Được đánh giá là còn nhiều tiềm năng và lợi thế, nhiều doanh nghiệp trong nước bắt đầu chuyển hướng đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành này dường như vẫn còn rất hạn chế.
Trong thời gian gần đây, nhận thấy nông nghiệp là “mảnh đất” màu mỡ giàu tiềm năng phát triển mà chưa có nhiều người khai phá, liên tiếp nhiều doanh nghiệp Việt đã công bố kế hoạch “lấn sân” sang lĩnh vực này. Trong đó có cả các doanh nghiệp lớn như Vingroup, Hoà Phát hay Formosa…
Chia sẻ với báo giới, những ông chủ của các tập đoàn này đều khẳng định, làm nông nghiệp là một hướng đi không phải chạy theo xu hướng, theo “mốt” mà ngược lại nếu đầu tư bài bản hoàn toàn có thể mang lại lợi nhuận bền vững.
Việc xuất hiện một “làn sóng” đổ vốn vào nông nghiệp được nhiều chuyên gia trong ngành nhìn nhận là một điểm tích cực cho nền kinh tế. Bởi một thực tế là hiện nay dù nông nghiệp đang đóng góp gần 20% GDP của cả nước nhưng con số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này rất ít với khoảng 3.500 doanh nghiệp hoạt động, chiếm chưa đầy 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Trong số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, ngoài một số Tập đoàn, Tổng công ty của nhà nước và một vài doanh nghiệp FDI thì còn lại đa số là doanh nghiệp siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh kém.
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, còn rất nhiều dư địa để cho doanh nghiệp phát triển khi đầu tư vào nông nghiệp.
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, khả năng sản xuất, cung ứng trong nước của ngành nông nghiệp bị phụ thuộc ngày càng nhiều từ bên ngoài. Nhiều mặt hàng nông sản (chè, cà phê, cao su), thủy hải sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá basa) xuất khẩu ra thị trường thế giới với sản lượng lớn nhưng “không bền vững” do chất lượng và giá trị gia tăng thấp.
"Nông nghiệp nói chung vẫn chủ yếu phát triển “quảng canh”, chưa thật rõ định hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, phát triển theo chiều sâu, chất lượng và hiệu quả. Tuy năm 2014 đánh dấu sự chuyển hướng trong tái cơ cấu ngành, song xu hướng chi phối vẫn là “sản lượng cao, tiêu tốn nhiều nguồn lực, chất lượng thấp và giá trị gia tăng thấp. Điểm sáng của ngành là đã có những đột phá mạnh trong ứng dụng rộng rãi khoa học kĩ thuật, công nghệ cao, với sự tham gia của ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn vào sản xuất nông nghiệp. Xu hướng tuy mới bắt đầu nhưng có khả năng lan tỏa nhanh", ông Thiên cho hay.
Dù được đánh giá là còn nhiều tiềm năng và lợi thế song thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp dường như vẫn còn rất hạn chế. Tính đến tháng 4/2015, cả nước còn 530 dự án FDI còn hiệu lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 3,7 tỷ USD (chiếm 2,9% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đầu tư của cả nước). Quy mô vốn trung bình của dự án trong ngành nông nghiệp khoảng 7 triệu USD/dự án.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nguyên nhân khiến cho nguồn vốn FDI vào nông nghiệp trong thời gian dài vừa qua hạn chế như vậy là do đầu tư vào nông nghiệp không có lợi nhuận nhanh như các ngành hàng khác, trong khi ngành này hay gặp nhiều rủi ro về thiên tai và rủi ro về biến động thị trường. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp Việt Nam nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng và dịch vụ phụ trợ còn thiếu và yếu trong khi chất lượng và năng suất lao động thấp.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, Ngành nông nghiệp cần có một chiến lược, định hướng dài hạn thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp một cách rõ ràng nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc kêu gọi đầu tư FDI vào ngành; cần có những dự án cụ thể ưu tiên đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng mạnh về nông nghiệp; có các chính sách khuyến khích đầu tư FDI vào ngành như chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, thuế, tín dụng, phát triển nguồn nhân lực đồng thời nâng cao chất lượng xúc tiến đầu tư một cách hiệu quả và đồng bộ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét