Theo Chủ tịch VCCI, trong bối cảnh Việt Nam vừa ký 2 hiệp định thương mại tự do quan trọng và TPP dự kiến ký trong năm nay, vấn đề lớn nhất vẫn là năng lực của khu vực kinh tế tư nhân trong nước.
Rất nhiều nghiền cứu của VCCI và cơ quan khác chỉ ra rằng khu vực doanh nghiệp trong nước không lớn được trong năm qua.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Phát biểu tại cuộc gặp gỡ báo chí chiều ngày 8/6, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đồng chủ tịch VBF 2015 đánh giá: “Vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay là năng lực của khu vực kinh tế tư nhân. Rất nhiều nghiền cứu của VCCI và cơ quan khác chỉ ra rằng khu vực doanh nghiệp trong nước không lớn được trong năm qua”.
Ông Lộc cũng dẫn chứng chi tiết, trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, có tới 98% là doanh nghiệp nhỏ và chỉ có 2% doanh nghiệp vừa. Tuy vai trò của khu vực tư nhân tăng lên, những năm gần đây chiếm khoảng 49% GDP, nhưng động lực chủ yếu đến từ khu vực cá thể (33%) chứ không phải từ doanh nghiệp.
“Điều này cho thấy xu hướng li ti hoá, manh mún hoá của nền kinh tế ngày càng lớn. Vấn đề quan trọng là làm sao để khu vực trong nước có thể trở thành đối tác với doanh nghiệp nước ngoài và làm thế nào nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước”, ông Lộc nói.
Đánh giá thêm về môi trường kinh doanh trong nước, đồng chủ tịch VBF 2015, bà Virginia Foote thì cho rằng: “Cần phải dỡ bỏ bức tường ngăn cách giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước Việt Nam vẫn đang duy trì tới 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong khi các nước khác như Indonesia chỉ có 30 ngành mà doanh nghiệp FDI phải xin phép. Chúng tôi lo ngại gánh nặng về thủ tục hành chính quan liêu làm doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí, dẫn tới các hành vi tham nhũng, chi phí không chính thức”.
Trong khi đó, Chủ tịch VCCI lo ngại: “Môi trường kinh doanh an toàn vẫn đang là vấn đề lớn tại Việt Nam. Hiện nay doanh nghiệp còn khá mong manh trong việc thực hiện các hoạt động kinh doanh, xử lý các tranh chấp. Thiết chế pháp lý đảm bảo quyền và lợi ích cho doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh hơn, giảm thiểu tình trạng hình sự hoá các mối quan hệ kinh tế dân sự để doanh nghiệp yên tâm làm ăn lâu dài”.
Ông Lộc kiến nghị cần có chính sách xây dựng Việt Nam thành môi trường kinh doanh khởi nghiệp, nghĩa là tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có tính sáng tạo ra đời. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện cho sự phát triển của khu vực tư nhân, tư duy lại thu hút đầu tư để hướng FDI vào các khu vực công nghệ cao.
Ngoài ra, cả ông Lộc và bà Foote cũng đồng quan điểm khi đề cập đến việc phải thoái vốn nhà nước khỏi các lĩnh vực dịch vụ công.
"Trong quá trình cổ phần hóa chỉ có một phần nhỏ cổ phần được bán ra ngoài, nhà đầu tư nước ngoài cũng rất thất vọng, không đủ để tạo ra những thay đổi thực sự. Việc này chỉ là một cơ chế huy động vốn khác thôi chứ không phải là cổ phần hóa thực sự”, bà Foote e ngại.
Giải pháp cho vấn đề này, ông Lộc cho rằng, Chính phủ có thể bổ sung vào luật về “cổ phần vàng” trong lĩnh vực Nhà nước muốn có quyền quản lý.
“Nếu vẫn giữ cổ phần chi phối thì khó dẫn tới việc thay đổi về quản trị, nhưng nếu dùng cổ phần vàng thì có thể làm được điều này. Ví dụ với một công trình thủy điện có thể bán cho tư nhân được không, tôi nghĩ điều này có thể làm được. Nhưng khi xả lũ, nếu lo ngại xả ảnh hưởng đến xã hội thì Nhà nước vẫn có thể quyết định, liên quan đến cổ phần vàng. Còn những vấn đề kinh doanh thì nên trả quyền cho doanh nghiệp quyết định. Như vậy, một mặt Nhà nước nắm rất chắc những quyết định quan trọng, nhưng một mặt vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, kinh doanh hiệu quả”, ông nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét