“Đáng lo ngại hơn, gần nửa năm đã trôi qua chúng ta chỉ xuất khẩu 11 tỷ USD, bằng 1/3 năm 2014. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đã trở nên bức thiết”, đại biểu La Ngọc Thoáng nhấn mạnh.
Vào sáng 11/6, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Nội dung tập trung vào tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Thực trạng “liên kết 4 nhà” và giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; Giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững cây công nghiệp ở Việt Nam hiện nay; Giải pháp hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường.
Đến chiều cùng ngày 11/6, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng sẽ đăng đàn làm rõ trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản…
Việc lựa chọn hai thành viên Chính phủ để trả lời một vấn đề “nóng bỏng” hiện nay là tìm đầu ra cho nông sản được cử tri kỳ vọng bức tranh nông nghiệp của sẽ có những đổi mới. Trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã đặt ra những câu hỏi và gợi ý giải pháp cho đầu ra cho nông sản.
Theo đánh giá của đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), 4 tháng đầu năm 2015, tuy nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định nhưng sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng của khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ở mức thấp, chỉ tăng 2,14% so với mức tăng 2,68% cùng kỳ.
Đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng). Ảnh: Báo Cao Bằng.
Đại biểu Thoáng dẫn chứng, từ đầu tháng 4 đến nay, giá lúa giảm mạnh, hàng loạt mặt hàng nông sản khác như dưa hấu Quảng Ngãi, thanh long Bình Thuận, hành tây Đà Lạt, hành tính Sóc Trăng cũng rơi vào tình trạng được mùa mất giá và khó tiêu thụ. Nghịch lý này tuy không mới nhưng tiếp tục đẩy người nông dân vào khó khăn.
“Đáng lo ngại hơn, gần nửa năm đã trôi qua chúng ta chỉ xuất khẩu 11 tỷ USD bằng 1/3 năm 2014. Để tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng nông nghiệp, việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp đã trở nên bức thiết”, đại biểu nhấn mạnh.
Cũng theo đại biểu, hàng hóa, nông sản của Việt Nam phần lớn là xuất sang thị trường Trung Quốc. Tuy hiện nay chúng ta xuất được một số mặt hàng rau quả sang thị trường Mỹ và Úc nhưng với số lượng còn rất hạn chế. Đây là những thị trường hết sức khó tính, đòi hỏi tiêu chuẩn cao, chi phí bảo quản vận chuyển tốn kém, cần có thời gian để doanh nghiệp Việt Nam tìm hiểu, tiếp cận và làm quen.
Thế nên, theo kiến nghị của đại biểu, về cơ bản, chúng ta cần tiếp tục coi thị trường truyền thống như Trung Quốc, cộng đồng ASEAN. “Đối với thị trường Trung Quốc, giao dịch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ tập trung ở một số cửa khẩu quen thuộc, chủ yếu theo tập quán thương mại biên giới, thiếu ổn định, thiếu ràng buộc giữa các bên theo thông lệ quốc tế dẫn đến rủi ro cao. Tình trạng ùn ứ hàng nông nghiệp tại một số cửa khẩu thời gian vừa qua là một minh chứng”, đại biểu Thoáng nhận xét.
Để khai thác hết tiềm năng xuất khẩu nông sản giữa các cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần tạo thêm cơ chế giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu Việt Nam - Trung Quốc thông qua hợp đồng thương mại quốc tế, giúp đỡ các tỉnh biên giới khai thác hết tiềm năng giao dịch biên mậu phục vụ cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
Trong đó, đại biểu Thoáng đề nghị Chính phủ xem xét thí điểm tại Cao Bằng cơ chế thúc đẩy hoạt động xuất khẩu nông sản, thủy sản và hoa quả Việt Nam qua Trung Quốc theo hợp đồng quốc tế qua cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang - Bách Sắc, Trung Quốc. Số liệu do đại biểu cung cấp cho thấy, “thành phố Bách Sắc cung cấp đến 30% tổng lượng hàng nông sản toàn Trung Quốc, đến 200 thành phố trong khi năng lực đáp ứng nhu cầu của Bách Sắc nói riêng và Quảng Tây vẫn còn hạn chế, nên nhu cầu nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp bổ sung cho sản xuất nội địa của Bách Sắc là rất lớn”.
Còn đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) kiến nghị với Quốc hội “nên có một nghị quyết chuyên đề, một nghị quyết mạnh về lĩnh vực nông nghiệp, giúp nông nghiệp phát triển bền vững và chúng ta phải thực hiện việc giám sát tái cơ cấu nông nghiệp để có hiệu quả hơn”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: Việt Hưng.
Đại biểu Ngân cho rằng, nghị quyết chuyên đề này cần xác định công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tri thức hóa nền nông nghiệp Việt Nam là ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn ngắn hạn và cả trung hạn. Chúng ta cần phải tiếp tục ưu tiên đầu tư công cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
“Rà soát lại quy hoạch nông nghiệp phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng khu vực và có sự phân cấp rõ ràng giữa các bộ, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và lãnh đạo của các chính quyền địa phương. Vì chỉ có quy hoạch mới giải quyết được bài toán cung cầu”, đại biểu lưu ý.
Cũng theo phân tích của đại biểu Trần Hoàng Ngân nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua đã và đang có những đóng góp nhất định cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Quan trọng hơn nông nghiệp góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Trong rổ hàng hóa để chúng ta tính chỉ số giá tiêu dùng thì 40% lấy từ nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Ngành nông nghiệp góp phần an sinh xã hội. Hiện nay 60 triệu dân đang sống ở nông thôn, 25 triệu lao động là lao động nông nghiệp nhưng ngành nông nghiệp đang có nhiều khó khăn và gặp nhiều thách thức.
“Chúng ta cho rằng khi ký kết Hiệp định thương mại TPP, gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN, chúng ta sẽ có nhiều lợi thế cho nông nghiệp nhưng thực sự đây là thách thức, thách thức cho cả trong trồng trọt lẫn trong chăn nuôi”, đại biểu Ngân nhấn mạnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét