Thứ Bảy, 5 tháng 3, 2016

Giảm nghèo và vấn đề đặt ra

Việt Nam là một trong những quốc gia thành công trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Mặc dù đạt được những thành tựu lớn nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong nỗ lực giảm nghèo. Một số lượng không nhỏ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là khu vực trung du và miền núi phía Bắc diện nghèo vẫn lớn...

 

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)
 16 năm 43 triệu người đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo

Thực tế cho thấy, trong công cuộc công cuộc xóa bỏ tình trạng nghèo và thiếu đói kéo dài ba thập kỷ đã thu được những tiến bộ đáng kể và trở thành một câu chuyện thành công của Việt Nam. Trong 16 năm từ 1993 đến 2008, 43 triệu người đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Trong thời gian 1990-2000, tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia đã giảm được hai phần ba; tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo quốc tế đã giảm một nửa. Tỷ lệ nghèo chung theo chuẩn quốc tế đã giảm đáng kể từ 58,1% năm 1993 xuống còn 28,9% vào năm 2002, và còn 17,2% vào năm 2012. Năm 2015, đời sống dân cư cả nước nhìn chung ổn định, tình hình thiếu đói trong nông dân giảm đáng kể so với năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 khoảng 7% - 7,2%, giảm 1,2 - 1,4 điểm phần trăm so với năm 2014.

Theo khu vực, chênh lệch về tình trạng nghèo giữa nông thôn và thành thị đã và đang được thu hẹp. Xe máy, điện thoại và tivi màu đã trở thành những đồ dùng cơ bản của hầu hết các gia đình vào năm 2012, dù 10 năm trước đây, các tài sản này được coi là “hàng hóa đắt đỏ” đối với phần lớn dân cư. Việc sở hữu các loại hàng hóa lâu bền khác nhau ngày càng tăng trong giai đoạn 10 năm qua một lần nữa khẳng định đời sống của nhân dân trên cả nước được cải thiện đáng kể.

Thành tựu ấn tượng trong công tác giảm nghèo là kết quả trực tiếp của tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và cách tiếp cận chiến lược của Việt Nam đối với nhiệm vụ xóa đói giảm nghèo. Chương trình Đổi mới bắt đầu vào năm 1986, đã kích hoạt cho một chuỗi các cải cách quan trọng về doanh nghiệp, đất đai, chính sách thương mại và nhiều cải cách khác. Chính sách mở cửa thị trường từ những năm 1980 đã tạo điều kiện cho dòng đầu tư nước ngoài và các hoạt động thương mại quốc tế. Thiết lập quan hệ đối tác thông qua thương mại song phương, quan hệ thương mại đa phương và khu vực, đặc biệt là tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2007 đã giúp việc trao đổi hàng hoá và dịch vụ với thị trường quốc tế thuận lợi hơn, đồng thời tạo ra nhu cầu lớn về sản xuất và cung cấp hàng triệu việc làm cho người dân. Nhờ vậy, gia tăng thu nhập và việc làm đã giúp hàng triệu người thoát khỏi đói nghèo. Trong suốt giai đoạn 2000 - 2013, 7,5 triệu người đã thoát khỏi tình trạng đói nhờ gia tăng sản xuất nông nghiệp.

  Cần giảm nghèo bền vững cho người nghèo

Mục tiêu xóa đói giảm nghèo đã được tiếp cận một cách toàn diện và thực tế. Từ đầu những năm 2000, Việt Nam đã đề ra một loạt các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm xóa đói giảm nghèo, bao quát mọi khía cạnh thiết yếu của điều kiện sống cũng như cải thiện các dịch vụ công cộng và mạng lưới an sinh xã hội. Ưu tiên được dành cho các nhóm thiệt thòi nhất sống ở các vùng miền núi xa xôi và các cộng đồng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, sự tham gia tích cực của cộng đồng quốc tế thông qua tham vấn và đối thoại chính sách, hỗ trợ tài chính và kỹ thuật là một yếu tố không thể thiếu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Thông qua quá trình tham vấn tích cực, Việt Nam đã thành công trong việc sắp xếp các mục tiêu của đất nước cùng hướng với mục tiêu của các nhà tài trợ và các đối tác quốc tế. Trong các thập kỷ sắp tới, Việt Nam sẽ đặt trọng tâm vào cách tiếp cận giảm nghèo bền vững hơn, phát triển các huyện nghèo bằng cách cung cấp đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội, và các dịch vụ xã hội cơ bản thông qua quá trình tăng cường tính minh bạch và tự chủ.

Tuy vậy, thực tế đã ghi nhận một số hiện tượng nghèo mới xuất hiện. Trung du và miền núi phía Bắc vẫn là vùng nghèo nhất cả nước trong suốt những thập kỷ qua. Từ năm 2000 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này giảm tương đối chậm, tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo quốc tế ở mức 41,9%. Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc là nơi sinh sống của một số đông dân tộc thiểu số, họ phải đối mặt với những hạn chế trong tiếp cận đất đai, nước sạch, các dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp và phi nông nghiệp. Khả năng kết nối với vùng phát triển yếu cũng như trình độ học vấn thấp cản trở phần lớn người dân tiếp cận được công việc có thu nhập ổn định trong các ngành phi nông nghiệp.

Hơn nữa, tình trạng xói mòn và đất kém màu mỡ so với các khu vực khác đã gây khó khăn cho người dân tộc khu vực Tây Bắc khi canh tác bất kỳ loại cây nào có giá trị kinh tế cao. Những yếu tố này luôn đặt ra thách thức lớn trong việc khắc phục đói nghèo ở khu vực này. Chênh lệch về nghèo đói giữa dân tộc thiểu số và dân tộc Kinh ngày càng tăng, được thể hiện qua chênh lệch về khoảng cách về số hộ nghèo ngày càng lớn. Hiện tượng này thể hiện rằng mức sống của nhóm người nghèo là người dân tộc thiểu số ngày càng thấp hơn nhóm người nghèo là người dân tộc Kinh.

Mặc dù Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, và Đông Nam Bộ đã hoàn thành việc xóa đói, nhưng nạn đói vẫn tồn tại ở nhiều tỉnh Tây Bắc. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2015, cả nước có 227,5 nghìn lượt hộ thiếu đói, tương ứng với 944 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói. Thiếu đói trong năm tập trung chủ yếu ở một số tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Các địa phương có số hộ thiếu đói nhiều là Cao Bằng có 18,6 nghìn lượt hộ; Sơn La 17 nghìn lượt hộ; Điện Biên 16,9 nghìn lượt hộ,...

Hiện nay, miền núi phía Bắc là một trong những khu vực cần nhiều sự quan tâm nhất trong chương trình xóa đói giảm nghèo. Khu vực miền núi phía Bắc có diện tích 95.246,4 km, chiếm 1/3 diện tích cả nước, với dân số trên 10 triệu người, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Việc xóa đói giảm nghèo tại khu vực này là hết sức khó khăn vì địa hình phức tạp, đất đai khô cằn, và trình độ học vấn hạn chế của người dân. Nhìn chung, cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống tại khu vực này thiếu công cụ lao động và tư liệu sản xuất.

Mặc dù nông nghiệp là sinh kế chính nhưng phần lớn người dân thiếu đất canh tác. Hơn nữa, việc thiếu vốn, trình độ học vấn và ngôn ngữ hạn chế là những rào cản tiếp cận với các cơ hội kinh tế - xã hội khác. Điều kiện địa lý của nơi sinh sống và đặc điểm nhân khẩu học của người dân tộc thiểu số đã chứng minh rằng sinh kế chính trung hạn của họ phải được gắn với nông nghiệp. Tuy nhiên, họ cũng có cơ hội để tham gia nhiều hơn vào các hoạt động kinh tế phi nông nghiệp trong các ngành dịch vụ và chế biến nông sản.

Để giảm nghèo bền vững cho người nghèo, người dân tộc thiểu số, cũng như đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và ổn định chính trị - xã hội của đất nước, Việt Nam cần xây dựng chiến lược và kế hoạch phù hợp nhằm đổi mới ngành nông nghiệp và nâng cao năng suất cả nước nói chung và ở các vùng khó khăn về kinh tế nói riêng.
ĐIỀU TRỊ BỆNH CỘT SỐNG - THẦN KINH THEO PHƯƠNG PHÁP DIỆN CHẨN
                               
           DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE 
              VĂN PHÒNG 0906143408 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons