các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Trong khi đó, mô hình phát triển hiện tại của Việt Nam về cơ bản khác biệt so với các nước công nghiệp hóa mới nổi, như Hàn Quốc. Quốc gia này phát triển toàn bộ chuỗi cung ứng từ khâu thiết kế, sản xuất các chi tiết, đến lắp ráp và phân phối. Ở Hàn Quốc, những tập đoàn kinh tế lớn (chaebol) đóng vai trò quan trọng trong việc tập trung và phối hợp hoạt động trên các ngành, bao gồm cả điện tử dân dụng và thiết bị vận tải.
Tại Việt Nam, ngược lại, trọng tâm không phải là phát triển toàn diện chuỗi cung ứng của quốc gia, mà là phát triển năng lực ở những khâu cụ thể tạo thành một phần của chuỗi cung ứng, với các công việc khác nhau thực hiện ở những địa điểm khác nhau.
Ví dụ, hoạt động quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử tập trung vào lắp ráp các chi tiết nhập khẩu từ những nước khác (chủ yếu là châu Á), và phụ thuộc phần lớn vào sự tham gia của các tập đoàn đa quốc gia nước ngoài đối với việc cung cấp các dịch vụ từ trụ sở chính, bao gồm việc phối hợp giữa các nhà cung cấp và phát triển sản phẩm.
"Các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài mang đến những nhà máy mới, tiên phong, các thiết bị, phương pháp tổ chức công việc, hệ thống ICT cũng như các kết nối với thị trường toàn cầu. Như vậy, với một nước đang phát triển như Việt Nam, họ mang lại những khả năng vượt lên trên những gì doanh nghiệp địa phương có thể làm được", WB nhận xét.
WB cho rằng, vấn đề Việt Nam hiện đang đối mặt không phải là lựa chọn “đúng” doanh nghiệp hay ngành cho 20 năm tới, mà là sắp đặt đúng vị trí cấu trúc, thể chế và hạ tầng để tạo nên một nền kinh tế tư nhân mạnh mẽ, trong đó các nguồn lực có thể dịch chuyển nhanh chóng về phía những doanh nghiệp có sức cạnh tranh, nhờ vậy họ có thể tăng trưởng và phát triển, từ đó tăng thu nhập quốc dân. Đồng thời cũng cần cải thiện tình hình thị trường lao động và giúp hấp thụ những lao động dư thừa tự do trong quá trình tăng năng suất của ngành nông nghiệp.
"Trong bối cảnh toàn cầu, với việc Việt Nam đang trải qua một quá trình tăng trưởng dồn ép, thách thức chính sách là cần nhận diện những sự can thiệp chiến lược để hỗ trợ và củng cố hoạt động của cơ chế thị trường, đồng thời sửa chữa các thất bại thị trường và đặc biệt hỗ trợ hình thành các ảnh hưởng ngoại lai tích cực ở mức độ ngành và nền kinh tế nói chung", WB nhìn nhận.


Hậu phá giá đồng NDT: Gạo Việt xuất khẩu bị ép giá

images793851_xuat_khau
Ảnh minh họa
Sau khi đồng Nhân dân tệ (NDT) liên tục phá giá, nhiều lĩnh vực xuất khẩu (XK) chịu tác động, trong đó mặt hàng gạo xuất khẩu đang đối mặt với không ít khó khăn từ việc ép giá, phá vỡ hợp đồng của không chỉ đối tác Trung Quốc mà từ các đầu mối nhập khẩu tại một số thị trường khác.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam, nên giá bán và doanh thu của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam có thể sụt giảm trong thời gian tới bởi đối với các hợp đồng thanh toán bằng đồng USD, các DN Trung Quốc phải chi thêm hơn 4% cho các đơn hàng mua với giá trước đây; vì vậy đang có xu hướng ép giá gạo Việt Nam để bù đắp lại phần thâm hụt khi chuyển đổi từ NDT sang USD.
Còn những đơn hàng XK áp dụng phương thức thanh toán bằng đồng NDT sẽ gặp ảnh hưởng trực tiếp từ sự thay đổi tỷ giá, kéo doanh thu của các DN giảm xuống khi quy đổi sang VND.
Bên cạnh đó, trên thị trường gạo thế giới, gạo Ấn Độ và Pakistan đang được chào bán với giá khá thấp, cũng tạo thêm áp lực lên giá gạo XK của Việt Nam nói chung, gạo XK sang Trung Quốc nói riêng. Giá gạo XK chính ngạch sang Trung Quốc đã giảm khá nhiều, hiện chỉ còn 340 USD/tấn với gạo 5% tấm (giá FOB tại TPHCM), 330 USD/tấn với gạo 15% tấm …
So với tháng 7 thì giá gạo XK chính ngạch sang Trung Quốc đã giảm khoảng 7-8 USD/tấn. Do giá gạo XK sang Trung Quốc bị giảm, giá lúa gạo hàng hóa ở đồng bằng sông Cửu Long cũng giảm theo.
VFA khuyến cáo, để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ việc Trung Quốc phá giá đồng NDT, các DN XK gạo cần đa dạng hóa thị trường, từng bước giảm phụ thuộc vào thị trường nước này, kết hợp với việc cắt giảm giá thành, nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.
Đồng thời, cần chú trọng hơn nữa việc khai thác tiềm năng thị trường nội địa và chuyển đổi cơ cấu chủng loại gạo phù hợp với nhu cầu tiêu thụ chung trên thế giới, thay vì chỉ tập trung vào thị trường Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro.


Giá dầu: “Cuộc chiến” cam go?

Giá dầu đang phản ánh “cuộc chiến” cam go giữa các “đại gia” xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới, khi Venezuela tuyên bố sẵn sàng để giá dầu xuất khẩu rơi xuống mức dưới 30 USD/ thùng, thậm chí có thể thấp hơn.

Giá dầu thô thế giới đã tăng mạnh trở lại khi chốt phiên giao dịch ngày 27/8, mức tăng cao nhất tính từ năm 2009, với hơn 10% giá trị. Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York giao tháng 10 là 42,5 USD/thùng, trong khi dầu Brent biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng lên trên 47 USD/thùng.
Tuy nhiên, Venezuela - một thành viên của Tổ chức xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trước đó đã tuyên bố sẵn sàng để giá dầu xuất khẩu của nước này rơi xuống mức dưới 30 USD/ thùng, thậm chí có thể thấp hơn.
Điều này khiến dư luận cho rằng: Giá dầu đang phản ánh “cuộc chiến” cam go giữa các “đại gia” xuất khẩu dầu mỏ trên thế giới.

(Ảnh minh hoạ).

Dầu từ đá phiến liệu có bị “nốc ao”?
Ngày 25/8, giá dầu của Venezuela (chứa nhiều dầu nặng) đã giảm sâu tới mức chỉ còn 35 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ hàng chục năm nay. Giá dầu ngọt nhẹ trên thị trường thế giới cũng đã ở mức 43,21 USD/ thùng.
Trước đà giảm sâu của giá dầu thế giới đã có những lời kêu gọi OPEC cắt giảm sản lượng để bình ổn giá dầu. Nhưng theo kế hoạch tổ chức này không có cuộc họp nào từ nay cho đến trước cuối năm nay, người phát ngôn của OPEC còn cho biết cũng sẽ không có cuộc họp nào được gọi là khẩn cấp.
Để phục vụ cho chiến lược cạnh tranh của khối, mặc dù Venezuela – quốc gia có nguồn thu ngân sách từ dầu mỏ khá cao (hơn 90%), nhưng nước này vẫn sẵn sàng chịu thiệt để cùng OPEC và Nga quyết đấu với các công ty dầu đá phiến từ Mỹ.
Ngành khai thác dầu từ đá phiến của Mỹ, với hai bộ phận:
Một là, các tập đoàn và công ty lớn có nguồn vốn dồi dào và sử dụng những công nghệ khai thác tiên tiến nhất, trên các mỏ có trữ lượng lớn nhất. Theo đó, các tập đoàn và công ty lớn này có thể khai thác dầu đá phiến với mức chi phí thấp nhất, ước tính họ vẫn có lãi khi giá dầu xuống đến mức 40 USD/thùng.
Hai là, các công ty khai thác hạng vừa và nhỏ, có nguồn vốn ít hơn và sử dụng những kỹ thuật tương đối cũ, trên các mỏ có trữ lượng thấp, thì việc chi phí khai thác cao hơn, nên phải 60 USD/thùng thì mới có lãi. Đây chính là đối tượng mà đối thủ cạnh tranh nhằm tới, chỉ cần giá dầu giảm sâu ở mức dưới 60 USD/thùng thì các công ty vừa và nhỏ của Mỹ sẽ bị loại khỏi thương trường.
Mặt khác, đối thủ cạnh tranh của Mỹ lần này không chỉ có OPEC mà còn có sự góp mặt của Nga và Iran, các yếu tố cạnh tranh kinh tế còn gắn với các thủ đoạn chính trị. Với Nga là vấn đề khủng hoảng Ukraine, với Iran là vấn đề có hay không nghiêm chỉnh chấp hành theo thỏa thuận của Nhóm P5+ 1.
Khối OPEC và Nga tham vọng sẽ đánh bại ngành khai thác dầu mỏ từ đá phiến, ít nhất cũng là các công ty hạng vừa và nhỏ; nhưng nếu kịch bản giá dầu tiếp tục duy trì ở mức 30 USD/thùng hoặc thấp hơn thì nhóm dẫn đầu ngành khai thác này cũng sẽ bị “nốc ao”.
“Ai thắng ai” vẫn còn đang ở phía trước
Theo giới phân tích, hiện chỉ có các thành viên vùng Vịnh của OPEC mới có đủ tiềm lực về kinh tế để có thể chống chọi được với giá dầu thấp. Khối này kiên duy trì sản lượng dầu đang khai thác vì hy vọng với lợi nhuận thấp dưới 60 USD/thùng sẽ loại được các đối thủ loại vừa và nhỏ, nếu dưới 40 USD/thùng thì có thể loại bỏ phần lớn các công ty khai thác dầu từ đá phiến của Mỹ ra khỏi thị trường.
Trong khi Nga và OPEC đang được đánh giá cao hơn hẳn Mỹ về khả năng chịu đựng trong cuộc chiến dài ngày và khốc liệt này, còn đối với Mỹ thì giá dầu ít nhất phải đạt từ 60 – 70 USD/thùng thì mới duy trì khả năng sản xuất của các công ty của nước này.
Mức giá dự kiến để Nga và OPEC duy trì khả năng khai thác và tiếp tục cuộc đấu với kịch bản giá thấp hơn nhiều so với Mỹ. Theo kế hoạch, thì ngân sách của Nga và Arab Saudi đã được thiết lập dựa trên dự báo giá dầu có thể xuống đến mức 50 – 60 USD/thùng.
Tuy nhiên, sự chênh lệch về mức giá dự kiến giữa các đối thủ còn nằm ở khả năng bảo hiểm đối với ngành dầu ở mỗi quốc gia. Đối với Nga đã trải qua sự chịu đựng các cú sốc về giảm giá dầu cùng với đòn trừng phạt kinh tế của Mỹ và phương Tây, còn Arab Saudi đã có điểm tựa là quỹ dự trữ ngoại tệ lớn, lên tới 731 tỷ USD.
Tuy nhiên, sự giảm sút của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng nhu cầu nhập khẩu dầu dự trữ của nước này vẫn cao; nền kinh tế Mỹ mới được đánh giá là khởi sắc, lạc quan hơn so với dự báo trước đó; hãng Shell buộc phải đóng cửa 2 đường ống dẫn dầu lớn tại Nigeria với công suất hơn 180.000 thùng/ngày.
Theo số liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trong tuần kết thúc vào 21/8, lượng dầu lưu kho của nước này giảm 5,5 triệu thùng, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ đầu tháng 6, nhưng lượng xăng lưu kho lại tăng 1,7 triệu thùng và các sản phẩm trưng cất cũng tăng 1,4 triệu thùng, cao hơn so với dự đoán trước đó 1 triệu thùng.
Ngoài ra, việc cạnh tranh thị phần còn phải kể đến 200 ngàn thùng đã được các quốc gia ngoài OPEC ký các hợp đồng cho năm 2016 từ thời điểm năm 2008. Khiến giá dầu đột ngột tăng cao (10%) hôm 27/8.
Theo giới quan sát, với lượng tiêu thụ lên tới 1,4 triệu thùng/ngày, OPEC và Nga đang đứng trước cơ hội mở rộng thị trường khi các đối thủ yếu hơn bị ảnh hưởng nặng nề từ việc đi xuống của các nền kinh tế.
Tuy nhiên, thị phần của OPEC hiện đang ở mức thấp nhất trong thập kỷ do lượng cung dầu từ Mỹ tăng lên, làm thay đổi nhu cầu của thị trường. “Trong tương lai, nếu lượng cung của OPEC giảm xuống sẽ khiến nhu cầu tăng lên và đương nhiên đảm bảo cho Mỹ một thị trường lớn hơn”, khiến OPEC có thể mất dần lợi thế cạnh tranh.
Các nước Algeria, Libya, Iraq, Nigeria và Venezuela bị liệt vào danh sách 5 nước yếu nhất, đang phải đối mặt với việc cắt giảm chi tiêu xã hội do sự sụt giảm của giá dầu và những bất ổn chính trị trong nội bộ các nước.
Trước đó, Algeria, Venezuela, Libya đã yêu cầu OPEC cắt giảm sản lượng để giữ giá, nhưng không nhận được phản hồi từ Ảrập Saudi, mặc dù nước này cũng đã phải cắt giảm 1 tỷ USD ngân sách cho năm 2016 - mức thiếu hụt lớn nhất kể từ năm 1987.
Giới quan sát cho rằng, kế hoạch của OPEC vẫn tồn tại những sơ hở khó lường, việc giảm cung không những không làm tăng nhu cầu của khách hàng, mà còn khiến các thành viên của họ bị mất thị phần nhiều hơn và bị giảm doanh thu dài hạn. Khiến các đối thủ cạnh tranh đến từ Mỹ lại nhận được mức thặng dư lớn hơn.
Các chuyên gia còn cho rằng: “Đó sẽ là một cuộc đua đường dài trong nhiều năm, chứ không chỉ tính bằng tháng. Các bên cần phải kiên nhẫn nếu muốn có lợi thế”. Vì thế, giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, trong “cuộc chiến” giá dầu đầy cam go này “ai thắng ai” vẫn còn đang ở phía trước.


Vì sao giá xăng trong nước chỉ giảm nhỏ giọt?

Thông tin giá dầu thô thế giới liên tiếp lao dốc, xuống mức thấp nhất trong 6 năm rưỡi trong khi giá xăng trong nước cũng thực hiện điều chỉnh theo chu kỳ tính giá. Tuy nhiên, mức điều chỉnh giá xăng dầu trong nước chỉ nhỏ giọt và không được như kỳ vọng của người tiêu dùng.

Vậy, lý do tại sao có sự chênh lệnh khá lớn giữa giá xăng trong nước và thế giới?
Dầu lao dốc… xăng giảm nhỏ giọt
Thời gian qua qua, giá dầu thế giới cũng ghi nhận xu hướng giảm trong suốt 8 tuần qua, chuỗi thời gian dài nhất kể từ năm 1986. Giá dầu đã giao dịch dưới 39 USD/thùng lần đầu tiên trong hơn 6 năm qua. Tổng cộng qua các đợt giảm vừa qua, giá dầu đã giảm tới hơn 30%.
Trong khi đó, giá xăng trong nước đã trải qua 4 lần giảm liên tiếp, tuy nhiên, các lần giảm đều chỉ nhỏ giọt vài trăm đồng. Cụ thể, ngày 4/7 giảm 330 đồng/lít; ngày 20/7 giảm 260 đồng/lít; ngày 4/8 giảm 820 đồng/lít và ngày 19/8 vừa qua giảm 770 đồng/lít. Như vậy, tổng cộng qua 4 đợt vừa qua, giá xăng đã giảm 2.180 đồng/lít, tương ứng giảm 10,53% từ mức 20.710 đồng/lít xuống còn 18.530 đồng/lít.
Tương tự, vào gần nửa cuối năm 2014, giá dầu thế giới cũng chứng kiến chuỗi ngày lao dốc mạnh. Từ mức hơn 100 USD/thùng vào cuối tháng 6, giá dầu đã giảm hơn 45,9% xuống còn 55 USD/thùng vào cuối năm và đây cũng là mức thấp nhất trong 4 năm qua.
Với những diễn biến giảm mạnh giá dầu thế giới vào cuối năm 2014, giá xăng trong những cũng đã liên tiếp có những đợt điều chỉnh giảm. Qua 13 đợt giảm liên tiếp (từ ngày 28/7 đến 22/12), ngoại trừ đợt giảm giá kỷ lục vào ngày 22/12 lên tới 2.050 đồng/lít, còn lại, hầu hết các đợt giảm đều khá thấp, thậm chí có đợt chỉ giảm 30 đồng/lít (ngày 9/9). Tổng cộng, giá xăng đã giảm 7.750 đồng/lít, tương ứng giảm 30,27% từ mức 25.640 đồng/lít xuống còn 17.880 đồng/lít.
Như vậy, tính theo lý thuyết, nếu giá xăng trong nước giảm tương đương giá dầu thô, thì mức giá xăng hiện tại khoảng 14.500 đồng/lít, thấp hơn 4.030 đồng/lít so với thực tế.
Nhân tố tác động tới sự biến động giá xăng
Nghị định số 83/2014 của Chính Phủ về kinh doanh xăng dầu quy định “khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở giảm so với giá cơ sở liền kề trước đó, tối đa là 15 ngày, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối phải giảm giá bán lẻ tối thiểu tương ứng giá cơ sở; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa hai lần giảm và số lần giảm giá.
Giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu ở nhiệt độ thực tế bao gồm các yếu tố và được xác định = (giá CIF + Thuế nhập khẩu + Thuế tiêu thụ đặc biệt ) x Tỷ giá ngoại tệ + Thuế giá trị gia tăng + Chi phí kinh doanh định mức + Mức trích lập Quỹ Bình ổn giá + lợi nhuận định mức + Thuế bảo vệ môi trường + Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Theo cách tính này, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Bên cạnh các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật; mức biến động giá xăng cũng phụ thuộc lớn vào các yếu tố thị trường như giá CIF hay tỷ giá ngoại tệ.
Tháng 5 vừa qua, Bộ Tài chính đã quyết định điều chỉnh tăng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng từ 1.000 đồng/lít lên 3.000 đồng/lít, nhưng cũng giảm thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ 35% xuống mức 20%.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, yếu tố có biến động lớn tác động tới việc điều chỉnh giá xăng dầu chính là giá CIF (CIF được tính = giá Platt Singapore + các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam) bởi dầu thô đang có chuỗi ngày giảm giá dài nhất trong gần 3 thập kỷ qua, trong khi giá dầu rơi xuống mức thấp nhất 6 năm.
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian qua, giá thành phẩm xăng trên thế giới chỉ còn 65,69 USD/thùng. Cách tính giá CIF (giá FOB cộng chi phí bảo hiểm và vận chuyển từ cảng nước ngoài về Việt Nam) như sau: 65,69 + 2,50 USD = 68,19 USD/thùng. Mỗi thùng có 159 lít, nếu quy đổi thành tiền đồng phải lấy giá FOB nhân với tỉ giá USD Vietcombank là 22.500 VNĐ/USD: 68,19 x 22.500 : 159 = 9.650 đồng/lít.
Tuy nhiên, giá CIF để tính thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt lại tính theo tỷ giá liên ngân hàng (21.800 đồng/USD) = 65,69 x 21.800 : 159 = 9.007 đồng/lít. Từ đó tính thuế nhập khẩu xăng (20% giá CIF) = 9.007 x 20% = 1.801 đồng/lít và thuế tiêu thị đặc biệt = 10% (9.007 + 1.859) = 1.087 đồng/lít. Thuế giá trị gia tăng được tính = 10% x (9.650 + 1.801 + 1.080 + 1.050 + 300 + 300 + 3.000) = 1.718 đồng/lít.
Theo cách tính trên, giá xăng cơ sở được xác định = 9.650 + 1.801 + 1.087 + 1.718 = 14.256 đồng/lít, thấp hơn 4.270 đồng/lít so với giá xăng bán lẻ thực tế.
Theo TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, xu hướng điều hành giá xăng dầu trong nước không sát thế giới. Cụ thể, trong mấy tháng gần đây, giá dầu trên thế giới đã giảm trên 50%, nhưng trong nước giảm chỉ giảm khoảng 30%. Sự điều chỉnh không tương xứng này khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt trong khi đó doanh nghiệp lãi lớn, Nhà nước vẫn thu được nhiều thuế, do đó, không đảm bảo cân bằng lợi ích của 3 chủ thể chính là Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Lý giải tại sao giá xăng trong nước lại cao vượt trội so với giá xăng thế giới, ông Long cho biết, một nguyên nhân cơ bản là việc giá xăng phải gánh quá nhiều khoản thuế phí.
“Trong thời buổi cạnh tranh kinh tế thị trường hiện nay, khi thu nhập của người dân Việt  Nam chỉ bằng một phần mấy chục thu nhập của người Mỹ, nhưng giá tiêu dùng xăng dầu của Việt Nam lại cao hơn hẳn giá thế giới. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng, làm mất đi cơ hội cạnh tranh của các doanh nghiệp do phải chịu chi phí đầu vào quá cao trong khi năng lực cạnh tranh vốn đã yếu”.
Bên cạnh đó, ông Long cũng cho rằng, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một trong những nhân tố giúp giảm bớt những rủi ro về giá. Tuy nhiên, bất cập hiện nay chính là nguồn hình thành quỹ này do hoàn toàn chỉ là trực tiếp người tiêu dùng nộp vào.
“Trên thực tế, nguồn hình thành quỹ không thể do Nhà nước bỏ ra được, bởi như thế sẽ vi phạm luật thương mại quốc tế, là bao cấp, tuy nhiên, việc tạo quỹ có thể do người tiêu dùng và doanh nghiệp nhập khẩu cung ứng xăng dầu cùng chia sẻ với tỷ lệ tương xứng có thể là 9:1", ông Long nói và cho biết, cách sử dụng trích lập quỹ hiện nay cũng phản ánh sự bất hợp lý. Đúng ra, nếu khi nào giá thế giới giảm thì nên trích để nộp vào quỹ còn ngược lại, khi giá tăng thì không nên trích bởi như thế sẽ cộng vào giá tính cơ sở và đội giá lên cao.



Chần chừ giảm cước vận tải

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường vừa ký công văn yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố đề nghị hiệp hội vận tải ô tô tại địa phương tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn kê khai và niêm yết giá cước theo quy định. Đặc biệt, phải điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ phù hợp theo mức giảm giá nhiên liệu hiện hành. Kết quả thực hiện phải báo cáo UBND cấp tỉnh, Bộ GTVT, Bộ Tài chính trước ngày 30/9. Tuy vậy, doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn còn chần chừ trong việc giảm giá cước.
Đưa ra muôn vàn lý do
Theo khảo sát, giá vé xe khách tuyến Hà Nội - TP Nam Định phổ biến được các hãng thu là 60.000 đồng/lượt. Riêng xe khách Phương Trang có giá vé cao hơn (75.000 đồng/lượt) với lý do dịch vụ tốt hơn. Tuyến Hà Nội - Thái Bình có giá vé khoảng 75.000-80.000 đồng/lượt. Các tuyến xe khác cũng thu cước ở mức trung bình 500-600 đồng/km. Mức giá này đã tồn tại khá lâu, bất kể giá nhiên liệu lên hay xuống.
Trao đổi với phóng viên, chủ một DN vận tải tại TP Hải Phòng né tránh nói về kế hoạch điều chỉnh giá cước, chỉ phân trần: “Trong cơ cấu giá thành vận tải, ngoài xăng dầu còn phải tính cả chi phí phát sinh về phụ tùng, in lại phiếu, cài đặt lại đồng hồ, chi phí “bôi trơn” nữa. Giá xăng dầu chỉ chiếm 30%, không đáng kể”.
Một chủ xe chạy tuyến Hà Nội - TP Nam Định cho rằng xe khách nếu chở đúng số lượng ghế thì sẽ thất thu. Có những tuyến rất ít khách hoặc những ngày không cao điểm thì khách vắng nên nhà xe phải tranh thủ ngày cuối tuần “nhồi” khách. Muốn vậy, phải có chi phí “làm luật” thì mới hanh thông.
Một trong những lý do khác mà các DN vận tải đưa ra để trì hoãn việc giảm cước vận tải là phải chi trả phí cầu đường qua nhiều trạm thu phí. Ví dụ, nếu chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình thì chi phí cầu đường hết 140.000 đồng/lượt. Ngoài ra, tới đây, khi hoàn thiện, trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng sẽ được đề xuất thu phí.
Hành khách vẫn chưa được giảm giá vé dù giá xăng đã giảm Ảnh: Nguyễn Hưởng
Hành khách vẫn chưa được giảm giá vé dù giá xăng đã giảm Ảnh: Nguyễn Hưởng
Đại diện một DN vận tải chạy tuyến Hà Nội - TP Nam Định so sánh: “Nếu chạy đường cũ thì có thể tránh được phí cầu đường và thêm được vài khách giữa đường nhưng nhiên liệu tốn hơn; còn đi đường mới dù chạy thẳng, nhanh hơn nhưng lại mất phí. Nhà xe không lời lãi bao nhiêu trong khi giá vé 60.000 đồng/lượt cả mấy năm nay không thay đổi, kể cả khi giá xăng dầu cao nhất. Nếu giờ giảm giá cước thì rất khó”.
Các hãng taxi đến thời điểm này cũng hầu như chưa điều chỉnh giá cước. Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết trong khoảng 1 tuần nữa, giá cước taxi sẽ giảm. Nguyên nhân chưa thể giảm ngay là do các DN còn phải thực hiện các thủ tục kê khai, niêm yết giá và chờ phê duyệt, điều chỉnh lại đồng hồ. Mức cước taxi dự kiến giảm sẽ vào khoảng 500-700 đồng/km.
Cần có thị trường cạnh tranh
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết đã đề nghị các hiệp hội vận tải ô tô tỉnh, thành phố phối hợp với các sở GTVT và sở tài chính địa phương thực hiện có hiệu quả nhất văn bản đề nghị giảm giá cước của Bộ Tài chính. Hiệp hội cũng đang tuyên truyền, vận động các DN giảm giá cước vận tải, nhất là khi giá nhiên liệu giảm tới ngưỡng 10%.
Một lý do thường được viện dẫn cho việc chưa có chế tài đủ mạnh đối với các DN chậm trễ giảm giá cước là bởi DN vận tải hoạt động theo cơ chế thị trường, tự định giá và cạnh tranh nên không chịu sự điều tiết của các bộ, ngành, hiệp hội. Trong nhiều trường hợp, các hiệp hội chỉ có thể có ý kiến khuyến cáo, tuyên truyền, vận động DN giảm cước chứ không thể có chế tài.
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc DN vận tải chây ì giảm giá cước xuất phát từ cung cầu. Thị trường kém cạnh tranh, không có cạnh tranh, cầu lớn hơn cung đã dẫn đến tình trạng này. “Vì thế, nên kiểm tra về cạnh tranh và độc quyền thông qua Cục Quản lý cạnh tranh và các cơ quan khác” - ông Cung đề xuất.
Trong khi đó, theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay, những đối tượng tiêu thụ xăng dầu hoặc sử dụng các dịch vụ từ xăng dầu chưa được hưởng lợi nhiều từ động thái giảm giá xăng.
“Bằng chứng là người đi taxi chả thấy giá giảm gì cả. Có khi giảm cho có, chỉ vài chục đồng, thậm chí 10 đồng/km. Hoàn toàn không nên để cho Việt Nam trở thành một xứ mà giá không hề giảm khi có điều kiện. Vấn đề hiện nay là Cục Quản lý cạnh tranh không hoạt động độc lập nên không xử lý được tồn tại này” - ông Thiên nhận xét.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trước khi có thể xây dựng và hình thành được một thị trường vận tải cạnh tranh thì trước mắt, vẫn cần một chế tài đủ mạnh để thúc ép DN giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm mạnh.



 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons