Gia nhập TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam còn 10 năm để chuẩn bị trước khi thuế xuất nhập khẩu về 0%. Nếu toàn ngành không nỗ lực, quyết tâm đổi mới thì ngành chăn nuôi sẽ thua “đau đớn” trên sân nhà, và sản phẩm nội không thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Những thách thức “gay gắt”
Phát biểu tại Hội thảo “Tác động của TPP và Hội nhập Kinh tế đến Ngành chăn nuôi” được tổ chức ngày 16/10 tại Hà Nội, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng tham gia TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam đối mặt với những thách thức “quá gay gắt”.
Theo ông Trúc, thách thức “gay gắt nhất” của ngành chăn nuôi khi hội nhập là năng suất (NS) vật nuôi thấp, NS lao động thấp và giá thành cao. Sản lượng thịt lợn của Việt Nam năm 2011 chỉ đứng thứ 8, và tụt xuống vị trí thứ 7 trong năm 2012 - 2013. Năng suất sinh sản của đàn lợn nái của nước ta đứng cuối cùng trong Top 20.
Một trang trại lợn sinh sản quy mô 1.000 nái ở Mỹ chỉ cần 1 lao động, còn ở Việt Nam là 15-20 lao động. Một công nhân nuôi gà công nghiệp ở Thái Lan có thể quản lý chuồng gà công nghiệp với quy mô 20.000 con, trong khi công nhân Việt Nam chỉ nuôi bình quân khoảng 5.000 con.
Giá thành sản xuất lợn thịt ở Mỹ thấp hơn 25-30% so với ở Việt Nam. Giá thịt bò Việt Nam cao hơn 20.000 – 30.000 đồng so với thịt bò Úc, nhưng chất lượng thịt lại không bằng thịt bò Úc. Chi phí sản xuất gà công nghiệp của Việt Nam cũng cao hơn so với các nước khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines...
Hiện có quá ít cơ sở giết mổ đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh thú y, công nghệ chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi còn thiếu và yếu, quản lý chất lượng thực phẩm còn hạn chế. Có tới gần 90% số hộ chăn nuôi hiện nay có quy mô nhỏ, tỷ lệ hộ chăn nuôi theo quy trình VietGAP còn rất ít.
Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn còn nhiều do chế tài kiểm soát chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Nguy cơ dịch bệnh vẫn còn cao, kiểm dịch sản phẩm nhập lậu qua biên giới còn kém.
Hơn nữa, liên kết chuỗi giá trị trong ngành chăn nuôi còn yếu. Khâu trung gian trong phân phối con giống làm tăng giá bán 6-8%. Hệ thống đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi (TACN) đẩy giá bán TACN thêm 9-11%. Các thương lái trung gian về giết mổ làm tăng giá bán 8-12%. Người chăn nuôi chỉ nhận trung bình 4,5-8,5% lợi nhuận ròng, còn thương lái “bỏ túi” đến 19-21% lợi nhuận.
Hiện nay, lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn còn cao hơn nhiều nước khu vực, ở mức 7-8%/năm, so với 0,5-1% ở các nước Âu, 3% ở Thái Lan là 3%, và 5% ở Trung Quốc là 5.
“Sản phẩm chăn nuôi Việt Nam không thể cạnh tranh với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu và chúng ta cũng chưa có chế tài phòng vệ thương mại,” ông Trúc nhận định.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp và trang trại dường như vẫn “đủng đỉnh”, thờ ơ, chưa quan tâm và đầu tư đúng mức cho vận hội mới. Trong khi đó, tái cơ cấu ngành chăn nuôi còn thực hiện chậm, tổ chức ngành chăn nuôi và thú y còn yếu.
Hơn nữa, đầu vào của ngành chăn nuôi còn phụ thuộc khá nhiều vào nước ngoài, nhập khẩu 70% giống lợn, 90% giống gà, gần 50% nguyên liệu TACN và 80% vắc xin thú y.
Cơ hội vàng
Bên cạnh những thách thức, ngành chăn nuôi Việt Nam có những cơ hội lớn khi tham gia TPP như: Tiếp cận với các khoa học công nghệ mới, giống vật nuôi mới, các sản phẩm mới và các hình thức sản xuất tiên tiến, nhập khẩu giống, nguyên liệu TACN và thuốc thú y giả rẻ,…
Đây là cơ hội để cơ quan quản lý chăn nuôi cả ở cấp trung ương và địa phương và người chăn nuôi thay đổi tư duy; đổi mới, hoàn thiện hệ thống quản lý và phương thức sản xuất.
Về lâu dài, Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi có lợi thế như thịt lợn và sản phẩm thịt lợn. Ngành chăn nuôi cũng sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư mới.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên (Bộ Công thương) khá lạc quan về tương lai ngành chăn nuôi Việt Nam. “Tôi nghĩ với TPP, lộ trình cắt giảm thuế là 2028 thì thời gian để ngành chăn nuôi chuẩn bị là tương đối nhiều.”
Ông Lê Bá Lịch cho rằng, để giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu TACN, cần tăng diện tích cây trồng nguyên liệu TACN như cây ngô; công thức sản xuất TACN để các trang trại tự sản xuất được thức ăn, con giống và giảm chi phí sản xuất.
Còn theo ông Đoàn Xuân Trúc, cần khuyến khích nhập khẩu giống vật nuôi ông bà, bố mẹ có năng suất cao phù hợp với chăn nuôi công nghiệp; xây dựng các vùng an toàn dịch bệnh; xây dựng mới và nâng cấp các cơ sở giết mổ đảm bảo vệ sinh; tổ chức sản xuất theo chuỗi; nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; thu hút đầu tư vào ngành chăn nuôi; xúc tiến các sản phẩm thương mại; phổ biến thông tin về hội nhập; có cơ chế ưu đãi tín dụng trong chăn nuôi….
Đây là cơ hội vàng về thời gian để ngành chăn nuôi đẩy mạnh tái cơ cấu, nhanh chóng tổ chức lại sản xuất và hạ giá thành các sản phẩm,… cũng như kiểm soát tốt ATTP. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng và quyết tâm đổi mới, tổ chức lại thì chăn nuôi nước ta sẽ bị thua đau đớn trên sân nhà, ông Trúc nói.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét