Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

Nghề xách tay hàng hiệu: Có mánh nhanh giàu

Dịch vụ vận chuyển hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam đang được coi là nghề đem lại thu nhập hấp dẫn. Song thực tế đây lại là nghề ẩn chứa rủi ro nếu người làm không biết mánh.

Nguyễn Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) thức cả đêm để phân loại chuyến hàng mới về. Gian phòng rộng hơn 20 m2 chật cứng các kiện hàng to nhỏ chủ yếu là sữa, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…
Hiền cho biết, lần này trúng đợt giảm giá lớn của nhiều hãng, hàng lại về đúng lịch nên khách đặt mua nhiều. Công vận chuyển của Hiền và các đầu mối trong chuyến này có thể bằng một nửa thu nhập cả tháng.
Nghề xách tay, vận chuyển hàng từ nước ngoài về Việt Nam hơn một năm nay đem lại cho Hiền khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng. Cô tiết lộ, vì chỉ là nghề tay trái, làm quy mô nhỏ nên thu nhập vừa phải. Nếu làm lớn, nhận xách các loại hàng phong phú hơn, tiền công có thể gấp nhiều lần hiện tại.
Mai Linh (Đội Cấn, quận Ba Đình), bạn của Hiền xác nhận, hơn chục triệu đồng mỗi tháng chỉ là khoản thu nhập rất "bèo" trong giới nhận order (vận chuyển hàng hóa ngoại nhập). Nếu đầu tư thời gian, công sức thì đây là nghề kiếm tiền hấp dẫn.
Mai Linh hiện nhận vận chuyển chủ yếu là hàng hiệu thời trang như quần áo, giày dép, đồng hồ, mỹ phẩm, nước hoa… Đây được cho là các mặt hàng dễ vận chuyển, công cao.
Ngoài ra, theo Linh và một số nhà nhận đặt hàng thuê (nhà order) chia sẻ, có nhiều bí quyết giúp họ tăng thu nhập tốt từ dịch vụ này. “Ví dụ, tính riêng việc nhận đặt, nếu bạn chỉ nhận các đơn hàng lẻ của khách thì mãi mãi chỉ ngồi nhặt bạc lẻ mà thôi. Mánh đơn giản nhất để tăng thu là ngồi canh hàng hiệu giảm giá hoặc các mẫu hàng đang hot gợi ý cho khách”, cô giải thích.
xách tay, hàng hiệu, đặt hàng, mua hàng qua mạng, kiếm lời, nhập khẩu,  xách-tay, hàng-hiệu, đặt-hàng, mua-hàng-qua-mạng, kiếm-lời, nhập-khẩu,
Canh hàng hiệu giảm giá và đi mua trực tiếp cho khách giúp các nhà order ghi điểm với khách và hút thêm đơn đặt hàng. Ảnh minh họa
Để tăng lượng đặt hàng, Nguyễn Đức Ngọc (Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) ngày đêm canh các đợt giảm giá của nhiều hãng thời trang, mỹ phẩm, đồ gia dụng nổi tiếng. Sau đó, Đức chia sẻ đường link cho khách hàng cùng đặt mua.
Thậm chí, anh sẵn sàng chia sẻ với khách mã mua hàng ưu đãi của mình để khách cùng hưởng. Bằng cách này, số khách đặt hàng ở cùng một địa chỉ tăng mạnh.
Mua lượng hàng lớn tại một địa điểm giúp cả người mua hộ và khách mua chung hưởng nhiều ưu đãi về giá, phí vận chuyển… “Cứ mỗi sản phẩm tính công 10 USD/kg thì một chuyến đi mua hàng trực tiếp chỉ cần mua 20-30 đơn là lãi khá rồi”, Đức cho biết.
Chuyên vận chuyển hàng Mỹ - Việt, mùa kiếm tiền của nhóm Ngọc Đức rơi vào tháng 7 (tháng có ngày lễ quốc khánh Mỹ), tháng 10, 11 và 12 (dịp Black Friday và cuối năm). Đây là khoảng thời gian diễn ra nhiều đợt giảm giá lớn trên toàn nước Mỹ.
Ngoài việc mua và vận chuyển hộ, các nhà order còn tranh thủ dịp này xả vốn để nhập hàng giá rẻ về trong nước tiêu thụ ăn chênh lệch.
Tuy nhiên, Ngọc Đức thành thật, để duy trì và có thu nhập tốt từ dịch vụ order, Đức đã trải qua không ít tai nạn nghề nghiệp. Nhiều lần, do thiếu kinh nghiệm, công vận chuyển cả đợt mấy trăm sản phẩm không đủ giúp anh bù khoản lỗ do mất hàng của khách.
Anh chia sẻ, chuyện mất hàng, thiếu hàng xảy ra thường xuyên trong các đợt khuyến mại lớn. Lượng khách mua quá đông khiến nhân lực hãng quá tải, ảnh hưởng tới dịch vụ. Nhiều trường hợp, hàng chưa chuyển đi nhưng hãng vẫn báo chuyển rồi hoặc hàng thiếu, hàng giảm giá lỗi khá nhiều. Đương nhiên, khách hàng không thể chấp nhận việc này.
Trong những trường hợp như vậy, để giữ khách, Ngọc Đức thường phải liên hệ lại với hãng, chịu nhiều thủ tục rườm rà nhằm đổi trả hoặc lấy lại hàng cho khách.
Sau "tai nạn" này, Đức rút kinh nghiệm, thỏa thuận trước với khách hàng về nguyên tắc làm việc. Đồng thời, anh không quên gợi ý khách chọn mua của những hãng có dịch vụ hậu mãi chu đáo, an toàn.
Chung hoàn cảnh, Cẩm Tú (quận 2, TP HCM) trải lòng: “Làm order, nhiều khi tiền công chẳng đủ bù rủi ro mà vẫn bị khách rầy la, cực lắm”.
Nhớ lại thời gian đầu nhận xách tay hàng hiệu về Việt Nam, Tú kể, để giảm phí cân nặng (khoảng 10 USD/kg), nhà order và khách thỏa thuận bỏ lại các loại vỏ hộp, giấy, xốp chèn và chỉ chuyển lõi hàng về Việt Nam. Tuy nhiên, các sản phẩm như túi xách, giầy dép do bỏ bao bì, thi thoảng bị bẩn, xước. Trong những trường hợp đó, thường khách không chịu và đòi trả lại hàng cho bên vận chuyển.
“Mình chỉ làm dịch vụ vận chuyển nhưng nhiều khách không hiểu chuyện còn bắt mình phải chịu trách nhiệm với những sản phẩm lỗi do nhà sản xuất. Lý luận của khách là, hàng hiệu thì không thể lỗi (?!)”, Tú cho hay.
Hơn một năm làm nghề, không ít lần Mai Linh dở khóc dở cười khi khách cương quyết trả lại bộ quần áo thương hiệu Nhật nhưng trên mác lại ghi địa chỉ sản xuất là “Made in Vietnam" hoặc "Made in China".
Gần đây nhất, một nữ khách hàng tìm tới tận nhà "bắt đền" Linh vì thỏi son tiền triệu order nhà cô mở ra bị gẫy mặc dù đã được bao bọc không thể kỹ hơn.

Nhu cầu mua hàng chính hãng từ nước ngoài của người Việt ngày càng gia tăng là cơ hội để nhiều người phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa về thị trường nội địa. Tuy nhiên những câu chuyện thực tế trên cho thấy, đây không đơn thuần là việc mua hộ, xách về và thu tiền.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons