Cục Quản lý giá cho biết, nguồn nguyên liệu và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu nên gây nhiều khó khăn trong kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào.
Tại buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bình ổn giá sữa- từ chính sách đến thị trường” do Báo Hải quan tổ chức ngày 2/6, đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, qua 1 năm thực hiện bình ổn giá, cơ quan quản lý giá đã công bố giá tối đa, giá đăng ký, giá kê khai của 708 dòng sản phẩm, mức giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã giảm từ 0,1-34% và giữ ổn định liên tục trong 12 tháng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cơ quan quản lý gặp một số khó khăn như nguồn nguyên liệu để sản xuất sữa trong nước và sản phẩm sữa thành phẩm phần lớn đều được nhập khẩu do đối tác nước ngoài trực tiếp chỉ định và có biểu hiện thao túng, chuyển giá từ nước ngoài trước khi nhập khẩu vào Việt Nam, do đó gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát, xác định yếu tố đầu vào của sản xuất, phân phối sản phẩm sữa.
Ngoài ra, thông tin để so sánh sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn rất hạn chế. Việc phân phối của các hãng sữa vào các nước trong khu vực qua khảo sát cho thấy luôn có mức giá thấp hơn mức giá tại thị trường Việt Nam.
Vì vậy, Cục Quản lý giá yêu cầu các công ty sữa phân phối các sản phẩm của mình tại Việt Nam có mức giá ổn định, phù hợp với mặt bằng chung và đề nghị cung cấp thông tin về mức giá của sản phẩm sữa của các nước trong khu vực cho cơ quan quản lý.
Cũng tại buổi giao lưu, lý giải sự khác nhau về giá giữa các nước trong khu vực, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, do có nhiều yếu tố khác nhau như môi trường kinh doanh, chính sánh ưu đãi, đối thủ cạnh tranh, phân khúc thị trường, đặc biệt là quy mô, cơ cấu, mật độ, nhu cầu, tập quán tiêu dùng của khách hàng nên nhà sản xuất sẽ có những chính sách phân phối, ưu đãi, cũng những mức giá khác nhau cho mỗi quốc gia.
Vì vậy, để tiếp tục ổn định giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đảm bảo hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này, cơ quan quản lý tiếp tục thực hiện bình ổn giá sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi bằng biện pháp xác định giá tối đa từ ngày 1/6/2015 đến hết 31/12/2016.
Về việc tiếp tục áp trần giá sữa, theo ông Tuấn, cơ quan quản lý thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Khoản 4 Điều 18 Luật Giá quy định: “Cơ quan ban hành quyết định áp dụng biện pháp bình ổn giá chịu trách nhiệm quyết định thời hạn áp dụng biện pháp bình ổn giá”. Khoản 4 Điều 6 Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ chỉ quy định thời hạn áp dụng biện pháp đăng ký giá để bình ổn giá là tối đa không quá 6 tháng, không quy định cụ thể thời hạn đối với việc áp dụng biện pháp giá tối đa.
Ông Tuấn cho hay, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sữa đã ủng hộ chủ trương của Chính phủ giảm giá nhiều sản phẩm sữa, cũng như loại chi phí quảng cáo ra khỏi giá thành để tiếp tục giảm giá, đưa mức giá cạnh tranh tới tay người tiêu dùng.
Như vậy, trong quá trình thực hiện quản lý theo giá tối đa đã được công bố, nếu có những nguyên nhân khách quan tác động đến giá sữa, cơ quan quản lý nhà nước về giá chịu trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa cho phù hợp. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, phân phối sản phẩm sữa thực hiện kê khai giá đối với sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi theo quy định của pháp luật về giá.
Bích Diệp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét