Ngân hàng Nhà nước cho biết, sức ép từ nhập siêu đối với tỷ giá đã được dự báo trước và cơ quan này đang điều hành tỷ giá một cách chủ động, phù hợp với tình hình nhập siêu cũng như tăng trưởng kinh tế.
Cầu về ngoại tệ, trong đó có bù đắp cho nhập siêu sẽ được đáp ứng đầy đủ bằng các nguồn tài trợ khác như kiều hối, vay nợ nước ngoài và FDI
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Theo số liệu công bố chính thức của Tổng cục Hải quan, tính đến hết ngày 15/5/2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 56,09 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 59,78 tỷ USD, nhập siêu lên tới 3,7 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm 2014 cán cân thương mại xuất siêu 1,3 tỷ USD. Đặc biệt, chỉ tính riêng trong 15 ngày đầu tháng 5, nhập siêu đã là 1,87 tỷ USD, bằng 50% tổng mức nhập siêu từ đầu năm.
Tổng cục Hải quan đánh giá, nhập siêu tăng cao do nhiều yếu tố, trong đó, tăng trưởng xuất khẩu giảm đáng kể. Tính đến hết ngày 15/5/2015, xuất khẩu chỉ tăng 8,5%, thấp hơn so với mức tăng trưởng của năm 2015 (10%) và thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2014.
Trong quý I/2015, giá dầu thô xuất khẩu bình quân của Việt Nam giảm tới 51% so với cùng kỳ năm 2014 và kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm tới 38,8%. Mặc dù bước sang quý II/2015 giá dầu đã phục hồi đáng kể nhưng tính đến hết ngày 15/5/2015, kim ngạch xuất khẩu dầu thô cũng chỉ đạt 1,57 tỷ USD, giảm gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2014, tương đương giảm 39%.
Tiếp sau dầu thô, xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản sụt giảm mạnh. Trong đó, cạnh tranh gay gắt và thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ tăng cao là nguyên nhân chính. Tương tự, xuất khẩu nông sản không thuận lợi do các mặt hàng nông sản cũng phải chịu sự cạnh tranh gay gắt, đồng thời nhu cầu tiêu thụ mặt hàng gạo của một số thị trường chính như Trung Quốc, Philippines... sụt giảm.
Bên cạnh đó, đồng USD tăng giá quá nhanh, đặc biệt là so với EUR và JPY cũng làm cho việc đàm phán giá cả xuất khẩu vào các thị trường Châu Âu và Nhật Bản gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng xuất khẩu hiện nay chỉ còn dựa chủ yếu vào các mặt hàng như điện thoại và linh kiện, dệt may, giày dép. Đây là những sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của khối doanh nghiệp FDI, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu không thể đạt mức cao như trước.
Trong khi tốc độ xuất khẩu chững lại, nhập khẩu lại tăng nhanh cùng với đà phục hồi của nền kinh tế. Tính đến hết ngày 15/5/2015, nhập khẩu tăng tới 18,7%, cao hơn tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2014 và cao hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu.
Có thể nói, nhập siêu tăng cao là sự kết hợp giữa những yếu tố bất lợi trên thị trường thế giới (làm cho xuất khẩu của nhiều mặt hàng sụt giảm) và sự phục hồi kinh tế trong nước dẫn đến sự tăng tốc của nhập khẩu.
Có thể kiểm soát nhập siêu ở mức mục tiêu
Trong một bài viết đăng tải trên website chính thức của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây, cơ quan này cho rằng, trên thực tế, nhập siêu không nằm ngoài dự đoán của các cơ quan quản lý nhưng nhập siêu cao ngay trong những tháng đầu năm là diễn biến khá bất ngờ. Tuy nhiên, trong những tháng tiếp theo, nhập siêu có thể được kiểm soát ở mức mục tiêu.
Cụ thể, giá dầu thô trên thị trường quốc tế đang phục hồi nhanh chóng, phát tín hiệu tích cực cho khả năng phục hồi xuất khẩu. Bên cạnh đó, đồng EUR phục hồi so với USD và việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lùi thời hạn tăng lãi suất sẽ có tác dụng hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Châu Âu, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đáng chú ý, cơ cấu hàng nhập khẩu với nhóm hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất hàng xuất khẩu tăng cao như điện thoại, máy ảnh, máy tính và các kinh kiện đi kèm... sẽ tạo đà cho xuất khẩu các mặt hàng công nghiệp chế biến tăng tốc trong thời gian tới.
Theo NHNN, nhập siêu là diễn biến đã được dự báo trước. Theo đó, ngay từ cuối năm 2014, thông điệp sẽ điều hành tỷ giá với biên độ biến động không quá 2% của NHNN được đưa ra dựa trên cơ sở dự báo nhập siêu ở mức 6 - 7 tỷ USD trong năm 2015. Diễn biến bất ngờ ở đây là các yếu tố không thuận lợi xuất hiện dồn dập làm cho nhập siêu tăng mạnh ngay trong những tháng đầu năm. Chính vì vậy, NHNN đã phải chủ động sớm điều chỉnh tăng tỷ giá hết biên độ cam kết nhằm hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, góp phần kiểm soát nhập siêu.
Hơn nữa, mặc dù dự báo cán cân thương mại sẽ chuyển sang nhập siêu nhưng NHNN cho biết, cơ quan này vẫn dự báo cán cân thanh toán tổng thể của năm 2015 sẽ tiếp tục thặng dư (dù mức thặng dư giảm mạnh so với năm 2014). Nghĩa là, cầu về ngoại tệ, trong đó có bù đắp cho nhập siêu sẽ được đáp ứng đầy đủ bằng các nguồn tài trợ khác như kiều hối, vay nợ nước ngoài và FDI.
Theo phân tích của NHNN, trên thực tế, kim ngạch nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI trong những tháng đầu năm tăng tới 25,5% so với cùng kỳ năm 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nước (18,7%). Đặc biệt, một lượng máy móc thiết bị đáng kể đã được nhập khẩu theo tiến độ triển khai một số dự án FDI có quy mô đầu tư lớn như Formosa, Nghi Sơn. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu này đều được tài trợ bằng vốn vay nước ngoài của chính các doanh nghiệp FDI từ công ty mẹ.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của khu vực FDI cũng tăng cao nên cung và cầu ngoại tệ của khu vực này có thể tự cân đối được. Chính vì vậy, dù nhập siêu tăng cao nhưng ngay trong những tháng đầu năm, NHNN đã mua được một lượng ngoại tệ khá lớn để tăng dự trữ ngoại hối. Đây là căn cứ quan trọng để cơ quan này kiên trì thực hiện mục tiêu điều hành tỷ giá hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô.
“Như vậy, sức ép từ nhập siêu đối với tỷ giá đã được dự báo trước và NHNN đang điều hành tỷ giá một cách chủ động, phù hợp với tình hình nhập siêu cũng như tăng trưởng kinh tế” – cơ quan điều hành tiền tệ cho hay.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét