Thứ Tư, 3 tháng 6, 2015

HSBC: “Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với 2 rủi ro”

Bản báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế vĩ mô tháng 6/2015 vừa chỉ ra 2 nguy cơ nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt là nguồn dự trữ ngoại hối vẫn còn thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế trong khi thâm hụt thương mại tăng.

Ngân hàng HSBC vừa công bố bản báo cáo Kinh tế Vĩ mô - Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam số tháng 6/2015 với chủ đề: “Thách thức khó khăn, chỉ số PMI tháng 5 vẫn tăng mạnh”.
Báo cáo cho hay, trong khi thương mại toàn cầu không tăng trưởng thì Việt Nam đang dần đạt được thị phần toàn cầu nhiều hơn nhờ vào chi phí nhân công giá rẻ. Từ ngành giày dép, dệt may đến thiết bị điện thoại, các lao động Việt Nam là yếu tố quan trọng đối với việc các doanh nghiệp nhận được ngày càng nhiều đơn hàng hơn do chi phí lao động thấp đã khiến tỷ lệ giá cả/chất lượng của hàng hoá Việt Nam tăng thêm yếu tố cạnh tranh.
Theo đó, đơn đặt hàng mới tăng mạnh lên 57 điểm trong tháng 5, từ mức 55 trong tháng 4. Việc làm cũng tăng từ mức 51,9 điểm lên 53,1 điểm.
HSBC: “Kinh tế Việt Nam đang đối mặt với 2 rủi ro”
Trong khi thương mại toàn cầu không tăng trưởng thì Việt Nam đang dần đạt được thị phần toàn cầu nhiều hơn nhờ vào chi phí nhân công giá rẻ
“Chúng tôi tin rằng, sản lượng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới dù mức tăng khá nhẹ. Vì đơn hàng mới đang tăng mạnh, chúng tôi tin rằng sẽ có nhiều cơ hội cho lĩnh vực sản xuất tăng trưởng trong tương lai. Nguồn vốn giải ngân FDI cũng tăng mạnh trong tháng 5 từ mức 5% trong tháng 4 lên 7,6% tạo thêm dư địa cho sản lượng tăng thêm khi các doanh nghiệp mới thành lập đi vào hoạt động”, báo cáo phân tích.
Ngoài ra, theo HSBC, nhu cầu trong nước đang dần cải thiện cũng là nguyên do khiến nhu cầu đối với hàng hoá sản xuất tăng mạnh. Sau nhiều năm sụt giảm, tăng trưởng tín dụng đang hồi phục trong nửa đầu năm 2015, với hoạt động cho vay tăng 17,5% so với năm ngoái (tăng 4,3% so với tháng 12/2014). Do đó, hoạt động nhập khẩu tăng thêm kéo theo tình hình thâm hụt thương mại tại Việt Nam.
HSBC cho rằng, sau nhiều năm đạt được mức thặng dư thương mại, nền kinh tế Việt Nam lại một lần nữa phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách - tính từ đầu năm đến giữa tháng 5 vừa qua, mức thâm hụt ngân sách đã tăng tới mức 3,7 tỷ USD.
Tài khoản vãng lai của Việt Nam đã chuyển sang ngưỡng thặng dư trong ba năm qua nhờ vào dòng kiều hối đổ vào và cán cân thương mại được quản lý chặt chẽ. Cộng với việc tài khoản tài chính có con số thặng dư, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tích luỹ nguồn dự trữ ngoại tệ, ổn định nền kinh tế và tỷ giá.
Nhắc lại việc nới tỷ giá USD/VND thêm 1% vào ngày 7/5, HSBC cho rằng: “Đây là một động thái đúng đắn vì đã giảm bớt áp lực phá giá lên đồng nội tệ và hỗ trợ cho các lĩnh vực bên ngoài của Việt Nam. Nếu như NHNN đã sắp xếp thực hiện việc giảm giá tiền đồng trong nửa đầu năm 2015 thì chúng tôi không kỳ vọng trong thời gian tới sẽ diễn ra một động thái tương tự nào nữa. Chúng tôi dự đoán lãi suất chính sách trên thị trường mở sẽ duy trì sự ổn định ở mức 5%”.
Mới đây, NHNN đã lập lại mục tiêu của mình là muốn ổn định tiền đồng đối với USD. Khẳng định của Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về việc giữ ổn định tỷ giá trong biên độ 2% được HSBC đánh giá, “về cơ bản sẽ hạn chế những động thái của NHNN trong việc bán hoặc mua USD nếu như có áp lực giảm giá hay tăng giá đối với tiền Việt nếu được giao dịch quá ngưỡng cho phép.
Những số liệu thống kê mới đây nhất của IMF cho biết dự trữ ngoại hối đang ở mức 33,8 tỷ USD vào cuối năm 2014 tương đương với 2,5 tháng nhập khẩu của Việt Nam. Điều này có nghĩa rằng hơn bao giờ hết, NHNN cần phải giữ nguồn dự trữ ngoại tệ của mình ở mức có thể thanh khoản được nhằm hỗ trợ NHNN ổn định tỷ giá USD/VND khi cần thiết”.
Song song với những kết quả đạt được, HSBC cũng chỉ ra những rủi ro mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt. Đó là, nguồn dự trữ của Việt Nam mặc dù tăng cao nhưng cũng vẫn còn thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi ít nhất ba tháng để được xem là nguồn dự trữ đủ.
“Nếu như Chính phủ sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ để bù đắp cho những thiếu hụt vốn tài trợ, thanh khoản có thể trở thành một vấn đề đặc biệt trong thời điểm mà NHNN cần sử dụng nguồn dự trữ của mình để ổn định tiền đồng”, HSBC nhấn mạnh.
Nguy cơ thứ hai, theo HSBC, sẽ là vấn đề thâm hụt thương mại của Việt Nam. Nếu như mức thâm hụt này nhiều hơn 10 tỷ USD, NHNN sẽ phải sử dụng một khoản đáng kể trong nguồn dự trữ của mình để hỗ trợ cho tiền đồng.
Tổng cục Thống kê đã ước tính mức thâm hụt thương mại ít hơn 3 tỷ USD tính từ đầu năm đến tháng 5 vùa qua, trong khi số liệu của Tổng cục Hải quan cho rằng mức thâm hụt là 3,5 tỷ USD vì Tổng cục Thống kê cho rằng xuất khẩu sẽ hồi phục trong nửa sau của tháng 5 trong khi nhập khẩu sẽ chậm lại.
Và theo kỳ vọng của HSBC, thâm hụt sẽ ở mức 3,5 tỷ USD trong năm 2015, cho phép tài khoản vãng lai có một mức thặng dư nho nhỏ.
 Nguyễn Hiền

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons