Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

Lao động nữ đối mặt nhiều nguy cơ tổn thương

Nhiều lao động nữ phải làm thêm để trang trải cuộc sống.
Mặc dù pháp luật quy định nhiều chính sách ưu đãi, chăm lo cho lao động nữ nhưng thực tế, lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, các doanh nghiệp sản xuất luôn đối mặt với nhiều nguy cơ bị tổn thương: Có mức thu nhập thấp, không ổn định, đời sống còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận chính sách ưu đãi đối với lao động nữ còn nhiều vướng mắc.
    Chưa tiếp cận được chính sách
    Nghị định 85/2015/NĐ-CP quy định chi tiết Bộ luật Lao động 2012 về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15.11.2015, tuy nhiên, theo khảo sát và ghi nhận của PV, phần lớn lao động nữ chưa được thụ hưởng, trong khi doanh nghiệp thực hiện thì lúng túng vì… vướng!
    Chị Thu Cúc, công nhân may, làm việc tại KCN Tân Bình, TPHCM, có con nhỏ dưới 7 tháng tuổi. Sau thời gian nghỉ thai sản, chị trở lại với công việc nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vì chị đang gửi con ở một nhóm trẻ gia đình. Chị cho biết, những đồng nghiệp của chị, sau khi sinh con thường nghỉ việc một hoặc hai năm để nuôi con, sau đó mới gửi con và xin vào làm việc ở một Cty mới. Đến tuổi đi học thì gửi con về quê đi học, nhờ ông bà trông nom. Với gia đình chị, cả hai vợ chồng đều làm là lao động nhập cư, chồng không xin được việc ở xí nghiệp nên đi làm thợ hồ, thu nhập bấp bênh, nếu chị ở nhà, một mình chồng không thể gánh nổi chi phí.
    “Sau 6 tháng nghỉ thai sản, tôi gửi con cho một nhóm trẻ gia đình, không biết ăn uống thế nào, khát sữa thì cũng phải chịu thôi” - chị Cúc nói. Hỏi về các chính sách dành cho lao động nữ đang nuôi con nhỏ như được nghỉ mỗi ngày 60 phút, không tăng ca, doanh nghiệp phải trang bị cabin vắt sữa… chị đều lắc đầu nói “không có”: “Chúng tôi không biết là mình có những chính sách ưu tiên đó. Hết thời gian nghỉ thai sản là làm việc y như những công nhân khác, vẫn phải tăng ca đều. Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến cabin vắt sữa, hầu hết những nữ công nhân đang nuôi con nhỏ ở Cty, sáng sớm vắt sữa để ở nhà, mang đến trường nhà cô giáo bảo quản rồi cho con ăn, còn ngày làm việc, nếu căng sữa quá thì vắt bỏ đi” .
    Trong những chính sách ưu đãi dành cho lao động nữ, một chuyện “tế nhị” của chị em cũng đã được luật hóa đó là chuyện vệ sinh cá nhân và nghỉ 30 phút mỗi ngày khi bị hành kinh. Quy định tưởng dễ thực hiện nhưng thực tế cho thấy, lao động nữ chưa được thụ hưởng. “Muốn đi vệ sinh phải đăng ký và phải có thẻ đi vệ sinh thì mới được đi. Nhà vệ sinh thì một cái hư cửa, một cái hư cầu, một cái thì không có nước, cách xa cửa chừng 2 mét đã nghe mùi hôi. Đi vệ sinh chính là nỗi ám ảnh của rất nhiều chị em trong công ty. Chúng tôi chỉ cần nhà vệ sinh sạch sẽ, không cần có buồng tắm, buồng thay quần áo như luật quy định. Nhà vệ sinh bẩn thỉu là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phụ khoa cho chị em chúng tôi” - chị Nguyễn Thị Hà, làm việc tại Cty may K., quận 12, TPHCM, chia sẻ.
    “Để hạn chế đi vệ sinh, chị em chúng tôi lựa chọn phương án uống ít nước, hoặc tranh thủ đi vào giờ nghỉ trưa, không hiếm những vụ tranh chấp xảy ra nhiều ngày chỉ vì chuyện đi vệ sinh cá nhân” - chị Hà cho biết.
    Canh cánh nỗi lo mất việc!
    Mới đây, gần 700 công nhân ở Cty Đ., quận 9, TPHCM bị Cty chấm dứt HĐLĐ với lý do thay đổi cơ cấu sản xuất. Đáng nói, trong 700 công nhân này, phần lớn là lao động nữ trên 40 tuổi. Chị Trần Thị Bé, quê Trà Vinh, làm việc ở Cty hơn 10 năm, cho biết: Hầu hết lao động nữ lớn tuổi ở Cty đều bị Ban giám đốc cho nghỉ. “Lý do đưa ra là thay đổi cơ cấu sản xuất nhưng ai cũng hiểu Cty muốn “thải” chúng tôi để tuyển lao động trẻ, có sức khỏe, nhanh tay, nhanh mắt hơn” - chị Bé nói. Theo chị Bé, hơn 10 năm làm việc ở Cty, mức lương cơ bản của chị gần 5 triệu đồng, nếu tăng ca và các khoản phụ cấp, thu nhập mỗi tháng của chị hơn 6 triệu đồng: “Lúc trước, chúng tôi nghe phòng nhân sự nói rằng, giám đốc luôn than phiền là tiền lương cơ bản trả cho lao động lâu năm cao, tiền trích đóng BHXH cũng cao nên giám đốc muốn tuyển mới. Vì thế, họ mới nghĩ ra lý do “thay đổi cơ cấu sản xuất” để cho chúng tôi nghỉ. Công nhân mới tuyển vào, lương cơ bản chỉ 3,5 triệu đồng/tháng, họ đã giảm được rất nhiều chi phí”.
    Câu chuyện của chị Bé, cũng là câu chuyện của rất nhiều lao động nữ đang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất. Sau 40 tuổi, lao động nữ luôn canh cánh nỗi lo mất việc. “Sau 40 tuổi, các công ty chỉ thuê mình làm thời vụ, hoặc đi giúp việc nhà, rất khó để xin việc vào một công ty nào đó. Nhiều nữ công nhân đóng BHXH hơn 15 năm nhưng bị cho nghỉ việc, khóc ròng rã vì không biết kiếm nguồn đâu ra để tham gia BHXH tự nguyện, đành nhận BHXH một lần, sau này về già chưa biết sống ra sao” - chị Bé nói.
    Nguy cơ mất việc không chỉ dừng lại ở những lao động nữ lớn tuổi mà những lao động nữ thai sản cũng là đối tượng của việc có thể bị cắt giảm bất kỳ lúc nào. Chị Trần Thị Gái Em, làm việc tại Cty H.S (Bình Dương), được Cty ký HĐLĐ xác định thời hạn lần thứ 2, với lần thứ nhất có thời hạn 1 năm, lần thứ 2 có thời hạn 3 năm. Ở HĐLĐ thứ 2, tháng 11.2015 thì kết thúc. Đầu năm 2015 chị kết hôn, sau đó chị có thai, tính đến tháng 11.2015, chị có thai được hơn 5 tháng, tuy nhiên do HĐLĐ đã hết, không được Cty giao kết HĐLĐ mới, chị bỗng dưng trở thành một “bà bầu thất nghiệp”: “Rất hiếm có doanh nghiệp muốn thuê mới một lao động nữ khi họ đang mang thai, em xin đi làm thời vụ như cắt chỉ, xếp áo quần ở một số xí nghiệp may chờ ngày sinh nở. Sau thời gian nghỉ thai sản cũng khó xin việc mới vì mình có con nhỏ, phải về sớm, không tăng ca nên doanh nghiệp cũng rất ngại tuyển. Tình hình này em phải ở nhà ít nhất 2 năm, khi con lớn, gửi nhà trẻ hoặc gửi về quê thì mới có thể đi làm lại”.
    “Nạn nhân đau khổ nhất” của nợ BHXH
    Theo báo cáo được công bố ngày đầu tháng 10.2015 của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31.8.2015, tổng số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên toàn quốc là trên 12.694 tỉ đồng. Nợ BHXH gây thiệt hại quyền lợi cho NLĐ, đặc biệt là lao động nữ mang thai chính là “nạn nhân đau khổ nhất”!
    Mới đây nhất là vụ hơn 1.000 công nhân Cty Keo Hwa Vina (huyện Hóc Môn, TPHCM) nợ BHXH từ năm 2014 đến khi chủ doanh nghiệp là người Hàn Quốc biến mất là hơn 13 tỉ đồng. Đến nay, các công nhân vẫn còn đang nộp đơn khởi kiện ra toàn án huyện Hóc Môn để yêu cầu được giải quyết số tiền lương. Tuy nhiên, vụ lùm xùm này bắt nguồn từ đầu giữa năm 2015 khi các công nhân nữ ở Cty đi khiếu nại khắp nơi để yêu cầu Cty phải quyết chế độ thai sản cho công nhân. “Cty không đóng BHXH trong khi hàng tháng vẫn trích lương của công nhân, hậu quả là nữ công nhân nghỉ thai sản không nhận được chế độ. Một số công nhân nghỉ thai sản vào giữa năm 2015, khi khiếu nại thì được Cty ứng tiền ra chi trả, số còn lại coi như… mất trắng! Không có chế độ thai sản, không có lương, không có việc, nhiều gia đình lâm vào cảnh khốn khó” - chị Nguyễn Thị Lương, làm việc 5 năm ở Cty Keo Hwa Vina nói.
    Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, sau khi Cty Keo Hwa Vina đóng cửa, các công nhân cũng đã tản ra các công ty bên cạnh để tìm được việc làm mới. Những công nhân đang nghỉ thai sản hoặc công nhân đang mang thai rất khó tìm được việc làm mới. LĐLĐ huyện Hóc Môn cũng chủ động tìm nguồn việc để hỗ trợ cho công nhân tuy nhiên cũng rất khó!


    ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                                   

         DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
               VĂN PHÒNG 0906143408  

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét

     
    Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons