Những ngày vừa qua, thông tin thịt lợn chết từ lò mổ tập trung ở thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) được đưa ra thị trường tiêu thụ khiến dư luận xôn xao. Người dân thì không dám mua ăn, còn tiểu thương thì khốn đốn...
Ông Lê Văn Công - một trong những người hành nghề giết mổ heo tại Tổ hợp tác dịch vụ giết mổ thị trấn Đông Phú (huyện Quế Sơn) – cho hay, nhiều ngày nay không hiểu nguồn tin từ đâu mà người dân cho rằng thịt lợn (heo) chết vì dịch bệnh đưa ra thị trường từ lò mổ này làm ảnh hưởng rất lớn đến việc buôn bán của bà con tiểu thương ở đây.
Chuồng nhốt lợn chuẩn bị mổ của ông Lê Văn Công tại khu giết mổ tập trung
Ông Công cho biết, trước đây mỗi ngày ông mổ 3 con nhưng sau khi có tin đồn thì ông chỉ mổ một con nhưng bán cũng không hết. Thịt ế phải mang đi đổ bỏ, cuộc sống nhiều gia đình tại đây cũng lao đao vì mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều phụ thuộc vào công việc này.
Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Hiền – một trong những tiểu thương tham gia giết mổ lợn tập trung ở đây cho biết, bình thường mỗi ngày ông mổ 3-4 con, sau khi tin đồn ác ý kể trên, việc kinh doanh của ông rơi vào cảnh "đứng im".
Clip ông Công khẳng định không có thịt lợn bị bệnh chết tại lò mổ
“Sáng nay tôi ra chợ thấy tình hình buôn bán quá sức ế ẩm, ai cũng hỏi về việc thịt lợn chết được đưa ra thị trường có hay không? Tôi chuyên cung cấp thịt lợn cho học sinh bán trú ở một số trường nhưng mấy hôm nay các trường cũng từ chối mua thịt”, ông Hiền trình bày.
Ông Nguyễn Hiền nói về khó khăn khi tin đồn thịt lợn bệnh chết được đưa ra từ lò mổ
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quang – một trong 2 hộ dân đầu tư lò mổ này rất bức xúc khi thông tin thịt lợn chết được đưa ra thị trường có nguồn gốc từ lò mổ này. Ông Quan cho biết: “Sự việc không như thông tin đồn thổi. Không có chuyện heo ở đây chết đến 50 con. Từ khi đưa lò mổ vào hoạt động (tháng 1/2015), chỉ có khoảng 20 con bị chết do nhiều nguyên nhân và chỉ có 3 con heo bị bệnh chết nhưng thú y đã tiêu hủy”.
Theo ông Quang, sở dĩ lợn ở đây bị chết là do số lượng nhốt trong chuồng nhiều so với sức chứa nên lợn cắn nhau, hay bị sổng chuồng lọt xuống dưới mương thoát nước rồi chết. Đây là những con lợn chết do tác động cơ học chứ không phải bị dịch bệnh chết. “Những trường hợp lợn bị chết như thế này, lực lượng thú y kiểm tra kỹ, nếu thịt đạt tiêu chuẩn rồi mới đóng dấu cho đi tiêu thụ, nếu không thì buộc phải tiêu hủy”, ông Quang khẳng định.
Chủ lò mổ - ông Nguyễn Quang – khẳng định không có thịt lợn bệnh chết từ lò mổ tuồn ra thị trường
Chiều 30/10, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Huệ - Trạm trưởng Trạm thú y huyện Quế Sơn – cho biết, thông tin lợn bệnh chết nhưng vẫn đưa ra thị trường tiêu thụ là hoàn toàn bịa đặt. Trong quá trình giết mổ, lực lượng thú y đã thực hiện nghiêm theo quy trình kiểm soát giết mổ của Bộ NN-PTNT.
Về thông tin thịt lợn chết nhưng vẫn tuồn ra thị trường, ông Nguyễn Huệ nhận định, có thể đây là chủ ý của một số hộ đang giết mổ tại đây cố tình tung tin để phá hoại. Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Văn Minh – Phó Chủ tịch thị trấn Đông Phú – cũng khẳng định lợn chết ở lò mổ này là có nhưng là do tác động cơ học. Trong khi đó, thịt lợn chết bệnh mà được thú y đóng dấu rồi đưa ra thị trường là thông tin hoàn toàn bịa đặt nhằm bôi nhọ, phá hoại lò mổ được nhà nước cùng người dân tham gia đầu tư
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét