Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Cơ quan thống kê nói gì về chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu với Trung Quốc?

Đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng, sự chênh lệch số liệu thống kê không chỉ xảy ra giữa Việt Nam - Trung Quốc mà còn với nhiều đối tác thương mại khác nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân không chỉ đến từ nhập lậu mà còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác.

Trao đổi với báo chí chiều 12/6, bà Lê Thị Minh Thủy – Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ (Tổng cục Thống kê) thừa nhận xảy ra chênh lệch số liệu trong thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc. Trên thực tế, sự chênh lệch này không chỉ xảy ra với đối tác Trung Quốc mà cả với các nước khác có quan hệ giao thương với Việt Nam. Theo đó, mức độ chênh lệch từ năm 2010 ngày càng tăng và đến năm 2014 càng lớn hơn.

Cơ quan thống kê nói gì về chênh lệch số liệu xuất nhập khẩu với Trung Quốc?
Với các đối tác khác, xuất khẩu của Trung Quốc cũng xảy ra tình trạng thấp hơn nhiều so với  nhập khẩu của đối tác từ Trung Quốc

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Năm 2014 số xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn nhập khẩu của Trung Quốc 5 tỷ USD tương đương 33%. Nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn xuất khẩu từ Trung Quốc 20 tỷ USD tương đương 46% trong khi chênh lệch với các đối tác khác không nhiều. Đáng lưu ý là với nhóm các nước phát triển số liệu của Việt Nam chênh không đáng kể. Riêng Hồng Kông và Singapore thì chênh lệch với Việt Nam khá lớn, đặc biệt là  Hồng Kông. Đây là hai “cảng tự do”, luồng hàng gia công, mua bán chuyển khẩu với Trung Quốc khá lớn.

Bà Thủy cho biết, với các đối tác khác, xuất khẩu của Trung Quốc cũng xảy ra tình trạng thấp hơn nhiều so với  nhập khẩu của đối tác từ Trung Quốc. Cụ thể, số liệu năm 2013 với Nhật Bản tương đương 30%, Mỹ 25%, Pháp 101%, Ôxtrâylia trên 20%, Đức 25%.....chứng tỏ hàng hóa Trung Quốc trước khi đi vào các đối tác đó đã đến nước thứ 3 nhưng các đối tác thống kê với xuất xứ Trung Quốc. 

Với nhập khẩu, số liệu của Trung Quốc cao hơn xuất khẩu của đối tác: Nhật Bản tương đương 33%, Mỹ 21%, Pháp 15%, Ôxtraylia 12% chứng tỏ Trung Quốc mua hàng có xuất xứ từ các đối tác này qua nước thứ 3. Việc chênh lệch số liệu lớn với các nước do áp dụng quy tắc xuất xứ khác nhau, hàng tái xuất và sự lẫn lộn trong thống kê xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ  được chính Trung Quốc đề cập trong báo cáo tại một số hội nghị quốc tế về thống kê.

Trước đó, tại phiên thảo luận ngày 8/6, đại biểu Mai Hữu Tín (đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương) đã gây rúng động nghị trường với việc đưa ra con số chênh lệch thống kê lên tới 20 tỷ USD không được ghi nhận trong nhập khẩu. Và trong năm 2014, theo vị này, thâm hụt thương mại Việt Nam – Trung Quốc ở mức 15 tỷ USD.

Khẳng định phương pháp thống kê xuất nhập khẩu của Việt Nam theo chuẩn mực quốc tế (phiên bản 2010), song bà Thủy cũng cho biết, trong hoạt động thống kê của Trung Quốc cũng như Việt Nam đều có cách tính riêng, và bản thân Trung Quốc cũng có chính sách thống kê riêng với từng đối tác thương mại.

Sự chênh lệch số liệu diễn ra xuất phát từ 6 nguyên nhân chính, trong đó có nguyên nhân đến từ khác biệt về phương pháp thống kê nước đối tác. Chẳng hạn, có những mặt hàng từ Trung Quốc nhưng lại có xuất xứ từ nước khác nhưng vẫn được phía Trung Quốc thống kê, trong khi Việt Nam chỉ thống kê các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, cũng có trường hợp một số luồng hàng từ Trung Quốc và Việt Nam nhưng không thuộc phạm vi thống kê; hay do xác định giá hàng hóa khác nhau, sự lẫn lộn giữa hàng hóa và dịch vụ xuất nhập khẩu trong thống kê.

Trong những nguyên nhân được dẫn chiếu, bà Thủy cũng kể đến có lý do về nhập khẩu lậu và gian lận thương mại. Theo bà Thủy, hàng nhập khẩu lậu không nằm trong phạm vi thống kê của Việt Nam. Hàng nhập lậu qua tiểu ngạch không được cơ quan thống kê Việt Nam tính vào số liệu nhập khẩu chính thức (vì khó kiểm soát), song có thể phía Trung Quốc kiểm soát tốt về hàng xuất nên vẫn đưa vào số liệu xuất khẩu. Tuy vậy, theo quan điểm của Tổng cục Thống kê thì con số chênh lẹch 20 tỷ USD không phải hoàn toàn là do nhập lậu.

Ngoài ra, không loại trừ tình trạng gian lận trong kê khai giá trị hàng hóa với sự thông đồng giữa doanh nghiệp hai nước, khi trao đổi, phía doanh nghiệp Việt Nam kê khai giá thấp để hưởng mức thuế thấp còn doanh nghiệp Trung Quốc lại kê khai giá trị cao để hưởng mức thuế khấu trừ cao.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons