Theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, hệ thốngcác nhà bán lẻ Việt Nam có các điểm yếu đáng chú ý, đó là chiến lược kinh doanh, công nghệ và quản lý, sự liên kết.
Đặt trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp Thái Lan, những điểm yếu này khiến cho vị chuyên gia nhiều năm trong ngành thương mại cảm thấy lo ngại. Bởi người Thái không chỉ có thế mạnh trong khâu phân phối, mà từ đó có thể điều tiết sản xuất khi hàng Thái chỉ chênh lệch giá cả với hàng Việt từ 5 – 10% mà chất lượng thì hơn hẳn.
Trong khi đó, tư duy “mẹ hát con khen hay” vẫn đang tồn tại và ngự trị ở không ít các doanh nghiệp bán lẻ, sản xuất của Việt Nam. Tức là doanh nghiệp không chịu thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng và hình thành sự liên kết giữa sản xuất và phân phối. Chính điều này là điểm “tử huyệt” của các doanh nghiệp bán lẻ, mãi không lớn được vì “không muốn thoát ra khỏi vỏ ốc của mình”.
Dẫn chứng được ông Phú đưa ra, có những siêu thị triết khấu hàng rất cao, yêu cầu nhà sản xuất phải có phí nọ, phí kia. Hoặc với khách hàng, vị này cho biết đã đi rất nhiều siêu thị nội mà chưa nhận được lời cảm ơn nào, trong khi siêu thị FDI nhân viên đưa hàng ra tận xe.
“Rơi cái kẹo cũng có người nhặt cho trong khi dịch vụ của siêu thị trong nước rất kém thì “chết” là phải. Nhiều siêu thị nội thua trên sân nhà vì những lý do như vậy, tính chuyên nghiệp không cao nên đừng đổ cho lý do khách quan” – Ông Phú nói.
Hoặc ông kể câu chuyện, mua một chiếc áo sơ mi bị đứt khuy áo, đem đến siêu thị đổi nhưng không được chất nhận với lý do mua rồi miễn đổi lại. Ông Phú cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ đang tự hại mình chỉ vì những chính sách bán hàng như trên.
Trước sự yếu kém của bán lẻ nội, cùng thực trạng một loạt các siêu thị Việt Nam đã phải bán mình cho các siêu thị ngoại thông qua liên doanh, liên kết, người mở siêu thị đầu tiên tại Hà Nội cho rằng việc siêu thị nội làm thuê trên sân nhà là điều có thể xảy ra.
Ông nói: Khi họ chiếm thị phần trên 30% , họ sẽ có quyền ép các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, với một số doanh nghiệp thì đây là quá trình tái cơ cấu để doanh nghiệp bán lẻ vươn lên trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của nước ngoài. Do đó, việc để mất thương hiệu, tự đánh mất mình trong cuộc chơi với bán lẻ ngoại hay không, còn phụ thuộc vào chính doanh nghiệp.
Vì vậy, ông Phú khuyên các nhà bán lẻ Việt Nam rằng cần phải khắc phục những điểm yếu hiện nay của ngành bán lẻ. Trước hết, đó là doanh nghiệp phải tự liên kết lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tính chuyên nghiệp trong quản trị và điều hành, văn hóa kinh doanh và minh bạch thông tin.
“Quan trọng nhất là “ít thì phải liên kết lại”, hạm đội thuyền thúng phải liên kết lại nếu không sẽ tan vỡ từng mảng” – Ông Phú cảnh báo.
Trên thực tế, không phải tất cả các nhà bán lẻ Việt Nam nào cũng yếu kém và không thể cạnh tranh trên thị trường. Vẫn có những doanh nghiệp có quy mô lớn như SaigonCo.op, Hapro, Fivimart, Pico, Trần Anh, MediaMart… Vì vậy, một yếu tố cũng rất quan trọng được ông Phú nhấn mạnh, đó là sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước.
Theo ông, hiện nay chính sách đang quá ưu tiên cho doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy tới đây, cần phải có chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, để làm thế nào cuộc cạnh tranh trên thị trường bán lẻ hết sức sòng phẳng, minh bạch, công khai…
“Các doanh nghiệp nội chỉ cần công bằng chứ không cần ưu tiên. Vì thế, hãy công bằng để doanh nghiệp nội thử sức bơi…” – ông Phú nói.
ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
VĂN PHÒNG 0906143408
0 nhận xét:
Đăng nhận xét