Hàng loạt luật có hiệu lực thi hành từ 1/7 tới như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Doanh nghiệp,... được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những hạn chế, bất cập, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nhiều Luật đi vào hoạt động kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều hạn chế, bất cập cho cộng đồng doanh nghiệp.
Người nước ngoài được mua nhà
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Cụ thể, đối tượng áp dụng gồm tổ chức, cá nhân người nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài, quỹ đầu tư nước ngoài và chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam; Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư.
Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà ở biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà.
Kinh doanh bất động sản phải có vốn trên 20 tỷ đồng
Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 bổ sung thêm nhiều quy định mới về phạm vi kinh doanh bất động sản. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải thành lập doanh nghiệp hoặc hợp tác xã. Vốn pháp định cũng được nâng từ 6 tỷ đồng lên mức 20 tỷ đồng.
Điểm đáng lưu ý, Luật kinh doanh bất động sản quy định chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được tổ chức tài chính hoặc tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam thực hiện bảo lãnh việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai.
Bổ sung quy định, bên mua, bên thuê mua có quyền yêu cầu bên bán, bên cho thuê mua cung cấp thông tin về tiến độ đầu tư xây dựng dự án, việc sử dụng tiền ứng trước và kiểm tra thực tế tại công trình.
Tự do kinh doanh ngành nghề luật không cấm
Nội dung thay đổi lớn nhất của Luật Đầu tư là quy định về cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Theo đó, ngoài 6 ngành nghề cấm và 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp được từ do kinh doanh những ngành nghề khác mà luật không cấm thay vì chỉ được kinh doanh những gì nhà nước cho phép như trước đây.
Luật cũng quy định thêm các đối tượng ưu đãi đầu tư: dự án có quy mô vốn từ 6000 tỷ đồng trở lên, dự án đầu tư tại vùng nông thôn có sử dụng từ 500 lao động trở lên...
Bổ sung ngành, nghề ưu đãi đầu tư mới: sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ 30% trở lên; sản phẩm tiết kiêm năng lượng; Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô…
Luật Đầu tư cũng bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với tất cả các dự án đầu tư trong nước; đơn giản hóa hồ sơ, trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà thầu nước ngoài (từ 45 ngày theo Luật Đầu tư 2005 xuống còn 15 ngày).
Bỏ nhiều thủ tục rối rắm
Luật Doanh nghiệp có nhiều điểm mới nổi bật, đáng chú ý nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập, tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo quy định mới, doanh nghiệp có quyền quyết định số lượng, hình thức và nội dung con dấu. Luật cũng cho phép công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật; cho phép công ty cổ phần có thể chọn một trong hai mô hình tổ chức, quản lý; Cho phép lựa chọn cách bầu dồn phiếu hay không bầu dồn phiếu khi bầu thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty cổ phần...
Đồng thời, bãi bỏ nhiều điều khoản đã được chứng minh là hiệu quả thực thi rất thấp, như việc đăng ký danh sách cổ đông nắm giữ 5% vốn điều lệ công ty cổ phần, hoặc bãi bỏ việc gây cản trở cho hoạt động của Doanh nghiệp như cấm một người đã làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) công ty cổ phần không được làm Giám đốc (Tổng Giám đốc) Công ty khác.
Quy định rõ quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp quy định việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Đối tượng áp dụng của Luật gồm 4 nhóm là: Đại diện chủ sở hữu nhà nước; Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; và Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét