Các DN bán lẻ đang đầu tư mở rộng chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini sẽ là giải pháp quan trọng trong việc hỗ trợ hệ thống chợ truyền thống - đó là khẳng định của ông Hồ Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nội trong cuộc trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini của ngành công thương thời gian tới.Thưa ông, hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini của ngành bán lẻ Hà Nội đã có sự phát triển mạnh mẽ. Ông có thể cho biết cụ thể về hệ thống bán lẻ này?
- Trong thời gian gần đây, hệ thống bán lẻ của Hà Nội đã phát triển khá mạnh mẽ một số chuỗi cửa hàng tiện lợi do Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) phát triển như Haprofood, Hapromart. Cụ thể, Hapro hiện xây dựng 20 cửa hàng tiện lợi Hapromart, 13 cửa hàng, quầy hàng Haprofood chuyên kinh doanh thực phẩm, rau xanh… Vừa qua, Công ty CP Siêu thị VinMart đã đồng loạt khai trương 9 siêu thị và cửa hàng tiện ích đầu tiên tại Hà Nội, đây cũng là bước khởi động cho việc ra mắt hệ thống chuỗi 100 siêu thị VinMart và 1.000 cửa hàng tiện ích VinMart+ (thương hiệu bán lẻ của Vingroup) trên toàn quốc. Những siêu thị và cửa hàng tiện ích này đều nằm tại các khu vực đông dân cư và thuận tiện giao thông như: Trung tâm thương mại Royal City, Times City, khu đô thị Trung Hòa, khu đô thị Xa La, Làng quốc tế Thăng Long…
Đâu là nguyên nhân khiến số lượng cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini xuất hiện ngày càng nhiều trong hệ thống bán lẻ Hà Nội, thưa ông?
- Việc hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini xuất hiện ngày càng nhiều là do người tiêu dùng có ý thức hơn về việc sử dụng sản phẩm sạch, nguồn gốc rõ ràng. Trong khi đó, cửa hàng tiện lợi có ưu điểm là kiểm soát đầu vào hàng hóa chặt chẽ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, trong khi đây là điểm yếu của hệ thống chợ truyền thống. Việc phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini nằm xen kẽ trong khu dân cư, khu công nghiệp đã phần nào khắc phục điểm yếu của hệ thống chợ truyền thống và phù hợp với xu hướng mua sắm hiện nay của người tiêu dùng.
Quan trọng hơn cả, sự xuất hiện của cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini còn khiến tiểu thương ở chợ truyền thống phải tự thay đổi cách thức kinh doanh theo hướng văn minh, hiện đại. Cụ thể, chuyện nói thách phải chấm dứt và sản phẩm cần đảm bảo chất lượng ATTP, thay đổi phong cách phục vụ.
Như ông đã nói, hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã góp phần hỗ trợ hệ thống chợ truyền thống phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Vậy, trong thời gian tới, ngành công thương sẽ phát triển hệ thống bán lẻ này như thế nào?
- Trong thời gian qua, số lượng siêu thị mini của Hà Nội đã tăng nhanh chóng. Cụ thể năm 2012, Hà Nội chỉ có 321 siêu thị mini nhưng năm 2014 tăng lên 602 siêu thị. Theo quy hoạch của TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đầu tư xây dựng mới 999 siêu thị các loại, trong đó có đến 865 siêu thị hạng ba hay còn gọi là siêu thị mini, đó là chưa kể đến hệ thống cửa hàng tiện lợi.
Kế hoạch là vậy và hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đang trên đà phát triển nhưng thực tế cho thấy, đây là mô hình kinh doanh khá mới nên chưa có tiêu chuẩn cụ thể, gây khó khăn không nhỏ trong việc kêu gọi DN đầu tư xây dựng. Nhằm hỗ trợ DN cũng như tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, Sở Công Thương Hà Nội đang xây dựng tiêu chuẩn cho loại hình hoạt động này để trình Bộ Công Thương xem xét. Dự kiến, siêu thị mini phải có khoảng 20.000 - 30.000 mặt hàng với diện tích tổng hợp từ 500m2 trở lên; cửa hàng tiện lợi thì diện tích khoảng 150m2 trở lên, với khoảng 1.500 - 2.000 mặt hàng.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở Công Thương Hà Nội khuyến khích DN phát triển cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini ở khu vực ngoại thành, hạn chế phát triển chợ trong nội thành.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét