Đến nay thì kết quả trưng cầu dân ý đã rõ với 61% nói "không" và chỉ có 39% nói "có" với các điều kiện của chủ nợ. Thủ tướng Hy Lạp A-lếch xít Txi-prát (Alexis Tsipras) gọi đây là "sự lựa chọn lịch sử và dũng cảm" của người dân Hy Lạp...
“Thực mục sở thị” vấn đề nợ công Hy Lạp
Theo Đại sứ Việt Nam tại Hy Lạp Trần Thị Hà Phương thì kết quả này thực khó đoán trước, vì các cuộc thăm dò dư luận trước đó đều cho thấy tỷ lệ sít sao giữa "không" và "có", và đây cũng không phải là vấn đề ra khỏi hay ở lại EU và Eurozone, mà là vấn đề người dân Hy Lạp không chấp nhận sự áp đặt của các chủ nợ châu Âu để đổi lấy gói cứu trợ tài chính cho các khoản nợ đến hạn thanh toán. Người dân Hy Lạp muốn có những điều kiện đàm phán mới với EU.
Thủ tướng Hy Lạp A-lếch-xít Txi-prát (bên phải) tại một cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về các đề xuất mới của Hy Lạp. Ảnh: EPA
Tuy vấn đề nợ công của Hy Lạp thu hút sự quan tâm của công chúng và truyền thông, nhưng tại thủ đô A-ten có vẻ vẫn yên tĩnh. Hy Lạp chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý chỉ trong ba ngày sau khi đàm phán với các chủ nợ châu Âu thất bại. Sau khi Quốc hội chấp thuận đề nghị của Thủ tướng, Bộ Nội vụ được yêu cầu đứng ra tổ chức trưng cầu dân ý. Có nhiều ý kiến cho rằng, Hy Lạp bị khủng hoảng nợ công do công tác quản lý nợ công yếu kém, tình trạng tham nhũng làm giảm hiệu quả vốn vay và quản lý thuế kém dẫn đến trốn tránh nghĩa vụ thuế, gây thất thu ngân sách nhà nước, dẫn đến làm giảm khả năng trả nợ.
Với khoảng gần 11 triệu dân, hằng năm đất nước Hy Lạp tươi đẹp đón hơn 25 triệu khách du lịch. Hy Lạp nổi tiếng do là quê hương của nhiều nhà sử học, triết học, kiến trúc, thiên văn, nhà thơ, là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại. Hy Lạp cũng nổi tiếng với các khu nghỉ mát biển sang trọng như: Santorini, Mykonos, Crete, Rhodes, Skiathos...; các sản phẩm nông nghiệp như: Dầu ô-liu, rượu vang..., kinh tế biển phát triển với đội tàu viễn dương lớn nhất thế giới.
Hy Lạp là thành viên tổ chức OECD, vốn là một quốc gia Nam Âu giàu có với thu nhập bình quân đầu người trước khủng hoảng tài chính năm 2008 khoảng 30 nghìn đô la Mỹ/năm.
Số nợ công của Hy Lạp, theo số liệu của Bộ Tài chính Hy Lạp đến 1-4 năm nay là 312,7 tỷ Euro, trong đó nợ Quỹ ổn định tài chính châu Âu 131 tỷ Euro, nợ các nhà đầu tư tư nhân và trái phiếu ngắn hạn 80,7 tỷ Euro, nợ các chính phủ châu Âu, trong đó có Đức, Pháp, Ét-xtô-ni-a, Xlô-va-ki-a 53 tỷ Euro, nợ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) 27 tỷ Euro, nợ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) 21 tỷ Euro.
Như vậy, nợ công của Hy Lạp cao hơn nhiều so với GDP của quốc gia này. Cơ cấu nợ gồm vay ngắn hạn dưới 1 năm là 34,1 tỷ Euro, vay trung hạn từ 1 đến 5 năm là 34,1 tỷ Euro, vay dài hạn trên 5 năm là 238,7 tỷ Euro. Có thể thấy nguy cơ chủ yếu đến từ các khoản nợ ngắn hạn dưới 1 năm. Hầu như phải đảo nợ ngay lập tức.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Chúng tôi tới Hy Lạp với sứ mạng tăng cường quan hệ hữu nghị liên nghị viện Việt Nam-Hy Lạp, tìm hiểu chính sách tài chính công, quản lý thuế, chi tiêu của Chính phủ Hy Lạp, những nguyên nhân có thể dẫn đến nợ công cao.
Tại buổi làm việc chính thức với đoàn đại biểu Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Việt Nam tại Bộ Tài chính Hy Lạp, ông Ốt-xman Y-a-ra-xli (Osman Yarasli), Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nợ công của Hy Lạp dồn tích trong vòng 15 năm trở lại đây dựa trên vay tiêu dùng tư nhân khi thanh khoản của thị trường tài chính toàn cầu cao, dễ vay, để rồi bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, nợ tư chuyển thành nợ công khi chính phủ một loạt các quốc gia buộc phải cứu trợ thanh khoản cho các ngân hàng tư nhân.
Rồi ngân sách thâm hụt ở mức cao trong nhiều năm do chi tiêu của Chính phủ trong chi an sinh xã hội cộng thêm những yếu kém trong lĩnh vực quản lý thuế liên quan đến nạn tham nhũng. Việc GDP giảm nhanh từ khoảng 300 tỷ USD năm 2006 trước khủng hoảng, xuống còn khoảng 200 tỷ USD năm 2014 làm cho khả năng trả nợ thêm khó khăn. Vấn đề bây giờ đối với Hy Lạp là vừa phải cải cách thuế, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để tạo nguồn thu ngân sách cho trả nợ. Tất cả đều cần một lộ trình hợp lý để giải quyết và chắc chắn Hy Lạp sẽ thực hiện được.
Theo như kinh nghiệm của Hy Lạp, Việt Nam cần có cách tiếp cận tổng thể về nợ công. Từ hạn mức vay nợ trong tổng thể chiến lược nợ công 10 năm và kế hoạch vay và trả nợ trung hạn 3 năm; sử dụng hiệu quả vốn vay; không ban hành các chính sách vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.
Tôi cho rằng, trước mắt cần giảm bội chi ngân sách xuống mức thấp nhất bằng cách sử dụng số thu vượt dự toán hằng năm để chi trả nợ, phấn đấu giảm bội chi xuống 3 đến 4%/năm; triệt để tiết kiệm trong chi thường xuyên thông qua tinh giản biên chế, cải cách hành chính một cách thiết thực; đặc biệt chỉ được vay để chi đầu tư phát triển, tuyệt đối không vay để chi thường xuyên. Bên cạnh đó, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, tăng trưởng bền vững. Chỉ như vậy, chúng ta mới giữ được an toàn nợ công.
Vấn đề quan trọng nhất vẫn là hiệu quả sử dụng vốn vay. Sử dụng có hiệu quả, chỉ dành vốn vay cho phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu làm nền tảng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó chính phủ có nguồn thu để trả nợ. Nếu chúng ta sử dụng vốn vay không hiệu quả, đầu tư tràn lan, công trình dự án dở dang, tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng, kéo dài thời gian thực hiện dự án, chậm đưa vào sử dụng, tham ô, tham nhũng gây thất thoát nguồn lực tài chính... sẽ dần dẫn đến mất khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, việc ban hành các chính sách xã hội cũng cần dựa vào khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước.
Với các quy định chặt chẽ của pháp luật, tăng cường công khai, minh bạch trong việc vay và sử dụng vốn vay, trả nợ, sự giám sát thường xuyên của Quốc hội, tôi tin tưởng chắc chắn vấn đề nợ công của Việt Nam luôn được kiểm soát, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia...
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét