Cục Đầu tư nước ngoài cảnh báo, nếu Việt Nam không phát triển công nghiệp hỗ trợ, chắc chắn mức độ phụ thuộc lớn vào bên ngoài là không thể tránh khỏi, tương ứng với đó là sự suy yếu về sức cạnh tranh và sẽ rất khó để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài.
Đối với kinh tế Việt Nam, ngoài hiệu quả giải quyết công ăn việc làm, công nghiệp phụ trợ đóng vai trò rất lớn trong tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chính và đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng vừa mở rộng vừa chuyên sâu.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nước hiện nay thu hút được đầu tư nước ngoài nhiều và có nền kinh tế phát triển đều có nền công nghiệp hỗ trợ phát triển.
Hiện nay, trong tổng số hơn 18.000 dự án FDI còn hiệu lực thì có 9.800 dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 143,8 tỷ USD, chiếm 56% tổng vốn đăng ký đầu tư của cả nước.
Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, cơ cấu đầu tư như trên là đúng hướng và có tác động tích cực đến sự phát triển các ngành công nghiệp của Việt Nam, phù hợp với chủ trương công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài có hiệu quả không, nền kinh tế có thể hấp thu được các công nghệ, vốn nước ngoài mang vào hay không phụ thuộc lớn vào việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Theo đó, công nghiệp hỗ trợ sẽ giúp tạo ra giá trị gia tăng trong nội tại nền kinh tế. Nếu không làm được điều này thì dù có đầu tư nước ngoài nhiều, giá trị gia tăng của Việt Nam là hạn chế.
“Nếu không phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước, chắc chắn mức độ phụ thuộc lớn vào bên ngoài là không thể tránh khỏi, tương ứng với đó là sự suy yếu về sức cạnh tranh và sẽ rất khó để phát triển kinh tế bền vững và lâu dài” – Cục Đầu tư nước ngoài cảnh báo.
Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ không có nghĩa chỉ nhập nguyên liệu về lắp ráp, gia công , không phải chỉ cung cấp cho các doanh nghiệp FDI lắp ráp mà còn tham gia vào chuỗi giá trị thế giới. Đây là vấn đề then chốt nhất của công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam phải hướng tới các ngành công nghiệp chủ lực của đất nước và các ngành thu hút mạnh nguồn vốn FDI, các ngành có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhất thiết phải quan tâm, phát triển được lực lượng doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi đây lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa được phát triển một cách mạnh mẽ thì không chỉ tạo động lực lớn hơn cho đất nước, tạo nhiều công ăn việc làm mà còn tạo ra một chuỗi giá trị gia tăng lớn hơn phục vụ cho sản phẩm công nghiệp chính, những công nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng này.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, giải pháp cần thiết nhất hiện nay đó là nhanh chóng hiện đại hóa công nghệ, đào tạo lao động chất lượng cao để sớm có thể sản xuất những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Ngoài ra, các chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ cần tạo lập mối quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước; đồng thời, cũng cần tạo lập được các mô hình liên kết theo chiều dọc và chiều ngang để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm quốc gia.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét