Thông tin từ Bộ Công Thương về giá xăng có thể giảm khiến người dân, doanh nghiệp đều chờ đợi. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia, cung cách điều hành giá đang “có vấn đề”.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Co.opmart Hà Nội chia sẻ: “Giá xăng ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu vào sản xuất các mặt hàng nên mỗi lần giá xăng tăng, doanh nghiệp lại lo sốt vó. Chúng tôi phải cân nhắc liệu có nên tăng giá bán các mặt hàng trong bối cảnh cạnh tranh. Khi mặt bằng giá mới được lập, đùng một cái giá xăng giảm. Chúng tôi lại tính toán chi phí từ đầu”.
Ông Dũng nói cách điều hành giá xăng hiện nay đang có vấn đề. “Một năm cơ quan quản lý nhà nước nên có kế hoạch sẽ tăng bao nhiêu lần. Chúng tôi chấp nhận tăng giá theo thị trường, nhưng phải có kế hoạch, chu kỳ rõ ràng để doanh nghiệp tính toán theo. Cứ điều hành kiểu thích thì tăng, giảm như vậy doanh nghiệp rất bức xúc”.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart, rất mong chờ giá xăng giảm. “Thời gian ngắn vừa qua, giá xăng tăng cao khiến nhiều mặt hàng phải tăng theo. Nếu giá xăng giảm mạnh buộc mặt hàng lương thực, thực phẩm phải tức tốc giảm theo. Tôi rất mong chờ giá xăng giảm sâu” - bà Hậu nói.
“Bộ Tài chính và Công Thương nên nhất quán trong việc điều hành xăng dầu. Nếu thời gian tới giá xăng dầu giảm như tuyên bố trước phiên chất vấn của Quốc hội trong khi giá xăng thế giới tăng khác với quy định điều hành giá xăng dầu, rõ ràng cơ quan nhà nước đang bế tắc trong điều hành giá” - Chuyên gia kinh tê Lê Đăng Doanh
|
Lãnh đạo hãng taxi Nguyên Minh cho biết, giá xăng cấu thành 35 – 45% chi phí giá cước. Xăng tăng đương nhiên giá cước vận tải tăng. Tuy nhiên, hiện nay, việc điều chỉnh giá xăng trong vòng 15 ngày, không có một hãng taxi nào theo kịp. “Đợt vừa rồi xăng tăng giá 2 lần. Ngày 3/6, hãng chúng tôi đang chuẩn bị gửi giá mới lên Sở Tài chính duyệt thì nghe thông tin giá xăng sắp giảm. Chúng tôi phải ngừng ngay việc điều chỉnh để nghe ngóng tình hình. Doanh nghiệp chỉ mong cơ quan quản lý nhà nước phải sòng phẳng (với doanh nghiệp). Thà tăng cao một lần còn hơn cứ điều chỉnh tăng liên tục khiến doanh nghiệp xoay sở không kịp”, vị này nói.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện giá xăng dầu trong nước đang có một số vấn đề. “Thứ nhất, theo cam kết quốc tế, Việt Nam phải giảm thuế nhập khẩu vào xăng. Như vậy sẽ gây ra giảm thu về ngân sách. Bộ Tài chính có đề xuất giảm thu và nâng thuế môi trường lên 300%. Nhưng thuế môi trường đó nâng lên để tăng thu cho ngân sách, liệu có chi cho môi trường thật không hay đó chỉ là cái tên. Thứ hai, hiện Bộ trưởng Công Thương và Bộ trưởng Tài chính có ý kiến khác nhau về giá xăng. Bộ Công Thương cho rằng, thuế môi trường làm tăng giá xăng. Bộ Tài chính nói không. Vậy bên nào đúng, hay cả hai cùng đúng? Theo tôi, ông Bộ trưởng Công Thương có lý, sau khi giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, giá xăng phải giảm đi. Bây giờ tăng thuế môi trường, giá xăng không giảm được. Do đó, thực chất giá xăng tăng lên. Thứ ba, cho đến nay, một loạt đề nghị về công khai minh bạch giá xăng, phải có giá xăng cạnh tranh vẫn chưa thực hiện”.
Ông Doanh đề nghị: Để làm tốt việc này, các cơ quan chức năng nhà nước cần phối hợp tốt hơn; không nên đưa ra những phát ngôn, công bố tạo kỳ vọng cho người dân, rồi sau đó lại khiến họ ngỡ ngàng. “Hy vọng sắp tới Quốc hội sẽ hỏi rõ hai Bộ trưởng trên về vấn đề này”- ông Doanh nói.
Trao đổi với Tiền Phong, đại biểu Quốc hội Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “Điều hành xăng dầu đã nói theo nguyên tắc thị trường thì cứ đúng thị trường mà làm; cứ nửa này nửa kia, rất khó”.
Một chuyên gia cho biết, hiện Nghị định 83 đã quá rõ ràng, không có gì để chê trách. “Đáng phê bình là Bộ điều hành đã không thực hiện đúng nghị định này. Mà cụ thể ở đây trách nhiệm lớn nhất thuộc về Bộ Công Thương, trực tiếp Vụ Thị trường trong nước”.
|
Theo Ngọc Mai – Khánh Huyền
Tiền Phong
0 nhận xét:
Đăng nhận xét