Việt Nam đã từng gây trấn động địa cầu khi vươn lên những vị trí xuất khẩu hàng đầu về nông sản như gạo, cà phê, cao su… Tuy nhiên, điều khiến cho nông sản nước ta chưa khẳng định được đẳng cấp trên thị trường thế giới chính là chất lượng sản phẩm còn thấp.
Bao nhiêu năm qua, sau những hào quang ban đầu, Việt Nam vẫn loay hoay với những sản phẩm nông sản truyền thống và đẩng cấp thấp. Trong nhiều trường hợp, sản xuất lại nghiêng về số lượng và chất lượng thì giảm, giá cả cũng đi xuống, thị trường đối mặt với nhiều rủi ro.
Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản thô nên giá trị sản phẩm thấp (Ảnh minh họa)
“Điểm yếu cốt tử của hàng nông sản Việt Nam là chất lượng. Chúng ta xuất khẩu gạo 20 năm nay nhưng gạo vẫn chưa có thương hiệu, không kiểm soát được dư lượng, không truy xuất được nguồn gốc và gạo không thuần loại, vì thế giá gạo còn rất khiêm tốn,” TS. Nguyễn Đình Bích, chuyên gia kinh tế, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp với Nông thôn mới diễn ra sang 22/5 tại Hà Nội.
Theo TS Bích, chúng ta chủ yếu xuất khẩu nông sản thô, chưa qua chế biến. Trong khi đó, giá nông sản thô trên thế giới luôn rất thấp và bẩn ổn, vì thế điệp khúc “được mùa, mất giá” vẫn tiếp tục diễn ra.
Yếu kém lớn của nông sản Việt Nam là không kiểm soát được chất lượng. Vì thế, vấn đề quan trọng hiện nay là nâng cao chất lượng nông sản để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Do đó, trong các chính sách của các cơ quan quản lý cần hướng tới liên kết hình thành các chuỗi giá trị. Doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất hàng hóa theo quy trình kỹ thuật đảm bảo an toàn. Chỉ theo hướng đó, tiêu thụ nông sản mới thuận lợi và thúc đẩy được xuất khẩu, TS. Bích nhận định.
Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập, chúng ta chưa thay đổi được phương thức phát triển, quan niệm sản xuất nông nghiệp nên khó cạnh tranh trên thị trường.
Theo phương thức cũ, người nông dân là trung tâm, sản xuất theo mô hình “con trâu đi trước, cái cày theo sau”; nhưng bối cảnh hiện nay đã khác. Cần xem xét lại vai trò của doanh nghiệp trong phát triển nông nghiệp nông thôn: Doanh nghiêp sẽ đóng vai trò quan trọng như nông dân đã từng đóng vai trò xưa hay chỉ là phụ, nếu vai trò quan trọng thì chức năng thực của doanh nghiệp là gì? Chúng ta không thể tiếp tục sản xuất như thế này mà cần tập trung vào phương thức phát triển mới cho nông nghiệp – nông thôn, Ts. Thiên cho biết.
Nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đã đưa ra dự báo, trong 5 hay 10 năm tới, xuất nông sản nói chung vẫn sẽ tiếp tục khó khăn do giá nông sản thế giới đang trên đà đi xuống. Dự báo này khá bi quan, nhất là với trường hợp của Việt Nam, nền kinh tế chủ yếu xuất khẩu nông sản thô. Nếu không thay đổi tư duy và cách sản xuất, đặc biệt là không thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư tích cực hơn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thì trong thời gian tới xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn rơi vào tình trạng chật vật.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét