Doanh nghiệp Việt thời hội nhập như một người cõng trên lưng một gánh nặng và lại đang đi trên… cầu khỉ, họ phải dọ dẫm từng bước để khỏi trượt chân rơi xuống nước nên khó có thể ngẩng đầu nhìn xa vươn tới những thị trường rộng lớn bên ngoài.
Chuyên gia kinh tế Lương Bích Hồ phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu 2015.
Không lo doanh nghiệp không thể cạnh tranh, chỉ lo Nhà nước “ì”… không đẩy được
Tham gia ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2015 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam – Hội nhập và phát triển bền vững” khai mạc tại Thanh Hoá sáng nay (27/8), Viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý Kinh tế Trung ương - TS. Nguyễn Đình Cung đánh giá, DN Việt đang đối mặt quá nhiều thách thức, khó khăn khi hội nhập.
Ông Cung so sánh hình ảnh DN Việt Nam với cảnh một người cõng trên lưng một gánh nặng về chi phí và lại đang đi trên… cầu khỉ nên phải dọ dẫm từng bước để khỏi trượt chân rơi xuống nước nên khó có thể ngẩng đầu nhìn xa để vươn tới những thị trường rộng lớn bên ngoài.
Từ đó, ông Cung chỉ rõ, vấn đề nền tảng phải là ở nhà nước, hội nhập phải bắt đầu từ đổi mới của nhà nước. Theo ông Cung, nhận định về chức năng, vai trò nhiệm vụ của nhà nước đã giữ nguyên 30 năm qua, các công cụ quản lý cũng “chết cứng” như thế.
“Tư duy quản lý vẫn là đứng ở bề trên so với DN để điều hành, chỉ bảo chứ không phải là đứng bên cạnh để hỗ trợ, nâng đỡ. Cả bộ máy có bệnh “nghiện” quản lý, “nghiện” ra lệnh nên tạo ra đủ thứ rào cản chứ đừng nói đến hỗ trợ” - ông Cung khuyến cáo, không nên trách DN chưa chủ động chuẩn bị cho hội nhập mà quyết định để khởi động nằm chính ở phía nhà nước.
Báo cáo tại Diễn đàn, TS Lê Đăng Doanh cũng nhận xét, có 2 loại hình hội nhập: Một là “chủ động” – hội nhập bằng khoa học công nghệ, bằng DN lớn và thương hiệu mạnh trong nước để kéo các DN nước ngoài vào liên kết phát triển. Hai là “bị động” - trông đợi vào lao động giá rẻ, bán tài nguyên, cung cấp ưu đãi vượt các nền kinh tế khác để hút vốn vào trong nước. Việt Nam hiện đang nằm ở loại hình thứ 2.
Và việc hội nhập thụ động được cảnh báo là để lại hệ quả rất lớn, lâu dài. Thách thức này đặt ra ở cấp độ nhà nước chứ không phải chỉ DN khi cơ quan điều hành rất tích cực tham gia đàm phán hội nhập nhưng vẫn nhấn mạnh khía cạnh Việt Nam ở trong nhóm nước kém phát triển, cần ưu tiên, trợ giúp (cùng với Lào, Campuchia) thay vì thể hiện là một nước mạnh mẽ và tham vọng. Vậy nên nhà nước chuẩn bị cho hội nhập cũng chỉ dừng ở việc xây dựng hàng rào bảo vệ ở biên giới (hàng rào thuế quan) trong khi hàng rào kỹ thuật thì vẫn gần như bỏ trống.
Có cùng quan điểm với TS Cung, Chuyên gia kinh tế TS.Võ Trí Thành cũng chia sẻ tâm tư, lo ngại đặt ra không phải với DN vì DN cạnh tranh cùng lắm là chết (có thể chết một lúc 100.000 DN nhưng sau đó sẽ có 200.000 DN mới mọc lên) nhưng công chức, nhà nước không cạnh tranh được thì cũng không cho chết được.
“Việt Nam còn rất xa mới tiến được tới bước chủ động tham tạo luật chơi mà vẫn chỉ chạy theo luật chơi của người khác. Người Việt Nam chém gió trong nước rất giỏi, quan chức Việt Nam chém gió còn giỏi hơn nhưng ra ngoài thì lại im hơi lặng tiếng, không thể hiện tiếng nói, vai trò. Vậy nên tôi không lo cho DN bằng lo cho khu vực công vì DN có công cụ điều chỉnh bằng thị trường còn khu vực công thì sức nào điều chỉnh được. Đó là sức ì lớn nhất khi hội nhập” – ông Thành than.
Sức phát triển kinh tế Việt Nam không theo kịp tốc độ hội nhập
Theo đánh giá của Chuyên gia kinh tế Võ Đại Lược, về chủ trương, Việt Nam là quốc gia hội nhập nhất ASEAN và Châu Á khi cho đến nay, nhà nước đã ký 15 hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các đối tác, tương đương với số hiệp định 1 quốc gia rộng lớn như Trung Quốc tham gia. Vấn đề là Việt Nam hội nhập sâu, rộng như vậy nhưng sức phát triển kinh tế không theo kịp tốc độ hội nhập.
Vấn đề cạnh tranh đặt ra, theo đó, không chỉ với DN Việt Nam mà đó còn là thách thức với cả Chính phủ, cả nền thể chế hiện nay. Xét về sức cạnh tranh về thể chế và điều hành cấp quốc gia, ông Lược nhận xét là nhìn qua đã thấy ngay bất cập.
“Hội nhập nghĩa là đổi mới nhưng Việt Nam mới chỉ chú trọng thay đổi về thủ tục. Giảm giờ làm thủ tục hải quan, giảm thời gian nộp thuế… mới chỉ là chuyện hình thức thể hiện. Cái lớn là đổi mới thể chế mà nhà nước đã xác định là cần đột phá thì đến nay chưa làm được bao nhiêu” – ông Lược nhận xét.
Với DN, lãi suất vay vốn vẫn ở mức cao nhất thế giới, lãi suất huy động đã khoảng 7%/năm, còn lãi suất cho vay ít cũng phải 10%. Như vậy rõ ràng DN, hàng hoá khó cạnh tranh với những nước lãi suất chỉ 3-4%. Hàng xuất khẩu của Việt Nam cơ bản vẫn bị ép giá ở những thị trường lệ thuộc như Trung Quốc.
Vị chuyên gia đàm phán hội nhập Trương Đình Tuyển - Nguyên Bộ trưởng Thương mại cũng cho rằng, Việt Nam đã chậm chân nên không tận dụng được cơ hội mà hội nhập tạo ra, cũng không xử lý tốt những thách thức mà hội nhập mang lại.
Nhưng ông Tuyển đề nghị đánh giá lại về mức độ sẵn sàng của nhà nước và DN. Ông Tuyển nhấn mạnh về thể chế, Việt Nam hiện không thua kém nước nào trong ASEAN, thậm chí đã hướng đến những môi trường hội nhập rộng lớn hơn nhiều như TPP, FTA EU (cộng đồng kinh tế ASEAN rõ ràng thua kém hơn nhiều khối kinh tế xuyên Thái Bình Dương, cộng đồng Châu Âu…).
Nhưng nghịch lý là dù chủ trương vươn xa như thế thì ngay khái niệm về cộng đồng kinh tế ASEAN (sẽ hoàn thành cuối năm nay) nhưng chỉ có 73% DN Việt Nam biết về nó vì ai cũng cho rằng việc này không ảnh hưởng gì tới mình. Số lượng DN sống “hồn nhiên”, “vô tư lự” này, ông Tuyển cho biết là lớn nhất trong cộng đồng, cao hơn nhiều so với Lào, Campuchia…
“Người Việt Nam có thói quen rất cố hữu là “nước đến chân mới nhảy”, có sức ép ghê quá thì mới vận động và guồng chân, nếu không sẽ chẳng bao giờ thay đổi, cũng giống như việc nếu không có khủng hoảng đầu những năm 1980 thì không bao giờ có đổi mới để có kết quả như bây giờ” – nguyên Bộ trưởng Thương mại đề nghị đánh giá khách quan như vậy chứ không nên cực đoan hoá.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét