Thứ Năm, 16 tháng 7, 2015

"Bán" hạ tầng giao thông: Không thể thích là nhảy bổ làm

Theo các chuyên gia, chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu khung pháp lý về vấn đề này.

Thiếu khung pháp lý, thiếu lộ trình
Chủ trương chuyển nhượng quyền khai thác, cho thuê các dự án, hạng mục hạ tầng giao thông vận tải được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách đang thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia giao thông và kinh tế. Các chuyên gia đều cho rằng, việc chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông là điều tất yếu, xu hướng trên thế giới đều khuyến khích tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng.
Theo ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: "Ở các nước, kể cả nước phát triển thường thiếu vốn phát triển hạ tầng. Như nước Mỹ, với hệ thống đường cao tốc dày đặc, kinh phí quản lý hệ thống đường hàng năm đã cực lớn, chưa nói đến kinh phí đầu tư xây dựng. Do đó, người ta đưa ra mô hình đối tác công-tư (PPP) nhằm thu hút nguồn vốn tư nhân".
Sân bay Phú Quốc có thể được bán để đầu tư sân bay Long
Thành
Sân bay Phú Quốc có thể được bán để đầu tư sân bay Long Thành
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng cho rằng: "Việc Nhà nước cần phát triển kết cấu hạ tầng nhưng thiếu vốn nên phải huy động vốn là điều cần thiết, nhiều nước đã làm như vậy. Nhưng Việt Nam thiếu khung pháp lý cần thiết. Còn các nước hiểu rất rõ cổ phần hoá, hay tư nhân hoá các doanh nghiệp khác hẳn với việc chuyển nhượng quyền khai thác một đoạn đường cao tốc, một sân bay hay bến cảng vì nó liên quan nhiều đến lợi ích của người dân, cộng đồng và nền kinh tế.
Do đó, các nước có luật về tư nhân hoá, đặc biệt có luật rất rõ ràng về việc chuyển nhượng quyền khai thác ở những cơ sở kết cấu hạ tầng kỹ thuật và cơ sở kết cấu hạ tầng xã hội. Trong tương lai, người ta có thể chuyển nhượng cả nhà máy nước, quyền sử dụng và quản lý bệnh viện và rất nhiều lĩnh vực khác rất cần phải có một khung pháp lý.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, nếu không có khung pháp lý sẽ dẫn tới việc người dân phản đối dữ dội và hệ quả là người dân không còn tín nhiệm những biện pháp đó nữa. Tôi thấy tờ trình của Bộ GTVT thiếu khung pháp lý và thiếu một lộ trình. Tại sao lại chọn những lĩnh vực này? Tại sao trong tất cả các loại kết cấu hạ tầng lý do gì, trình độ và lộ trình như thế nào để chọn như thế? Cái gì ưu tiên trước, cái gì ưu tiên sau? Tất cả đều phải có lý lẽ của nó, không thể cứ thích là nhảy bổ vào làm".
Cũng theo ông Doanh, trên thế giới, các nước có thể chuyển nhượng cảng hàng không trước hoặc cảng biển, có nước lại chuyển nhượng hệ thống cấp nước trước. Thế nhưng điểm chung của các nước là làm rất thận trọng và phải có đề án tổng thể trong đó nêu rõ làm cái gì trước, làm cái gì sau, đặc biệt có một cơ quan giám sát độc lập đối với đơn vị nhận chuyển nhượng, thuê hạ tầng. Nếu không có đơn vị giám sát độc lập này, rất có thể phía Bộ cho thuê lại đi giám sát và như thế chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi", tức là có nguy cơ có lợi ích nhóm móc nối với nhau.
Phải đấu thầu công khai, minh bạch
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Phạm Sỹ Liêm chỉ rõ, rủi ro trong mô hình PPP là rất lớn. Kinh nghiệm cho thấy, bên chịu rủi ro thường là phía tư nhân chứ không phải phía Nhà nước bởi Nhà nước có thể thay đổi chính sách. Do đó, trong các hợp đồng thường đề cập rất chi tiết các trường hợp có thể xảy ra, nếu xảy ra ai chịu trách nhiệm...
"Mặt khác, nếu không khéo lại cho tư nhân quá nhiều lợi ích không đáng có, nhất là lợi ích nhóm. Do đó, để thể hiện sự minh bạch, nhất là thể hiện quan hệ cạnh tranh trong vấn đề này nên tổ chức đấu thầu công khai, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia rộng rãi", ông nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, để tư nhân quản lý cảng biển, sân bay... sẽ tốt hơn nhiều. Tuy nhiên, khi đấu thầu phải công khai, minh bạch, tránh móc ngoặc, lợi ích nhóm, tránh thất thoát tài sản của Nhà nước. Đặc biệt, các trường hợp liên quan đến quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia... phải hết sức cẩn trọng.
Một vấn đề khác được quan tâm khi chuyển nhượng quyền khai thác hạ tầng giao thông đó là tiền chuyển nhượng hạ tầng sẽ dùng vào việc gì? Theo các chuyên gia, số tiền này có thể dùng để tái đầu tư, mở rộng kết cấu hạ tầng hoặc các lĩnh vực khác mà Nhà nước thấy cần thiết phải làm.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons