Tiếng là xuất khẩu được sang thị trường Mỹ, Úc nhưng số doanh nghiệp chỉ đếm đầu ngón tay và số lượng cũng rất khiêm tốn.
Ông Nguyễn Thành Lập, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP chiếu xạ An Phú (API) đã chia sẻ với Đất Việt lý do trái cây Việt chịu giá cao hơn và không thể cạnh tranh trên thị trường khó tính đối với hàng của Trung Quốc.
Xuất khẩu - nói cho có danh
Dẫn từ câu chuyện quả vải, ông Lập cho biết vải Trung Quốc xuất khẩu sang các nước phần lớn là mua từ Việt Nam.
Thông thường nhà vườn bán cho thương lái Trung Quốc với số lượng lớn và giá rất rẻ (khoảng 10.000 đồng/kg), trong khi đó bán cho các thương lái Việt Nam với danh là xuất khẩu đi Mỹ, Úc thì đắt hơn giá thị trường khoảng 5.000-10.000 đồng/kg.
Như vậy ngay từ giá hàng đầu vào của trái cây Việt Nam dành cho xuất khẩu đã cao hơn. Trong khi đó Trung Quốc mua với số lượng lớn (khoảng 1.000 tấn), sau đó về lựa lấy khoảng 300 tấn loại chất lượng tốt và xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc thì sẽ lời hơn rất nhiều.
Trong khi đó doanh nghiệp Việt Nam mua đầu vào giá cao, về vẫn phải lựa chọn phân loại ví dụ 100 tấn chỉ được 60-70 tấn đạt. Số còn lại bán rẻ ngoài thị trường đã lỗ đi một khoản lớn. Cộng với các chi phí khác nữa sẽ dẫn tới việc đẩy giá thành quả vải xuất khẩu lên cao.
"Các mùa trước Trung Quốc đã làm như vậy. Như khi xuất khẩu sang Malaysia 1000 tấn cũng là vải Trung Quốc mua từ Việt Nam. Vì vậy chưa chắc vải Trung Quốc bán đã rẻ hơn mà là do Việt Nam bán cho Trung Quốc rẻ hơn nên khi họ xuất khẩu đi sẽ có cơ hội để cạnh tranh với giá vải của Việt Nam", ông Lập nói.
Nhiều chi phí đang khiến quả vải cõng đẩy giá lên cao
|
Theo ông Lập, các công đoạn khác như chiếu xạ, bao bì cũng không phải là đáng kể bởi chi phí này không khác so với Trung Quốc thực hiện. Tuy nhiên, riêng về phần vận chuyển thì khác.
Tiếng là xuất khẩu đi Mỹ, Úc nhưng số lượng không đáng kể. Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là vừa và nhỏ nên số lượng không đáng bao nhiêu. Từ đầu mùa tới giờ xuất khẩu không được 100 tấn không bằng 1 chuyến của họ thì thua là đương nhiên. Chúng ta thua từ nguyên liệu mua vào đến số lượng ít dẫn đến giá thành đắt hơn.
"Hiện chỉ có mấy doanh nghiệp xuất khẩu vải sang Mỹ, Úc chỉ khoảng hơn 1 tấn container bằng đường hàng không. Trong khi đó Trung Quốc xuất mỗi lần cả trăm container qua đường biển (10 tấn/1 container). Chi phí container đường biển chỉ khoảng 0,2 USD/kg. Trong khi 1 container đường hàng không mà Việt Nam chi phí là 4,2 USD. Như vậy mỗi kg đắt hơn của họ tới 4 USD", ông Lập cho biết.
Quá nhiều chi phí phát sinh
Chỉ thêm khó khăn của trái cây Việt khi xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ, Úc, ông Vương Đình Khoát, chủ tịch HĐQT Công ty xuất nhập khẩu Hugo cho biết: trái cây xuất sang thị trường khó tính bắt buộc phải theo một quy trình mà hai nhà nước đã thống nhất với nhau. Doanh nghiệp muốn tham gia chương trình này thì phải tuân thủ theo các quy trình mà hai bên đã đặt ra.
Tức là khi tham gia quy trình này các cơ sở phải bỏ ra nhiều chi phí để thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật do đối tác yêu cầu.
Ví dụ với Mỹ họ lựa chọn nhà vườn, đóng gói, chiếu xạ. Họ sẽ cử người tham gia kiểm tra kiểm soát trong tất cả các khâu này. Chính vì vậy chi phí từ các khâu này tăng lên.
Các khâu này nếu doanh nghiệp được quyền lựa chọn nhà cung cấp và chỉ cần theo đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn đặt ra thì có thể chi phí sẽ giảm hơn.
Với sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Mỹ khi thu hái sẽ lựa chọn trái xong, mang về khu vực đóng gói được trang bị hệ thống lạnh, chống ruồi. Công nhân cũng phải được đào tạo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, có tay nghề.
"Đến khâu chiếu xạ họ cũng phải đưa chuyên gia Mỹ, Úc sang kiểm tra kỹ thuật. Chi phí chuyên gia kỹ thuật của Mỹ tại các nhà máy chiếu xạ ở Việt Nam kiểm tra các lô hàng là do doanh nghiệp hàng năm phải trả. Từ những lý do đó sẽ khiến chi phí tăng và đẩy giá thành lên cao", ông Khoát cho biết.
Ông Khoát cũng cho biết chi phí vận chuyển bằng máy bay hiện các nước khác có hỗ trợ của nhà nước, còn Việt Nam thì không được hỗ trợ.
Ví dụ thanh long giá mua chỉ có 1 USD/kg trong khi đi máy bay mất tới 4,2 USD. Đi đường biển chất lượng không đảm bảo.
"Số lượng ít đi bằng đường biển 1 container 40 feet, với hàng hóa khác có thể chở được 20 tấn nhưng với trái cây cao lắm chỉ chở được khoảng 10 tấn. Vì vậy cũng là chi phí cho 1 container 40 feet nếu là 20 tấn sẽ rẻ hơn rất nhiều nếu chỉ chở 10 tấn.
Nhưng chúng ta cũng không thể đi hơn được vì lượng tiêu thụ bên đầu kia không nhiều nên đưa sang không bán hết cũng sẽ bị hỏng. Không dám đi nhiều", ông Khoát chia sẻ.
Từ tất cả những lý do trên nên cho dù trái cây Việt đã len được chân vào thị trường khó tính nhưng hiện đang khó cạnh tranh trên thị trường này về giá.
Theo Bích Ngọc
Đất Việt
NHẬN TẶNG VÀ MUA QUẦN ÁO CŨ
Gọi cho chúng tôi 0902233317
0 nhận xét:
Đăng nhận xét