Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

Ngân hàng lớn tăng lãi suất huy động


 Một số ngân hàng lớn mới đây tiếp tục tăng lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm, trong đó có những ngân hàng đã liên tiếp tăng lãi suất 2-3 lần kể từ đầu năm đến nay.
Lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm được Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) áp dụng từ ngày 18-3-2016 tăng ở hầu hết các kỳ hạn từ 3 đến hơn 36 tháng, với mức tăng thêm từ 0,2 đến 0,7 điểm phần trăm.
Cụ thể, lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 3 tháng tại BIDV là 5,5%/năm, từ 6 đến 9 tháng tại BIDV là 5,8%/năm, từ 364 ngày đến 18 tháng là 6,8%/năm, và từ 18 đến 24 tháng là 7%/năm, từ 36 tháng trở lên là 7,2%. Trong vòng hơn một tháng qua, đây là lần thứ ba BIDV tăng lãi suất huy động.
Không tham gia cuộc đua tăng lãi suất với các ngân hàng khác trong khoảng hai tháng qua, nhưng mới đây, Vietinbank cũng đã tăng lãi suất cho các kỳ hạn từ 2 đến 36 tháng, tăng thêm từ 0,2 đến 0,8 điểm phần trăm. Trong đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 2 đến dưới 6 tháng được ngân hàng này áp dụng ngang mức trần do Ngân hàng Nhà nước quy định, tức 5,5%/năm, từ 6 đến dưới 12 tháng là 5,8%/năm, từ 12 đến 36 tháng là 6,8%/năm.
Ngân hàng Vietcombank mới đây cũng tăng lãi suất huy động tiền gửi cho hầu hết các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn 2, 3 và 6 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm lên lần lượt 4,8%, 5% và 5,4%/năm, và tăng thêm 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm cho kỳ hạn 12, 24 và 36 tháng lên 6,5%/năm.
Trong khoảng một tháng qua, đây là lần thứ hai Vietcombank tăng lãi suất huy động. Trong khi lâu nay, ngân hàng này gần như nằm ngoài các cuộc đua tăng lãi suất huy động, và thường là ngân hàng có lãi suất huy động thấp nhất trong hệ thống.
Tại Sacombank, lãi suất được ngân hàng này áp dụng từ chiều 22-3 cũng được điều chỉnh tăng nhẹ từ 0,1-0,2 điểm phần trăm. Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,6%/năm lên 5,8%/năm, 12 tháng từ 6,4% lên 6,6%/năm, kỳ hạn 15 và 18 tháng tăng nhẹ lên mức 6,6%/năm.
Các ngân hàng lớn này tăng lãi suất sau khi trước đó nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ và cỡ trung đã điều chỉnh tăng lãi suất, với lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn trên 12 tháng đã tăng lên mức 7,2-7,4%/năm tại một số ngân hàng. Chẳng hạn, ngân hàng TMCP Bản Việt đang huy động với lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên đến 7,2%/năm và 12 tháng là 7,4%/năm. Do vậy, việc các ngân hàng lớn tăng lãi suất đã giúp thu hẹp phần nào chênh lệch lãi suất này.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), trước đó, trong hai tháng đầu năm 2016 có đến 15 ngân hàng tăng lãi suất với mức tăng bình quân từ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm/năm, trong khi có 6 ngân hàng lại giảm, bình quân từ 0,1 - 0,3 điểm phần trăm/năm. Trong đó, mặt bằng bình lãi suất quân kỳ hạn dưới 6 tháng từ 4,5 - 5,4%/năm, còn kỳ hạn 6 tháng trở lên từ 5,5 - 7,2%/năm.
Được trích ý kiến trên trang web của NHNN hôm 11-3, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN, cho rằng việc tăng lãi suất huy động hiện nay chủ yếu mang tính chất tạm thời để dự trù nguồn vốn cho vay ở một số đơn vị, đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh những tháng sau Tết âm lịch.
Ông Dũng cho biết thêm, lạm phát năm nay dự kiến 3%-4%, trong khi năm 2015 là 0,6%, như vậy kỳ vọng lạm phát cao hơn năm trước. Dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2016 là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng thực 6,68% của năm 2015, đồng nghĩa với việc nhu cầu vốn tăng cao.
Trong khi cầu vốn tăng thì tiền gửi tiết kiệm giảm. Năm 2015, số tuyệt đối giữa huy động và cho vay đều cân bằng nhưng tốc độ tăng trưởng của tín dụng lớn hơn tốc độ tăng trưởng huy động (trên 17% so với trên 14%).
Ngoài ra, yếu tố lợi suất trái phiếu Chính phủ cũng tác động khá mạnh lên mặt bằng lãi suất. Ngân sách năm 2016 tiếp tục khó khăn do giá dầu thô giảm (khoảng 50% so với dự toán) nên nhu cầu huy động trái phiếu để bù cho bội chi tiếp tục lớn ở mức 220.000 tỉ đồng, cao hơn năm ngoái. Theo đó, yếu tố này sẽ tác động lên lợi suất trái phiếu Chính phủ và tác động dây chuyền tới lãi suất trung dài hạn.
Theo ông Dũng, ba yếu tố nói trên có tác động khiến các ngân hàng tăng dự trữ nguồn. Mặc dù hiện tại chưa có căng thẳng (về thanh khoản - PV) nhưng những yếu tố này lại nuôi dưỡng kỳ vọng của các ngân hàng, tạo nên phản ứng của thị trường như hiện nay.
Tuy nhiên, vị này khẳng định NHNN sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, linh hoạt bơm tiền ra/hút tiền về, thông qua nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ khác để đảm bảo thanh khoản cho toàn hệ thống, qua đó tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của ngân hàng, phấn đấu giảm nhẹ mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn trong năm 2016.
Đại diện một số ngân hàng cho TBKTSG Online biết chưa có chủ trương tăng lãi suất cho vay, do đó việc tăng lãi suất huy động hiện nay sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận, hiệu quả hoạt động của ngân hàng.


ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408   

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons