Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

'Đánh cược' với thương lái Trung Quốc, nông dân bỏ cà phê trồng chanh dây


Hàng trăm ha cà phê đã bị thay thế mà chưa biết hiệu quả của chanh dây đến đâu...
“Cơn sốt” chanh dây
Theo thông tin mà PV tìm hiểu được, Mang Yang là một trong những huyện dẫn đầu về diện tích chanh dây trên toàn tỉnh Gia Lai và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới. Chạy theo lợi nhuận truớc mắt là giá thu mua chanh dây của thương lái Trung Quốc hời, nhiều người dân ngụ trên địa bàn huyện Mang Yang đã không ngần ngại chặt hạ cây công nghiệp chủ lực là cà phê chuyển đổi trồng chanh dây.
Đứng trước thực trạng này, nhiều người lo ngại, đây là chiêu trò của thương lái Trung Quốc, bởi đây không phải lần đầu tiên họ thực hiện nó. Những năm trước, thương lái thu mua lá điều non, rễ tiêu, đỉa, móng trâu, bò nhưng khi cơn sốt lên đến đỉnh điểm, họ “quất ngựa truy phong”, cuối cùng người chịu thiệt vẫn là nông dân. Phải chăng chiêu trò cũ được thương lái Trung Quốc tiếp tục diễn lại?

   'Đánh cược' với thương lái Trung Quốc, nông dân bỏ cà phê trồng chanh dây - Ảnh 1
Nông dân ồ ạt chặt cà phê trồng chanh dây.
Ngày 3/3, PV có chuyến thực tế tại địa bàn huyện Mang Yang để ghi nhận thêm thông tin. Chạy dọc Quốc lộ 19 (đoạn qua xã Đắk Jrăng), theo quan sát của PV, hàng chục héc -ta cà phê đã bị triệt hạ, thay vào đó là những giàn chanh dây xanh mướt nối dài. Dừng chân tại rẫy cà phê cành lá nham nhở, gốc trơ trọi sâu bên trong, 4 người đàn ông tay cầm dao, cưa miệt mài chặt, hạ.
Qua trò chuyện, PV được biết, đây là rẫy của ông Trần Văn M. (54 tuổi, ngụ xã Đắk Jăng). Hai hôm nay, ông M. cùng với 3 nhân công khác đang tiến hành chặt bỏ 4 sào cà phê lấy diện tích chuyển đổi trồng chanh dây.
Ông M. ngậm ngùi: “Phải tự tay phá bỏ vườn cà phê bao năm chăm sóc, gắn bó thấy nhói lòng lắm. Nhưng biết làm sao được.
Thời buổi giá cả thị thường thất thường, người dân trồng cà phê đời sống bấp bênh lắm. Mình làm nông chủ yếu lấy công làm lời nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua. Như bốn sào cà phê của tôi, đầu tư, chăm sóc biết bao nhiêu tiền của công cán nhưng năm vừa rồi thu vỏn vẹn được vài tạ bù vào khoản phân bón, tưới tắm còn thâm hụt. Trong khi đó hầu hết bà con xung quanh chuyển đổi trồng chanh dây, chi phí thấp, làm rất nhàn hạ nhưng mỗi vụ trừ chi phí các khoản vẫn lãi được mấy triệu đồng”.
Ông M. vừa nói vừa chỉ ra xung quanh, nơi bà con đã chuyển đổi sang trồng chanh dây. Thấy nhiều người làm ăn có lãi, vợ con ông M. cũng dao động, đắn đo, cuối cùng ông mới quyết định “xuống tay”. Giống, phân bón ông mua về để sẵn hết, không biết đến lúc mình làm nên thành quả, giá cả còn được như hiện tại?
Rời khỏi rẫy cà phê của ông M., PV tiếp tục tìm đến vườn chanh dây đang vào độ thu hoạch của ông Lê Văn T. nằm cách đó không xa. Tại đây, theo quan sát của PV, cảnh mua bán diễn ra vô cùng tấp nập. Chanh dây sau khi thu hoạch được đổ thành đống giữa sân, thương lái cho xe vào tận rẫy thu mua, đóng hộp vận chuyển đi.
Ông T. lom khom trong vườn, đôi tay bận rộn thu gom sản phẩm. Trò chuyện với PV, ông T. nở nụ cười tươi rói. Đưa tay quệt ngang những giọt mồ hôi “mãn nguyện”, ông T. kể: “Trồng cà phê chi phí đầu tư cao, 3 năm mới cho thu hoạch. Nếu như tính theo giá cà phê trên thị trường hiện nay, người dân trồng cà phê không có lãi. Trong khi đó, trồng chanh dây chi phí đầu tư thấp, chỉ 6 tháng là đã cho thu hoạch, trong khi lợi nhuận cao. Đến vụ thì cứ 2 ngày thu một lần, thương lái vào tận nơi bốc, người trồng cũng rất nhàn hạ”.
Ông T. nhẩm tính: “Gia đình tôi trồng 300 gốc chanh dây (tiền giống 40 ngàn đồng/cây). Trong thời gian xuống giống chỉ bỏ công nhổ cỏ (nếu có bón thêm ít phân hữu cơ) chi phí làm giàn cũng chẳng bao nhiêu. Các chú thấy đấy, sau 6 tháng, bây giờ vườn chanh 300 gốc của tôi đã cho thu hoạch. Cứ 2 ngày thu hoạch một lần cũng kiếm được ít nhất 6 triệu đồng “ngon ăn” hơn gấp mấy lần làm cà phê”. Theo lời ông T., hiện tại, chanh dây đang được giá, sắp tới ông đang dự tính mở rộng diện tích tăng thêm thu nhập.
Vừa làm... vừa sợ thương lái “bỏ bom”
Hiện tượng người dân hối hả đốn bỏ cây cà phê, tự ý thay thế bằng cây chanh dây nhưng đầu ra chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khiến nhiều người không khỏi băn khoăn. Bởi, chúng ta đã có quá nhiều bài học về việc thương lái Trung Quốc “bỏ của chạy lấy người”. Chỉ vì chạy theo lợi nhuận trước mắt, đến một lúc nào đó phía Trung Quốc ngừng thu mua sản phẩm, bà con sẽ bán cho ai?
   'Đánh cược' với thương lái Trung Quốc, nông dân bỏ cà phê trồng chanh dây - Ảnh 2
Thương lái vào tận vườn thu mua chanh dây.
Trả lời cho câu hỏi của chúng tôi, ông T. ngập ngừng: “Vấn đề này không phải chúng tôi không biết. Thời gian trước đó, trên báo, đài cũng đưa tin rất nhiều, cảnh báo rất nhiều về việc thương lái Trung Quốc tháo chạy. Lo lắm, sợ lắm chứ! Thế nhưng, thấy bà con xung quanh làm ăn lãi “ầm ầm”, nhất là thời điểm như hiện nay chanh “đội giá”, tâm lý mình cũng dao động. Hơn nữa cả làng, cả xã họ làm, mình không làm thấy nôn nao. Nhưng cũng chính vì lo ngại việc thương lái “bỏ của chạy lấy người” nên tôi vẫn còn phân vân. Tôi chỉ trồng nửa diện tích để đề phòng chứ không đã làm hết rồi”.
Không chỉ người dân nơi đây mà ngay cả những người thu mua chanh dây tại vườn cũng không hay biết phía Trung Quốc thu mua chanh dây để làm gì, tận thu đến khi nào. Trò chuyện với PV, chị Nguyễn Thị Hồng (một thương lái thu mua chanh dây tại vườn ông T.) cho biết, giá thu mua tại rẫy là 22 ngàn đồng/kg (bình quân mỗi ngày thương lái này mua từ 4-5 tấn).
Theo lời chị Hồng, bản thân chị cũng không biết các thương lái Trung Quốc mua chanh dây để làm gì. “Tôi thu gom theo đơn đặt hàng, họ quả quyết số lượng bao nhiêu cũng nhận. Cứ thế, tôi thu gom rồi đóng hộp, sau đó vận chuyển đến nơi họ yêu cầu”, chị nói.
“Lỡ như khi chị chi tiền thu gom hàng họ “lặn mất tăm” thì sao”, chúng tôi hỏi. Tỏ vẻ thờ ơ, chị Hồng đáp: “Hơi đâu mà lo, làm ăn thì phải có lúc này lúc khác, căn bản muốn có tiền là phải mạo hiểm”.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc người dân phát triển tự phát cây chanh dây nhưng chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ đối mặt với nguy cơ rủi ro cao. “Có lúc giá chanh dây chỉ 8.000 đồng/kg. Nay họ thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Nếu thương lái Trung Quốc không mua nữa thì tôi cũng dừng. Người trồng chanh dây khi đó sẽ phải chuyển sang trồng cây khác hoặc quay lại trồng cà phê. Làm ăn là phải đối mặt với rủi ro thôi”, một thương lái nói.

ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               

     DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE       
           VĂN PHÒNG 0906143408  

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons