Thứ Hai, 29 tháng 2, 2016

Gạo Việt 'ngậm ngùi' mang thương hiệu Trung Quốc

Gạo Việt Nam vừa cập cảng đã bị các DN nước nhập khẩu “thay tên, đổi họ”. Chính vì vậy, người tiêu dùng nước nhập khẩu không biết đến thương hiệu gạo Việt.
Chua xót gạo Việt bị hô biến thành gạo Trung Quốc
Hiệu hội Lương thực Việt Nam VFA cho biết, Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua nhưng thương hiệu, tên tuổi gạo Việt tại các siêu thị Trung Quốc lại gần như “vắng bóng”. Theo thống kê, trung bình hàng năm, Trung Quốc nhập trên 3 triệu tấn gạo của Việt nam, chiếm khoảng 40% lượng gạo xuất khẩu.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch VFA cho hay, nhiều thương nhân Trung Quốc sau khi nhập gạo Việt Nam về thường trộn với gạo của họ, đóng bao thương hiệu của họ. Họa hoằn lắm mới có công ty TQ in chữ (rất nhỏ) gạo nhập từ VN. Việc làm này khá phổ biến nên người tiêu dùng Trung Quốc không hề biết đây là gạo nhập khẩu từ Việt Nam.
Gạo Việt Nam sau khi chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Ảnh: Tiền Phong
Tuy nhiên, nhiều DN xuất khẩu gạo cho hay không chỉ ở thị trường TQ mà ở một số thị trường khác gạo Việt cũng “chung số phận”. Lý do là các công ty xuất khẩu gạo VN thường chỉ đóng bao, in tên loại gạo, tên công ty và giao hàng đến cảng là xong. Sau đó họ không biết hạt gạo Việt bán ra nước ngoài được tiêu thụ ra sao và ai mua.

Trong nỗ lực đẩy mạnh thương hiệu gạo Việt, công ty tư nhân Công Bình ở Long An đang mở rộng vùng trồng lúa theo tiêu chuẩn Global GAP nhằm tạo ra thương hiệu gạo Việt riêng biệt. Đến nay, gạo Công Bình đã xuất đi trên 10 nước, từ châu Âu, Mỹ, Á… Giá gạo Công Bình tuy vẫn thấp hơn gạo Thái Lan 100 USD/tấn nhưng đây cũng là dấu hiệu đáng mừng cho thương hiệu gạo Việt.
Từ trước tới nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu theo số lượng, cứ bán được nhiều là mừng, chưa quan tâm đến thương hiệu. Đến nay, Việt Nam là khu vực chậm nhất trong việc xây dựng thương hiệu gạo Việt.
Trao đổi với Pháp luật TP.HCM, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp nhận định, DN xuất khẩu gạo nước ta vẫn thụ động, chờ người mua và chưa chủ động mang ra thị trường thế giới để bán, chưa biết cách tiếp thị ra bên ngoài. Gạo Việt đang bán qua trung gian là chính chứ chưa bán cho nhà phân phối trực tiếp và các hệ thống siêu thị ở các nước.
Tiềm ẩn rủi ro từ sự phụ thuộc
Mặc dù gạo Việt đang cố gắng tạo được chỗ đứng trên thị trường thế giới, nhưng Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào các nước nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc.
Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), đơn vị chủ yếu xuất khẩu gạo chính ngạch cho Trung Quốc qua đường biển cho biết, nhu cầu gạo thơm của nước này đang tăng.
Ngoài ra, hợp đồng xuất khẩu gạo sang Philippines và Indonesia cũng vẫn còn tới tận giữa tháng 3 mới giao hết. Và có khả năng những thị trường này sẽ tiếp tục nhập khẩu gạo để ổn định lương thực trong nước.
Tuy nhiên, việc chờ đợi vào việc nhập khẩu của các nước khiến các DN xuất khẩu gạo rơi vào tình trạng “sớm nắng chiều mưa”.
Một số tiểu thương cho hay, hiện tại xuất khẩu gạo qua đường chính ngạch đang bị “đóng băng” còn đường tiểu ngạch thì “bế tắc” do thời tiết, rủi ro rất cao, dễ bị ép giá.
Hơn nữa, GS Võ Tòng Xuân góp ý xây dựng thương hiệu gạo không phải là chỉ tập trung vào gạo cấp cao, bỏ gạo giá rẻ mà tập trung thế mạnh của nước mình và theo nhu cầu thị trường. Ngoài ra Campuchia, Lào làm thương hiệu được không chỉ nhờ làm vùng nguyên liệu, giống chất lượng mà họ biết cách bán hàng, tiếp thị.


Xu hướng mới của thị trường bán lẻ Tp. Hồ Chí Minh

Theo giới chuyên gia, bất động sản Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2016 hứa hẹn nhiều triển vọng phát triển trên tất cả các phân khúc; trong đó thị trường bán lẻ chứng kiến nhiều xu hướng phát triển mới.

Xu hướng mới của thị trường bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Anh–TTXVN

Ông Neil MacGregor, Tổng Giám đốc Savills Việt Nam đánh giá, năm 2016 sẽ là năm bản lề tạo ra bước ngoặt lớn cho thị trường bán lẻ Tp. Hồ Chí Minh khi mà mức tiêu dùng tại Việt Nam đang có tốc độ gia tăng khá nhanh so với các thị trường khác trong khu vực.
Cùng với đó, các nhà bán lẻ quốc tế cũng đã sẵn sàng tham gia vào thị trường bán lẻ sôi động trong nước nhằm đón đầu một loạt các hiệp định tự do thương mại sẽ có hiệu lực trong thời gian tới, bên cạnh các triển vọng nới lỏng mức thuế và hạn ngạch, cũng như các thủ tục đang từng bước được đơn giản hóa.
Cùng với đó, dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang ngày một gia tăng là hai yếu tố quan trọng góp phần cho sự tăng trưởng của thị trường bán lẻ.
Hai phân khúc khách hàng này ngày càng có nhận thức tốt hơn về việc chi tiêu, cũng như mong muốn tìm đến những môi trường bán lẻ sang trọng, hiện đại và tiện nghi.
Xu hướng hiện nay có thể dễ dàng nhận thấy là sự gia tăng ngày càng nhiều các trung tâm thương mại hạng trung, đặc biệt tại các khu vực dân cư mới như quận 2, quận 7, Gò Vấp....
Trong khi đó, các nhà bán lẻ trong nước và quốc tế mong muốn tìm kiếm những trung tâm thương mại có chất lượng cao tại những vị trí đắc địa, nhưng trên thực tế những trung tâm này chưa có nhiều trên địa bàn thành phố.
Cũng theo giới chuyên gia của Công ty Savills, thị trường bán lẻ năm 2015 phát triển khá sôi động khi các chủ đầu tư trong và ngoài nước cạnh tranh với nhau gay gắt trong môi trường thay đổi nhanh chóng.
Tính chung cả năm 2015, tổng giá trị bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tại Việt Nam đã tăng 9,5% so với năm trước, một trong những tốc độ tăng trưởng cao nhất trên toàn thế giới.
Trong năm 2016, thị trường sẽ chứng kiến nhiều mặt bằng cùng với các mô hình bán lẻ mới như Takashimaya tại tòa nhà Saigon Centre, Tp. Hồ Chí Minh.
Còn theo Tiến sĩ Henry Chin, Trưởng bộ phận Nghiên cứu thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Công ty CBRE: “Trong bối cảnh khu vực châu Á đang tiếp tục nhận được sự quan tâm mạnh mẽ từ các quỹ tín thác bất động sản và các nhà đầu tư tổ chức, thị trường bán lẻ sẽ chứng kiến nhiều xu hướng mới khuyến khích khách chi tiêu nhiều hơn.
Trong năm 2015, thị trường bán lẻ tại Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội mỗi nơi ghi nhận thêm 150.000 m2 diện tích thực thuê. Đa số các dự án này được phát triển với diện tích mặt sàn lớn, tích hợp nhiều tiện ích hơn và chi phí đất thấp hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn dần của các khu vực ngoài trung tâm.
Tỷ lệ trống của các khu trung tâm thương mại trong Tp. Hồ Chí Minh dự đoán vẫn tiếp tục duy trì ở mức trung bình 10% nhờ vào các khách thuê chủ chốt".
“Ngoài ra, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng điều chỉnh tương ứng để bắt kịp với nhu cầu khách hàng với các xu hướng mới từ một loạt các cho nhiều thương mới, như “bán lẻ - giải trí”, “bình dân hóa” hoặc “mua sắm trên mạng”.
Người tiêu dùng hiện nay ngày càng kĩ tính và thông thái hơn, họ rất coi trọng tổng thể trải nghiệm mua sắm và đòi hỏi chất lượng nhiều hơn.
Ngành ẩm thực, hầu hết thuộc dạng đồ ăn nhanh và chất lượng, ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2015 và sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường trong năm 2016, Tiến sĩ Henry Chin cho biết thêm./.


Tập đoàn Xăng dầu báo lãi đột biến

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2015. Theo đó, lợi nhuận sau thuế mà tập đoàn này thu về đạt 1.003 tỉ đồng. Lũy kế cả năm 2015, Petrolimex lãi ròng trên 3.138 tỉ đồng.
Đáng nói, kết quả kinh doanh này được cho là cực kỳ khởi sắc so với quý IV-2014 cũng như cả năm trước. Cụ thể, quý IV-2014, tập đoàn này báo lỗ 1.159 tỉ đồng và con số lỗ cả năm 2014 là hơn 9 tỉ đồng.
Riêng với công ty mẹ, báo cáo tài chính (chưa soát xét) ghi nhận con số 1.806,7 tỉ đồng lãi ròng trong quý IV/2015 và lũy kế 2.141,9 tỉ đồng cho cả năm 2015.
Petrolimex lãi lớn dù giá xăng dầu liên tục giảm
Giải trình cho kết quả kinh doanh nói trên, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, cho hay lợi nhuận sau thuế của tập đoàn chênh lệch lớn với cùng kỳ là do nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, trong năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước đạt 6,68%, các doanh nghiệp đã hoạt động sản xuất kinh doanh với mức tăng trưởng tích cự hơn. Theo đó, kết quả kinh doanh của một số công ty con, công ty liên kết của tập đoàn kinh doanh trong các ngành nghề, lĩnh vực như hóa dầu, bảo hiểm, nhiên liệu bay, vân tải, dịch vụ ... có tăng trưởng so với năm 2014.
Thứ hai, giá xăng dầu thế giới quý IV/2015 tuy vẫn cùng xu hướng giảm như quý IV-2014 nhưng mức giảm giữa các tháng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nên việc phải đảm bảo dự trữ tồn kho theo quy định của kinh doanh xăng dầu không tác động trầm trọng như quý IV/2014.

Thứ ba, sản lượng xuất bán xăng dầu tại thị trường trong nước của tập đoàn tăng trưởng 8% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, chính sách về tài chính, tiền tệ trong nước tương đối ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục được duy trì ở mức hợp lý.
Với riêng công ty mẹ, còn có thêm các nguyên nhân như lợi nhuận từ các công ty cổ phần, liên kết có vốn góp của tập đoàn tăng trưởng tốt đã đem lại nguồn cổ tức, lợi nhuận cho công ty mẹ tăng so với cùng kỳ; các khoản trích lập dự phòng do tác động của biến động xăng dầu cũng đã giảm.



Diêm dân gặp khó vì muối

- Hiện nay, do ít áp dụng khoa học công nghệ nên năng suất lao động nghề muối thấp, cần nhiều lao động... Về lâu dài, cần một giải pháp hữu hiệu để phát triển nghề muối bền vững.
Về “vựa muối” xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu những ngày này thấy cánh đồng muối hoang vắng. Ông Trần Minh, một diêm dân ở xóm Hồng Phong cho hay: Như mọi năm, mùng 4 Tết là bà con đã ra đồng muối để sửa sang chăm sóc ruộng muối, nhưng nay vẫn chưa đả động gì. Nếu như trước đây, một ngày bình thường ngoài đồng muối ở An Hòa có nhiều lao động trẻ tham gia, thì bây giờ chỉ còn phụ nữ, trẻ con và người già. Bà con không mặn mà nghề muối là do giá quá rẻ, trong năm 2013 - 2014 giá muối đạt từ 1.500 - 2.000 đồng/kg nay xuống còn 1.000 đồng/kg. Nghề muối đang không nuôi nổi diêm dân.
Thu hoạch muối tại Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu
Thu hoạch muối tại Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu.
Tại cánh đồng muối xóm Bắc Lợi, xã An Hòa hiện có nhiều ruộng muối bỏ hoang cỏ mọc um tùm, các kho chứa muối không sử dụng lâu ngày xập xệ, dột nát. Anh Bùi Văn Triều ở xóm Bắc Lợi chia sẻ: Gia đình làm 250m2 ruộng muối, những năm qua cũng được Nhà nước quan tâm hỗ trợ 3 triệu đồng xây dựng chạt, lọc… tuy nhiên do giá muối rẻ nên chúng tôi chỉ làm 120m2, phải chuyển đổi sang các ngành nghề khác để sinh sống. Chứ trên diện tích ấy, nếu “cày” giỏi cũng chỉ được hơn 10 tấn muối/năm, thu được 10 triệu đồng; trừ chi phí đầu vào 3 triệu đồng, số tiền còn lại không đủ mua gạo. 
 
Ông Nguyễn Xuân Quyết - Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết thêm: An Hòa có 145 ha muối, từ năm 2013 đến nay xã đã được Nhà nước hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho diêm dân duy tu ruộng muối, xây dựng chạt lọc. Nhờ vậy đã góp phần giảm thiểu sức lao động trên ruộng muối. Tuy nhiên, cách làm muối ở đây vẫn là cách làm truyền thống, các công đoạn làm muối đều phải dùng sức người, năng suất thấp, bình quân các hộ dân tham gia nghề muối chỉ đạt 7 - 10 triệu đồng/năm/2 lao động. Đến thời điểm này, toàn xã có khoảng trên 15 ha muối bị bỏ hoang. 
 
Ông Nguyễn Xuân Dinh - Trưởng phòng Nông nghiệp Quỳnh Lưu chia sẻ: Quỳnh Lưu có 560 ha muối, tập trung ở các xã Quỳnh Thuận, An Hòa, Quỳnh Thọ… sản lượng muối hàng năm đạt khoảng 65.000 ha. Khó khăn đối với nghề muối hiện nay là các nguồn vốn tín dụng đưa về nông thôn diêm dân cũng ít được tiếp cận nhất. Các ngân hàng rất ngại cho diêm dân vay vì họ không có tài sản để thế chấp. Doanh nghiệp cũng hạn chế đầu tư vào nghề muối vì ít có lãi, địa bàn huyện chỉ có duy nhất Xí nghiệp muối Vĩnh Ngọc, xã Quỳnh Yên sản xuất và tự tiêu thụ được hơn 10.000 tấn muối/năm. 
1
Người dân chăn thả dê trên cánh đồng muối bỏ hoang.
Áp dụng công nghệ làm muối sạch, hiện nay toàn huyện Quỳnh Lưu chỉ mới có trên 10 ha làm muối phủ bạt ni lông, tuy nhiên làm theo cách này chi phí đắt, trong khi giá muối rẻ nên người dân không mở rộng diện tích. Từ nay đến năm 2020, huyện Quỳnh Lưu đang tiếp tục rà soát đối với các diện tích muối không hiệu quả chuyển sang nuôi trồng thủy sản và các mục đích khác khoảng trên 100 ha. 
 
Tại xã Diễn Bích (Diễn Châu) nghề muối cũng không kém phần khó khăn. Ông Nguyễn Văn Liên - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Bích cho hay: Toàn xã có 45 ha muối, có 2 HTX làm nghề muối gồm HTX Hải Trung và HTX Hải Bắc. Sản lượng muối trong năm 2015 đạt 2.100 tấn, do khó tiêu thụ nên trong các kho muối của bà con đang tồn đọng gần 1.000 tấn muối. Những năm qua, mặc dù Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho bà con đầu tư cải tiến chạt lọc, phủ bạt kết tinh muối, nhưng diện tích phủ bạt sản xuất muối sạch còn rất ít, chi phí cao nên bà con chưa dám đầu tư. Vấn đề đặt ra hiện nay là xã đang rất cần được Nhà nước tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng nghề muối như ô, chạt, đặc biệt là hệ thống kênh mương dẫn nước, hệ thống giao thông…
 
Theo kế hoạch của xã, sang năm 2017, xã kiện toàn xây dựng 2 HTX nghề muối theo HTX kiểu mới. HTX có nhiệm vụ cung ứng vật tư, vật liệu cho bà con sản xuất muối, HTX đứng ra phối hợp, liên kết tìm nơi bao tiêu sản phẩm. Được biết, huyện Diễn Châu có 190 ha muối, từ năm 2013 đến nay, huyện đã chuyển đổi trên 40 ha muối tại xã Diễn Ngọc sang lĩnh vực đất cho thuê phát triển dịch vụ thương mại. Thời điểm này huyện còn 150 ha muối tại các xã Diễn Kỷ, Diễn Bích, Diễn Vạn, Diễn Kim… Do giá muối thấp nên diêm dân không sản suất theo hướng thâm canh, sản lượng giảm, như năm 2015 toàn huyện chỉ đạt 8.000 tấn muối, giảm hơn 1.000 tấn so với năm 2014.
 

Lỗ hàng trăm triệu đồng vì đầu tư nhà phố trong hẻm cụt

Mua căn nhà phố 65m2 trong hẻm rộng 2m tại quận Tân Bình (TP HCM), bù thêm chi phí nâng cấp tổng cộng hơn một tỷ đồng nhưng đến khi rao bán, chị Khuê rất sốc vì khách chỉ trả 700-800 triệu đồng.

Lỗ hàng trăm triệu đồng vì đầu tư nhà phố trong hẻm cụt
Mua nhà phố trong các hẻm cụt đòi hỏi phải sàng lọc pháp lý, am hiểu quy chuẩn xây dựng và chấp nhận môi trường sống phức tạp mới phòng tránh được những rủi ro dẫn đến thua lỗ. Ảnh: Vũ Lê.
Năm 2009, do nhu cầu tìm nhà gấp, thị trường bất động sản toàn chung cư cao cấp giá đắt đỏ nên săn được căn nhà phố nằm ở cuối con hẻm 2m, phường 10, quận Tân Bình giá 800 triệu đồng bao pháp lý, chị Khuê vội vàng mua ngay lập tức. Căn nhà được xây dựng trên khu đất khá hẹp, 27 m2, kết cấu một trệt, một lửng, một lầu có lan can.
Sau khi nhận nhà mới phát hiện ra chưa thể ở ngay vì công trình quá cũ, bị thấm mốc khá nhiều, chị tiếp tục bỏ tiền tu sửa, tân trang, chống thấm, lắp đặt nội thất... nâng tổng giá trị căn nhà lên hơn một tỷ đồng. Đến năm 2015, có nhu cầu đổi chỗ ở, chị Khuê cho thuê căn nhà nhưng ế ẩm vì hẻm quá sâu. Đầu năm 2016, cần tiền rao bán, chị lại bị ép giá xuống dưới một tỷ đồng, thậm chí có người còn ngã giá 700 triệu đồng. Đem tài sản thế chấp ngân hàng, căn nhà của chị bị định giá chỉ còn 600 triệu đồng.
Khách chê lối vào hẻm 2m nhưng bị lấn chiếm gần hết, đi lại khó khăn. Vị trí nhà nằm ở cuối đường nên lối thoát hiểm, công tác phòng cháy chữa cháy không đảm bảo. Cuối cùng vì đuối lý với người mua, lại cần tiền, kỳ kèo mãi, chị chỉ bán được căn nhà với giá 800 triệu đồng. "Tôi lỗ gần 250 triệu đồng sau hơn 5 năm đổ tiền vào căn nhà hẻm cụt. Nếu biết trước thế này, tôi gửi một tỷ đồng vào ngân hàng, lấy tiền lãi thuê nhà trọ sẽ chủ động dòng vốn để đầu tư hơn", chị Khuê tiếc rẻ.
Trường hợp căn nhà nằm cuối hẻm 3m, đường Trần Văn Đang, quận 3, TP HCM của vợ chồng anh Tuấn thậm chí còn thiệt hại nặng hơn, bán lỗ gần nửa tỷ đồng do khu vực này từng xảy ra hỏa hoạn. Căn nhà được mua năm 2013 với giá 1,7 tỷ đồng, tổng diện tích 70m2, một trệt, một lầu. Mang tiếng là hẻm 3m nhưng các hộ xung quanh lấn chiếm khiến cho lòng hẻm chỉ còn chưa đầy 2m. Sau khi tân trang, thiết kế lại, sửa chữa căn nhà thật hoành tráng với sơn nước đắt tiền, lát lại toàn bộ gạch nền bóng kính và đá hoa cương, sửa bếp, làm mới 2 phòng tắm... giá trị suất đầu tư đội lên 2,2 tỷ đồng.
Không may, gần 3 năm vợ chồng anh Tuấn về nhà mới, khu này nhiều lần xảy ra cháy lặt vặt. Vì lý do hẻm sâu, cả phố đều lấn hẻm nên lối thoát hiểm hẹp nên đến đầu năm 2016, vợ chồng anh dời đi, chỉ bán được 1,7 tỷ đồng, lỗ mất 500 triệu đồng tiền tân trang và nhiều nội thất khác. "Vì chưa hiểu được bài toán nhà trong hẻm cụt có làm cho cao cấp mấy cũng chẳng bán được giá cao nên vợ chồng tôi đành chịu lỗ", anh Tuấn chia sẻ.
Có hơn 6 năm hành nghề môi giới nhà phố lẻ trong khu dân cư hiện hữu tại TP HCM, ông Nguyễn Tấn Phong cho biết: "Nhà phố hẻm, đặc biệt là hẻm nhỏ, hẻm sâu, hẻm cụt, đường cùng, phải hết sức thận trọng trước khi chọn mặt gửi vàng vì loại sản phẩm này có nhiều chi tiết phức tạp cần phải cân nhắc".
Theo ông Phong, có 3 nhóm đối tượng mua nhà phố hẻm nhỏ giá tầm trên dưới một tỷ đến 2,5 tỷ đồng một căn trở xuống. Nhóm một là người ít tiền, mua để ở. Nhóm hai là mua vì mục đích kép: tích lũy tài sản, an cư thời gian đầu sau đó bán đổi nhà to. Nhóm ba là mua nhà rẻ về tân trang để bán kiếm lời. Hiện nay trên thị trường địa ốc, nhóm khách hàng thứ nhất và thứ hai khá đông, vì non kinh nghiệm nên họ thường thua lỗ nhiều hơn so với nhóm thứ ba.
Ông Phong cho rằng có ít nhất 3 yếu tố cần phải tính đến trước khi đầu tư nhà hẻm tại Sài Gòn để tránh những thất bại đáng tiếc. Thứ nhất là cẩn trọng pháp lý. Do lịch sử để lại, nhà phố cá thể trong hẻm sâu tại Sài Gòn thường bị vướng pháp lý, xây cất cơi nới, lấn chiếm, khó hoàn công, xảy ra tranh chấp hoặc nằm trong diện quy hoạch, phóng hẻm, mở rộng lộ giới. Để nắm rõ tình trạng pháp lý của căn nhà, người mua cần sự hợp tác hỗ trợ thông tin của bên bán đồng thời phải khảo sát khu vực và tiếp cận cơ quan quản lý địa phương để nắm rõ pháp lý. Làm tốt bước này là tránh được một bàn thua trông thấy.
Thứ hai là cần có kiến thức tối thiểu về xây dựng. Tại mỗi địa phương, quận, huyện, nhà hẻm thường có chuẩn xây dựng không đồng bộ. Được xây mấy tầng, khoảng lùi nhà hẻm là bao nhiêu, mức độ sửa chữa, nâng cấp như thế nào để vừa đúng quy định, vừa hợp túi tiền, vừa không ảnh hưởng đến nhà hàng xóm. Nhà phố có tường chung hay không, có đảm bảo thông gió, thoáng mát mùa nóng và không bị thấm dột mùa mưa, hệ thống thoát nước, cầu cống ra sao... đều cần đến sự tư vấn của những chuyên gia xây dựng. Làm tốt khâu này giúp cho suất đầu tư vào căn nhà hẻm không bị vung tay quá trán, tránh cảnh mua nhà về phải đổ cả núi tiền ra nâng cấp sửa chữa, dẫn đến khi bán thường lỗ nặng.
Thứ ba là lường trước môi trường sống phức tạp. Hẻm nhỏ, hẻm cụt, đường cùng, càng vào sâu càng phát sinh nhiều vấn đề xã hội. Những cái bẫy cần biết trước khi mua loại tài sản này khá nhiều. Đó là chiều rộng thực tế của hẻm có đúng với bản vẽ trên giấy tờ nhà? Nếu hẹp hơn tức là hẻm đã bị lấn chiếm.
Thanh khoản của tài sản sau này rất hạn chế do cản trở lưu thông, phòng cháy chữa cháy khó khăn, lối thoát hiểm khẩn cấp bị tắc nghẽn. Hoặc là môi trường sống xung quanh, hàng xóm lân cận và cả tình hình an ninh của những nhà phố trong hẻm có đảm bảo? Mối quan hệ xã hội và môi trường sống trong những khu hẻm nhỏ là một thách thức không hề nhỏ với những nhà đầu tư loại tài sản này.


Thức ăn nhanh đã chậm lại?

Việc đóng cửa một số cửa hàng cũng như thực tế vắng vẻ của vài thương hiệu thức ăn nhanh nổi tiếng đang hoạt động tại Việt Nam khiến không ít người đặt ra câu hỏi: Phải chăng thị trường thức ăn nhanh Việt Nam đang đạt đến ngưỡng bão hòa và không còn phát triển ồ ạt như trước?
Tiềm năng vẫn có…
Một khảo sát mới nhất của FT Confidential Research, bộ phận nghiên cứu thuộc tờ The Financial Times của Anh, đã chỉ ra rằng người tiêu dùng Malaysia và Thái Lan ngày càng có chiều hướng giảm mua đồ ăn nhanh. Tuy nhiên, tại Việt Nam thức ăn nhanh dường như vẫn còn nhiều đất diễn. Khảo sát của FT Confidential Research được tiến hành dựa trên việc thăm dò xu hướng tiêu dùng của khoảng 3.000 khách hàng tại 5 quốc gia ASEAN, gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam trong 2 năm qua. 2 thương hiệu đồ ăn nhanh phổ biến nhất tại các thị trường ASEAN là KFC và McDonald’s hiện chịu ảnh hưởng nhiều bởi xu hướng giảm đồ ăn nhanh. Nhìn chung, nhu cầu đồ ăn nhanh ở Malaysia, Philippines và Thái Lan đang bão hòa và các thương hiệu đồ ăn nhanh sẽ phải tìm kiếm các thị trường mới, một trong số này là thị trường Việt Nam. FT Confidential Research đánh giá Việt Nam là thị trường tiềm năng, bởi tỷ lệ người tiêu thụ đồ ăn nhanh vẫn ở mức thấp trong số 5 nước nói trên.
 
Sau những giây phút tưng bừng khi mới khai trương, McDonald đang mất dần khách hàng. 
Đó có lẽ cũng là lý do một số thương hiệu thức ăn nhanh đang bắt đầu tìm kiếm các đối tác nhượng quyền để mở rộng độ phủ tại thị trường Việt Nam. Gần đây nhất là thương hiệu thức ăn nhanh Jollibee (Philippines) đã công bố tìm kiếm đối tác nhượng quyền cá nhân tại Việt Nam với mức phí từ 4,5-5 tỷ đồng. Đến nay Jollibee đã có mặt tại Việt Nam được 10 năm và đã có 70 cửa hàng tại nhiều tỉnh, thành. Tuy nhiên, điều khiến không ít người băn khoăn đó là tuy thời gian có mặt tại Việt Nam khá lâu nhưng xét về thị phần, thương hiệu này vẫn nằm sau những cái tên như Lotteria hay KFC… Như vậy các cửa hàng nhận nhượng quyền có dễ trong cạnh tranh và có thể thu hồi vốn sau 3-5 năm hay không? Một cái tên khác trong lĩnh vực thức ăn nhanh, tuy chưa gây được sự chú ý nhiều của người tiêu dùng do mới có 1 cửa hàng tại Việt Nam, nhưng cũng đang tìm đối tác nhượng quyền chính là Don Chicken. Không chỉ thức ăn nhanh mà thị trường ẩm thực, đồ uống… của Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều thương hiệu ngoại. Theo thống kê của Vụ Thị trường trong nước, trong 8 năm qua vụ này đã cấp phép cho 148 thương hiệu và nhãn hiệu nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, lĩnh vực nhà hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43,7%, bao gồm 42 thương hiệu nhà hàng thức ăn nhanh, bánh, cà phê, đồ uống, nhà hàng, lẩu nướng... Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Bán lẻ & Nhượng quyền châu Á, hiện có khoảng 40 thương hiệu nước ngoài đang tìm đối tác để nhượng quyền khai thác độc quyền tại Việt Nam, trong đó ngành ẩm thực chiếm một số lượng không nhỏ.
Nhưng vẫn khó nhằn
Những tháng đầu năm 2016, thương hiệu thức ăn nhanh Burger King đang thu hút sự chú ý của dư luận do tiếp tục đóng cửa một số nhà hàng. Cụ thể, hồi giữa tháng 2 chuỗi này đã đóng cửa cửa hàng tại số 1B đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TPHCM. Trước đó không lâu, Burger King cũng đóng cửa cửa hàng tại số 134 Cao Thắng (TPHCM). Còn trong năm 2015, chuỗi này cũng đóng cửa 2 cửa hàng, 1 ở TPHCM, 1 ở Hà Nội. Năm 2014 cũng đóng cửa 1 cửa hàng tại Đà Nẵng. Trước nhiều lời đồn đoán Burger King đang gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh tại Việt Nam nên đóng cửa bớt, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, đại diện đơn vị mua nhượng quyền thương hiệu Burger King mang về Việt Nam, khẳng định: “Chúng tôi không đóng cửa hàng đơn thuần mà là dời sang vị trí thuận lợi hơn với nhãn hiệu và hoạt động kinh doanh. Chẳng hạn, cửa hàng tại số 26-28 Phạm Hồng Thái (TPHCM) do giá thuê cao, bù trừ với doanh số chỉ đủ hòa vốn nên chúng tôi chuyển sang địa điểm khác cách đó 50m mà giá thuê mặt bằng rẻ hơn 50%. Ông cũng cho hay đóng cửa 1 cửa hàng nhưng sẽ mở ra nhiều cửa hàng khác.
Nói đến câu chuyện giá thuê mặt bằng, Burger King một thời gây được sự chú ý nhờ việc trả giá thuê cao hơn nhiều để thuê được những vị trí đắc địa khi mới có mặt ở Việt Nam. Nhưng dường như thời gian đang làm sáng ra nhiều thứ, họ đã bắt đầu đi tìm những mặt bằng giá thuê rẻ hơn. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng sản phẩm cốt lõi của Burger King chính là bánh hamburger, đây không phải món ăn người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng, thêm vào đó mức giá của chuỗi này cho các suất ăn cũng không hề rẻ. Một đối thủ trực tiếp của Burger King tại Việt Nam cũng mạnh về bánh hamburger là McDonald dường như cũng đang gặp khó khăn tại một số điểm kinh doanh khi lượng khách đến quá ít. Còn nhớ thời điểm mở cửa hàng đầu tiên ở TPHCM, thương hiệu thức ăn nhanh này đã tạo ra ấn tượng cực mạnh, nhưng càng mở những cửa hàng sau thì lượng khách giảm dần. Đặc biệt tại McDonald Quang Trung (quận Gò Vấp, TPHCM), cửa hàng này thường xuyên rơi vào trạng thái vắng khách. Thậm chí ngay trong những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, trong khi cửa hàng Lotteria cách đó không xa đông nghẹt khách hàng thì McDonald vẫn trong trạng thái còn nhiều chỗ trống. Khoan bàn đến những nhận định của chuyên gia, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát nho nhỏ với chính những người tiêu dùng lựa chọn Lotteria, KFC và được cho hay McDonald chủ yếu bán bánh hamburger, các món gà rán vốn luôn nằm trong thực đơn yêu thích của trẻ con ở đây lại quá ít và giá của McDonald cũng cao hơn.
Tất nhiên, để soi xét cho kỹ lưỡng, thời gian có mặt tại Việt Nam của Burger King hay McDonald còn khá ít ỏi so với những cái tên như KFC, Lotteria, Jollibee… và hiện tượng vắng khách hay thua lỗ ở một số cửa hàng cũng không có gì quá ngạc nhiên, nhưng liệu những thương hiệu này có thay đổi được phần lớn thói quen ăn uống của người Việt để hướng họ qua thích thưởng thức những chiếc hamburger hay không thì vẫn còn là một câu hỏi rất khó.



Tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn mới: Lạc quan trong thận trọng

Quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 đã tạo cho hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) một diện mạo mới, sẵn sàng hướng tới mục tiêu hội nhập quốc tế. Thành tích tuy có nhiều nhưng hạn chế vẫn còn đó, và đây sẽ là động lực, là mục tiêu hành động cho các TCTD trong giai đoạn tiếp theo.
Trong giai đoạn 2016-2020, việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cần được đẩy mạnh quyết liệt, đồng bộ. (Ảnh: Hữu Linh)
Diện mạo mới
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức, vì thế, công cuộc tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 không chỉ giúp giảm đi những hạn chế, yếu kém mà phải làm sao để các ngân hàng mạnh hơn nữa, phát triển lên tầm khu vực và quốc tế.
Vào năm 2011, ngành ngân hàng phải đối diện với “cơn bão khủng hoảng” khi hầu hết ngân hàng, kể cả ngân hàng lớn, có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1-3-2012 phê duyệt Đề án tái cơ cấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 (gọi tắt là Đề án 254), nhờ đó, hệ thống các TCTD của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đánh giá về kết quả của Đề án 254, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Đề án đã đặt ra một lộ trình phù hợp, với những biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ, giải quyết được những vấn đề cấp bách của quá trình tái cơ cấu, đồng thời đặt tiền đề cho sự phát triển an toàn, bền vững của cả hệ thống lâu dài. Qua đó, quá trình tái cơ cấu giai đoạn 2011-2015 đã giải quyết kịp thời vấn đề thiếu thanh khoản hệ thống; xử lý các TCTD yếu kém nhưng vẫn đảm bảo an toàn của hệ thống với mức tổn thất và chi phí thấp nhất cho ngân sách Nhà nước; tạo nền tảng trụ cột cho hệ thống ngân hàng hoạt động bình thường, xử lý tốt nợ xấu.
Kết quả cụ thể của 4 năm triển khai đề án tái cơ cấu là giảm được 17 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua mua bán và sáp nhập (M&A), rút giấy phép, giải thể; tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 chỉ còn khoảng 2,72%; mặt bằng lãi suất cho vay đã được đưa về mức 7-9%/năm từ mức 25-35%/năm của năm 2011; thanh khoản thông suốt, thị trường vàng được sắp xếp lại và ổn định.
Tại buổi họp báo tổng kết năm 2015, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, sau gần 4 năm thực hiện, Đề án dù gặp nhiều khó khăn, nhưng về cơ bản, toàn ngành ngân hàng đã đạt được những mục tiêu đề ra. Qua đó, ngành ngân hàng đã giúp chính sách tiền tệ bền vững, đóng góp quan trọng trong việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Tồn tại cũ
Từ những kết quả đạt được, nhiều chuyên gia kinh tế- ngân hàng nhận định, trong giai đoạn tiếp theo, việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng sẽ “lạc quan trong thận trọng”, bởi vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại cần bước đi quyết liệt hơn nữa. Những tồn tại này, theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, thứ nhất là tình trạng sở hữu chéo, cho vay “sân sau”; thứ hai là nợ xấu, tuy rằng NHNN đang xử lý được nhưng lại tập trung vào Công ty Quản lý tài sản (VAMC), khiến nợ xấu chưa được giải quyết rốt ráo.
Cũng về những hạn chế của quá trình tái cơ cấu, theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Trí Hiếu, trên thực tế, hệ thống các TCTD vẫn còn một số ngân hàng thuộc diện yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt và trong tầm “sắp” bị kiểm soát đặc biệt. Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là sở hữu chéo, khi vì lợi ích, các “ông chủ” lập ra nhiều công ty tài chính, đầu tư chéo, cho vay chéo chính công ty của mình khiến nợ xấu tăng cao, gây mất an toàn cho hệ thống TCTD.
Để giải quyết sở hữu chéo, năm 2010, NHNN đã ban hành Thông tư 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động, năm 2014, NHNN ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tạo ra khuôn khổ pháp lý mới về bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng. Tiếp đó, NHNN đã ban hành Thông tư 06/2015/TT-NHNN quy định thời hạn, trình tự, thủ tục chuyển tiếp đối với trường hợp sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định tại Điều 55 Luật các TCTD, hạn đến cuối năm 2015 phải lập được kế hoạch khắc phục việc sở hữu cổ phần vượt giới hạn. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù thông tư ban hành nhiều nhưng sở hữu chéo vẫn chưa được giải quyết triệt để, bởi có những sở hữu chéo nằm trong “thế giới ngầm” nên khó có thể nắm bắt và cải tổ toàn diện.
Hơn nữa, về nợ xấu, mặc dù các con số đều đưa ra kết quả khả quan, tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, với tăng trưởng tín dụng cao thì tổng dư nợ, trong đó có nợ xấu cũng sẽ tăng tương ứng. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức tín dụng, ngân hàng và người đi vay thực hiện phương thức đáo hạn, đảo nợ, xử lý, tái cơ cấu lại nợ để chuyển từ nợ quá hạn thành chưa đến hạn, từ nợ xấu thành nợ chưa xấu lắm. Qua nhiều lần tái cơ cấu và đảo nợ như vậy, những khoản nợ thuộc nhóm nợ đủ tiêu chuẩn, nợ cần chú ý có nguy cơ “bục” ra thành nợ xấu trong giai đoạn tiếp theo.
Bên cạnh những “nút thắt” về nợ xấu, sở hữu chéo, hệ thống ngân hàng và các TCTD của Việt Nam vẫn còn nhiều điều khiến người trong cuộc “ngao ngán” như quy mô nhỏ lẻ, thông tin thiếu minh bạch, hệ thống quản trị rủi ro cũng như công nghệ còn yếu kém… Theo đánh giá gần đây của các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năng lực quản trị rủi ro, năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn thuộc nhóm yếu trong khu vực. Trong khi nhiều ngân hàng trên thế giới đã áp dụng tiêu chuẩn quản trị rủi ro Basel III thì các ngân hàng của Việt Nam vẫn đang loay hoay để lên Basel II.
Bước đi tiếp theo?
Mới đây, theo nghị quyết về các giải pháp phát triển kinh tế- xã hội 2016, về tái cơ cấu thị trường tài chính, Chính phủ yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan Trung ương liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các TCTD, bao gồm cả các TCTD yếu kém, trọng tâm là cải thiện và nâng cao năng lực tài chính; cải thiện và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy kiểm soát, kiểm toán nội bộ; từng bước cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, hiệu quả, giảm thiểu các hoạt động tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Chính phủ yêu cầu tập trung xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém, trong đó cho phép áp dụng các biện pháp mạnh bao gồm cả biện pháp can thiệp của Nhà nước. Tiếp tục khuyến khích, đẩy mạnh M&A theo nguyên tắc tự nguyện giữa các TCTD; khuyến khích, tạo điều kiện cho các TCTD nước ngoài có năng lực tham gia cơ cấu lại các TCTD Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ yêu cầu kiểm soát và xử lý hiệu quả vấn đề sở hữu chéo, cổ đông lớn chi phối; đẩy mạnh thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro, kém hiệu quả, đặc biệt các ngành, lĩnh vực phi tài chính.
Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong giai đoạn tới, tiến trình M&A cần tiếp tục, đẩy mạnh hơn nữa bởi NHNN đã khẳng định, với quy mô nền kinh tế như Việt Nam chỉ cần 15-17 ngân hàng hoạt động là vừa đủ. Do đó, các ngân hàng yếu kém phải được nhận diện một cách minh bạch, hoặc tăng vốn hoặc M&A với ngân hàng mạnh. Đặc biệt, nếu việc duy trì các ngân hàng nhỏ, ngân hàng yếu, ngân hàng “0 đồng” với chi phí lớn, hiệu quả mang lại không cao thì nên “thanh lý” hoặc bán từng phần, toàn phần cho ngân hàng khác. “Hiện chúng ta vẫn e ngại việc để ngân hàng phá sản do sợ ảnh hưởng đến nền tài chính và kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, để theo đúng quy luật thị trường, các ngân hàng yếu kém cần phải bị đào thải”, ông Hiếu nói.
Đồng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng cho biết, Nhà nước đã có luật phá sản nhưng vẫn phải dần dần từng bước hoàn thiện khung pháp lý một cách đầy đủ, bởi ngoài luật về phá sản, phải có pháp luật liên quan đến tài chính, phải có khung và cơ sở tài chính tương đối chuẩn mực thì việc tiến tới thông lệ quốc tế cho ngân hàng phá sản là chuyện bình thường.
Bên cạnh đó, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc thanh tra, giám sát ngân hàng cần được tăng cường, phải có sự huấn luyện kỹ càng hơn nữa. Đặc biệt, phương pháp thanh tra, giám sát phải thay đổi, hiện ở Việt Nam, việc thanh tra vẫn dừng ở mức thanh tra tuân thủ, Việt Nam cần đẩy mạnh mô hình thanh tra, giám sát theo mô hình quốc tế (CAMELS) để có thể giám sát từ vốn, thanh khoản, chất lượng tài sản có, quản trị, lợi nhuận, độ rủi ro… Điều này sẽ giúp xếp loại ngân hàng cụ thể, rõ ràng hơn, tăng tính minh bạch của hệ thống ngân hàng.
Nhìn chung, trong bối cảnh hội nhập quốc tế như hiện nay, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước cả cơ hội và thách thức, vì thế, công cuộc tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 không chỉ giúp giảm đi những hạn chế, yếu kém mà phải làm sao để các ngân hàng mạnh hơn nữa, phát triển lên tầm khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, giai đoạn mới này cần quán triệt thực hiện trên nguyên tắc dứt điểm, kiên quyết và đồng bộ, sẵn sàng áp dụng theo những thông lệ quốc tế.




Tiền Giang: Trồng sả hiệu quả trên đất nhiễm mặn

Những năm gần đây, nông dân vùng đất nhiễm mặn cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) mạnh dạn tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phá thế độc canh cây lúa thông qua việc đưa sả - một cây màu có giá trị kinh tế xuống trồng trên chân ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đổi đời từ cây sả

Trước đây, các xã ở cù lao Tân Phú Đông mỗi năm có 6 tháng nhiễm mặn, hạn hán gây thiếu nước tưới trầm trọng nên bà con chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm, năng suất chỉ đạt 30 - 40 tạ/ha, những tháng mùa khô phải bỏ hoang. Chỉ từ khi phát triển diện tích sả trên vùng đất nhiễm mặn ven biển, thường xuyên phải đối mặt với hạn hán và thiên tai, nông dân huyện Tân Phú Đông đã tìm được lối ra hợp lý cho sản xuất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều nông hộ từ chỗ đời sống thiếu trước hụt sau đã sớm khắc phục được khó khăn, kinh tế ngày một ổn định và khấm khá hơn.

Những ngày này, ai về lại vùng đất cù lao Tân Phú Đông sẽ nghe bà con nơi đây bàn tán xôn xao về cây sả - cây đã làm đổi đời nhiều nông dân cơ cực trên vùng đất khó. Hiện tại ở huyện Tân Phú Đông, sả được trồng khắp nơi, trước sân nhà, ngay cạnh lối đi, trên gò cao, trong vườn dừa, lề đường giao thông nông thôn… Và sả được nhiều nhất là ở các xã Phú Thạnh, Phú Đông, Tân Phú...

Trồng sả mang đến cuộc sống ấm no cho nhân dân huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang).
Người nông dân đi tiên phong trồng sả đầu tiên trên đất nhiễm mặn, là ông nông dân Trương Văn Hùng ở ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh. Ông Hùng cho biết: “Vùng đất Tân Phú Đông nói chung, xã Phú Thạnh nói riêng được xem là một trong những nơi chịu ảnh hưởng thời tiết nặng nề nhất tại Tiền Giang. Mỗi năm, tại đây có 6 tháng nước bị nhiễm mặn không thể canh tác, chưa kể tình trạng hạn hán và thiếu nước sản xuất. Do vậy, canh tác lúa ở khu vực này thường kém hiệu quả”. Trước thực tế này, ông Hùng suy nghĩ phải thay đổi tư duy kinh tế, đưa các cây trồng phù hợp khác thay cho cây lúa. Sả là cây màu chủ lực ông hướng tới bởi có nhiều ưu điểm: ngắn ngày, năng suất cao, dễ trồng, chịu được hạn hán và điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đầu ra của loại cây trồng này cũng thuận lợi bởi vừa là cây màu thực phẩm vừa là cây dược liệu.

Năm 2013, ông Trương Văn Hùng chuyển đổi sản xuất từ lúa sang trồng sả, với diện tích 2,5 ha và trồng tổng cộng 50.000 bụi sả. Sả trồng sau 4 tháng cho thu hoạch với trọng lượng bình quân 1,2 kg/bụi. Với diện tích sả trên, ông thu hoạch sản lượng 60 tấn củ, giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, thu 240 triệu đồng. Trừ chi phí, ông Hùng lãi 150 triệu đồng.

“So với trồng lúa, thu nhập từ cây sả cao gấp 3 lần lại không lo hạn mặn xâm hại hoặc thiên tai làm mất mùa”, ông Hùng chia sẻ. Chỉ sau ba năm gắn bó với cây trồng mới trên đất nhiễm mặn cù lao Tân Phú Đông, gia đình ông Hùng đã có của ăn của để, tạo dựng cơ nghiệp vững vàng. Ngoài ra, mô hình trồng sả giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nghèo tại địa phương có thể kiếm được thu nhập từ việc lặt sả thuê. Bình quân, mỗi tháng nếu siêng năng thì người lặt sả cũng kiếm khoảng 2 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, cho biết từ cây màu bình thường ít được chú ý, thông qua những nông dân nhạy bén như ông Trương Văn Hùng, sả đã trở thành cây làm giàu cho miền đất mặn. Hầu hết những hộ trồng sả ở Tân Phú Đông đều thành công, có thu nhập khá. Hiện diện tích sả tại Tân Phú Đông đã mở rộng lên trên 800 ha, tăng hơn 200 ha so với cùng kỳ năm trước, trở thành địa phương có vùng chuyên canh sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang mang lại nguồn lợi kinh tế quan trọng.

Chuyển đổi thành công cho vùng đất mặn

Tại vùng chuyên canh sả Tân Phú Đông ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi như: Ông Phạm Minh Hùng ngụ ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh có 1,1 ha đất trồng sả chuyên canh năm qua đạt sản lượng trên 37 tấn, bán với giá bình quân 3.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 70 triệu đồng. Cũng ở ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh có ông Nguyễn Văn Hùng trồng 1,6 ha sả, năm 2014 đạt sản lượng gần 50 tấn, bán thu trên 170 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn trăm triệu đồng. Đây là hai trong số hàng chục “triệu phú cây sả” trên miền đất mặn Tân Phú Đông.

Điều đáng nói là những mô hình làm giàu từ cây sả nói trên đã đặt nền tảng để huyện Tân Phú Đông tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với những mô hình và cây con phù hợp, hiệu quả, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà địa phương luôn phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ. “Trước mắt, Tân Phú Đông xác định cây trồng chủ lực giai đoạn 2015 - 2020 là sả, mãng cầu xiêm, dừa, lúa năng suất cao”, ông Nguyễn Văn Hải cho biết.

Từ thực tế sản xuất hiệu quả của bà con, cây sả đang trở thành cây trồng chủ lực của các xã ven biển Tân Phú Đông, gồm Phú Đông, Phú Tân, Phú Thạnh… Tiềm năng lớn lao này đang được nông dân phát huy để làm giàu cho kinh tế hộ cũng như góp phần đổi mới nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, với sản lượng sả thương phẩm trên 20.000 tấn/năm, Tân Phú Đông là nơi cung cấp lượng sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang, chủ yếu phục vụ thị trường TP Hồ Chí Minh.

Trong tương lai, huyện Tân Phú Đông đang có hướng phát triển diện tích trồng sả lên khoảng 1.000 ha. Để hướng đến phát triển cây sả ổn định, bền vững, ngành chức năng của huyện sẽ tăng cường hỗ trợ khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân. Đồng thời hiện đang kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến ra các sản phẩm từ cây sả, chế biến phân hữu cơ từ lá sả... Trước mắt đã có doanh nghiệp đến vùng đất này để đầu tư xây dựng cơ sở chiết xuất tinh dầu sả.

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons