Quả vải đã được Mỹ, Úc mở cửa nhưng đây là các thị trường rất chặt chẽ, khó tính... Xuất khẩu sang Mỹ, Úc không thể kỳ vọng giải quyết thị trường cho quả vải trong 1 - 2 năm tới. Năm 2015 sẽ có khoảng vài trăm tấn thí điểm vào 2 thị trường này
Đây là quan điểm của Thứ trưởng Bộ Công Thường Tuấn Anh tại buổi Họp báo Thường kỳ tháng 5/2015 của Bộ chiều ngày 1/6 tại Hà Nội xung quanh câu hỏi về việc quả vải được sang Mỹ, Úc, kỳ vọng về thị trường cũng như việc tiêu thụ quả vải khi mùa thu hoạch đang cận kề.
Quả vải được mở cửa vào Mỹ, Úc nhưng để chiếm lĩnh thị trường này cần lộ trình lâu hơn
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
|
“Với những quy chuẩn ngặt nghèo, chúng ta không thể kỳ vọng có số lượng lớn hàng vải xuất khẩu sang Mỹ, Úc cũng như EU trong từ 1 đến 2 năm tới. Muốn làm được điều đó, chúng ta cần có lộ trình dài hơn. Nhập khẩu hoa quả, thực phẩm theo đường chính ngạch vào Mỹ, Úc phải qua các khâu kiểm dịch an toàn vệ sinh thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, quy trình xuất xứ, đóng gói... rất nghiêm ngặt. Để qua các bước này sẽ cần hoàn thiện hơn về chất lượng và mẫu mã, thương hiệu”, Thứ trưởng Tuấn Anh khẳng định.
Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, năm 2015 sẽ có khoảng vài trăm tấn thí điểm vào 2 thị trường này. Với những bước đi thận trọng, dự kiến lượng vải xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Úc sẽ không lớn và không thể tạo ra đột biến.
Theo ước tính, năm 2015, sản lượng quả vải đạt khoảng 200.000 tấn vẫn trông vào tiêu thụ nội địa và thị trường Trung Quốc. Dự báo thị trường cũng như kinh nghiệm đã tổ chức trong thời gian qua, tiêu thụ nội địa và Trung Quốc vẫn tương tự năm ngoái, cơ cấu 60% dành cho thị trường Trung Quốc và 40% tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, từ việc có được sự chấp thuận đến việc đưa thành công các loại sản phẩm để có chỗ đứng trên thị trường Mỹ, Úc không phải đơn giản, đòi hỏi nỗ lực lớn của chúng ta trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh, giữ vững chất lượng và marketing sản phẩm.
Thứ trưởng Tuấn Anh khẳng định: “Xuất khẩu quả vải hoặc bất cứ mặt hàng nông sản nào khác, quan trọng nhất vẫn là xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu, marketing ở thị trường... Vải không phải là trái cây phổ biến ở các nước phát triển, nhưng nếu được quảng bá thương hiệu, có chất lượng tốt thì mặt hàng này sẽ có quy mô nhất định. Cạnh tranh quả vải với các loại hoa quả các nước khác cần phải quảng bá thương hiệu tốt hơn nữa”.
Với những bước đi thận trọng, chúng ta có điều kiện để tính toán, xây dựng các phương án để hỗ trợ và tạo điều kiện để giúp đỡ các DN xuất khẩu vào sâu thị trường như hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại. Qua kinh nghiệm vào các thị trường Mỹ, Úc, Bộ Công Thương sẽ rút kinh nghiệm để đưa quả vải và các nông sản vào các thị trường như EU và thị trường khác.
“Chắc chắn, sự ổn định số lượng, chất lượng cũng như các quy cách đảm bảo yêu cầu kỹ thuật về hóa chất, thuốc bảo quản.. sẽ khiến quả vải xâm nhập không chỉ vào thị trường Hoa Kỳ, Úc mà cả thị trường EU, Nhật Bản khó tính hơn”, ông Tuấn Anh nhận định.
Theo Bộ Công Thương, ngoài mở rộng thị trường sang các nước, vào tháng 6/2015 Bộ Công Thương sẽ phối hợp với bộ NN&PTNT, tỉnh Bắc Giang tổ chức các hội nghị kết nối quả vải vào phía Nam bởi khu vực phía năm năm 2014 là thị trường tiêu thụ lượng vải lớn khi xuất khẩu quả vải sang Trung Quốc gặp khó. Ngoài ra, Bộ và các doanh nghiệp sẽ sử dụng các kênh tiêu thụ tiếp xúc với vùng vải ở Băc Giang để đẩy nhanh tiêu thụ cho mùa vải 2015 này, không để vải “được mùa, mất giá”, phụ thuộc vào một thị trường, hoặc tiêu thụ ồn ứ như các năm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét