Thứ Tư, 27 tháng 5, 2015

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân

Nền kinh tế năm 2015 có tăng trưởng nhưng chưa bền vững, dự báo kinh tế chưa sát với thực tiễn, định hướng thị trường nông sản chưa tốt dẫn đến tái diễn “được mùa mất giá” trong nhiều năm... Vì thế, cần phải phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội, thể hiện tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Đó là những ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2014, tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nông dân
Đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ).
Đừng đổ lỗi cho nông dân khi “được mùa mất giá”
Đề cập về “điệp khúc” được mùa mất giá, mất mùa đẩy giá đã lặp lại trong nhiều năm liên tiếp trong thị trường nông sản của nước ta, nhiều đại biểu thể hiện sự quan tâm về vấn đề này khi tình trạng khó khăn tiêu thụ sản phẩm đã gây thiệt hại và bức xúc cho người dân. Theo đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng), dưa hấu Quảng Ngãi, hành tím Sóc Trăng, mía tím Hòa Bình... là những thí dụ điển hình trong thời gian gần đây. Hàng chục tấn dưa chuyển từ Quảng Ngãi ra Lạng Sơn, không phân loại từ đầu nguồn, dưa chất lượng kém (bò còn chả ăn) thì làm sao mà bán được?
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Đừng đổ lỗi cho người nông dân, trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý”. Theo ông Hoàng, đương nhiên người nông dân có một phần trách nhiệm nhưng nếu nói về tiêu thụ, nếu chủ động được về quy hoạch, sẽ không có biến động nhiều về sản lượng và như vậy, nhu cầu tiêu thụ và lượng hàng hóa dư thừa sẽ không quá chênh lệch. Có những mặt hàng tương đối chủ động trong hoạch định chính sách và thị trường như gạo. Chúng ta có thể biết năm nay khả năng tiêu thụ gạo bao nhiêu, từ đó đàm phán tìm kiếm thị trường. Còn dưa hấu là cây ngắn ngày, bà con trồng xen vụ thì làm sao mà quy hoạch được? Quả dưa hấu đương nhiên thương lái mua của nông dân chứ nông dân không trực tiếp xuất khẩu. Ta không thể dự báo được năm nay bao nhiêu người trồng dưa, diện tích bao nhiêu vì chỉ trồng xen canh vài ba tháng. Dung lượng tiếp nhận của Trung Quốc về bến bãi cũng có hạn, mỗi ngày chỉ 300-400 xe nên nhiều khi quá tải, lại không có hợp đồng ký trước, mang sang họ phải phân loại nên xảy ra ách tắc. Khoai lang hay một số mặt hàng khác cũng tương tự như thế. Để khắc phục tình trạng này, ngoài việc đề nghị các địa phương chủ động (trong việc quy hoạch cây trồng, tiêu thụ hàng nông sản), Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và bà con nông dân để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Đề ra những giải pháp khả thi hơn cho những tháng cuối năm
Đánh giá về tình hình KT-XH  năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 tại phiên thảo luận ở tổ, nhiều ĐBQH cho rằng, bức tranh KT-XH đất nước đã khá sáng sủa, tăng trưởng GDP có mức phục hồi rõ rệt. Tuy nhiên, ĐBQH cũng thẳng thắn chỉ ra một số thách thức như tăng trưởng chưa thực sự bền vững, nợ công tiếp tục gia tăng, tác động của FDI trong việc nâng cao trình độ công nghệ cho nền kinh tế chưa rõ nét, nguy cơ nếu nguồn vốn FDI rút khỏi thị trường sẽ tác động xấu đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta... Cho nên, yêu cầu đặt ra là cần phân tích kỹ hơn, đề ra các giải pháp khả thi hơn cho những tháng cuối năm và những năm tiếp theo.
Đề cập đến việc đảm bảo tương quan tăng trưởng giữa hai nhóm doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đại biểu Nguyễn Doãn Khánh (đoàn Phú Thọ) cho biết, cần đánh giá, phân tích rõ hơn về hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp. Ở đây có nghịch lý: các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) tăng trưởng rất nhanh, có những lĩnh vực kinh tế họ chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt trong xuất nhập khẩu chiếm tới 64-65%. Ngược lại, các doanh nghiệp trong nước lại khó khăn. Số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động ngày một tăng. Rõ ràng ở đây có vấn đề về quản lý, có thể do chính sách của chúng ta dẫn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trong nước khó khăn, nhưng doanh nghiệp nước ngoài lại được hưởng lợi không bình đẳng nên mới có sự phát triển rất là nhanh (?)
Liên quan đến nhiệm vụ, giải pháp của năm 2015, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (đoàn Nam Định) chia sẻ băn khoăn, tôi cơ bản tán thành với 7 giải pháp mà Chính phủ đã nêu ra trong báo cáo, tuy rằng khi đọc kỹ 7 giải pháp thì vẫn có cảm giác, năm nào cũng thế, dịp nào cũng vậy, vẫn loanh quanh các nhóm giải pháp đấy thôi. Cái mà chúng tôi mong bây giờ là có khâu gì là đột phá, có cái gì là trọng tâm, có cái gì trọng điểm thì chưa thấy rõ, cơ bản là lặp lại những năm trước. Về những giải pháp cụ thể, tôi chỉ muốn tập trung vào giải pháp thứ nhất, trong đó tôi đề nghị phải nêu rõ hơn những giải pháp cụ thể để tập trung nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.

Anh Tuấn - Hoàng Dương

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Design by Free WordPress Themes | Bloggerized by Lasantha - Premium Blogger Themes | Laundry Detergent Coupons