Bằng visa du lịch, một số thương lái Trung Quốc đi đến khắp các vùng quê của Việt Nam từ Bắc đến Nam thu mua những nông sản một cách “lạ đời”. Điều đáng bàn là việc này diễn ra trong nhiều năm, cứ lặp đi, lặp lại mà chưa có các giải pháp xử lý triệt để cả từ phía các bộ ngành, địa phương cũng như chính người dân.
Thủ đoạn 10 năm chưa cũ
Cách làm của họ thường là giấu mặt, bỏ tiền thuê người Việt là đầu mối thu mua, dùng hiệu ứng “tâm lý đám đông” truyền miệng ngầm định về cái lợi của việc mua nông sản, đánh đúng vào lòng tham “vì lợi ích trước mắt” của nhiều người. Sau khi chính quyền địa phương vào cuộc điều tra, đưa ra cảnh báo hoặc có sự phản ứng từ phía người dân, báo chí, thì thương lái dừng mua và bỏ trốn.
Đầu mối thu mua của Việt Nam đến lúc đó không tìm thấy thương lái Trung Quốc đâu nên chỉ biết khóc dở, mếu dở, vì đã “găm hàng” với khối lượng lớn. Trong một số trường hợp, đầu mối này cũng biến mất theo thương lái.
Thương lái thu mua cam non thái lát phơi khô.
Thương lái Trung Quốc có nhiều “Tài”. Thứ nhất, họ là những nhà tâm lý giỏi, vì chỉ cần áp dụng “một bài” trong thu mua nông sản nhưng có thể lừa nhiều người dân ở nhiều địa phương khác nhau, lặp đi lặp lại nhiều lần. Và có thể nói, hầu như chưa có thương lái Trung Quốc nào bị đưa ra ánh sáng. Thứ hai, chỉ bằng visa du lịch mà họ có thể đi khắp các vùng miền ở Việt Nam tìm hiểu đâu là nông sản đặc trưng của từng vùng miền đó để thu mua, gây thiệt hại và không bao giờ thu mua lặp lại.
Liệu họ là những cá nhân đơn lẻ hay là đại diện cho những tổ chức nào đó? Cũng chưa có thống kê số thiệt hại cho nông sản Việt Nam, nhưng sơ bộ gần 10 năm qua, “kiểu đánh du kích” này vẫn được áp dụng và chưa có dấu hiệu “hết hạn sử dụng”. Cử ai sang, trốn vào thời điểm nào, tung tiền ra bao nhiêu, quyết định mua loại nông sản gì, dường như là một chiến thuật kinh doanh được tính toán rất kỹ, và khi ra quân phần thắng luôn thuộc về họ.
Thứ ba, họ là những nhà đầu tư giỏi. Tưởng như họ phải bỏ ra khối lượng tiền nhiều, nhưng thực chất với phương châm “lấy mỡ nó rán nó”, chi phí bỏ ra họ chẳng mất là bao. Trong nhiều trường hợp, chính họ là chủ thể phân phối cho các đầu mối thu mua để thu lại tiền vốn ban đầu. Như vậy, chỉ có đầu nậu thu mua sẽ bị thiệt hại vì găm hàng để bán cho thương lái.
Những hành động mang tính chất vỏ bọc là giao thương này thực chất là hành động phá hoại có chủ đích. Chúng ta không nhận thức được mức độ nghiêm trọng lâu dài và có biện pháp thích ứng, sẽ làm mất uy tín giao thương giữa hai nước. Tạo ra những hệ lụy lâu dài đối với nông sản và nông dân Việt Nam, như: Mùa màng bị phá hoại, môi trường sinh thái bị mất cân bằng, làm giảm sinh trưởng của cây, làm ảnh hưởng đến chăn nuôi, sức kéo bị triệt phá nghiêm trọng, ảnh hưởng đời sống cho từng gia đình nông dân, phá hoại thương hiệu, giảm giá trị nông sản của Việt Nam.
Có thương hiệu chè bị lao đao vì thủ đoạn làm chè bẩn, rồi lấy thương hiệu Việt của Trung Quốc. Đó là chưa tính đến những cây trồng, vật nuôi quý hiếm trong sách đỏ có nguy cơ tiệt chủng vì thương lái Trung Quốc. Sách đỏ cứ ghi động thực vật quý hiếm cần được bảo tồn, còn nông dân Việt trước sự gây mù mờ thông tin trên thị trường của thương lái Trung Quốc vẫn cứ đua nhau thu mua động, thực vật quý hiếm. Ví dụ vụ chặt cây gỗ sưa, cây mật gấu…
Chính quyền địa phương chưa chủ động
Nhận thức của người dân và chính quyền địa phương chưa tốt về vấn đề này. Cách xử lý tùy tiện, thậm chí biết thương lái hại bà con nông dân nhưng vẫn làm. Mà cụ thể là nhiều người Việt vẫn đứng ra làm đầu mối cho thương lái Trung Quốc, chứng tỏ tinh thần tương, thân tương ái còn hạn chế.
Công tác truyền thông đến người nông dân ở các vùng miền chưa tốt. Chúng ta có chính quyền địa phương, hội nông dân, hội phụ nữ đến tận thôn, bản - là những tổ chức gần dân nhất, nhưng vì không nhận thức được, nên chưa có một giải pháp mang tính hệ thống để bảo vệ quyền lợi của người nông dân trước sự phá hoại của thương lái Trung Quốc.
Thương lái thu mua bông thanh long.
Thậm chí, có địa phương ít nhiều phải trả giá vì chủ động giao thương với Trung Quốc, thông qua việc chọn giống nông sản trồng ở địa phương, như trồng ớt ở Vĩnh Phúc và trồng bí ngô giống của Trung Quốc ở hai huyện Ea Kar và Krông Bông tỉnh Đắc Lắc,…
Trung ương và các bộ ban ngành chậm đưa ra phương án giải quyết nên để tình trạng hơn 10 năm vẫn chưa xử lý triệt để. Ở địa phương không giám sát kịp thời, để khi hậu quả nghiêm trọng hoặc báo chí đưa tin rầm rộ thì mới vào cuộc. Kết quả là thương lái đã cao chạy, xa bay. Chính quyền địa phương chưa nhận thức được đây là hành vi phương hại đến nền kinh tế địa phương.
Xử phạt nặng môi giới và thương lái
Có nhiều giải pháp cho vấn đề trên, nhưng có hai giải pháp cần thực hiện trước mắt mà không tốn quá nhiều chi phí. Thứ nhất, người nông dân Việt Nam vốn dĩ không có nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin. Vì vậy chính quyền, tổ chức đoàn thể đặc biệt là Hội Nông dân Việt Nam ban hành sổ tay: “Kinh nghiệm giao thương với thương lái Trung Quốc”.
Trong đó chia sẻ những điểm tích cực và cảnh báo những nguy cơ có thể có, lấy từ kinh nghiệm của một số bà con nông dân các địa phương đã bị thương lái Trung Quốc phá hoại. Có thể là câu chuyện rất thật để tuyên truyền cho bà con nông dân vào các dịp sinh hoạt hội, hoặc chủ động phát miễn phí cho bà con. Cần có các buổi sinh hoạt định kỳ với những chủ đề này được đưa ra tranh luận, để phòng tránh thiệt hại. Bà con chủ động phòng tránh khi thương lái Trung Quốc chưa gõ cửa.
Bên cạnh đó, cần liệt kê sản phẩm hóa học có lợi cho nông sản, nhưng gây hại sức khỏe người tiêu dùng có xuất xứ từ Trung Quốc với giá rẻ để bà con biết. Cần chỉ cho bà con cái thiệt về lâu dài đến thế hệ sau, chứ không phải là cái lợi trước mắt.
Thứ hai, Nhà nước cho phép chính quyền địa phương ban hành những quy định xử phạt nặng những người Việt đi làm môi giới cho thương lái Trung Quốc phá hoại kinh tế của địa phương. Ngoài ra, qua các phương tiện truyền thông, hoặc các cuộc họp cấp thôn, bản, xã phê bình thẳng thắn với những người do thương lái Trung Quốc thuê. Phép vua thua lệ làng! Chính quyền địa phương kiểm soát người nước ngoài, truy tìm và buộc các thương lái Trung Quốc nếu vi phạm xử lý theo pháp luật Việt Nam...
Thứ ba, được xem là quan trọng nhất, là vai trò của các cấp chính quyền địa phương trong việc định hướng cung cấp thông tin, cảnh báo cho người dân. Đặc biệt là việc căn cứ vào các quy định của pháp luật để xử lý quyết liệt. Trên thực tế, những địa phương mà chính quyền ở đó quyết tâm thì hiện tượng trên không xảy ra hoặc có thì được ngăn chặn kịp thời.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét