Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2015

Tăng lương phải bù đủ trượt giá

Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, mức tăng lương tối thiểu vùng 16% vào năm 2016 là hợp lý và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa gửi Hội đồng Tiền lương quốc gia mức đề xuất tăng lương tối thiểu (LTT) vùng năm 2016. Theo đó, các mức LTT của 4 vùng dự kiến sẽ được tăng từ 350.000-550.000 đồng/mức. Để đưa ra được mức đề xuất này, Tổng LĐLĐ Việt Nam dựa vào một số dự báo như: chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 5%/năm; tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%/năm; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 3%-3,5%/năm.
Bù đủ trượt giá
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết việc tăng LTT vùng căn cứ vào quy định của pháp luật. Cụ thể: điều 91 Bộ Luật Lao động quy định mức LTT vùng được điều chỉnh căn cứ vào nhu cầu sống tối thiểu của người lao động (NLĐ) và gia đình họ; điều kiện kinh tế - xã hội và mức tiền lương trên thị trường lao động; tăng thêm ở mức hợp lý để thực hiện lộ trình đến năm 2017, mức LTT phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ. Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng căn cứ vào Luật BHXH 2014 (điều 89).
Theo đó, từ ngày 1-1-2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH của NLĐ là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Vì vậy, lộ trình tăng mức LTT phải tránh gây đột biến về chi phí của doanh nghiệp, phải bù đủ trượt giá (dự kiến khoảng 5%/năm), tăng theo mức tăng năng suất lao động khoảng 3%-3,5%/năm để cải thiện tiền lương của NLĐ. Trên cơ sở này, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất mức LTT vùng năm 2016 tăng từ 350.000-550.000 đồng (trung bình gần 16% so với mức hiện có).
Tăng lương phải bù đủ trượt giá
Mong muốn của những người lao động là việc điều chỉnh lương tối thiểu phải giúp họ ổn định cuộc sống và có tích lũy. Ảnh: KHÁNH AN
 Phù hợp năng suất lao động
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho biết cơ quan này và các hiệp hội doanh nghiệp đang trao đổi về mức tăng LTT. “Chúng tôi kiến nghị dừng ở mức trên 10% để bù được sự mất giá của đồng tiền, vừa phù hợp nhịp độ tăng năng suất lao động hiện nay” - ông Lộc cho biết.
Người đứng đầu VCCI thừa nhận thực tế tiền lương của NLĐ còn thấp và chưa bảo đảm được mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, đại diện VCCI lại có quan điểm riêng về những yếu tố ảnh hưởng tới việc tăng LTT. Theo đó, việc tăng lương thời gian tới cần bảo đảm bù đắp được sự mất giá của đồng tiền, tức là phù hợp với tỉ lệ lạm phát. Chính phủ đang cố gắng duy trì mức độ lạm phát từ 4%-5%. Việc tăng LTT phải bảo đảm bù được sự mất giá đó. Việc tăng lương còn phải căn cứ vào thực tế tỉ lệ tăng năng suất lao động hằng năm. Năng suất lao động tăng trung bình khoảng 3%/năm nên việc tăng LTT phải phù hợp với tỉ lệ tăng đó. Cuối cùng, cần quan tâm tới một tỉ lệ phụ thêm nhằm bảo đảm rằng rút ngắn được khoảng cách giữa mức lương hiện nay và mức sống tối thiểu của NLĐ.
Được biết, đầu tháng 8, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp để bàn và thống nhất mức tăng LTT vùng năm 2016 và tháng 10 sẽ trình Chính phủ về phương án tăng lương.
Ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia - cho biết hiện chưa thể đưa ra bình luận về mức đề xuất tăng LTT năm 2016 của phía VCCI cũng như Tổng LĐLĐ Việt Nam. Cần phải qua tổ chức thương lượng giữa VCCI (đại diện giới chủ) và Tổng LĐLĐ Việt Nam (đại diện NLĐ) rồi mới có thể đưa ra nhận định, đánh giá được. Tuy nhiên, sẽ dung hòa 2 phương án trên cơ sở thương lượng giữa các bên.

Ông Đinh Tuấn Kiệt, Chủ tịch Công đoàn Công ty Vĩ Châu (TP HCM):
Ủng hộ đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam
Qua khảo sát, nếu không có khoản tiền làm thêm giờ, kể cả các khoản phụ cấp như xăng xe, chuyên cần, thâm niên (các khoản này chiếm từ 1/4 đến 1/3 thu nhập) thì thu nhập của NLĐ rất thấp và không thể có tích lũy. Do vậy, cá nhân tôi ủng hộ đề xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam với mức nâng LTT  trung bình 16%.
V.Tùng ghi 
 Theo
 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons