Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Giá xăng chưa thể giảm sâu: Gánh quá nhiều thuế, phí và chi phí

Nhìn nhận về đợt giảm giá xăng lần này, một số chuyên gia cho rằng, giá xăng khó có thể giảm sâu hơn do phải gánh quá nhiều thuế phí và chi phí, chiếm quá nửa so với giá gốc nhập về.


petrolimex-a9b1d-1f958-cad61
Giá xăng thế giới giảm không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường Việt Nam mà phải qua các biện pháp hành chính.
Trong bản tin gửi tới nhà đầu tư, Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) đánh giá, giá xăng bán lẻ giảm 770 đồng do giá tham chiếu (giá xăng RON 92 trung bình 15 ngày tại Singpapore) giảm 6%.
Đây là đợt giảm giá xăng lần thứ 4 liên tiếp trong vòng 2 tháng qua (và là lần thứ 2 chỉ tính trong tháng 8) đưa giá xăng giảm hơn 10% so với mức đỉnh của năm nay. Mức giá xăng hiện tại chỉ cao hơn khoảng 4% so với đầu năm.
Theo ước tính của VCSC, đợt điều chỉnh lần này sẽ không tác động đến CPI tháng 8 nhưng có thể làm CPI tháng 9 giảm 0,3%.
Nhìn nhận về đợt giảm giá xăng lần này, một số chuyên gia cho rằng, giá xăng khó có thể giảm sâu hơn do phải gánh quá nhiều thuế phí và chi phí, chiếm quá nửa so với giá gốc nhập về.
Cụ thể, hiện tính trung bình 1lít xăng RON 92 đang phải chịu khoảng 1.900 đồng tiền thuế nhập khẩu (thuế suất 20%); 1.200 đồng thuế tiêu thụ đặng biệt (thuế suất 10%); chi phí định mức hơn 1.000 đồng; lợi nhuận định mức 300 đồng; trích quỹ bình ổn 300 đồng; thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng; thuế giá trị gia tăng 1.700 đồng...
Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh nói ngắn gọn: “Giá xăng thế giới giảm không ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường Việt Nam mà phải qua các biện pháp hành chính. Đó là điều chúng ta cần xem xét”.
TS Lê Đăng Doanh cũng cho rằng: "Petrolimex với lợi nhuận tăng lên 300%, trong đó họ nói do người tiêu dùng tăng, do chênh lệch giá thế giới. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy, sự chênh lệch với giá thế giới cũng đã tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Mặt khác, giá xăng giảm rồi nhưng giá cước vận tải không giảm gây ra sự bất hợp lý trong quản lý, điều hành”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, dù khá khớp với xu hướng chung rồi nhưng giá mức lên xuống của giá xăng dầu vẫn không tương xứng với thế giới. “Nước mình giá xăng dầu không hoàn toàn theo giá thế giới bởi ngân sách phụ thuộc lớn vào nguồn thu từ xăng dầu nên khi giá thế giới xuống mà các khoản thu tăng thì giá vẫn tăng thôi”, ông Phong nói.
Một yếu tố là chi phí và lợi nhuận định mức quy định cố định trong giá xăng cao cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp tận dụng mang lại lợi ích cho mình. Do giá xăng giảm liên tiếp, doanh nghiệp càng nhập càng có lãi nên cũng mạnh tay trả hoa hồng cho các đại lý. Có doanh nghiệp xăng dầu tiết lộ, mức chiết khấu hoa hồng cho đại lý đang phổ biến 1.000 - 1.200 đồng/lít, thậm chí lên tới 1.300 đồng/lít với đại lý lớn.
Cơ chế quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện cũng được chuyên gia đánh giá là vận hành chưa ổn và gây nhiễu giá, dễ bị ăn gian, lạm dụng. Trong nửa đầu năm nay, mặc dù giá xăng dầu vẫn đứng ở mức cao nhưng do không xả quỹ và dừng trích bình ổn nên giá xăng dầu trong nước không có cơ hội giảm sâu. Hiện quỹ bình ổn theo báo cáo của Bộ Tài chính còn dư 1.794 tỷ đồng tính đến hết quý II, trong đó riêng Petrolimex dư tới 1.356 tỷ đồng.
Giới chuyên gia vẫn cho rẳng nên bỏ quỹ bình ổn bởi về bản chất quỹ này hoàn toàn không cần thiết và không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.
Trao đổi với báo chí, PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), cho rằng, vận hành Quỹ BOG hiện nay dẫn đến tình trạng điều hành giá xăng chưa “thỏa đáng” với người tiêu dùng. Bởi lẽ, không một ai muốn mua hàng giá cao dưới hình thức “bỏ tiền ra cho người khác giữ” trong khi rất khó kiểm soát được đồng tiền của mình được sử dụng ra sao.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons