Mặc dù giá xăng tăng mạnh 1.200 đồng/lít sau khi đã tăng gần 2.000 đồng thời điểm điều chỉnh trước đó, song Bộ Tài chính cho biết, đà tăng giá đã được hạn chế nhờ giảm thuế nhập khẩu và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Việc thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ ở trên được đưa ra sau khi đã giảm thuế và chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm mục đích hỗ trợ.
Theo đó, ngày 20/5, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2015/TT-BTC về sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu. Thông tư này quy định, kể từ ngày 21/5/2015, các mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng RON92/95, xăng sinh học (E5,E10) vẫn được giữ nguyên mức 20%. Tuy nhiên, giảm thuế nhập khẩu dầu diesel 2% từ 12% xuống còn 10%; giảm thuế nhập khẩu dầu hỏa từ 20% xuống còn 13% và dầu mazut từ 13% xuống còn 10%.
Bộ Tài chính cho biết, “đây là một bước quan trọng từ phía Bộ để hạn chế đà tăng giá của xăng dầu”.
Song song với giảm thuế nhập khẩu với một số mặt hàng xăng, dầu kể trên, liên Bộ cũng quyết định giữ nguyên mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như hiện hành. Chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để hỗ trợ mặt hàng xăng khoáng 1.054 đồng/lít; xăng E5 889 đồng/lít; dầu diesel 328 đồng/lít và dầu mazut 324 đồng/kg.
Việc tăng cường các giải pháp trong điều chỉnh thuế, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều chỉnh giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu lần này được Liên Bộ Tài chính – Công thương khẳng định đã được tính toán chi tiết, đảm bảo giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu không tăng đột biến, hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.
Mặc dù liên Bộ giải thích rằng việc điều chỉnh mạnh giá xăng dầu xuất phát từ thực tế giá xăng dầu thế giới biến động tăng liên tục trong thời gian gần đây song người tiêu dùng vẫn chưa cảm thấy hài lòng.
Cụ thể, theo dữ liệu mà liên Bộ cung cấp, so sánh giá bình quân 15 ngày của kỳ điều chỉnh giá lần này và lần trước thì giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm đã tăng mạnh từ 4,17% đến 7,92% khiến cho giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu kỳ tính giá ngày 20/5 chênh lệch lớn so với giá bán.
Điều này có nghĩa là nếu không có can thiệp của công cụ thuế nhập khẩu và Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng RON 92 có thể sẽ tăng tới 2.254 đồng/lít trong đợt điều chỉnh này; xăng E5 là 2.089 đồng/lít; dầu diesel là 1.070 đồng/lít; dầu hỏa là 782 đồng/lít và dầu mazut là 1.127 đồng/kg.
Tuy nhiên, với việc hai lần tăng giá liên tiếp (ngày 5/5 và ngày 20/5), tổng mức tăng với riêng mặt hàng xăng RON 92 đã là 3.150 đồng/lít. Những lần điều chỉnh này lại thực hiện ngay sau khi thuế suất bảo vệ môi trường được điều chỉnh tăng tới 300% kể từ 1/5 và người tiêu dùng không khỏi hoài nghi: liệu có đúng như Bộ Tài chính cam kết là tăng thuế môi trường không khiến giá xăng tăng hay không khi mà thực tế đang đi ngược lại?
Trước đó, chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế - Tài chính, Bộ Tài chính) cũng đã chỉ ra rằng: “Thuế bảo vệ môi trường tăng 300% nhưng không phải đổ tất cả vào giá bán lẻ mà Bộ Tài chính đã chia ra bằng cách sử dụng quỹ bình ổn giá và giảm thuế nhập khẩu. Vì vậy, trong điều kiện bình thường, giá xăng dầu biến động ít, thuế bảo vệ môi trường tăng sẽ không làm tăng giá bán lẻ. Tuy nhiên, khi giá xăng dầu thế giới tăng mạnh, chắc chắn việc tăng thuế bảo vệ môi trường sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ mặt hàng này”.
Sáng nay, một tài xế của hãng taxi Vina bức xúc “Trên Bộ thì họ cứ bảo là tăng thuế môi trường không ảnh hưởng tới giá xăng đâu. Nhưng đấy, từ 1/5 thuế này tăng 2.000 đồng thì giá xăng hai lần tăng cũng 1.200 đồng đến 2.000 đồng một lít, bằng bao nhiêu lần giảm đấy!”.
Hiện chưa có thống kê cho thấy, việc điều chỉnh giá xăng dầu lần này sẽ tác động như thế nào chỉ số giá tiêu dùng của cả nước, song chắc chắn, CPI tháng 6 sẽ tăng khá mạnh do chịu thêm áp lực của lần tăng giá xăng dầu ngày 5/5 còn chưa kịp “nguội”.
“Mừng giá xăng rẻ chưa bao lâu thì nay xăng đã lại tăng giá mà lại còn tăng mạnh. Thể nào giá cả thực phẩm, dịch vụ và các thứ ăn theo vận tải.... cũng sẽ được đà tát nước theo mưa, trong khi thu nhập thì chưa thấy tăng gì!” – chị Minh (nhân viên văn phòng – Hà Đông) thở dài.
Bích Diệp
0 nhận xét:
Đăng nhận xét