Hiệu ứng từ việc thông tin vải thiều đã xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Malaysia…tạo cho người nông dân trồng vải rất có thế, xuất hiện tình trạng các thương lái ào ào tranh mua, nhất là thương lái Trung Quốc, việc mua bán diễn ra hết sức thuận lợi, giá cao
80% tổng sản lượng vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang đã được tiêu thụ.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Đến thời điểm hiện tại, tổng số lượng vải thiều đã thu hoạch tiêu thụ là gần 126.600 tấn (chiếm gần 80% tổng sản lượng toàn tỉnh). Trong đó, vải sớm gần 26.000 tấn (đã tiêu thụ hết), vải chính vụ gần 100.600 tấn.
Theo Sở Công thương, vải tươi được tiêu thụ khắp toàn quốc. Những địa phương tiêu thụ với số lượng lớn, gồm: Các tỉnh lân cận phía Bắc, các thành phố lớn như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TPHCM và các tỉnh phía Nam. Tổng số lượng tiêu thụ nội địa trên 81.000 tấn. Trong đó, riêng thị trường phía Nam (TPHCM, các tỉnh Nam Bộ) tiêu thụ khoảng gần 50.000 tấn, chiếm khoảng 60% tổng sản lượng tiêu thụ nội địa.
Bên cạnh đó, vải thiều còn được xuất khẩu sang một loạt nước như: Trung Quốc, Lào, Mỹ, Pháp, Úc, Anh, Malaysia…
Tại thị trường Trung Quốc, theo thống kê tại cửa khẩu Lạng Sơn, lượng vải thiều xuất qua đến ngày 23/6/2015 là 23.000 tấn. Giá trung bình từ 17.000-25.000 đồng/kg. Tại cửa khẩu Lào Cai, lượng vải thiều xuất khẩu qua là 21.000 tấn. Giá trung bình từ 20.000-28.000 đ/kg. Qua cửa khẩu Hà Giang với số lượng ít 1.100 tấn. Tổng lượng vải thiều xuất qua 3 cửa khẩu Lạng Sơn và Lào Cai, Hà Giang trên 45.000 tấn, chiếm gần 36% tổng sản lượng tiêu thụ của tỉnh (126.600 tấn).
Đối với các thị trường Mỹ, Úc, Pháp, Anh, Malaysia, Lào... theo thông tin từ các doanh nghiệp xuất khẩu vải thiều, các lô xuất đầu tiên đều thuận lợi, phía khách hàng đều đánh giá cao vải thiều Việt Nam. Sản lượng cụ thể sang các thị trường khác dưới hình thức vải tươi là 105 tấn.
Các thương nhân, đầu mối, điểm cân vải thiều hoạt động cơ bản như mọi năm. Tại địa bàn huyện Lục Ngạn, thời điểm cao điểm có 276 thương nhân người Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt điểm cân xuất hàng sang thị trường Trung Quốc. Tổng số điểm cân trên địa bàn huyên Lục Ngạn gần 400 điểm cân. Năm nay, có thêm sự góp mặt của các công ty tham gia xuất khẩu vải thiều vào các thị trường khó tính Mỹ, Úc, Anh, Pháp…
"Hiệu ứng từ việc thông tin vải thiều đã xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Malaysia…tạo cho người nông dân trồng vải rất có thế, xuất hiện tình trạng các thương lái ào ào tranh mua, nhất là thương lái Trung Quốc, việc mua bán diễn ra hết sức thuận lợi, giá cao. Không còn thấy hiện tượng ép cấp, ép giá như mọi năm", Sở Công thương cho biết.
Về giá cả, hiện tại, đang là thời điểm cao điểm thu hoạch vải thiều tại các huyện Lục Ngạn, Lục Nam. Giá cả tương đối ổn định, người dân bán được giá cao. Thương nhân Trung Quốc sang phối hợp với thương nhân Việt Nam đặt thu mua với sản lượng lớn và giá cả ổn định, với mức giá tương đối cao, đảm bảo người dân trồng có lãi. Nhìn chung, đến thời điểm hiện tại, giá vải thiều được tiêu thụ tương đối ổn định, bán được giá cao, cao hơn năm 2014 từ 3.000-5.000đ/kg. Giá vải loại I dao động từ 17.000- 30.000 đồng/kg. Vải loại II từ 7.000-13.000 đồng/kg. Tại các cửa khẩu, giá dao động từ 15.000-40.000 đồng/kg.
Sở Công thương Bắc Giang đánh giá, từ đầu vụ, công tác tiêu thụ tương đối thuận lợi, với giá bán hiện tại người dân trồng vải đã có lãi. Trên thị trường, không có hiện tượng ép cân, ép giá và việc xuất khẩu tại các cửa khẩu diễn ra thuận lợi, nhanh chóng. Theo phản ánh của người dân bán vải, tại một số điểm cân, vẫn còn tình trạng lùi cân, gian lận thương mại nhưng đã được lực lượng Quản lý thị trường giải quyết kịp thời.
Sở Công thương Bắc Giang cũng khuyến cáo người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn để đạt chất lượng tốt nhất, đảm bảo uy tín và thương hiệu vải thiều; Thương nhân cần chủ động tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường, tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Đồng thời, kiến nghị các ngành chức năng, UBND các huyện cần tiếp tục tích cực, chủ động hỗ trợ nhân dân trong việc tiêu thụ vải thiều.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét