Lý giải về con số chênh lệch “khủng” 20 tỷ USD hàng Trung Quốc “lọt” vào Việt Nam không qua kiểm soát, Bộ trưởng Vinh còn đưa ra thực tế, một số mặt hàng của Việt Nam khi xuất sang nước ngoài bị mất thương hiệu, rồi mang thương hiệu của nước họ xuất đi nước khác.
Tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay 8/6, đại biểu Mai Hữu Tính (Bình Dương) nêu ra con số chênh lệch xuất nhập khẩu số liệu thống kê giữa tổng cục thống kê Việt Nam và Trung Quốc, trong đó cho thấy, chỉ riêng năm 2014, hơn 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc lọt vào lãnh thổ Việt Nam không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng Việt Nam.
Giải trình rõ hơn vào cuối phiên thảo luận chiều nay, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, con số mà đại biểu Tính nêu hoàn toàn chính xác nhưng lí giải chưa đúng.
Theo Bộ trưởng Vinh, ở đây có việc hải quan xử lí chưa tốt hàng buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng chênh lệch số liệu lớn không hoàn toàn suy luận như vậy. Trước đây các chuyên gia cũng đã đề cập tới và Bộ cũng đã họp về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh (ảnh: Việt Hưng).
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
“Trước hết khẳng định với các đại biểu, số liệu về xuất nhập khẩu hàng năm là Tổng Cục thống kê lấy từ Hải quan cho nên không có gì là chính xác hay không chính xác ở chỗ này. Tổng Cục thống kê đã thành lập tổ chuyên gia (gồm có Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hải quan, Bộ Công Thương và Ngân hàng Nhà nước) từ 20 năm nay để xem lại cũng như xử lý các số liệu thu thập từ cơ quan hải quan”.
Vậy tại sao sự có chênh lệch trên? Bộ trưởng Vinh cho hay, hầu hết số liệu xuất nhập khẩu của Việt Nam với các nước đều có chuyện chênh lệch chứ không riêng Trung Quốc với Việt Nam. Ví dụ như Singapore, năm 2014, Việt Nam thống kê xuất nhập khẩu với Singapore là 9,8 tỷ USD nhưng số liệu của Singapore là 16,1 tỷ USD. Hay như với Nga, Việt Nam thống kê 3,5 tỷ USD, còn Nga thống kê 4,5 tỷ USD. Còn Bồ Đào Nha đưa ra con số 340 triệu USD còn Việt Nam đưa ra còn số 286 triệu USD.
“Hầu như tất cả các quốc gia đều có chênh lệch”, Bộ trưởng khẳng định. Theo Bộ trưởng, có một số nguyên nhân chính:
Thứ nhất, do thống kế các nước khác nhau. Thế giới quy định xuất theo giá FOB, nhập theo giá CIF (đã bao hàm giá vận tải). Thứ hai hàng hóa của chúng ta đưa vào mỗi nước không tính giá trị xuất khẩu qua đường tiểu ngạnh, không phải là buôn lậu mà có qua hải quan.
“Trung Quốc không tính con số đó. Ví dụ, năm 2014, Việt Nam tính xuất khẩu nông sản chủ yếu gạo 2,14 tỷ USD, Trung Quốc cũng mặt hàng này nhưng chỉ ghi nhận 0,7 tỷ USD. Trong 7 triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam thì thị trường Trung Quốc nhập 2,5 triệu tấn (chiếm gần 30%) nhưng nhập chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Giá trị hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được phía bạn tính thấp đi, ngược lại giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lại được tính cao lên do tính theo nguyên tắc xuất xứ hàng hoá (C/O)”, Bộ trưởng Vinh lý giải.
Giải trình rõ hơn trước Quốc hội, Bộ trưởng Vinh một lần nữa nhấn mạnh tới các con số không phải xuất là xuất, nhập là nhập.
Ông Vinh ví dụ, trong 40.000 tấn vải của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng trong báo cáo chỉ ghi có 4.000 tấn do chúng ta xuất theo tiểu ngạch. “Vải của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều, xong họ đóng gói xuất đi nước khác không lấy thương hiệu Việt Nam mà lấy thương hiệu Trung Quốc rồi xuất sang Myamar. Tương tự, chè Việt Nam được mua về rồi lại đóng gói và mang thương hiệu của nước họ”, Bộ trưởng Vinh nêu thực trạng.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Vinh, thực tế còn có những nước cũng giả sản xuất thương hiệu hàng hoá uy tín của Việt Nam, như phích nước Rạng Đông. “Các thương lái đặt hàng số lượng lớn tại Trung Quốc rồi xuất ngược trở về Việt Nam, đó là điều nguy hiểm mà chúng ta cũng đang phải đối mặt”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguyên nhân thứ 3, theo ông Vinh là cách tính giá trị giá hải quan giữa các nước cũng đang rất khác nhau do cách tính thuế khác nhau. Từ những phức tạp này nên dẫn tới chuyện số liệu thống kê của các nước đưa ra khác nhau.
“Điều này đã được các nước nhìn nhận và đưa ra giải pháp để thu hẹp khoảng cách chênh lệch này, song thực tế lại rất khó. Nói thế để thấy không phải toàn bộ hàng xuất của Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại là hàng cấm. Đúng là có chuyện giá trị hàng xuất của chúng ta qua Trung Quốc còn nhiều hơn con số thống kê thực tế nêu do bà con xuất qua đường tiểu ngạch. 40 năm quản lý thương mại biên giới nên tôi rất thấu hiểu điều này”, Bộ trưởng thông tin.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét