Đầu tháng 6, trong chiến dịch “giải cứu vải thiều”, thông tin những lô vải đầu tiên xuất khẩu đi Mỹ đã khơi dậy nhiều hy vọng cho nông dân ở Bắc Giang, Hải Dương về thị trường mới mở có thể đẩy mạnh tiêu thụ vải với giá cả tốt hơn.
Phóng viên Báo NTNN đã đến Mỹ để tìm hiểu thị trường vải thiều tại đây và đi tìm câu trả lời: Tương lai nào cho quả vải Việt tại thị trường Mỹ?
Anh Hứa Văn Hưng lo ngại vì vải thiều không bán nhanh sẽ dễ bị thâm nám. Ảnh: Lê Huyền
Ra vùng ngoại ô Virginia- cách trung tâm Washington D.C khoảng 40km, tôi tìm tới siêu thị Hàn Quốc, được giới thiệu là nơi chuyên bán thực phẩm châu Á lớn nhất vùng ngoại ô. Ở siêu thị này, các loại rau củ quả châu Á loại nào cũng có. Có những thứ tưởng chừng khó xuất hiện ở đây thì lại được bày bán khá nổi bật như rau cần, cải cúc, khoai lang và sắn... Tuy nhiên, quả vải lại hoàn toàn vắng bóng. Hỏi về loại quả này, anh Han Won - nhân viên bán hàng tại siêu thị nhún vai: “Tôi không biết, thỉnh thoảng siêu thị cũng có bán, giờ chắc hết mùa”.
Bài 1: Theo dấu quả vải
Tương tự Việt Nam, tháng 6 là tháng chính vụ vải ở Mỹ. Một khó khăn cho hành trình khám phá về quả vải ở xứ cờ hoa là các khu vực bán vải phân bố không đồng đều và thường theo đặc trưng sắc tộc.
Tìm vải cần… đúng chỗ
Ở Washington D.C - trái tim nước Mỹ, rất khó để tìm thấy trái vải trong các siêu thị lớn ở trung tâm thủ đô. Tôi đã đi ít nhất 4 siêu thị thực phẩm lớn ở trung tâm và thất vọng vì không thấy quả vải.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Đúng lúc đã rất thất vọng với việc tìm kiếm quả vải, xe chúng tôi rẽ vào một khu chợ Việt Nam ở khu vực này và tìm thấy quả vải ở một góc chợ. Nghe nói tới quả vải, anh Hứa Văn Hưng- chủ cửa hàng lục tủ bảo ôn một hồi và đưa ra thùng đã vơi quá nửa, vỏ thâm lốm đốm. Anh cho biết, giá bán là 5USD/pound (450gr, tương đương 12 USD/kg, tính theo giá tiền Việt là 244.000 đồng/kg). Hỏi về xuất xứ quả vải, anh Hưng có vẻ bất ngờ: “Từ hồi nào tới giờ tôi toàn bán trái vải được trồng ở bang Florida vận chuyển lên đây”. Cụ thể hơn, anh Hưng lục sổ một lúc rồi cung cấp tên một nhà vườn ở TP.Miami- thủ phủ của bang Florida bán vải thiều lên khu vực này.
Trò chuyện về trái vải Việt, anh Hưng trầm ngâm: “Chúng tôi chưa nghe thông tin vải thiều Việt Nam xuất sang Mỹ. Cô thấy đó, bán hoa quả ở Mỹ không dễ, chúng tôi phải bảo quản bằng tủ mát. Ở khu vực này, vải thiều tiêu thụ rất chậm vì ít người biết. Mua một thùng hàng mà bán không nhanh thì chỉ 3 ngày là đổ bỏ hàng”.
Ăn thử trái vải Florida, tôi cảm thấy vị ngọt nhưng hơi chát, nhiều nước, hạt rất to. Nếu so với quả vải của nước ta, thì chất lượng không bằng. Nói với anh Hưng cảm nhận này, anh Hưng cũng bày tỏ rằng vải thiều Việt Nam có lợi thế hơn về chất lượng và hy vọng có thể sớm được bán quả vải của nước nhà trong cửa hàng của mình.
Cách Washington D.C chỉ gần 5 giờ đi ô tô, TP.New York thì ngược lại, vải được bán ê hề trên đường phố. Tuy nhiên, cũng như ở Washington D.C, rất khó để tìm quả vải ở những khu vực trung tâm thành phố. Vải dễ tìm thấy nhất ở những khu phố có đông người châu Á sinh sống, đặc biệt là ở khu vực China Town (quận Mahattan). Trên các con phố Mott, Canal, các cửa hàng hoa quả bày bán san sát, vải cùng các loại hoa quả nhãn, chôm chôm, sầu riêng, cherry, việt quất, táo Mỹ… “chen vai thích cánh”.
Sức hút từ hoa quả nhiệt đới
Khác với hình dung của tôi về các loại hoa quả luôn được đóng gói, trên các khu phố China Town ở New York, hoa quả được bày bán ngay trên vỉa hè, khách thích chọn quả nào thì chỉ quả ấy. Vải bày bán ở đây cũng được túm lại y như ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Chị Trương Muối - người Hoa, bán hàng ở khu phố này chia sẻ, rất dễ để phân biệt vải trồng ở Mỹ với vải nước ngoài: Vải thiều trồng ở Mỹ (thường là ở Florida), thì khi bán sẽ còn nguyên cành, còn vải nước ngoài thì sẽ bị cắt cành, chỉ trơ lại quả. Ăn thử một quả vải trên sạp của chị (với giá 1 USD/quả ăn nếm chứ không thoải mái cho ăn nếm như ở Việt Nam), tôi thấy vị vải ngọt hơn, hạt nhỏ hơn vải bán ở Washington D.C.
Từ khẩu vị của dân châu Á (giống cây di thực theo chân người Trung Quốc tới Mỹ và Mexico), trái vải giờ được người dân ưa chuộng, sử dụng rộng rãi. Quan sát các điểm bán lẻ vải suốt 4 ngày, tôi nhận thấy các quầy bán vải nói riêng và các loại hoa quả nhiệt đới như nhãn, sầu riêng, mít, chôm chôm… có thành phần khách hàng khá đa dạng. Chỉ bán lẻ mà trung bình sạp hoa quả của chị Trương Muối bán được khoảng 1 tấn vải/ngày, với giá niêm yết trên sạp là 6 USD/pound (khoảng 300.000 đồng/kg), đủ để thấy sức hút của loại hoa quả này như thế nào đối với khẩu vị người dân Mỹ.
Các sạp hoa quả ở khu China Town thường bày bán từ 9 giờ sáng tới 10 giờ đêm. Trò chuyện với anh Santos Edgav - người Guatemala có sạp hàng trên đường Canal lúc 10 giờ đêm, anh cho biết đang cố gắng bán nốt chỗ vải cuối ngày để mai có hàng tươi bán “sẽ được giá hơn”. Vải của anh là vải đã cắt cành. Hỏi về nguồn gốc, anh nhún vai: “Có thể nhập ở Trung Quốc, Mexico, hay một nước nào đó…”. Giá loại vải này rẻ hơn vải còn nguyên cành: 4USD/pound (10 USD/kg, hơn 200.000 đồng/kg). Cũng như chị Trương Muối, anh Santos cho biết trung bình một ngày anh bán được khoảng 1-2 tấn vải. Anh khẳng định vải hiện đang là loại hoa quả bán chạy nhất và rất được ưa chuộng.
Trong 2 ngày 22, 23.6, tôi quan sát thấy hầu hết vải bán tại khu này là vải nguyên cành (trồng tại Florida), tuy nhiên tới ngày 24,25.6, vải cắt cành bày bán la liệt. Anh Santos cho biết đó là lúc mùa vải ở Florida đã kết thúc và các cửa hàng ở đây bắt đầu chủ yếu bán vải nhập khẩu.
Theo Lê Huyền
Dân Việt
0 nhận xét:
Đăng nhận xét