Trong khi nợ xấu ngân hàng được coi là "cục máu đông" khó tan thì việc xử lý và thu hồi vốn của nhiều ngân hàng đang gặp phải nhiều thách thức lớn từ các con nợ khó đòi. Thậm chí, "con nợ" đi siêu xe, ở nhà lầu vẫn chây ì trả nợ.
“Bầm rập” như ngân hàng đi thu hồi nợ
Nói về công tác đi thu hồi nợ, một cán bộ ngành ngân hàng cho biết: Với nhiều con nợ khó đòi, tài sản lớn, cán bộ ngân hàng phải ăn chực nằm chờ để tránh bị tẩu tán tài sản. Nhiều khi đi thu hồi nợ, các cán bộ ngân hàng bị hiểu như xiết nợ, diệt đường kinh doanh của người dân.
Các cán bộ ngân hàng tập trung để giữ tài sản đảm bảo khi một doanh nghiệp tuyên bố phá sản, không có khả năng trả nợ.
Một cán bộ của ngân hàng lớn cho biết, trong bối cảnh khó khăn, nhân viên ngân hàng phải kiêm ba vai: huy động vốn, cho vay và thu hồi nợ. Trong đó, vấn đề thu hồi nợ xem chừng là “khoai” nhất. Về nguyên tắc, hợp đồng tín dụng luôn có điều khoản về việc ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khách hàng để thu hồi nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, để xử lý những TSBĐ này tốn quá nhiều công sức và chi phí khiến cho nhiều ngân hàng phải kêu trời vì quá khó.
Nói về các khoản nợ khó đòi, Phó TGĐ Ngân hàng Vietcombank Phạm Mạnh Thắng cho biết, có hai khoản vay đáng sợ nhất là “cho mượn” và “cho… không”.
“Nói gì thì nói, hiện đang có ba hình thức cho vay, cho mượn và cho… không. Nếu hình thức cho vay, khách trả nợ lãi đầy đủ, thì cho mượn và cho không, khách không trả cả gốc và cũng chẳng trả lãi. Cán bộ tín dụng đến thu hồi nợ, con nợ chây ì bằng cách này hay cách kia để không trả nợ. Thậm chí, nhiều lúc ngân hàng chỉ muốn đòi lại gốc nhưng khách hàng quyết không trả”, ông Thắng chia sẻ.
Theo ông Bùi Trần Mâng, Giám đốc Ngân hàng Vietcombank chi nhanh An Giang, có khách hàng nợ gần chục tỷ đồng của Vietcombank sau khi không trả ngân hàng khởi kiện, phong tỏa tài khoản nhưng công ty đó lại chuyển hoạt động ở các công ty khác.
“Khách hàng nợ tiền không phải làm ăn thất bát, phá sản mà có ý định mượn không tiền của ngân hàng, chiếm dụng tài sản của ngân hàng để tư lợi cho mình. Khách hàng có nhiều công ty con, cửa hàng kinh doanh, hàng ngày, con nợ vẫn đi xe đắt hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, khi được ngân hàng báo trả nợ hoặc trả lãi thì lẩn như trạch” ông Mâng than thở.
Dẫn chứng một trường hợp khách hàng chây ì nợ, ông Nguyễn Đức Thành, Phó GĐ Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Hải Phòng cho biết: Công ty TNHH A là doanh nghiệp (DN) nợ ngân hàng đến thời hạn trả. Tuy nhiên, DN không hợp tác với ngân hàng mà thay đổi địa chỉ kinh doanh nhiều lần. Chúng tôi đã nộp đơn ra toà tại Hà Nội để kiện công ty này vì họ có giấy phép đăng ký kinh doanh gốc tại quận Cầu Giấy, tuy nhiên khi tòa xác minh thì không có DN đó đăng ký trên địa bàn.
Thậm chí, nhiều con nợ còn thách thức ngân hàng kiện ra tòa rồi sử dụng các mối quan hệ để ngân hàng không thu giữ được tài sản đảm bảo. Có trường hợp con nợ tự hủy tài sản đảm bảo để không phải trả nợ ngân hàng.
“Đứng cho vay, quỳ thu nợ”
Nói về công việc đi thu hồi nợ của cán bộ ngân hàng, bà Trần Châu Hạnh, Trưởng phòng Công nợ của Vietcombank cho biết: “Khi ký hợp đồng thì cả hai bên cùng tay bắt mặt mừng nhưng khi đến kỳ trả nợ lại vô cùng khó khăn, thậm chí có cả nước mắt. Tài sản của ngân hàng cũng chính là tiền gửi của người dân và tài sản nhà nước, nợ xấu không thể đòi được sẽ khiến tài sản bị mất”.
Bà Hạnh chia sẻ thêm, "cán bộ ngân hàng nhiều lúc phải ăn chực nằm chờ và bám sát con nợ như công an, thậm chí đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập. Khi đi thu hồi nợ, cán bộ ngân hàng thường bị người dân nghĩ oan đi xiết nợ, diệt đường kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Nhưng trên thực tế, chúng tôi cũng có nỗi khổ và việc đi thu hồi nợ là việc bất đắc dĩ, chẳng đừng".
Luật sư Trương Thanh Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ pháp chế, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam từng ví von về việc vay và thu nợ của cán bộ ngân hàng ở hai thế khác nhau: “đứng cho vay, quỳ thu nợ”. Khi doanh nghiệp cần vốn để kinh doanh, tận dụng mọi cách để vay được tiền của ngân hàng. Tuy nhiên, khi có khó khăn xảy ra, thu hồi được vốn vay của những con nợ khó đòi là cực kỳ vất vả.
Ông Đức cho biết, thu hồi nợ của ngân hàng gặp khó khăn do có đến 70% nguyên nhân là vướng mắc pháp lý. Nợ xấu được coi như một loại hàng hóa đặc biệt đang tồn kho. Muốn xử lý triệt để phải có thị trường, điều mà từ trước đến nay dường như chưa có.
Theo quy định tại Nghị định 163, nếu khách hàng không trả nợ, tổ chức tín dụng sẽ thông báo cho khách hàng thực hiện những cam kết trong hợp đồng. Trong đó có quyền thu giữ tài sản bảo đảm; bán tài sản bảo đảm; nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ...
Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề này không được quy định rõ ràng trong luật mà chỉ là một vài văn bản dưới luật nên khi thực hiện có nhiều vướng mắc...
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét