Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2015

Chủ tịch Quốc hội: Lợi nhuận doanh nghiệp xăng dầu lớn quá!

Theo Chủ tịch Quốc hội, xăng dầu, giá thế giới lúc lên, lúc xuống, rất khó khăn cho điều hành, nên cần công khai, minh bạch tất cả yếu tố đầu vào của sản phẩm, tất cả hạch toán của sản phẩm, tất cả giá đầu ra của sản phẩm.

Phát biểu tại phiên chất vấn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: "Đại biểu chỉ mong muốn quản lý cơ sở, yếu tố chi phí v.v... thì đúng rồi, nhưng câu chuyện đại biểu đặt ra, tức là lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn quá, các đồng chí tiếp thu, rà lại các yếu tố đầu vào".
 
Theo Chủ tịch Quốc hội, xăng dầu, giá thế giới lúc lên, lúc xuống, rất khó khăn cho điều hành, nên cần công khai, minh bạch tất cả yếu tố đầu vào của sản phẩm, tất cả hạch toán của sản phẩm, tất cả giá đầu ra của sản phẩm thông qua công bố của cơ quan quản lý nhà nước, phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và tin tưởng ở chủ trương và ủng hộ.
  
Đặt câu hỏi tới Bộ trưởng về vấn đề xăng dầu, Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, dư luận thường xuyên "ngã ngửa" mỗi khi các doanh nghiệp công bố lợi nhuận và công tác quản lý điều hành đang có sự bất hợp lý, sơ hở và cần phải thay đổi để minh bạch hơn, công bằng hơn, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
 
"Giá cơ sở là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu. Giá cơ sở bao gồm nhiều thành tố, trong đó có chi phí định mức hiện nay được quy định là 1.050 đồng/lít xăng và 950 đồng/lít dầu, lợi nhuận định mức 300 đồng/lít. Nếu chi phí định mức xin được, gửi được, tăng thêm 100 đồng/lít thì người tiêu dùng gánh thêm 1.600 tỷ đồng/năm. Lợi nhuận được mặc định 300 đồng/lít, người tiêu dùng mặc nhiên trả lãi 4.800 tỷ đồng. Cộng hai khoản trên là 6.400 tỷ đồng, chính điều đó dư luận cứ ngã ngửa mỗi khi các doanh nghiệp xăng dầu công bố lợi nhuận", Đại biểu Hiến nói.
 
Chủ tịch Quốc hội: Lợi nhuận doanh nghiệp xăng dầu lớn quá!
Đại biểu cho rằng, công tác quản lý điều hành đang có sự bất hợp lý, sơ hở và cần phải thay đổi để minh bạch hơn, công bằng hơn.
Trả lời về giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ xăng dầu, Bộ trường Bộ Tài chính - Đinh Tiến Dũng cho hay, giá cơ sở bao gồm các yếu tố chi phí như: giá xăng dầu thế giới bình quân 15 ngày; Các chi phí về bảo hiểm, vận chuyển từ cảng nước ngoài về cảng Việt Nam quy về nhiệt độ thực tế; Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu; Tỷ giá ngoại tệ; Và chi phí kinh doanh định mức bao gồm phí vận chuyển trong nội địa, chi phí khấu hao của doanh nghiệp, chi phí tài chính, chi phí quản lý, chi phí bảo quản, chi phí công cụ, dụng cụ v.v... của doanh nghiệp. 
"Hiện nay, chúng ta đang quy định chi phí kinh doanh định mức là 950 đồng/lít. Mức trích quỹ bình ổn giá điều hành theo từng thời điểm, lợi nhuận định mức là 300 đồng. Thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, các loại thuế, phí và khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật. Tóm lại, hai yếu tố các đồng chí nói là hai yếu tố đầu vào của doanh nghiệp chúng ta hiện nay đang khoán cho doanh nghiệp trong các yếu tố chi phí đầu vào của doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu", ông Dũng cho biết.
Theo Bộ trưởng Dũng, ở nước ta xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu là nhập khẩu đến 70%, nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới, chi phí như thế chúng ta đang khoán vào định kỳ. Hai bộ rất tiếp thu ý kiến của đại biểu, sẽ rà soát chi phí đang khoán cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vừa qua, các doanh nghiệp đang đề nghị điều chỉnh tăng các chi phí về kinh doanh định mức, nhưng hai bộ đang rà soát, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng bị tác động bởi yếu tố khác để tăng chi phí đầu vào, cho nên phải thường xuyên rà soát để điều chỉnh, đảm bảo cho doanh nghiệp kinh doanh phải có lãi, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. 
Trong khi đó, Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) thì cho rằng, kinh doanh xăng, dầu của nước ta không theo cơ chế của thị trường mà nhà nước vẫn quản lý giá là không đúng với vận hành của thị trường. Theo đó, Bộ Công Thương cần có giải pháp tham mưu cho Chính phủ chuyển cơ chế điều hành xăng, dầu như hiện nay sang cơ chế thị trường giống như các nước trong khu vực để người tiêu dùng được hưởng và có quyền lựa chọn mua xăng, dầu. 
Trả lời ý kiến của đại biểu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, xăng dầu là một hàng hóa rất nhạy cảm, liên quan đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội. Nên khi điều hành vấn đề giá xăng dầu bao giờ cũng phải đặt vấn đề kết hợp hài hòa lợi ích của nhà nước, lợi ích của người tiêu dùng và lợi ích của doanh nghiệp. Do đó, nhà nước bên cạnh cơ chế thị trường đã sử dụng một số công cụ như công cụ thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu để trong trường hợp nếu buộc phải tăng giá xăng dầu thì cũng làm sao mức độ tăng không ảnh hưởng nhiều đến người dân và sử dụng thuế, sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp một phần. 
Theo Bộ trưởng, Nghị định 83 mới thực hiện từ tháng 11/2014, đến nay được 6 tháng, bên cạnh những bước đầu được đánh giá là có kết quả tương đối tốt thì có những mặt cần tiếp tục phải nghiên cứu để hoàn chỉnh, trong đó có cả vấn đề xác định giá cơ sở, trong giá cơ sở thì có chi phí định mức và lợi nhuận định mức. 
"Theo quy định về cơ chế điều hành theo Nghị quyết 83 thì giá sản phẩm xăng dầu ở thị trường thế giới (ở đây chúng ta lấy thị trường Singapore làm chuẩn), nếu trong 15 ngày giá bình quân của 15 ngày đó thay đổi theo chiều hướng tăng thì sau 15 ngày, sang ngày thứ 16 chúng ta sẽ điều chỉnh giá bán lẻ trong nước cho phù hợp. Nếu giảm thì chúng ta cũng điều chỉnh ngay cho giảm tương ứng. Vừa qua chúng ta đã làm đúng theo tinh thần này", tư lệnh ngành Công Thương khẳng định.
Trước ý kiến cho rằng thời gian qua giá xăng dầu tăng ngược chiều thế giới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng lý giải, theo Nghị định 83 của Chính phủ thì giá xăng dầu trên thế giới là giá để chúng ta tham khảo, căn cứ vào đó chúng ta sẽ quyết định giá bán lẻ trong nước. Giá xăng dầu này là giá xăng dầu thành phẩm được giao dịch trên thị trường Singgapore. 
"Đây là giá xăng dầu thành phẩm, không phải là dầu thô, bởi vì trên thực tế do những yếu tố chênh lệch về thời gian, vận chuyển và một số yếu tố khác thì diễn biến về giá dầu thô không phải lúc nào nó cũng tương thích với diễn biến về giá sản phẩm xăng dầu, có nghĩa rằng trong một vài thời điểm có thể giá xăng dầu, giá dầu thô nó giảm nhưng giá xăng dầu thế giới không giảm và ngược lại. Có những lúc giá xăng dầu thế giới tăng trong khi giá dầu thô giảm", Bộ trưởng lý giải.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons