Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

“Chìa khóa” nào để Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới?

Hội nhập sâu rộng, niềm tin cải cách hay điểm đến mới của dòng chảy vốn đầu tư thế giới đã, đang là cơ hội và chìa khóa giúp Việt Nam có thể vươn lên, trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới năm 2015.

Việt Nam: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”
“Việt Nam đang là tâm điểm của các hợp tác song và đa phương. Chúng ta đang đón nhận những luồng giao thương lớn nhất nhì thế giới trong hiện tại và tương lai nhờ vào các hiệp định thương mại tự do. Với yếu tố nội lực của nền kinh tế mới nổi, dân số trẻ và có chi phí sản xuất thấp Việt Nam đang được xem là điểm dừng chân lý tưởng và cơ hội kinh doanh của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia và giới đầu tư quốc tế đổ vốn và chuyển vốn…”. Đây là nhận định của GS.TS. Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tại Hội thảo Khoa học Quốc tế bàn về “Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015” do Ngân hàng Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ngân hàng Thế giới phối hợp tổ chức ngày 24/10.
Những cơ hội từ hội nhập mang lại cùng sự mở cửa cải cách của nền kinh tế mới nổi, dân số trẻ, chi phí lao động thấp đang là một trong những địa chỉ đỏ đầu tư vốn vào Việt Nam… Đây được xác định là yếu tố giúp Việt Nam có thể trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, các chuyên gia kinh tế, học giả, chính khách trong và ngoài nước chia sẻ, Việt Nam cần nỗ lực đổi mới và cải cách hơn nữa, chọn đúng chìa khóa cho mình để nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức đưa Việt Nam trở thành một trung tâm sản xuất mới của thế giới.
Việt Nam đang có cơ hội trở thành công xưởng mới của thế giới
Việt Nam đang có cơ hội trở thành công xưởng mới của thế giới
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, bên cạnh nhiều thành tựu sau 30 năm đổi mới, cần đặt câu hỏi trong thời gian tới thách thức như thế nào, trong đó có nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động.
“Đánh giá của một số tổ chức quốc tế về việc Việt Nam có thể trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới gợi ý cho chúng tôi cần phải làm rõ thêm chúng ta có tiền đề gì, lợi thế gì để hướng đến xu thế phát triển này. Chúng tôi cũng nhận định nhu cầu chuyển dịch trung tâm chế tạo thế giới như thế nào, Việt Nam có điều kiện chuyển dịch ra sao”, ông Nhân nhấn mạnh.
Thống kê cho thấy, 63% xuất khẩu của Việt Nam là hàng chế biến, 56% là đầu tư nước ngoài và đến nay là về chế biến, chế tạo. Đó là những tín hiệu thuận lợi. Trong lịch sử phát triển kinh tế thế giới, nhiều quốc gia đã kịp nắm bắt cơ hội để vươn lên trở thành những nền kinh tế lớn hàng đầu khu vực nhờ xây dựng và phát triển thành công những trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới”, ông Nhân chỉ rõ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Công nghiệp chế biến chế tạo thu hút được sự quan tâm từ doanh nghiệp, đặc biệt khối FDI. Tỷ trọng ngành này tăng dần theo từng năm. Năm 2011 chiếm 50%, 2012: 70%, 2014: 72%. Công nghiệp chế biến chế tạo đang tạo ra động lực tăng trưởng và việc làm cho đất nước và người dân”.
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá: “Sản xuất chế tạo đang tạo đà và là động lực cho tăng trưởng Việt Nam. Đơn cử, khu vực sản xuất và chế tạo đang đóng góp GDP nhiều nhất cho Việt Nam, khu vực này cũng đóng góp xuất siêu, tạo việc làm và hình thành nên những khu công nghiệp tập trung, khu công nghệ cao cho Việt Nam. Trong thu hút đầu tư, ngành chế tạo luôn chiếm gần 50 tỷ USD vốn FDI và ngành chế tạo đang trở thành điểm nhấn thu hút của Việt Nam gần đây".
Theo TS. Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: “Việt Nam đang hội đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để trở thành trung tâm chế tạo mới của thế giới. Làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước ASEAN cho thấy Trung Quốc không còn được xem là công xưởng của thế giới. Những ví dụ sinh động nhất có được từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc khi chuyển dịch vốn dần sang Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tư do, nền kinh tế có độ mở lớn, khiến Việt Nam đang là trung tâm của dòng chảy thương mại và giao thoa vốn đầu tư thế giới….
Về yếu tố địa lợi, Việt Nam có 40% dân số là lao động dưới 25 tuổi, chi phí nhân công bằng nửa Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia.. Nhân công nhiều, giá rẻ, chi phí thấp. Bên cạnh đó, áp lực từ hội nhập vào các thể chế khu vực, đa phương và toàn cầu, kích thích cải cách trong nước, khiến Việt Nam càng có nền kinh tế cởi mở và năng động hơn.
Yếu tố nhân hòa, theo TS Anh, đến năm 2014, Việt Nam đã có khoảng 288 khu công nghiệp, thu hút trên 4.770 dự án FDI, thu hút được 70,3 tỷ USD vốn đầu tư trong đó 36,2 tỷ USD được giải ngân. Nhiều tập đoàn đa quốc gia của Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… đã có mặt và đặt cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Đây là những nhân tố giúp tăng tín nhiệm quốc gia và là cơ sở cho việc đặt nền móng sản xuất lâu dài hơn.
Thách thức không nhỏ
Để Việt Nam trở thành một trung tâm chế biến, chế tạo của thế giới, theo nhiều chuyên gia kinh tế, điều cần làm nhất lúc này chính là: đón nhận cơ hội, vượt qua thách thức chính mình và thời cuộc.
"Việt Nam đã và đang ở bước đoạn quan trọng nhất để vươn lên thay thế các quốc gia khác, trở thành trung tâm chế biến, chế tạo của khu vực và quốc tế. Các yếu tố như dòng vốn đầu tư mạnh, có sự xuất hiện của nhiều DN, tập đoàn nước ngoài trong ngành chế biến, chế tạo mở ra cơ hội cho Việt Nam đón nhận và vận dụng phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhìn rõ thực tế về cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, chính sách phát triển còn cũ và yếu kém để có những thay đổi chính mình, đón nhận tốt hơn thời cuộc và vận hội cho Việt Nam”, Thống đốc Bình nhấn mạnh.
Theo bà Victoria Kwakwa: Hấp thụ vốn đầu tư kém, đặc biệt là công nghệ hỗ trợ chậm phát triển khiến Việt Nam bộc lộ điểm yếu để thu hút nhiều hơn nữa các nhà sản xuất. Tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam còn khá thấp, điều này cho thấy sự liên kết chuỗi giá trị toàn cầu với các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế và điều đó chứng minh sự yếu kém của doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Do vậy, đại diện WB cho rằng: “Cần có chiến lược đồng bộ để thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, như đầu tư vào cơ sở vật chất, hạ tầng, logistic, chất lượng nhân lực và đặc biệt là đầu tư vào thể chế thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài, để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến chế tạo của thế giới".
Ông Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Trung Quốc vốn được xem là công xưởng của thế giới. Tuy nhiên, dòng dịch chuyển vốn khỏi nước này của các tập đoàn đầu tư nước ngoài đang diễn ra khá mạnh. Với chiều hướng dịch chuyển từ 10 - 15% sản xuất của các hãng ra khỏi Trung Quốc, có thể tạo ra hàng triệu việc làm cho các nước khác, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Philippines và Indonesia. Với Việt Nam, chúng ta có khoảng 5 - 6 triệu công nhân trong khu vực chế biến, chế tạo. Đây là cơ hội đặc biệt mà Việt Nam cần nắm bắt cơ hội để đẩy nhanh nhịp độ phát triển”.


NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons