Khi được yêu cầu bóc tách chi tiết phần chênh lệch do buôn lậu, gian lận thương mại, đại diện cơ quan thống kê cho rằng “rất khó” bởi “nếu thống kê được thì đã không gọi là buôn lậu và gian lận thương mại”.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Nếu thống kê được thì đã không gọi là buôn lậu và gian lận thương mại (ảnh minh hoạ).
Tại phiên thảo luận Quốc hội diễn ra đầu tháng 6, đại biểu Mai Hữu Tín (đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương) gây "rúng động" nghị trường với thông tin con số chênh lệch thống kê lên tới 20 tỷ USD không được ghi nhận trong nhập khẩu với Trung Quốc. Trong năm 2014, theo vị này, thâm hụt thương mại Việt Nam – Trung Quốc ở mức 15 tỷ USD.
Trao đổi về vấn đề này, tại buổi họp báo tổng kết 6 tháng đầu năm diễn ra cuối tuần trước, bà Lê Thị Minh Thuý - Vụ trưởng Vụ thống kê thương mại dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho hay, để xảy ra tình trạng vênh số liệu trên do 2 nhóm nguyên nhân chính: phương pháp tính và do buôn lậu, gian lận thương mại.
Khi được yêu cầu bóc tách chi tiết phần chênh lệch do phương pháp thống kê và buôn lậu, gian lận thương mại, đại diện cơ quan thống kê cho rằng “rất khó” bởi “nếu thống kê được thì đã không gọi là buôn lậu và gian lận thương mại”.
“Để lượng hoá tác động của từng nguyên nhân, 2 bên sẽ phải tiến hành rà soát, cùng phối hợp để xem xét luồng hàng hải quan, lượng hoá ra nguyên nhân và có giải pháp. Việc này cần rất nhiều thời gian”, bà Thuý cho hay.
Tuy nhiên, đại diện Tổng cục Thống kê khẳng định: “Chúng ta có thể yên tâm rằng số liệu đã được so sánh với các nước và được hoà nhập với cơ sở dữ liệu của Liên Hợp quốc là UN Comtrade. Còn về phương pháp tính khi áp dụng chuẩn mực xuất khẩu tính theo nước hàng đến cuối cùng, nhập khẩu là theo nước xuất xứ thì đương nhiên sẽ gây ra chênh lệch số liệu”.
Theo bà Thuý, khi so sánh với các nước, con số chênh lệch là không nhiều, ngoại trừ với Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc do đặc điểm của các nước này là cảng mở nên việc mua bán hàng hoá rồi bán lại cho các nước thứ 3 rất phổ biến. Riêng Trung Quốc có chung biên giới với Việt Nam nên càng khó thống kê chính xác.
“Từ năm 2009 trở về trước áp dụng nguyên tắc tính theo nước gửi hàng, chênh lệch rất ít, người ta gửi bao nhiêu thì thống kê bấy nhiêu. Nhưng từ năm 2010 thống kê theo nước xuất xứ, chênh lệch tăng lên. Trung Quốc mua hàng nước khác bán cho ta, sẽ tính hàng xuất xứ từ Trung Quốc thì tính nhập khẩu từ Trung Quốc, của nước khác thì tính là nước khác. Một số là hàng quá cảnh qua Việt Nam, thể hiện qua thống kê xuất khẩu của nước đó, nhưng thống kê của ta thì không tính”, bà Thúy lý giải.
Ngoài ra, theo bà Thuý, cùng 1 lô hàng nhưng hải quan mỗi nước lại áp giá khác nhau cũng dẫn tới chênh lệch và giá trị ghi nhận.
Nhóm nguyên nhân thứ hai là do buôn lậu và gian lận thương mại. Việt Nam có đường biên giới dài vơi các nước nên khó kiểm soát. Như vậy, Trung Quốc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch qua biên giới đường bộ thì ghi cho Trung Quốc nhưng con số này Việt Nam không kiểm soát được thì không ghi nhận.
Cũng như vậy, với các doanh nghiệp khai giảm giá trị nhập khẩu để giảm số thuế phải nộp mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát được thì cũng dẫn tới chênh lệch số liệu.
Đại diện Tổng cục Thống kê cũng nói thêm rằng, thống kê số liệu xuất nhập khẩu của Trung Quốc với nhiều nước cũng có chênh lệch rất nhiều. Từ năm 2010 - 2013 theo 2 xu hướng, với nước ASEAN thì chênh lệch của giống Việt Nam, có nước lên tới 50-60% như Phillipines dù không có biên giới chung. Ngược lại đối với các nước như Mỹ, châu Âu thì xuất khẩu sang Trung Quốc luôn thống kê lớn hơn nhiều so với nhập khẩu của Trung Quốc.
“Trong bối cảnh giao thương hàng hoá giữa các nước rất phát triển, các nước có thể mua bán trao đổi hàng hoá của nhau gây nên một phần chênh lệch số liệu. Sự chênh lệch số liệu này cũng được cơ quan thống kê Trung Quốc nhiều lần thừa nhận là do quy tắc xuất xứ và hàng tạm nhập tái xuất”, bà Thuý nói.
Phương Dung
0 nhận xét:
Đăng nhận xét