Hơn 1 triệu người Việt, tức 1% dân số đang mê mẩn đổ tiền vào những cách làm giàu bằng hệ thống và công thức. Còn làm giàu thực sự, đem lại thặng dư và giá trị gia tăng cho xã hội như phong trào khởi nghiệp thì ở Việt Nam đang thiếu và rất yếu.
Những ngày gần đây, dư luận đang hướng đến vụ việc "tập đoàn lừa đảo" Liên Kết Việt chiếm đoạt số tiền 1.900 tỷ đồng của hơn 6 vạn người tại 27 tỉnh thành phố. Điều đáng nói là, doanh nghiệp này mới được cấp phép hoạt động trong vòng 2 năm nhưng đã gây những hệ lụy cực kỳ lớn.
Có một sự liên hệ mật thiết giữa kinh doanh đa cấp và khởi nghiệp: cùng chung ước mơ thịnh vượng, nhưng cách để tạo ra giá trị thặng dư lại hoàn toàn khác nhau. Và nếu so sánh về giá trị cho xã hội mà khởi nghiệp và đa cấp tạo ra, chúng ta có thể thấy rõ sự khập khiễng này.
Dàn lãnh đạo của Công ty Liên Kết Việt, đã bị bắt liên quan đến hành vi chiếm đoạt số tiền khủng 1.900 tỷ đồng của hơn 60.000 người.
Việt Nam - Quốc gia thứ 7 về “tinh thần khởi nghiệp”
Tháng 12/2015, trong cuộc khảo sát với chủ đề “Định nghĩa tinh thần khởi nghiệp” do Trường Đại học Technische Universitat Munchen (TUM) – CH Liên bang Đức cho biết: Việt Nam đứng thứ 7 trong 44 nước tham gia khảo sát có tinh thần khởi nghiệp cao nhất thế giới. Mặc dù được đánh giá là quốc gia có tinh thần khởi nghiệp cao song báo cáo này cũng chỉ ra thực tế ở Việt Nam chưa được tương xứng.
Tuy nhiên, đây chỉ là báo cáo về tinh thần kinh doanh, tức là nhận thức về kinh doanh. Còn ở góc độ khởi nghiệp thực sự (bỏ tiền, ý tưởng để kinh doanh) tại Việt Nam rất thấp.
Theo Nghiên cứu Chỉ số khởi sự kinh doanh năm 2014 tại Việt Nam, năm 2014 có 39,4% người trưởng thành ở Việt Nam được hỏi có nhận thức có cơ hội để khởi sự kinh doanh, tỷ lệ trung bình của thế giới là 54,6%.
Tuy nhiên, khởi sự kinh doanh thực sự (bỏ vốn kinh doanh trực tiếp) năm 2014 rất thấp, chỉ đạt 2%, giảm so với 4% của năm 2013 và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 12,4% ở các nước phát triển.
Đáng nói, nghiên cứu này cho hay thanh niên (từ 18-34 tuổi) nhận thấy có khả năng kinh doanh kém hơn người trung niên (35-64 tuổi) vì thế tỷ lệ thanh niên lo sợ thất bại cao hơn.
Trên thực tế, tỷ lệ khởi nghiệp thực sự và thành công ở Việt Nam ít đi cũng được minh chứng ở các yếu tố như: mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa bị phá sản, ngừng hoạt động. Tỷ lệ các doanh nghiệp (DN), doanh nhân bị đào thải khỏi thị trường khá cao so với các nước trong khu vực.
Tỷ lệ khởi nghiệp tại Việt Nam thấp liên quan mật thiết đến môi trường kinh doanh và sự hoạt động của các quỹ đầu tư mạo hiểm. Dù Việt Nam được xem là nước có tinh thần khởi nghiệp cao, ý chí làm giàu lớn song do thiếu năng lực tài chính nên nhiều người không thể biến ý tưởng và ước mơ thành sản phẩm ứng dụng, doanh nghiệp được.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, hiện người khởi nghiệp tại Việt Nam dựa chủ yếu vào vốn của mình, vốn vay bạn bè, các tổ chức tín dụng. Ở các nước phát triển, khi người ta có ý tưởng, các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ thẩm định và phân tích, sau đó dành khoản hỗ trợ tài chính để biến những phát kiến, sáng tạo đó thành tiền, sản phẩm, thành doanh nghiệp. Còn tại Việt Nam, người sáng tạo, phát triển sản phẩm phải đau đầu với mọi vấn đề từ vốn, gia nhập thị trường và xây dựng quảng bá sản phẩm…
Cứ 90 người, có 1 người kinh doanh đa cấp
Một triệu người đang tham gia đa cấp, đây là số liệu được công bố vào năm 2012, đến nay, chắc chắn sẽ con số này đã và đang không ngừng tăng lên bởi số lượng các công ty đa cấp tại Việt Nam cũng tăng theo từng năm.
Như vậy, với số dân khoảng 90 triệu người hiện nay, số người kinh doanh đa cấp đã chiếm 1/90 và người ta ước tính, bình quân cứ 90 người bạn bè, đồng nghiệp hay người xung quanh ta lại có một người đang kinh doanh đa cấp.
Nói như vậy để thấy được quy mô của loại hình kinh doanh dù mới mẻ nhưng đang có sức phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Trên thực tế, kinh doanh đa cấp đã có tại nhiều quốc gia và phát triển thịnh hành nhất tại Mỹ. Về bản chất, kinh doanh đa cấp không xấu nếu như được kiểm soát bằng hệ thống pháp luật, có môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Cạnh tranh, năm 1996, đa cấp bắt đầu du nhập vào Việt Nam, tính đến nay ngành này đã phát triển được hơn 20 năm. Báo cáo của Bộ Công Thương cho hay, hiện số DN đa cấp có đăng ký giấy phép kinh doanh và hoạt động tại Việt Nam vào khoảng 65 DN. Tuy nhiên, theo Hiệp hội DN Kinh doanh đa cấp, con số DN đa cấp tại Việt Nam tham gia hiệp hội và hoạt động là gần 100 DN.
Dù mới và chiếm số ít trong ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam, song doanh thu của lĩnh vực kinh doanh "béo bở" này không ngừng gia tăng. Theo Báo của Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công Thương, trong vòng 10 năm qua doanh thu của lĩnh vực đa cấp tăng 10 lần từ 614 tỷ đồng (năm 2006) lên đạt 6.447 tỷ đồng (2013), 4.000 tỷ đồng (2014) và 6 tháng đầu năm 2015, đạt 3.200 tỷ đồng.
Sự phát triển quá nóng, mối lợi lớn từ doanh thu khủng và môi trường pháp lý tương đối lỏng lẻo đã khiến cho đa cấp tại Việt Nam bùng phát mạnh mẽ. Trong 10 năm qua, nói đến đa cấp tại Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến những phi vụ đổ vỡ trăm tỷ, nghìn tỷ, để lại gánh nặng cho xã hội như: “gia đình tan nát”, “chiếm đoạt”, “lừa đảo”.
DIỆN CHẨN SỐNG KHỎE
VĂN PHÒNG 0906143408
0 nhận xét:
Đăng nhận xét