Thứ Hai, 19 tháng 10, 2015

Lão nông ung thư chế máy tự động 'hít hà' khó tin

Ông Nguyễn Đức Mạnh, một nông dân ở xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa vừa sáng chế thành công chiếc máy xúc và hốt rơm đa năng đầu tiên trong cả nước. Khi cánh đồng xã Suối Hiệp đã vãng người sau vụ lúa thu đông, ông và vợ còn cặm cụi cùng chiếc máy gom rơm về. Ai thấy chiếc máy kì lạ cũng dừng xe hỏi chuyện, thích thú, và càng ngạc nhiên hơn khi chủ nhân chế tạo nó để… “lướt qua” căn bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Ung thư chưa phải là chấm hết
Qua mùa gặt, cánh đồng như một mái đầu mới cạo, rơm rạ đã được dọn sạch nhờ chiếc máy xúc rơm của ông Mạnh. Những mùa trước, nhiều gia đình gặt lúa xong chẳng buồn bỏ công dọn rơm rạ, hoặc đốt rơm đi để khói tỏa mù trời.
Lão nông, ung thư, tự chế, Nguyễn Mạnh Đức, Khánh Hòa, Lão-nông, ung-thư, tự-chế, Nguyễn-Mạnh-Đức, Khánh-Hòa,
Ông Nguyễn Đức Mạnh trên chiếc máy xúc rơm đa năng.
Trở về sau chuyến đi thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh, ông Mạnh không chỉ mang kết quả khám về mà còn tranh thủ mua 2 động cơ 22 ngựa và 2 hộp số mới để chế máy. Ngồi giữa những linh kiện mới coóng, ông Mạnh nói: “Có người ở thị xã Ninh Hòa, có người ở tận Tây Ninh, Vũng Tàu đặt tui làm. Ban đầu họ nói mua máy của tui, tui nói đây là kỉ niệm, tui không bán, để tui làm cái máy khác bài bản hơn bán cho”.
Ông say sưa giảng giải về máy móc mà bỏ lửng chuyện kết quả khám bệnh thế nào. Chỉ khi tôi hỏi: Duyên cớ nào đưa ông thành “nhà sáng chế chân đất”?, ông mới cởi cái áo đẫm mồ hôi “khoe” vết mổ cách đây một năm. “Hai năm trước đó tui thi thoảng có bị đau đầu, nhưng mình cứ lao động hoài đâu có lo bịnh. Tháng 7 năm ngoái đi khám mới biết ung thư giai đoạn cuối”.
Những ngày khó khăn bắt đầu, căn bệnh ác tính đến cùng bao nhiêu bề bộn, ông phải bán máy móc, thế sổ đỏ, mượn thêm anh chị em để có tiền chữa bệnh. Sau ca mổ, ông nghe mình suy kiệt, người còn 38kg với da bọc xương. Mỗi lần nhìn vào gương là một lần ông đối diện với gương mặt hốc hác, đôi mắt thụp sâu tuyệt vọng.
Khi cơn nguy kịch qua đi, ngôi nhà trống trải bởi tài sản đã bán hết, ông chẳng nghĩ được gì ngoài cái chết đang ập tới. Thời gian làm nguôi ngoai, ông trấn tĩnh lại, những đợt hóa trị đều đặn hàng tháng là hi vọng níu ông lại đời thường.
Ông Mạnh kể lại những bi kịch ấy bằng giọng cà tửng của một người vốn vui tính. Để lấy lại niềm lạc quan ấy, ông đã xem trên báo, đài những người cùng hoàn cảnh vẫn chiến thắng bệnh tật và đóng góp cho xã hội. Để rồi ông đúc kết: “Bị ung thư chưa phải là chấm hết. Và còn sống là còn lao động. Mình phải kiếm cái gì làm chớ, không lẽ cứ ngồi không như vầy hoài?”.
Đam mê sáng chế giúp “khỏe người ra”
Khánh kiệt vì bệnh tật, điều đầu tiên ông nghĩ là “làm cái gì đó đơn giản, cơm áo gạo tiền mà”. Trước đây, vợ chồng ông từng có thu nhập khá nhờ nấm rơm, rơm rạ lại ngổn ngang trên đồng sau mùa gặt do bà con không thu dọn. Ông bàn với vợ “kế” này nhưng lại nhanh tiu nghỉu vì “người ta khỏe mạnh còn không gom rơm nổi, mình đau yếu biết tính sao giờ?”. Nhưng ông Mạnh nghĩ: “Một cái máy có thể làm được việc này”. Tháng 1.2015, chiếc máy xúc rơm bắt đầu được ông ấp ủ.
Chỉ vào những vết hàn trên chiếc máy, ông Mạnh cười hì hì: “Hồi đó không có tiền, tui vô tiệm phế liệu mua sắt vụn về hàn cho tiết kiệm, ống thủy lực tui cũng mua cũ, rồi cái máy 8 ngựa này mua có 300 nghìn thôi”. Sau khâu gom rơm, ông Mạnh làm thêm hệ thống cầu cẩu để xúc lên xe, chỉ cần 2 người để sử dụng chiếc máy này.
Theo ông Mạnh, năng suất của máy bằng khoảng 30 công lao động nếu làm việc 8 giờ mỗi ngày. “Cứ đưa máy ra đồng là có người đi đường dừng xe lại thích thú quan sát rồi mắt chữ A, mồm chữ O, kêu “Woah” nên tôi đặt nó là “Woah” luôn”, ông Mạnh hóm hỉnh về cái tên ngộ nghĩnh ông đặt cho “đứa con” của mình.
Lão nông, ung thư, tự chế, Nguyễn Mạnh Đức, Khánh Hòa, Lão-nông, ung-thư, tự-chế, Nguyễn-Mạnh-Đức, Khánh-Hòa,
Chiếc máy xúc rơm đa năng của ông Mạnh.

Tiếng lành đồn xa, cách đây 3 tháng, chủ một xưởng phế liệu đến nhà nhờ ông giúp làm máy ép phế liệu. “Giả dụ một 1 xe phế liệu vận chuyển vào Sài Gòn mất 7 triệu đồng, chưa ép thì phải chở 4 chuyến, tui làm cái máy ép thành cái bánh, ép xong chỉ cần chở một chuyến”, ông giảng giải. Khi chiếc máy hoạt động, chủ xưởng phế liệu “hít hà” phục lăn. “Thế là tui đặt tên Hít Hà luôn”, ông Mạnh lý giải một cái tên ngộ nghĩnh nữa. Sau khi tiết kiệm chi phí khâu tiêu thụ, chủ xưởng phế liệu này đang đề nghị ông làm máy ép cơ động để giảm chi phí ở khâu thu mua.
Sau khi kể về những đứa con tinh thần và niềm vui “sinh” ra, đặt tên cho chúng, ông Mạnh nói: “Chế tạo mấy cái này giúp tui khỏe người ra, tìm được niềm vui trong cuộc sống. Cứ ngồi quần qua quần lại nghĩ đến chuyện đau của mình thì buồn lắm”. Không phải bỗng dưng, một nhà sáng chế chân đất từ “trên trời rơi xuống”. Ông Mạnh kể, thời trẻ trai ông phải xoay sở nhiều nghề kiếm sống, nhưng cứ nơi nào có máy móc là ông mày mò tìm hiểu. “Thời còn bao cấp tôi từng chế tạo được máy dệt vải. Có một thời gian tui lái máy cày, máy thường hư nhông sên, mua một cái là một chỉ hai vàng, tui sửa có 20 ngàn à, nói thiệt, thành nhà sáng chế cũng do mình không có tiền”, ông cười sảng khoái, tự trào.
Sống cho mình, giúp ích cho cộng đồng
“Cái gì cũng quay về cơm áo gạo tiền”, ông Mạnh nói kiểu nông dân thuần phát. Kể về kế hoạch làm ăn trong tháng tới, ông nhẩm tính: “Một tấn rơm cho ít nhất 100kg nấm, 1kg nấm giá ít nhất 30 nghìn đồng, chỉ cần 10 tấn rơm là kiếm ít nhất 3 triệu tháng. Vợ chồng tui đau yếu mà chỉ cần 2 ngày là gom được 10 tấn rơm. Làm nấm xong, tui lấy rơm bón cho bạc hà, bán rau lại có thêm khoản thu nhập nữa”. Theo ông Mạnh, công dụng từ rơm rất nhiều, ai cũng làm được, thu nhập lại cao mà không gây ô nhiễm môi trường.
Ông thổ lộ: “Tui không giữ khư khư cái máy này cho mình, cái gì có ích cho bản thân, cho xã hội thì làm”. Khoe 2 đứa con đang học nghề điện và điều dưỡng, ông có chút ngậm ngùi bảo lớp trẻ bây giờ ly nông hết, để trên đồng toàn phụ nữ với người già. Và như để cụ thể hóa ước muốn sống “có ích cho xã hội” như đã nói, ông dự tính chế tạo một chiếc máy xúc rơm đa năng thấp và dễ sử dụng hơn để phụ nữ và người lớn tuổi có thể sử dụng.
Lại nói về những đơn đặt hàng chưa thực hiện, ông cho biết: “Tui làm cho mình bằng sắt phế liệu, làm cho người ta thì phải làm sắt chính phẩm đàng hoàng. Máy của tui cẩu chỉ cao 4,5m, có một ông chủ buôn rơm đặt tui làm cái máy giá chỉ dưới 100 triệu, nhưng tui phải nâng cần cẩu lên 6m để chất rơm lên xe lớn. Tui muốn sản xuất nhiều máy hơn nhưng mà không có vốn, trông có ai đó cho mình vay, mượn, giấy tờ đàng hoàng”, ông kể về những dự định bằng giọng lạc quan và nhịp điệu gấp gáp.
Ông tâm sự: “Tui lao vào cuộc sống tìm niềm vui để lướt qua cơn bệnh. Xem TV có chị kia bị ung thư mà sống được 12 năm. Tui không mong được nhiêu đó nhưng ước gì được càng dài càng tốt”.
Thay ấm trà giúp chồng mời khách, vợ ông Mạnh chỉ về chiếc máy ở góc vườn do ông Mạnh sáng chế. “Chiếc máy làm đất trồng rau đó chồng tôi làm để giúp tôi nhẹ bớt việc”, bà khoe và nở nụ cười mãn nguyện. Ông bảo, đó là sáng chế quan trọng nhất đời mình.
(Theo Lao Động)



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons