Với 0,8 ha đất, nông dân Nguyễn Văn Nghĩa (ở ấp 1, xã Phú Vang, Bình Đại, Bến Tre) trồng mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát (mãng cầu rừng) cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng mỗi năm. Mô hình được nhiều bà con học hỏi ở vùng mới được ngọt hóa này.
Mấy năm qua, từ khi có hệ thống cống ven sông cửa Đại, vùng đất xã Phú Vang được ngọt hóa với 6 tháng nước mặn, 6 tháng nước ngọt. Ngành nông nghiệp đang có xu hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp bà con thoát nghèo. Tuy nhiên, nhiều nông dân ở địa phương ồ ạt đốn dừa nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng mặc cho khuyến cáo, ngăn cản của cơ quan chức năng. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nghĩa quyết thực hiện mô hình mới là trồng mãng cầu xiêm (dân địa phương thường gọi là mãng cầu gai - PV) trên vùng đất mới ngọt hóa thay vì ào ạt đào ao nuôi tôm như những hộ dân xung quanh.
Ông Nghĩa là nông dân đầu tiên đưa mãng cầu xiêm về trồng ở vùng mới ngọt hóa của xã Phú Vang
Nghĩ là làm nên năm 2010, ông Nghĩa đốn bỏ 0,8 ha vườn dừa để trồng cây bình bát (là loại cây họ mãng cầu nhưng có bộ rễ chịu đựng hạn mặn rất tốt – PV). Ông Nghĩa kể lại: “Nhiều người cảm thấy bất ngờ vì tự dưng tôi trồng cây bình bát là loại cây gần như vô tích sự mọc hoang dại đầy ngoài bờ mương. Một số nông dân còn chê cười vì xung quanh đều đào ao nuôi tôm với hy vọng mau làm giàu”.
Khi cây bình bát lớn, ông Nghĩa tự ghép với cây mãng cầu xiêm nhờ kỹ thuật đã học được từ nông dân ở huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang). Sau 2 năm, cây mãng cầu xiêm bắt đầu cho trái và từ từ không chỉ thu hồi vốn mà lợi nhuận rất cao. Mỗi năm từ 0,8ha trồng hơn 450 cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát ông thu hoạch khoảng từ 20 - 25 tấn quả, thương lái thu mua tận vườn bình quân từ 15 -30.000 đồng/kg, có khi lên đến 40.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập cho gia đình trên 500 triệu đồng mỗi năm.
Vườn mãng cầu xiêm cho thu nhập hơn nửa tỷ mỗi năm của ông Nghĩa
Tham quan vườn mảng cầu xiêm của gia đình ông Nghĩa, nhiều người không khỏi ngỡ ngàng vì cây xanh tốt, trái sum xuê. Toàn bộ khi vườn được làm từng liếp nhỏ trồng mãng cầu xiêm. Ông Nghĩa cho biết: “Cây mãng cầu xiêm ghép gốc bình bát cho quả đến 8 năm mới trồng lại. hiện tại nhờ thụ phấn nhân tạo, áp dụng kỹ thuật nên có thể cho quả quanh năm và quả rất to từ 1,5 đến 2 kg/quả”.
Mảng cầu cho quả sum xuê
Hiện tại đây là mô hình này được các cấp chính quyền địa phương rất quan tâm, nhân rộng. ông Nguyễn Văn Thành, Bí thư chi bộ ấp 1 (xã Phú Vang) cho biết: “Mấy năm trước bà con ở đây đốn dừa đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng địa phương ngăn không xuể. Đây là phong trào tự phát, sau mấy năm nông dân “khóc ròng” vì thua lỗ, dịch bệnh chồng chất. Từ khi mô hình trồng mãng cầu xiêm của anh Nghĩa hiệu quả, phù hợp với vùng đất này nên bà con mới bắt đầu làm theo không còn nuôi thủy sản phá vỡ quy hoạch như trước nữa”.
Nhiều người đến tham quan, học hỏi mô hình trồng mãng cầu xiêm của ông Nghĩa
Khi mô hình thành công, nắm vững kỹ thuật, ông Nghĩa sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn những hộ dân khác cùng trồng mãng cầu xiêm để làm giàu. Từ mô hình đầu tiên của ông Nghĩa, hiện tại các hộ dân ở đây đã học hỏi làm theo với tổng diện tích khoảng 3 ha. Việc phát triển cây mãng cầu xiêm ở vùng đất khó trước đây chỉ có cây dừa sống nổi được xem là một đột phá. Tuy nhiên, ông nghĩa vẫn còn nhiều trăn trở vì đây là mô hình mới.
Ông Nghĩa cho biết: “Ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhiều địa phương có vùng nguyên liệu với diện tích lớn và có nhà máy chế biến, sơ chế mãng cầu xiêm xuất khẩu. Hiện tại, một số hộ dân chỉ bán cho thương lái rồi vận chuyển sang tỉnh Tiền giang (nơi có nhà máy – PV) để tiêu thụ nên cũng gặp không ít khó khăn. Hy vọng rằng, trong thời gian tới khi nhiều hộ dân trồng sẽ có nhà máy chế biến để người dân phát triển bền vững cây mãng cầu xiêm ở vùng đất khó này”.
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét