Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2016

Bất động sản Việt Nam: Rộng cửa chờ vốn ngoại

Chưa đầy 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP.HCM đã diễn ra hai thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có giá trị lớn. Thực tế này thể hiện rõ xu hướng, BĐS tiếp tục là kênh đầu tư thu hút khối ngoại. 
Bất động sản Việt Nam: Rộng cửa chờ vốn ngoại

Giữ nhịp M&A
Đầu tháng 3 này, Công ty TNHH Keppel Land Việt Nam (Singapore) hoàn tất thỏa thuận đầu tư có điều kiện để nắm giữ 40% cổ phần, tương ứng với giá trị giao dịch 93,9 triệu USD tại Công ty TNHH Liên doanh Empire City (Empire City), nhà phát triển dự án BĐS có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất TP.HCM trong năm 2015, là Khu phức hợp quan sát Thủ Thiêm (Empire City, giá trị đầu tư 1,2 tỷ USD) tại khu lõi trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM).
Trước đó, vào tháng 10/2015, chủ đầu tư đã tiến hành các thủ tục để động thổ dự án. Dự kiến trong năm nay, sản phẩm của Empire City sẽ được giới thiệu ra thị trường.
Được biết, Công ty Empire City là công ty liên doanh bởi 3 nhà đầu tư (NĐT), trong đó, hai doanh nghiệp (DN) trong nước gồm Công ty CP BĐS Tiến Phước (đối tác của Keppel Land Việt Nam tại dự án khu căn hộ The Estella, Q.2, TP.HCM) và Công ty TNHH BĐS Trần Thái, cùng NĐT nước ngoài Denver Power Ltd (Anh), trực thuộc Tập đoàn tài chính đa quốc gia Gaw Capital Partners (một công ty quản lý quỹ đầu tư và phát triển BĐS quốc tế với tổng giá trị tài sản quản lý trên toàn thế giới khoảng 10 tỷ USD). 
Bên cạnh dự án ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Keppel Land, Tiến Phước và Trần Thái đang hợp tác để phát triển một dự án nhà ở khác là Khu đô thị mới Nam Rạch Chiếc 30ha (Q.2), dự kiến mở bán trong năm 2016 này.
Cũng tại khu vực Nam Rạch Chiếc, một DN BĐS lớn trong nước đã bắt tay với quỹ đầu tư ngoại có thâm niên tại Việt Nam cùng phát triển dự án nhà ở có quy mô hơn 30ha.
Hơn nữa, mới đây, An Gia Investment cùng đối tác của họ là Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản) đã hoàn tất việc ký kết hợp đồng ba bên với Công ty CP Đầu tư BĐS Phát Đạt (HOSE: PDR) để triển khai dự án River City (Q.7, TP.HCM, trước đây là The EverRich 2).
Đây là khoản đầu tư thứ hai, trị giá 500 triệu USD, mà quỹ đầu tư Nhật Bản "đồng hành" cùng An Gia sau khi công bố đầu tư vào công ty này 200 triệu USD vào năm ngoái (cùng phát triển dự án khu căn hộ Angia Skyline và Angia Riverside).
Tuy không tiết lộ về vốn dự kiến sẽ rót vào thị trường BĐS Việt Nam trong năm nay, nhưng nhìn vào các khoản đầu tư của Creed Group có thể thấy, ở các thị trường khác tại khu vực châu Á, quỹ đầu tư Nhật Bản này tham gia hầu hết ở các phân khúc, từ nhà ở, BĐS nghỉ dưỡng cho đến cao ốc văn phòng...
Trong khi ở Việt Nam, Creed Group chỉ mới tham gia vào phân khúc nhà ở giá bình dân (hợp tác với Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy - HOSE: NBB) và trung cao cấp (hợp tác với An Gia và Phát Đạt), cho nên, dư địa đầu tư của họ được dự báo vẫn còn tiếp tục.
 Trả lời Doanh Nhân Sài Gòn, đại diện của Creed Group cho biết: "Chúng tôi không nói trước được số vốn sẽ rót vào thị trường Việt Nam qua từng năm, nhưng chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm những cơ hội mới và tùy vào dự án, Creed Group sẽ quyết định quy mô khoản đầu tư”.
Hơn nữa, một DN đang hoạt động trong lĩnh vực BĐS, bán lẻ, F&B (Food&Baverage), đang sở hữu nhiều khu đất có vị trí đắc địa ở Q. Tân Bình, Q.3 (TP.HCM) cũng đang chuẩn bị bắt tay với một quỹ đầu tư Nhật Bản để triển khai các dự án BĐS. Thông tin chi tiết về thương vụ này sẽ được công bố trong quý II năm nay.
Tăng quy mô vốn
Những diễn biến của thị trường M&A trong lĩnh vực BĐS những tháng đầu năm 2016 này hoàn toàn trùng khớp với những dự báo trước đó của giới chuyên gia rằng, thị trường BĐS Việt Nam vẫn có sức hút nhất định với NĐT nước ngoài.
Cả dòng vốn trực tiếp và gián tiếp vẫn tiếp tục đổ vào thị trường. Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2015, Việt Nam thu hút khoảng 22,7 tỷ USD vốn FDI, trong đó, lĩnh vực đầu tư và kinh doanh BĐS đứng thứ 3 với 2,39 tỷ USD, chiếm 10,5% tổng vốn đăng ký.
Thêm nữa, theo thống kê của StoxPlus, năm 2015, BĐS là lĩnh vực dẫn về giá trị giao dịch M&A với 2,14 tỷ USD (trên tổng quy mô giao dịch 5,2 tỷ USD của các ngành) và đứng thứ ba về số thương vụ (48 thương vụ M&A).
Nếu chỉ xét ở góc độ NĐT ngoại mua cổ phần vốn tại công ty, dự án BĐS của đối tác trong nước, StoxPlus nhấn mạnh, NĐT ngoại khá quan tâm đến lĩnh vực BĐS tại Việt Nam, họ đã thực hiện khoảng 19 thương vụ M&A, với giá trị 1,6 tỷ USD, chiếm 68% tổng giá trị của các thương vụ M&A mà NĐT nước ngoài thực hiện ở Việt Nam trong năm 2015.
Các giao dịch này xuất phát chủ yếu từ các nhà đầu tư ở khu vực châu Á, như: Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc; trong khi phương Tây, các nhà đầu tư Mỹ cũng chiếm tỷ lệ đáng kể về giá trị giao dịch.
Ngoài ra, điều đáng nói là các giao dịch M&A trong lĩnh vực BĐS có xu hướng tăng dần về quy mô vốn và quy mô dự án.
Chẳng hạn, năm 2015, 4 thương vụ giao dịch (tăng 2 thương vụ so với năm 2014) với giá trị lớn có thể kể đến như: Gaw Capital Partners (Hồng Kông), chi 600 triệu USD sở hữu 50% cổ phần tại dự án Empire City; hay việc Chow Tai Fook Corp (Hồng Kông) mua lại 77,5% cổ phần tại dự án Khu phức hợp nghỉ dưỡng Nam Hội An, với giá trị trên 387 triệu USD; còn Creed Group và Warburg Pincus LCC (Mỹ) lần lượt đầu tư hàng trăm triệu USD vào BĐS ở Việt Nam.
Nhìn chung, giá trị bình quân của các giao dịch M&A trong năm qua đạt khoảng 90 triệu USD/giao dịch.
Riêng trong chưa đầy 3 tháng của năm 2016, cả hai thương vụ M&A (có sự tham gia của NĐT tư ngoại) được công bố đều có giá trị trên 90 triệu USD.
Nói về xu hướng M&A trong lĩnh vực BĐS trong thời gian tới, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), nhìn nhận, thị trường nhà ở tại các đô thị lớn của Việt Nam, như TP.HCM vẫn tạo được sức hút với NĐT nước ngoài.
Trong khi đó, để giảm phụ thuộc vào nguồn vốn từ ngân hàng trong phát triển dự án, các DN nội đang tích cực tìm kiếm sự đồng hành của các quỹ đầu tư ngoại.
Nói như cách của ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty CP BĐS Phát Đạt, việc hợp tác với các đối tác, trong đó có Creed Group là bước đi nhằm hoàn tất tái cơ cấu tài chính, tạo nền tảng cho công ty phát triển mạnh mẽ trong tương lai.
Còn với các NĐT ngoại, ông Ang Wee Gee, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Keppel Land, đánh giá, Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm và tiềm năng mà Keppel Land hướng đến.
Hơn nữa, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập, dòng vốn đầu tư nước ngoài ở tất cả các lĩnh vực gia tăng đáng kể, cộng với việc các chính sách cho phép người nước ngoài sở hữu nhà... đã tác động tích cực đến nhu cầu ở mọi phân khúc BĐS, cho dù thực tế, các chính sách để quản lý thị trường một cách minh bạch, bền vững vẫn còn trong giai đoạn sơ khai, độ rủi ro không nhỏ.
Song, điều này cũng đồng nghĩa với việc tỷ suất lợi nhuận mà NĐT ngoại thu được tại thị trường Việt Nam thường cao gấp đôi, gấp ba so với các thị trường đã đi vào ổn định như Singapore, Hồng Kông hay Nhật Bản.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons