Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2015

Bài học từ khoản đầu tư 800 tỷ của PVN tại OceanBank

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thẳng thắn cho rằng, đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là sai lầm bởi tôn chỉ hoạt động của các DNNN không phải là làm kinh doanh để kiếm tiền mà còn phục vụ những mục tiêu vĩ mô.

DNNN đầu tư ngoài ngành: Nhìn từ khoản đầu tư của PVN tại OceanBank
PVN là một tập đoàn dầu khí lại mang tiền đầu tư vào ngân hàng dẫn đến thất thoát là bài học cho không riêng gì PVN mà cho tất cả lãnh đạo Việt Nam.
 
“Mất trắng” tại OceanBank
Ngày 25/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức công bố mua lại toàn bộ cổ phần của Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Theo đó, toàn bộ quyền lợi, lợi ích và tư cách của cổ đông hiện hữu của OceanBank theo đó bị chấm dứt. OceanBank có vốn điều lệ 4.000 tỷ đồng, với 20% vốn sở hữu, khoản đầu tư 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại OceanBank coi như "mất trắng”.
Trước đó, theo chủ trương, PVN đã nhiều lần công bố sẽ thoái vốn hoàn toàn tại OceanBank. Tuy nhiên, do muốn đảm bảo yêu cầu "thoái vốn đầu tư ngoài ngành mà vẫn bảo toàn vốn Nhà nước” nên kế hoạch này liên tục bị lùi lại. 
PVN được coi là một trong những ông lớn có nhiều khoản đầu tư ngoài ngành vào các lĩnh vực như bất động sản, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng. Riêng trong lĩnh vực ngân hàng, PVN còn đầu tư Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam – PVcomBank (tiền thân là Tổng Công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam - PVFC), một công ty con trực thuộc PVN. Tính tới thời điểm 30/6/2014, tổng số vốn đầu tư của PVN tại ngân hàng này là 4.680 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ sở hữu 52%. Ngoài ra, PVN còn có vốn đầu tư hơn 831 tỷ đồng tại công ty bảo hiểm PVI, hơn 100 tỷ đồng tại Công ty CP Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí….
Bài học từ khoản đầu tư 800 tỷ của PVN tại OceanBank

PVN là một doanh nghiệp lớn với quy mô hàng đầu quốc gia, do đó, để “mất” khoản đầu tư 800 tỷ đồng có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều tới doanh thu, lợi nhuận cũng như khoản nộp cho ngân sách nhà nước hàng năm.  Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia trong ngành, ở một góc độ khác, một doanh nghiệp nhà nước như PVN khi để “mất trắng” vốn khi đầu tư ngoài ngành đồng nghĩa với việc để thất thoát vốn nhà nước, cần phải xử lý.
Trao đổi với báo chí, TS Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia từng khẳng định, việc lấy vốn Nhà nước đầu tư không hiệu quả sẽ phải chịu trách nhiệm hoặc là hình sự hoặc là bồi thường. Theo TS Kiêm, khoản đầu tư của PVN cần làm rõ PVN dùng tiền nào để đầu tư và có được phép không. 
Đầu tư ngoài ngành đều là sai lầm?
Theo ý kiến chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là sai lầm bởi tôn chỉ hoạt động của các DNNN không phải là làm kinh doanh để kiếm tiền mà còn phục vụ những mục tiêu vĩ mô. 
“Đặt vấn đề kinh doanh lấy tiền rồi mang tiền đi đầu tư vào chứng khoán, tài chính… là cực kỳ sai lầm. Ngay trong ngành mình làm còn lỗ thì mang tiền ra ngoài đầu tư giống như là đi đầu cơ vậy, có biết đâu mà làm. Việt Nhà nước cho DNNN đầu tư ngoài ngành cũng là sai lầm, giờ nhận thấy điều đó rồi mới yêu cầu thoái vốn để tập trung vào công việc cốt lõi nhưng trước đó đã gây ra bao nhiêu tai hoạ rồi”, ông Thành nói.
Theo ông Thành, như với trường hợp PVN là một tập đoàn dầu khí lại mang tiền đầu tư vào ngân hàng dẫn đến thất thoát là bài học cho không riêng gì cá nhân nguyên Chủ tịch HĐTV PVN Nguyễn Xuân Sơn.
“Mặc dù cố gắng cách mấy đi nữa, không có kinh nghiệm thì vẫn phải thừa nhận là mình không có kinh nghiệm thôi. Chưa biết lái xe thì không nên lái xe mà nếu biết lái xe rồi thì cũng không được làm cơ trưởng đi lái máy bay”, vị chuyên gia ví von.
Đánh giá về quá trình thoái vốn của các DNNN, ông Thành cho rằng, việc này sẽ không dễ dàng nhưng vẫn phải làm nếu không muốn ngày càng “lún xuống đầm lầy”. Theo đó, DNNN cần phải nhanh chóng thoái vốn ngoài ngành, chấp nhận lỗ cũng phải làm để tránh những hao tổn hơn nữa về sau này.
“Mình đầu tư vào 1 công ty nào đó thì phải rút ra bằng cách này, cách khác. Cơ chế luật pháp đều có rồi, giờ việc phải làm là đo lường xem nếu rút vốn thì bị thiệt hại bao nhiêu, đó là do quyết định của Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, khi có lỗ phải cắt lỗ chứ đừng để lỗ trầm trọng”, ông Thành nói. 
Vị chuyên gia cũng cho rằng, nhiều lãnh đạo DNNN hiện không dám “cắt lỗ” vì sợ quy định bị cắt chức nếu để doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. “Người ta sợ mất chức nên không dám biến lỗ sổ sách thành lỗ thực sự nhưng không dám thực hiện thoái vốn vì sợ mất chức khiến doanh nghiệp lún sâu vào mất mát. Do đó, phải có người cầm trịch ra tiêu chí, điều kiện rõ ràng để giải quyết, không để xảy ra tình trạng trốn trách nhiệm không làm”, ông nói thêm.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons