Nông nghiệp giảm tăng trưởng, nông sản liên tục nhận những “trận thua”; dịch vụ giảm nhanh về lượng khách du lịch; DN dân doanh đang chật vật, bế tắc… Đây là 3 nguy cơ Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảnh báo nếu không xử lý, mức tăng trưởng vừa đạt được sẽ giảm ngay.
Theo yêu cầu này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh (đại biểu tỉnh Lai Châu) dành quá nửa thời lượng phát biểu để nói về những lo lắng, nghi ngại đã hình thành ngay trong bối cảnh tăng trưởng quý I/2015 đạt kết quả ngoài mong đợi (mức 6,03% - cao nhất 5 năm qua).
Ông Vinh khẳng định, tháng 5 này, đà tăng trưởng vẫn tốt nhưng những khó khăn phát sinh dù đã lường từ quý trước đã trở nên thực sự rõ ràng.
Đầu tiên, trong nông nghiệp, 2015 là năm lĩnh vực nông nghiệp đối mặt nhiều thách thức. Mức tăng trưởng của nông nghiệp quý I chỉ đạt trên 2% so với mức hơn 3% của năm ngoái mà tăng giảm 1% trong lĩnh vực này là rất lớn.
“Khó khăn đầu tiên ta phải đối mặt là thị trường xuất khẩu nông nghiệp bị thu hẹp. Việc Bộ Công thương vừa rồi phát động hoạt động mua dưa cho đồng bào miền Trung chỉ là giải pháp tinh thần là chính chứ không có ý nghĩa về kinh tế, không giải quyết được gì” – ông Vinh lo ngại vì tình trạng này không chỉ xảy ra với dưa hấu. Rất nhiều nông sản khác đã liên tiếp thua, từ hành tím, hành tây tới thanh long và cả lúa gạo.
Bộ trưởng Vinh kể chuyện ít ngày trước gặp các DN cao su, họ thực sự buồn bã vì mặt hàng này đã giảm giá từ mức 150 triệu đồng/tấn, giờ thậm chí chỉ còn 25 triệu đồng/tấn, rất hiếm những đơn hàng đạt được mức 30 triệu đồng/tấn. Nhiều nơi người dân bắt đầu chặt cây cao su.
Bộ trưởng KH-ĐT lo vì đây là vấn đề ko chỉ mang ý nghĩa kinh tế mà còn cả chính trị khi nhiều nơi ở Tây Nguyên, Sơn La, Điện Biên đã phát động trồng cao su rất mạnh mẽ thời gian qua, đến giờ vẫn chưa được thu hoạch mà giá thì đã rớt đến mức không thể bán được như này.
“Chúng ta sẽ ăn nói thế nào với bà con” – ông Vinh day dứt.
Lo ngại nhãn tiền khác chính là lúa gạo. Những năm qua, mức xuất khẩu gạo của Việt Nam thường đạt khoảng 7,7 triệu tấn/năm vậy mà năm nay quý I năm nay, kết quả xuất khẩu rất thấp. Ba điểm vướng mắc mà lúa gạo Việt Nam phải đối mặt, trước hết là việc sản xuất ra nhiều về số lượng nhưng chất lượng kém, không đủ sức cạnh tranh như gạo Thái.
Một số nước đã bắt đầu dùng chính sách bảo hộ với lương thực của mình. Indonesia trước đây nhập gạo Việt Nam rất nhiều nhưng giờ cũng đã áp dụng chính sách hạn chế nhập khẩu để tự cung tự cấp trong nước. Ông Vinh cũng kể chuyện chuyến đi thăm Trung Quốc vừa qua cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước này - ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc cũng sản xuất được mùa mấy năm nay thừa gạo (phải xây thêm kho để dự trữ) nhưng vẫn nhập gạo của Việt Nam vì quá rẻ. Gần đây, Trung Quốc đã đưa ra quota nhập khẩu rất hạn chế cho các DN với điều kiện nhập bao nhiêu thì phải đảm bảo tiêu thụ được chừng đó lượng lương thực sản xuất trong nước. Nếu mất Trung Quốc – thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam (2 triệu tấn/năm), ông Vinh cảnh báo, thực sự khó khăn.
Ngoài ra, thị trường lúa gạo cũng đang nổi lên nhiều đối thủ cạnh tranh mới như 2 nước vốn chỉ nhập gạo nay đã tham gia xuất khẩu là Ấn Độ và Pakistan. Thái Lan thì vì lượng tích trữ lớn nên cũng bung bán gạo ngon hơn với giá rẻ hơn để giải phóng kho.
Ông Vinh nhấn mạnh, lúa gạo Việt Nam đang bị cạnh tranh rất gay gắt. Vậy nếu mỗi năm cứ tiếp tục sản xuất 7-8 triệu tấn gạo thì không biết bán đi đâu.
Chuyển tiếp sang ví dụ về thanh long, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, diện tích quy hoạch chi loại quả này tại Bình Thuận là 15.000 ha nhưng nông dân thấy lợi nên đua nhau trồng, đến nay, diện tích đã tăng tới 22.000 ha rồi và sẽ còn tiếp tục tăng lên. Ông Vinh day dứt: “Làm như vậy sao chẳng ế thừa. Nông dân của ta có phong trào đua nhau làm và cùng đua nhau… chết”.
Bộ trưởng KH-ĐT kêu gọi phải tái cơ cấu một cách căn cơ với nông nghiệp - trụ đỡ của nền kinh tế. “Đến tháng 10 (kỳ họp Quốc hội tiếp sau), nếu không chấn chỉnh được việc này, tốc độ tăng trưởng sẽ lại giảm ngay mà giảm nông nghiệp là giảm thẳng vào đời sống người dân” – ông Vinh không giấu lo lắng.
Nguy cơ thứ 2 theo Bộ trưởng KH-ĐT là dấu hiệu giảm của lĩnh vực dịch vụ. Riêng về du lịch, con số giảm có thể nhìn thấy bằng mắt khi tháng 5 năm nay, tổng lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam chỉ là 506.000 lượt người, giảm 14,4% so với tháng 5/2014 – thời điểm xảy ra vụ giàn khoan Hải Dương 981 khiến Trung Quốc cấm công dân sang du lịch Việt Nam, nhiều quốc gia cũng cảnh báo công dân nên hạn chế đến Việt Nam.
Khách đến từ các thị trường lớn khác cũng đều giảm mạnh: Châu Á giảm 14%, trong đó khách Trung Quốc giảm tới 33% - tức cứ 3 khách du lịch thì ta mất 1, khách Châu Âu cũng giảm gần 7%, trong đó khách Nga là 14%. Ông Vinh băn khoăn vì tổng cầu du lịch giảm tới một nửa mà không biết lý do là gì (do kinh tế các nước khó khăn hay visa của Việt Nam khó khăn, nhiều nước phải phá giá đồng tiền…).
Nguy cơ thứ 3 là vấn đề tháo gỡ khó khăn cho DN. Đáng ngại nhất theo ông Vinh, không phải là nhóm DNNN vì đó là những DN lớn, sở hữu nhiều tài nguyên và vốn hay nhóm FDI vì nguồn vốn của họ mang từ nước ngoài vào, thị trường chủ yếu là xuất khẩu mà nhóm cần quan tâm là DN dân doanh trong nước, các DN tư nhân vừa và nhỏ. Dù đã có nhiều chính sách giúp đỡ, hỗ trợ, tạo môi trường tốt hơn nhưng ông Vinh cảnh báo, việc này cũng không thể tạo tác dụng ngay lập tức.
“Nông nghiệp, dịch vụ, DN dân doanh là những động lực chính của nền kinh tế nên nếu không tháo gỡ tốt thì tốc độ tăn g trưởng đang rất khí thế của ta hiện nay khó có thể tiếp tục duy trì. Tôi rất lo lắng về vấn đề này và những chuyện này cũng chưa được báo cáo sâu sắc trước Chính phủ” – ông Vinh nói.
Những phân tích tâm huyết này của Bộ trưởng Vinh nhận được nhiều sự chia sẻ, đồng tình của các đại biểu. Phó Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Bùi Đức Thụ cũng nhận định, nền kinh tế còn nhiều dấu hiệu chưa vững chắc như những khó khăn về tiêu thụ nông sản mà ông Vinh vừa nói.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét