Thứ Ba, 15 tháng 9, 2015

Tranh thủ mùa nước nổi, nông dân bán đất mặt ruộng kiếm tiền triệu

Thời gian gần đây, người dân xã Bình Ninh (Tam Bình, Vĩnh Long) bán đất mặt ruộng cho các lò gạch kiếm được tiền triệu. Tuy nhiên, việc khai thác đất mặt chỉ diễn ra theo con nước và chỉ có mùa nước lên khi nông dân không sạ lúa

 
Tranh thủ mùa nước nổi, nông dân bán đất mặt ruộng kiếm tiền triệu
Việc khai thác đất mặt ruộng xuất hiện khoảng 2 năm nay ở xã Bình Ninh. Ông Lê Văn Quân, ngụ ấp An Hòa cho biết: “Ở địa phương có khoảng 4 địa điểm được thương lái đặt máy ép đất gần mặt lộ để mua đất ruộng của dân. Trung bình mỗi công (1 công 1.000 m2) được thương lái mua với giá 14 triệu đồng rồi thuê nhân công khai thác đất để vận chuyển lên các lò gạch bán lại”.
Vận chuyển đất ruộng 
Vận chuyển đất ruộng 
Theo ông Quân, đất ở địa phương phần lớn là đất gò khi tới vụ lúa nông dân khá tốn kém chi phí bơm nước nên khi có thương lái tới mua ai cũng muốn bán. Sau khi bán 1 lớp đất ruộng chỉ cần cho nước phù sa vào là vụ sau vẫn có thể sạ lúa bình thường mà lại không tốn chi phí bơm nước như trước.
Đất được chở bằng xuồng từ ruộng vào bờ
Đất được chở bằng xuồng từ ruộng vào bờ
Theo người dân ở địa phương, thương lái sau khi thu mua sẽ thuê nhân công cắt đất ra thành từng thẻ rồi dùng xuồng gỗ vận chuyển ra ngoài. Ở đầu đường có sẵn chiếc máy ép đất ra thành từng khuôn sau đó vận chuyển xuống các ghe để chở đến các lò gạch, lò gốm khắp nơi ở khu vực ĐBSCL để tiêu thụ.
Đưa lên máy ép thành khối
Đưa lên máy ép thành khối
Khai thác đất ruộng cũng tạo ra nhiều việc làm cho lao động ở địa phương. Trung bình 1 máy ép đất tạo hơn 20 việc làm gồm lấy đất từ ruộng, vận chuyển đến máy, lấy đết đưa lên xe và chuyển ra ghe…
Ông Nguyễn Văn Tâm, lái xe công nông chở đất thuê cho biết: “tôi dùng xe tự chế từ chiếc máy cày chở đất thuê với giá 11.000 đồng/chuyến. Mỗi ngày chở vài chục chuyến, trừ đi chi phí tiền dầu cũng còn được hơn 300 ngàn đồng. Các công đoạn khác như chở đất bằng xuồng từ ruộng vào cũng ăn theo sản phẩm mỗi ngày 1 lao động làm việc kiếm cũng được vài trăm ngàn đồng. Tuy nhiên, việc khai thác đất mặt chỉ diễn ra theo con nước và chỉ có mùa nước lên khi nông dân không sạ lúa”.
Đất được cắt thành từng thẻ rồi ép và chuyển tới lò gạch bán lại
Đất được cắt thành từng thẻ rồi ép và chuyển tới lò gạch bán lại
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Bình Ninh cho biết: “Hiện tại, ở địa phương có 4 cơ sở khai thác đất mặt từ đầu năm đến nay khai thác khoảng 2 ha đất mặt tập trung chủ yếu ở ấp An Hòa và An Hòa A. Do đặc thù của địa phương là vùng đất gò cao phải tốn nhiều chi phí bơm tưới nên UBND huyện đã trình UBND tỉnh đề án khai thác, cải tạo đất và đã được chấp nhận. Việc khai thác, cải tạo đất được quản lý chặt chẽ, lớp đất ruộng chỉ được đào sâu 0,3 m để đảm bảo sản xuất lúa cho vụ sau”.
Theo ông Tùng, khai thác đất mặt cũng giải quyết nhiều lao động cho địa phương và cải tạo đồng ruộng để việc sản xuất lúa được tốt hơn, đỡ tốn chi phí bơm tưới.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Vĩnh Long, hiện toàn tỉnh có trữ lượng đất sét khoảng  46 triệu m³ tập trung ở các huyện như Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm… Một số địa phương tình hình khai thác quá mức nên UBND tỉnh đã quy hoạch 35 khu vực cấm và quản lý chặt chẽ các điểm khai thác, cải tạo đất sao cho đảm bảo sản xuất nông nghiệp.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons