Từ thực tiễn triển khai dịch vụ công, nhiều chuyên gia cho rằng, chỉ có đấu thầu mới giúp các DN cung cấp sản phẩm, dịch vụ công chuyển đổi sang cơ chế thị trường theo cách phù hợp nhất.
Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, tại TP.HCM, với những hợp tác xã (HTX) cung cấp dịch vụ công coi trọng việc tham gia đấu thầu, bản thân nỗ lực chuyển đổi mô hình hoạt động rất mạnh mẽ và bền bỉ. Và trên thực tế, không phải HTX cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nào cũng bị động, không chịu chuyển đổi và tái cơ cấu. Tuy nhiên, sự chuyển đổi này không diễn ra mạnh mẽ nếu thiếu đòn bẩy từ công tác đấu thầu.
Theo đánh giá của Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM, tăng cường chất lượng công tác đấu thầu lựa chọn nhà thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công đã và đang tạo đà tốt cho các DN chuyển đổi. Ông Huỳnh Trung Lâm, Phó Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp TP.HCM cho biết, Thành phố đang cụ thể hóa các nội dung quản lý nhà nước trong lĩnh vực hoạt động sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công trên địa bàn. Từ đó, từng bước xóa bỏ tính độc quyền còn tồn tại ở một số đơn vị.
“Tùy theo tính chất của sản phẩm, dịch vụ công để đề xuất những giải pháp quản lý phù hợp, nhưng cơ bản, TP.HCM đang sử dụng hình thức đấu thầu để chống độc quyền, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công tại TP.HCM”, ông Lâm nhấn mạnh.
TP.HCM sẽ áp dụng phổ biến đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công cho mọi đối tượng thuộc các thành phần kinh tế tham gia
Theo kế hoạch của TP.HCM, sẽ có hàng chục lĩnh vực với hàng trăm sản phẩm, dịch vụ công sẽ được tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà thầu phù hợp nhất. Tất cả các lĩnh vực từ giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, xây dựng, tài nguyên và môi trường, công thương, thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao và du lịch tại TP.HCM đều phải đấu thầu lựa chọn nhà thầu để cung cấp sản phẩm, dịch vụ công.
Cơ quan chức năng của TP.HCM cũng cho biết, các doanh nghiệp công ích đang hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thuộc phương thức giao kế hoạch hàng năm được xem xét để đưa vào diện tái cấu trúc và chuyển giao về làm doanh nghiệp thành viên của các tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Các doanh nghiệp thuộc diện đặt hàng hoạt động không bị giới hạn theo địa bàn hành chính quận, huyện. Trường hợp doanh nghiệp có đơn hàng không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm được xem xét việc sắp xếp lại theo hướng sáp nhập, hoặc cổ phần hóa.
Ban Đổi mới quản lý DN TP.HCM khẳng định, sẽ áp dụng phổ biến đấu thầu cung ứng sản phẩm, dịch vụ công cho mọi đối tượng thuộc các thành phần kinh tế tham gia. “Công khai hóa các quy chế, quy trình thủ tục, hồ sơ trên các phương tiện truyền thông và tại các cơ quan sở quản lý ngành. Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa toàn bộ các doanh nghiệp công ích còn lại. Như vậy, hàng ngàn HTX/DN đang cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích sẽ phải đặt mục tiêu tham gia đấu thầu, nỗ lực thắng thầu để tồn tại, phát triển.
Xây dựng cơ chế thị trường cho các hàng hóa và dịch vụ công là một trong những mục tiêu quan trọng để Việt Nam sớm được các nước trên thế giới công nhận là một nền kinh tế thị trường. Và cách TP.HCM đang yêu cầu bắt buộc đấu thầu sản phẩm, dịch vụ công sẽ là động lực lớn để xây dựng cơ chế thị trường cho các DN trong lĩnh vực này.
ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
VĂN PHÒNG 0906143408
0 nhận xét:
Đăng nhận xét